Hãy bắt đầu với một thí nghiệm tư duy:
Giả sử trong tương lai xuất hiện giống loài ngoài hành tinh với trí tuệ, sức mạnh, sắc đẹp và công nghệ vượt trội loài người, liệu có ổn không nếu chúng bắt nhốt con người vào các nhà chứa, nuôi ăn uống, ép sinh sản và cuối cùng hút cạn sự sống chúng ta như hút một hộp sữa?
Hoặc liệu tôi có thể mua một con chó rồi đánh đập và hành hạ nó hàng ngày bởi vì tôi khỏe mạnh, thông minh hơn nó và quan trọng là tôi thích thế hay không?
Nếu bạn là một vị Chúa trời toàn năng và thánh khiết, liệu bạn có cho phép những điều đó xảy ra không? Nếu không, tại sao bạn lại cho phép mình bóc lột và ăn thịt các loài động vật khác?
Đạo đức là làm sao để giảm thiểu đau khổ và tối đa hóa hạnh phúc, vậy liệu có đạo đức hay không nếu ta LỰA CHỌN hành hạ và ăn thịt các sinh vật, gây ra muôn vàn ĐAU ĐỚN KHÔNG CẦN THIẾT chỉ bởi vì chúng ta THÍCH và CÓ THỂ làm thế?
Hãy lưu ý, bài viết này chỉ tập trung vào những lựa chọn gây ra ĐAU ĐỚN KHÔNG CẦN THIẾT.
Những trường hợp ăn thịt để sinh tồn, để sống khỏe mạnh là cần thiết. Ví dụ, một đứa trẻ cần được ăn thịt để có thể phát triển khỏe mạnh, vậy thì đây là một hành vi hợp lý. Cái chết và bệnh tật cũng gây ra đau đớn không kém cho con người, và việc phòng ngừa những đau đớn ấy là cần thiết. Tuy vậy, xin hãy nhớ rằng sự phòng ngừa ấy vẫn phải trả bằng nỗi đau đớn tột cùng của các loài vật.
Những trường hợp ăn thịt vì thích, vì vui, ngay cả khi có những lựa chọn ăn uống khác sẽ bị coi là gây ra đau đớn không cần thiết, và vì vậy, là tàn nhẫn và vô đạo đức.

Cái giá của những miếng thịt

Hầu hết chúng ta không suy nghĩ quá nhiều về số phận của những con lợn, gà hay bò trước khi thưởng thức miếng thịt từ phần cơ thể chúng. Ta nghĩ rằng chúng chỉ là những con vật với mục đích tồn tại duy nhất là thỏa mãn cơn đói của con người. Chúng chỉ là động vật thôi mà? Chúng làm gì có cảm giác và cảm xúc! Chúng có lẽ còn chẳng cảm thấy đau khổ?
Đây có lẽ là một sự phớt lờ độc ác bậc nhất trong lịch sử. Sự thật là những con vật kia không chỉ cảm thấy đau đớn về thể xác, mà còn trải qua cảm giác đau khổ cùng cực về cảm xúc.
Trước khi được bày lên đĩa và chui tọt vào mồm con người, những con lợn, gà, bò đã có một đời sống khốn khổ và đau đớn đến tột cùng.
Vòng đời của những con lợn trong trại thịt công nghiệp là một tấn bi kịch. Ngay sau khi ra đời, lợn con bị tách khỏi lợn mẹ. Nó bị cắt đuôi và nhốt vào trong những chiếc lồng sắt xếp chồng lên nhau. Nó được vỗ béo trong một chu kỳ ăn-ngủ lặp lại, bao quanh bởi mùi hôi thối bởi chất thải của chính nó.
Cho đến khi đủ cân nặng, những con lợn được chất lên xe tải và đưa đến lò mổ. Đó là lần đầu tiên chúng được đưa ra khỏi trang trại. Chúng có vài giờ chen chúc và ngắm nhìn cuộc sống bên ngoài lần cuối cùng. Những ngày tháng khốn khổ cuối cùng cũng kết thúc, bằng cơn đau thấu xương khi lưỡi dao mổ xuyên qua cơ thể. 
Vậy còn những con lợn mẹ thì sao? Ngay sau khi bị tách khỏi con con và chịu đựng sự tra tấn cảm xúc nặng nề, nó tiếp tục bị đưa về chuồng nhốt để thụ thai lần tiếp theo. Những con lợn nái có thai thậm chí gần như không thể trở mình hay nằm ngủ nghiêng. Sau khi đẻ, chúng đau đớn khi bị tách khỏi con con. Chúng trải qua 5-10 chu kỳ như vậy trước khi chính chúng bị đưa đến lò mổ. 
Những con lợn dành phần lớn cuộc đời trong chuồng sắt nhỏ hẹp, vây quanh bởi phân và nước tiểu của chính mình | Ảnh: Thehumaneleague
Những con lợn dành phần lớn cuộc đời trong chuồng sắt nhỏ hẹp, vây quanh bởi phân và nước tiểu của chính mình | Ảnh: Thehumaneleague
Vậy còn những cốc sữa ngọt lịm chúng ta uống ừng ực thì sao? Khả năng cao là đến từ những con bò, dê và cừu với vòng đời đau khổ chẳng kém. Những con vật này chỉ tiết sữa khi đẻ. Để tận dụng sữa con mẹ triệt để, người ta tách con con ra ngay sau khi chúng được sinh. Hay thậm chí đeo gai lên mồm chúng, khiến con mẹ bị đau khi con con bú.
Những con bò cũng dành cả đời bên trong chiếc chuồng nuôi chật hẹp. Chúng đứng, ngồi, ngủ cả ngày trong phân và nước tiểu của chính mình. Chúng được tiêm hormone tăng trưởng và dung dịch kích thích tiết sữa. Cứ vài giờ nó sẽ bị vắt sữa một lần. Sau khi đã hết sữa, nó tiếp tục được cho đi thụ thai, cho đến khi không thể đẻ nổi nữa và bị đưa đến lò mổ. Con bò không gì hơn ngoài một cái máy sản xuất sữa, với cái miệng để nhận nguyên liệu và bầu vú để cung cấp thành quả.
Liệu những con bò sữa có thể vui vẻ và hạnh phúc nếu chúng liên tục bị tách khỏi con con và vắt sữa liên tục? | Ảnh: Humaneleague
Liệu những con bò sữa có thể vui vẻ và hạnh phúc nếu chúng liên tục bị tách khỏi con con và vắt sữa liên tục? | Ảnh: Humaneleague
Nhưng chẳng phải chúng vẫn sống khỏe, được cho ăn, được bảo vệ khỏi môi trường tự nhiên đó hay sao? Chúng phải biết ơn loài người mới phải!
Không phải loài động vật nào cũng chỉ cần được cho ăn và nuôi sống là đã có thể hạnh phúc.
Các động vật có vú như bò hay lợn thừa hưởng đặc tính xã hội và cảm xúc rất cao từ tổ tiên hoang dã của chúng. Những con lợn là loài động vật thông minh, có tính xã hội cao. Chúng có trí tò mò và thôi thúc mạnh mẽ được giao tiếp, chơi đùa và khám phá môi trường xung quanh. Lợn mẹ và lợn con có mối liên kết tình cảm đặc biệt. Chúng muốn được ở bên và chăm sóc nhau.
Những con lợn thừa hưởng nhu cầu khám phá và kết nối xã hội từ tổ tiên hoang giã
 Ảnh: Elsabe Visser
Những con lợn thừa hưởng nhu cầu khám phá và kết nối xã hội từ tổ tiên hoang giã Ảnh: Elsabe Visser
Từ góc độ chăn nuôi, những con lợn không cần ở bên nhau hay rong chơi để tồn tại và sinh sản. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ không cảm thấy thôi thúc để kết nối và khám phá. Không phải con vật nào cũng chỉ cần được cho ăn là đã hạnh phúc. Đây là nguyên tắc cơ bản của tiến hóa, rằng những đặc tính tự nhiên vẫn lưu giữ trong mã gene ngay cả khi nó không còn cần thiết cho sinh tồn và sinh sản. Những con vật vẫn có những khao khát rất bản năng, và chúng sẽ cảm thấy vô cùng tệ hại khi không được thỏa mãn.
Nhưng đó không phải thứ mà những người chăn nuôi quan tâm. Họ chỉ làm sao để chúng đủ cân nặng và tiếp tục sinh sản. Con người đã khước từ tất cả những nhu cầu cảm xúc quan trọng của động vật và điều này khiến đời sống của chúng đặc biệt tệ hại.
Thay vì bước đi trên đất mềm, rong chơi trên đồng cỏ, chơi đùa với đồng loại, thứ con vật nhận được là những chuồng sinh sản bé xíu, bao quanh bởi thanh kim loại và sàn xi măng lạnh ngắt. Những nhu cầu không được đáp ứng khiến chúng bộc lộ sự khó chịu, tuyệt vọng, và điên loạn.
Trước khi được con người tận hưởng vị ngon, những con vật đã sống một cuộc đời khốn khổ, và chịu một cái chết đau đớn tột cùng.
Đó là số phận chung của hàng tỷ sinh vật trong các trang trại và lò mổ trước khi được con người thưởng thức.
Và bạn có tưởng tượng nổi không? Tất cả những nỗi đau ấy không phải để phục vụ cho bất kỳ lý tưởng nào lớn lao, không phải để cứu rỗi bất kỳ ai, không phải để thắng một cuộc chiến. Nó là cái giá phải trả chỉ để người ta suýt xoa khi miếng thịt tan trong miệng, để người ta cười khoái trá khi cắn miếng gà giòn rụm, để người ta thỏa mãn khi nuốt từng ngụm sữa.
Từng đấy những đau đớn và khổ cực phải trả chỉ để loài người được thỏa mãn vị giác?
Ảnh: Andrew Skowron & Otwarte Klatki
Từng đấy những đau đớn và khổ cực phải trả chỉ để loài người được thỏa mãn vị giác? Ảnh: Andrew Skowron & Otwarte Klatki

Ơ nhưng mà…

Ơ nhưng mà ăn thịt là lựa chọn của tôi?

Chỉ bởi vì đấy là lựa chọn của bạn, không có nghĩa đấy là một lựa chọn đạo đức. Chỉ bởi vì bạn có thể làm thế, không có nghĩa việc đó là hợp lẽ phải.
Lũ người ngoài hành tinh trong thí nghiệm tư duy ban đầu luôn có khả năng LỰA CHỌN để bóc lột con người. Nhưng sự có thể ấy không phải là lý do để biện minh cho những đau khổ mà hành vi đó gây ra.
Nếu tôi đi trên đường và bắt gặp một con chó, tôi đá cho nó một cú vào bụng. Đấy là lựa chọn của tôi nhưng liệu lựa chọn ấy có chấp nhận được không? Dĩ nhiên là không! Nó vẫn sai trái vì nó gây ra đau đớn không cần thiết.
Vậy tại sao lựa chọn góp phần vào hàng tấn nỗi đau của ngành công nghiệp nuôi nhốt và giết thịt lại được chấp nhận?

Ơ nhưng mà tôi cần ăn thịt để sống?

Lần gần nhất mà bạn ăn thịt, có thực sự là bạn bắt buộc phải ăn để sống hay không? Nếu có, bài viết này không dành cho bạn. Bài viết này không xét đến trường hợp một người bắt buộc phải ăn thịt để tồn tại hoặc để sống khỏe. Cái chết và bệnh tật gây ra nhiều đau đớn cho nhân loại, và nếu ăn thịt là cách để ngăn ngừa, thì nó là một lựa chọn hợp lý (dù tôi vẫn phải nhấn mạnh rằng nó được trả giá bằng nỗi đau rất lớn của động vật).
Nhưng nếu không phải, vậy thì bạn ăn thịt vì điều gì? Chẳng phải bởi vì nó ngon và tiện hay sao. Bởi vì ăn thịt khiến bạn sung sướng và hạnh phúc. Đây vốn không phải vấn đề về nhu cầu (need) mà là về sở thích (taste) và sự tiện lợi (convenience).
Nhưng từng đấy nỗi đau chỉ để bạn ăn cho sướng miệng thì có đáng và có đúng hay không?

Ơ nhưng mà con người vượt trội hơn so với các loài động vật khác, nên ăn thịt chúng cũng là lẽ tự nhiên thôi mà?

Trên cơ sở nào để bạn nói rằng con người thượng đẳng hơn? Vì con người thông minh hơn, đẹp đẽ hơn, giỏi giang hơn? Tất cả những tiêu chuẩn về trí tuệ, vẻ đẹp, sức mạnh đều được đặt ra bởi chính con người. Vậy có công bằng không cho các loài động vật khi phải đấu ở “sân khách” như thế?
Con người không thể nhìn xa như đại bàng, không thể bay như chim ưng, không thể thở dưới nước như cá, không thể nhìn trong bóng đêm như cú. Những điều này có khiến đại bàng, chim ưng và cá thượng đẳng hơn loài người không?
Bản thân sự so sánh vốn dĩ đã khập khiễng và không hợp lý.
Nhưng ngay cả khi tôi đồng ý với bạn rằng con người thực sự thượng đẳng hơn các động vật khác, điều này cũng chẳng hợp lý hóa được hành vi hành hạ và ăn thịt động vật.
Hãy nhớ lại thí nghiệm tư duy mà tôi đặt ra từ ban đầu. Giống loài ngoài hành tinh có sức mạnh và công nghệ vượt trội so với loài người. Chúng có thể bóc lột và hút cạn sự sống con người mà không gặp bất kỳ khó khăn gì. Nhưng chỉ bởi vì chúng vượt trội hơn con người về những khía cạnh nhất định, không có nghĩa là hành vi tàn sát con người là đúng đắn.
Liệu hành động của lũ ngoài hành tinh có đạo đức khi bóc lột và tiêu diệt loài người chỉ bởi vì chúng thông minh và quyền lực hơn?| Ảnh: Animation World Network
Liệu hành động của lũ ngoài hành tinh có đạo đức khi bóc lột và tiêu diệt loài người chỉ bởi vì chúng thông minh và quyền lực hơn?| Ảnh: Animation World Network
Liệu tôi có được phép đánh đập và hành hạ ai đó chỉ bởi vì tôi thông minh, khỏe mạnh, giỏi giang và quyền lực hơn họ? Liệu chúng ta có được phép ăn thịt một người có IQ thấp hơn mình hay không? Liệu tôi có được phép đánh đập thú cưng bởi vì tôi khỏe hơn chúng không? Hiển nhiên là không, bạn sẽ coi tôi là loại ác độc và tàn nhẫn. Vậy tại sao chúng ta lại có quyền làm thế với bò, lợn, gà?

Ừ rồi sao?

Chắc chuẩn bị kêu gọi ăn chay hả?
Không, tôi chẳng kêu gọi bạn ăn chay hay làm bất cứ điều gì cả. Tôi không phải nhà hoạt động xã hội. Ngay cả khi tôi thành công trong việc bảo vệ luận điểm của bài viết này, tôi cũng không nghĩ nó sẽ thay đổi bất kỳ ai ngoại trừ chính bản thân tôi. Nói chung, tôi có thể sẽ làm những điều đó trong tương lai, nhưng ít nhất hiện tại thì chưa.
Thứ tôi muốn hơn cả là một cuộc tranh luận thấu đáo và nghiêm túc về khía cạnh đạo đức của hành vi ăn thịt. Tôi muốn thảo luận với bạn câu hỏi rằng liệu có đáng không khi chúng ta gây ra từng ấy nỗi đau chỉ để thỏa mãn vị giác và sở thích của mình.
Tôi muốn mình có thể thống nhất về tư tưởng đạo đức. Tôi muốn những hành vi của mình cần phải có lý do đúng đắn để biện minh. Nếu tôi nghĩ rằng lũ người ngoài hành tinh ở phần đầu là sai, tôi cũng phải đồng ý hành vi ăn thịt của con người cũng là sai. Nếu tôi nghĩ rằng đánh đập, ăn thịt chó là sai, tôi cũng phải đồng ý rằng nuôi nhốt, hành hạ và ăn thịt bò, lợn và gà cũng sai nốt.
Tôi chỉ muốn thực sự hiểu được đâu là điều đúng nên làm.
Thú thực, tôi thậm chí mong ai đó có thể phản biện tuyệt đối bài này. Để từ đó tôi có thể nhận ra sai lầm trong tư duy và tận hưởng món gà rán mà không cần cảm thấy tội lỗi.
Vậy nên, tôi chờ ý kiến phản biện của bạn.