Nhân dịp sắp hết kỳ học kỳ mùa Xuân 2021 mình xin được động đến một chuyện không dễ nói ra với các bậc phụ huynh có con em, người thân đang du học. Nếu con em của các bạn kỳ này học hành sa sút, rơi vào một chút khủng hoảng thì đừng vội thất vọng, rồi cố gắng đưa ra giải pháp bắt nó phải làm theo và trách mắng các em vội.  Năm vừa rồi là năm đặc biệt tồi tệ với du học sinh, đặc biệt những em mới đi du học. Nó sống sót qua mùa dịch này đã là một kỳ tích rồi.

Để lý giải cho việc này mình xin được đưa ra một vài lý do mà các em ít nói ra nếu chính các em đang ở trong những vũng lầy đó.

Điều đầu tiên là bao giờ những năm đầu sẽ thường là những năm khó khăn nhất, vì các em sẽ phải cố thích ứng với một môi trường hoàn toàn mới. Đính kèm vào đây là bảng điểm của mình trong 7 học kỳ đầu ở trường mình hồi mới đi học nước ngoài. 


Lý do mình đưa ra ở đây là để nói rằng vạn sự khởi đầu nan. 3 học kỳ đầu, điểm trung bình của mình ở trường thường không tầm cỡ thế giới gì, chỉ là (3.8+3.55+3.4)/3=3.58 (3.50 là rớt học bổng) trên thang 4.0, trong khi học kỳ thứ 4 trở đi thì trung bình là 3.84, có sự tiến bộ một cách rõ rệt. Lý do vì chính vì mình bắt đầu biết cách học chứ không phải thụ động nữa, biết cách học hơn, biết cách đối phó với vấn đề hơn.

Một việc khác quan trọng hơn là vấn đề về rào cản văn hóa và ngôn ngữ sẽ được cải thiện trong khoảng 2 năm gì đó với với các em. Có một số bố mẹ sẽ bất ngờ với việc con mình học giỏi tiếng Anh, IELTS TOEFL điểm cao, nghe phim Mỹ, nói tiếng Anh như gió mà sang đó mà kêu thầy cô giáo giảng hay bạn bè nói vẫn không hiểu, không chơi được với ai. Lý do chính ở đây là để hiểu từng từ thì dễ nhưng để hiểu được ngữ cảnh thì rất khó, người nước ngoài có những mối quan tâm rất khác người Việt. Ngày xưa mình nhớ có một lần học lớp viết luận, thì họ sẽ không bắt đọc một trang thơ và bôi ra thành 4 trang giấy (hay đọc một đề bài 3 câu và bình cả trang giấy như đề SAT hay thi đại học) giống ở trong nước. Thầy cô ở nước ngoài sẽ bắt đọc 50 trang sách trong 2 ngày để viết được nửa trang luận. Các chủ đề thì thường là các bạn ở trong nước sẽ có rất ít hiểu biết nền. Ví dụ, mình nhớ có một lần chủ đề của bài đọc là bàn về việc nên gọi Chúa trời là Ông giống đực hay là không có nhân xưng gì vì không phải là người. Tôn giáo là một chủ đề rất ít được bàn luận một cách nghiêm túc khi học ở Việt Nam -- lúc đó mình đọc thì chịu không thể hiểu được là tại làm sao người ta lại đi bàn luận về việc đó và trả lời được câu hỏi đó thì giải quyết được vấn đề gì. Rồi bàn với nhau thì họ sẽ đưa ra ví dụ trên StarTrek hay Sprongebob là những phim mà trẻ con Mỹ ai cũng xem nhưng mình thì không được xem. Nhiều khi có những đề bài mà mình giờ nghĩ lại giờ mới thấy thầy cô ra đề để chọc cười hay đá xéo một việc gì đó bằng cách hỏi một chủ đề khác hẳn, nhưng lúc đó hoàn toàn không nhận ra. Như vậy hiểu ngôn ngữ chưa đủ, để hiểu người khác nói gì thì các em phải hiểu cả ngữ cảnh và văn hóa nữa. Cái khó của việc chân ướt chân ráo đến một môi trường mới là không biết nên hỏi cái gì, và không nên hỏi cái gì vì cái gì mình cũng không hiểu. Vì thế những lời khuyên là không hiểu cái gì thì phải hỏi lại vân vân là một lời khuyên có ích nhưng thừa thãi, các em thừa biết việc đó nhưng mà áp dụng thì rất khó.

Thứ hai là COVID. Việc các em sang đúng vào mùa COVID sẽ làm cho việc cảm thấy cô đơn, chán nản bình thường một thì tăng lên gấp bội. Mình xin không kể về việc phân biệt chủng tộc, thù ghét châu Á do hậu quả của COVID vì thường trường học là môi trường cũng khá an toàn, mọi người tương đối hiểu biết nên việc này ít diễn ra hơn. Nhưng có nhiều lý do mà COVID làm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của du học sinh. Việc học được văn hóa, ngữ cảnh ở trên đòi hỏi người ta phải được tiếp xúc với những người bản xứ để học. Những việc rất đơn giản như ôm lấy nhau hỏi han câu chuyện, đến phòng nhau cùng nấu chung bữa cơm ăn uống chơi cờ bạc vân vân đều sẽ xảy ra rất rất ít so với bình thường nên cơ hội để các em hiểu được văn hóa bản xứ cực ít. Cụ thể, mùa COVID này vợ chồng có chuyển đến một chỗ sống cạnh một bà hàng xóm già rất thân thiện nhưng lãng tai. Khi bọn mình phải đeo khẩu trang mà hét vào tai, bà ấy cũng chỉ nghe được 25% vì bọn mình không nói được tiếng Anh chuẩn. Bọn mình nhận ra là khi tiêm vaccine rồi thì bỏ khẩu trang ra nói gì bà ấy hiểu 90%, vì bà đọc được mồm của bọn mình. Những chuyện nhỏ nhặt như thế chắc chắn là xảy ra đầy rẫy trong thời gian này. Nếu như COVID làm cho công việc, sự nghiệp của mọi người đình trệ mất vài năm như thế nào, thì hãy nghĩ rằng COVID cũng sẽ ảnh hưởng tới việc học tập, hòa nhập của các em như thế.

Thứ ba là sự kỳ vọng của cha mẹ và môi trường cạnh tranh của các em trong những năm gần đây đã rất rất khác. Khi các em đi du học là sẽ không chỉ cạnh tranh với người bản xứ vừa giỏi ngôn ngữ văn hóa lại vừa được học chương trình tiên tiến -- không đơn giản thế. Các em sẽ đi cạnh tranh với người bản xứ và những học sinh giỏi nhất, ở tất cả các vùng miền trên thế giới này tụ họp lại. Nước Ấn Độ hay Trung Quốc có rất rất nhiều người, đông hơn gấp 10 lần nước Việt, trong đó có rất nhiều người rất tài năng và chăm y như nước mình, và hàng năm họ cũng gửi rất nhiều con em đi Mỹ du học. Chỉ cần tính về sơ bộ xác suất thôi, thì việc con em của mình đi đánh bại được những người như vậy là rất khó rồi. Nhưng điều quan trọng hơn ngay cả so sánh với người mình thì cũng khó. Giờ đây những thông tin kiểu học sinh đậu vào Harvard, học bổng toàn phần này kia vào 50 trường nghe hoành tráng PR lên VnExpress ầm ầm. Chỉ về toán học mà nói, cả nước may ra mới có vài số độc đắc như vậy, xác suất có đứa con quái vật như thế là cực hiếm. Hơn nữa, nếu đọc kỹ về những bạn này thì thấy đôi khi báo đăng tin giật gân và bỏ đi những chi tiết để nâng tầm những người đáng ra là kha khá lên báo thành thần đồng. Ví dụ, tin vừa rồi mẹ hổ con vào Harvard thì mình để ý bài viết có lập lờ một số chi tiết không hoành tráng để làm cho việc đó trở thành to hơn là mức xứng đáng (mình xin không được bàn ở đây).

Người ta có câu nói "ignorance is bliss" tức là ngu si hưởng thái bình, là điều kiện chúng ta đã sinh ra và lớn lên, không biết ai giỏi hơn mình. Sự chủ quan thiên kiến về sự thành công là một thứ rất nguy hiểm. Giờ đây, nếu như ta đi search kết quả trên Youtube chẳng hạn sẽ thấy đầy rẫy những gương thành công, giàu có, giỏi giang. Nhưng ta nên nhớ đó là ngay cả nếu người làm những tin hay video đó trung thực thì những kỹ năng họ phô ra là những người khéo nhất của khéo, may nhất của may, giỏi nhất của giỏi, thành công nhất của thành công, thế giới cả tỷ người mới có một vài người như vậy. Các em phải lớn lên và sống trong những thứ kỳ vọng như thế, so sánh mình với người như thế nên cho dù không có ý định so sánh mình, thì áp lực lên tâm lý cũng cực lớn. Những kiểu nuôi dạy bắt con phải bằng người với những thứ xem ở trên Youtube hay đọc báo theo mình là một điều dở hơn là hay.

Vì những điều trên, mình nghĩ các bậc cha mẹ phụ huynh nên biết để mà để ý tới mà thông cảm cho các em. Nghe vụ mẹ hổ thì có vẻ hay nhưng theo mình đó là việc liều lĩnh và cá nhân mình không đồng tình với cách làm này, vì rất có thể những sức ép xuất phát từ kỳ vọng đó sẽ làm cho đứa trẻ không còn tin, nghe và chia sẻ với mình nữa. Có một điều mình biết là đời sinh viên thì 4-5 năm, cùng lắm là 10 năm. Có người rất thành công nhưng trên con đường đó vấp ngã, làm lại mấy năm không là gì. Cái không thể lấy lại là tình cảm gia đình và niềm tin giữa bố mẹ và con cái, anh chị em với nhau, cái đó chỉ đi mà không trở lại. Trong những năm tháng khó khăn này, việc thông cảm cho người khác, đặc biệt là cho chính con em, theo mình là quan trọng hơn tất cả những hào quang của sự thành công.