Mới đây, tôi gửi một gói quà gồm ít đồ dùng học tập, sách vở và thuốc cho B., một cô bé 16 tuổi mà tôi đang đồng hành trong một quỹ khuyến học vì trẻ em mồ côi.
Sau khi gửi hàng cho bên vận chuyển, tôi nhắn qua Zalo nhắc B. để ý điện thoại để nhận quà. B. trả lời vỏn vẹn "Dạ", một chữ Dạ rất thân thương mà cô bé luôn miệng nói trong các buổi trò chuyện giữa hai chị em.
Nhưng tôi đợi một lát, không thấy B. nói gì thêm. Tôi liền nhắn lại "Còn gì nữa không nhỉ?" với một emoji mặt cười :3
B. liền hiểu ý "Em cảm ơn chị!" Nhận được dòng này, tôi mỉm cười hài lòng và tiếp tục giải thích cho B. tại sao tôi chờ đợi đến khi em nói lời cảm ơn thì thôi.
Thực ra tôi không quá câu nệ việc người khác phải cảm ơn hay trả ơn khi mình làm gì cho họ. Với B. một cô bé tôi rất thương và coi như em gái, tôi càng không đòi hỏi điều đó.
Nhưng đây là một điểm tôi phát hiện ra một số bé mồ côi trong quỹ tôi làm thường thiếu sót. Các bé dễ quên không nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ, hoặc chỉ cảm ơn qua loa cho phải phép.
Bản thân các em là đối tượng yếu thế và nếu may mắn sẽ thường xuyên nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ từ các tổ chức và cá nhân hảo tâm. Tuy nhiên có thể vì chưa được dạy dỗ cẩn thận về lễ nghi giao tiếp từ nhỏ nên nhiều em không biết nói lời cảm ơn đúng lúc.
Những người khác có thể sẽ nghĩ "Ui bọn trẻ này không được giáo dục tử tế nên không biết phép lịch sự tối thiểu đây mà". Nếu họ cảm thông vì hoàn cảnh các em thì tốt, nhưng nếu gặp phải những người không đủ thấu hiểu như vậy, các em có thể để lại ấn tượng xấu và mất đi cơ hội được giúp đỡ nhiều hơn về sau chỉ vì thiếu mất hai chữ "cảm ơn".
Tôi nói với B. rằng chị yêu thương em và muốn em được mọi người xung quanh yêu thương, nên chị phải tập cho em thói quen nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ và xin lỗi khi làm sai. Đó là điều chị vẫn nhắc các cháu của chị, giờ chị nhắc cả em để em khỏi quên.
Chị không chỉ mong em trở thành người thành công để sau này tự lo được cho bản thân, chị còn mong em trở thành người lịch sự và không để bất kỳ ai chê trách rằng em không được giáo dục cẩn thận. Nếu em có thể nói lời cảm ơn và xin lỗi đúng lúc và thành tâm, em sẽ được mọi người yêu mến, quý trọng và giúp đỡ nhiều hơn. Như vậy chị cũng yên tâm hơn khi chị không thể luôn ở bên cạnh em.
Tôi hỏi B. em có buồn khi chị nhắc nhở em điều này không, B. trả lời rằng em hiểu tôi thương em nên mới nhắc như vậy và em sẽ chú ý hơn. Tôi mỉm cười hy vọng bài học này sẽ giúp ích được cho B. phần nào.
Thực ra bản thân tôi luôn rất coi trọng hai từ "cảm ơn" này. Không rõ có phải vì học Tiếng Anh từ nhỏ và bị ảnh hưởng của văn hoá người nói Tiếng Anh không nhưng tôi dần có thói quen luôn nói lời cảm ơn với những người xung quanh trong mọi tình huống, từ việc nhỏ như được nhân viên nhà hàng phục vụ món ăn cho đến những việc lớn hơn trong công việc và cuộc sống.
Nói lời cảm ơn là một việc rất đơn giản, nhưng nếu được làm thường xuyên một cách thực tâm, nó không chỉ giúp chúng ta trở nên lịch thiệp hơn trong mắt người khác mà còn nhìn thấy được mối liên kết mạnh mẽ giữa mình và người xung quanh.
Trong quá trình nói lời cảm ơn hàng ngày, tôi nhận ra rõ hơn những điều mình có thể biết ơn trong cuộc sống. Hôm nay mình được một chị nhường check-out trước trong siêu thị. "Cảm ơn chị". Hôm nay mình gặp một em tài xế Grab dễ thương trò chuyện an ủi suốt đường đi dài. "Thật cảm ơn em". Hôm nay mình được một bác bảo vệ khu chung cư nhắc trả vé ngày sớm kẻo bị trừ nhiều tiền. "Cháu cảm ơn bác".
Những khoảnh khắc đơn giản và hành động nhỏ nhặt cùng lời cảm ơn chân thành ấy cho mình thấy rằng mình đang được quan tâm và yêu thương mỗi ngày. Sự thật là không ai sinh ra trên đời này có thể sống sót một mình, chúng ta luôn cần sự hỗ trợ của một ai đó khác, và nhận thức được điều này giúp ta thấy biết ơn, trân trọng cuộc đời của chính mình hơn cũng như gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng của mình. Với một người gặp nhiều vấn đề tâm lý như tôi, chuyện này là vô cùng ý nghĩa.

Và việc cảm ơn không chỉ dừng ở những việc tốt đẹp người khác làm cho mình. Trước đây tôi từng nghe thần tượng của mình - Oprah Winfrey kể về một bài học quan trọng cô học được từ người dẫn dắt của cô - nhà thơ Maya Angelou. Khi còn trẻ, Oprah gặp một chuyện buồn và khóc bù lu bù loa trong phòng vệ sinh, cô gọi điện cho bà Maya để kể lể. Thay vì an ủi cô, Maya nói "Dừng lại ngay, đừng khóc nữa. Thay vào đó, hãy nói Cảm ơn đi!"
Oprah ngơ ngác không hiểu tại sao phải nói cảm ơn lúc này. Bà Maya vẫn nhất quyết bắt cô nói cảm ơn, sau đó bà giải thích: Dù con có gặp chuyện tồi tệ đến mức nào, hãy nói cảm ơn trước, bởi vì con không biết chuyện tồi tệ hôm nay sẽ dẫn con tới những bài học và tương lai tốt đẹp hơn mà con xứng đáng về sau như thế nào đâu. Vì vậy, trước hết hãy cứ nói Cảm ơn đã!
Đây là một triết lý sống cực kỳ sâu sắc mà Oprah đã học được, và khi nghe về nó, tôi cũng thấm thía hơn tại sao câu Cảm ơn lại có sức mạnh to lớn như vậy. Nó nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ diễn ra trong cuộc sống, dù đôi lúc mang vỏ bọc của những điều tồi tệ và bất lợi cho ta, lại có tác dụng nâng đỡ ta trên đường đời sau này. Như lời một người chị của tôi từng nói "Mọi thứ xảy đến với em là cho em và vì em, hãy luôn nhớ điều đó!"
Ngẫm lại thì bản thân tôi đã thực sự nhận được những lợi lộc không nhỏ từ hai tiếng Cảm ơn này, nên tôi mong những đứa em và đứa cháu của tôi cũng dần học được cách nói ra chúng, thật thành tâm và thật thường xuyên. Chúng không biết được điều diệu kỳ gì đang chờ đợi chúng ở phía trước đâu, nếu chúng đơn giản chỉ cần nói "Cảm ơn, cảm ơn và cảm ơn."
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet