Một mối tình dang dở...
Chuyện tình giữa Nam Phương Hoàng hậu và Vua Bảo Đại vốn luôn là một trong những câu chuyện tình đẹp và được nhắc tới nhiều nhất trong...
Chuyện tình giữa Nam Phương Hoàng hậu và Vua Bảo Đại vốn luôn là một trong những câu chuyện tình đẹp và được nhắc tới nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến. Tuy vậy, mối tình tưởng như tốn cả ngàn nghiên mực cũng chỉ kéo dài được vỏn vẹn hơn 10 năm.
Chúng ta đều biết về Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam nhưng chưa hẳn đã biết rõ về người vợ chính thức đầu tiên của ông: Nam Phương Hoàng hậu. Nam Phương Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914 tại Gò Công, Tiền Giang. Bà được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có bậc nhất Việt Nam thời bấy giờ. Năm 12 tuổi, bà sang Pháp theo học 1 ngôi trường nữ sinh danh tiếng tại Paris. Sau 6 năm, bà đậu tú tài toàn phần rồi trở về nước trên chuyến tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Có tài liệu cho rằng, Vua Bảo Đại sau khi qua Pháp cũng trở về trên chuyến tàu này và họ đã gặp nhau lần đầu tiên tại đây. Nhưng cũng có tài liệu cho rằng, họ gặp nhau lần đầu tiên tại một dạ tiệc do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.
Dù cho họ đã gặp nhau ở đâu đi chăng nữa thì điều khiến 2 người nảy sinh tình cảm không đơn thuần chỉ là sự mến mộ về vẻ ngoài mà đó còn là nhờ sự đồng điệu về mặt tâm hồn: Cùng yêu thể thao, cùng thích âm nhạc và đều quen với lối sống phương Tây. Sau nhiều lần gặp gỡ, Bảo Đại đã quyết định ngỏ lời cầu hôn Nguyễn Hữu Thị Lan. Bởi sự khác nhau về tôn giáo, khác nhau về quốc tịch, họ đã gặp phải rất nhiều sự phản đối từ hoàng tộc, triều đình và cả gia đình nhưng đến cuối cùng, Vua Bảo Đại đã nói: “Trẫm cưới vợ cho Trẫm chứ không phải cưới vợ cho Triều đình” và hôn lễ đã được tổ chức tại Huế ngày 20 tháng 3 năm 1934, khi đó Vua Bảo Đại 21 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan vừa tròn 20.
Để minh chứng cho tình yêu của Bảo Đại dành cho Nam Phương vô cùng lớn, không thể không kể tới việc ông đã chấp nhận tất cả những điều kiện bà đặt ra:
1. Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung sau ngày cưới.
2. Được giữ nguyên đạo Công giáo và các con khi sinh ra phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo và giữ đạo.
3. Riêng Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
4. Phải được Tòa Thánh cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.
Không chỉ vậy, bà còn là người đầu tiên đặt ra quy định loại bỏ tam cung lục viện, không còn chuyện năm thê bảy thiếp, cả đời phải thuỷ chung với một người. Nhưng lời thề sẽ mãi mãi thuỷ chung son sắt với một người phụ nữ suy cho cùng cũng chỉ còn là chót lưỡi đầu môi: Đầu tiên là sự xuất hiện của Thứ phi Mộng Điệp, rồi tới bà Phi Ánh, vũ nữ Lý Lệ Hà, cô gái Trung Hoa Hoàng Tiểu Lan,... Sự xuất hiện của họ đều là những dấu mốc chứng minh rằng, lòng chung thuỷ của Bảo Đại cũng chỉ kéo dài được 10 năm.
Để rồi từ một người phụ nữ ai ai cũng ngưỡng mộ, chẳng mấy chốc Nam Phương đã trở thành vị Hoàng hậu đáng thương, phải sống cô độc nơi đất khách quê người đến cuối cuộc đời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất