Tôi mua cuốn sách "Một lít nước mắt" trong dịp đi dự hội sách mùa thu diễn ra tại công viên Thống Nhất vào năm 2016. Vốn dĩ luôn muốn đọc những cuốn sách về những con người bất hạnh, nhưng luôn cố gắng vượt lên số phận và cuốn sách này nằm trong danh sách mà tôi đã từng xem qua cho nên tôi không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ về việc nên mua hay không, và cũng không muốn mở ra để xem thử nội dung như những cuốn sách mà tôi hay chọn khác. Tôi muốn lúc đọc những cuốn như vậy phải thật tĩnh tâm, thật yên lặng để cảm nhận từng cảm xúc của nhân vật, và tôi đã không sai khi làm điều đó.
Một lít nước mắt có lẽ là cuốn sách tôi dành nhiều thời gian để đọc nhất. Lần thứ nhất đọc, tôi đã phải mất 2 tháng để hoàn thành, lần thứ hai, tôi mất 3 tuần, trong khi những cuốn sách khác, tôi chỉ đọc nhiều nhất là vài ngày. Có lẽ, do sự đồng cảm với bản thân mà mỗi trang tôi đọc, tôi đều phải dừng lại, suy ngẫm, rồi cùng cảm nhẫn những đơn đau đớn về thể xác, những day dứt về tinh thần mà cái cơ thể đầy bệnh tật này mang đến.
Cuộc sống của Kito Aya, một cô nữ sinh trung học hồn nhiên, hoạt bát và yêu đời bỗng chốc thay đổi khi cô phát hiện mình măc bệnh thoái hóa dây thần kinh tiểu não khiến cô mất đi khả năng kiểm soát các hành động của cơ thể. Và cuốn sách Một lít nước mắt chính là những dòng nhật ký đẫm nước mắt của Aya từ khi cô bắt đầu phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của căn bệnh, cho tới khi cô qua đời...
Trong những dòng nhật ký của mình, Aya đã kể rất chi tiết về cuộc sống của mình trong thời gian đấu tranh với căn bệnh. Những đau đớn về mặt thể xác khi cơ thể không thể cử động theo ý muốn, cơ thể đầy vết thương,những vết bầm tím khi mà cô cố gắng để di chuyển. Nhưng đau đớn thế cũng không bằng những gánh nặng về tinh thần mà cô phải mang. Một cơ thể tật nguyền khiến cho những hy vọng, dự dịnh trong của Aya phải hoàn toàn bỏ lại phía sau. Một cuộc sống phụ thuộc vào tất cả những người xung quanh, đặc biệt là gia đình khi mà mọi hành động từ di chuyển, ăn uống, tới vệ sinh đều phải cần người giúp đỡ. Đang sống trong độ tuổi tươi đẹp nhất của con người nhưng Aya phải chịu sự đau đớn tột cùng của cuộc sống, sự bất lực của bản thân.
Ấy vậy mà những nỗi đau ấy, những khó khăn ấy cũng chưa đủ để đánh gục được ý chí của cô gái đó. Cô luôn cố gắng từng ngày, từng giờ, từng việc nhỏ nhất, cô vẫn tham gia trị liệu vật lí đều đặn, vẫn luyện tập phát âm, luyện tập đi đứng hằng ngày, luyện tập một cách chăm chỉ. Cô làm tất cả với một niềm tin về một tương lai tươi đẹp đang đón chờ. Và rồi, cô sẽ được đi lại, chạy nhảy bằng đôi chân của mình, cô sẽ đi học đại học, cô sẽ có người yêu, rồi lấy người mình yêu và có một cuộc sống hạnh phúc tới già. 
Ước mơ tươi đẹp vậy đấy, hy vọng lớn lao vậy đấy nhưng hiện thực lại quá cay đắng, chua xót. Càng ngày, căn bệnh của cô càng nặng hơn khiến đôi khi Aya muốn gục ngã. Không những thế, sự kỳ thị từ xã hội khiến cho cô càng trở nên yếu đuối. Nhưng xã hội có nhìn cô bằng ánh mắt thương hại ra sao, dù cuộc sống có cay đắng thế nào thì vẫn có những ánh mắt ấm áp luôn ở bên cô, luôn dõi theo từng ngày. Đó là ánh mắt cổ vũ, động viên, hy vọng từ người mẹ của cô. Đó là ánh mắt khâm phục ý chí kiên cường của cô từ những y bác sĩ, cho tới bệnh nhân xung quanh cô. Nhờ Aya mà một ông lão đã nằm liệt bao lâu nay bỗng tự dưng muốn tham gia vật lý trị liệu. Còn bác sĩ Yamamoto thì lại càng quyết tâm hơn trong việc nghiên cứu ra phương pháp điều trị căn bệnh 'thoái hóa tiểu não' mà Aya mắc phải.
Đọc những dòng nhật ký của Aya, không biết tôi đã nghẹn ngào bao nhiêu lần. Đôi lúc, tôi nhìn thấy bản thân mình giữa những con chữ đang hiển hiện trên sách. Đã biết bao nhiêu lần tôi phải chịu đau đớn như vậy, cũng không biết bao nhiêu lần tôi đã tự động viên bản thân, đã cố gắng để đưa bản thân vượt lên được cái số phận như vậy. Luôn cố gắng tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho dù thực tại lại đang đầy tăm tối. 
Hầu hêt với mọi người, khi đọc xong cuốn sách thì hình ảnh Aya luôn hiện lên mạnh mẽ, đầy nghị lực, quyết tâm và tràn trề sức sống. Nhưng với tôi, thứ hình ảnh khắc sâu trong con tim tôi khi đọc xong là hình ảnh người mẹ của Aya. Một người mẹ lê chân con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để nhờ vả các bác sĩ tốt nhất tìm cách chữa trị cho con của mình, một người mẹ luôn mạnh mẽ làm chỗ dựa cho đứa con, luôn ở bên con những lúc đau đớn nhất, buồn bã nhất. Những lúc Aya tuyệt vọng nhất, vẫn luôn có một tia hy vọng lớn lao từ người mẹ truyền tới, khiến Aya có thể trụ vững trước những mệt mỏi, đau đớn. Tôi ám ảnh nhất với câu nói của người mẹ: "Aya, con mắc phải căn bệnh này là do số phận và việc chúng ta có đứa con như con cũng là số phận. Mẹ biết con đau khổ, nhưng bố mẹ còn đau khổ hơn con bội phần. Cho nên thay vì cứ khóc tức tưởi như thế, con phải sống cho thật kiên cường". 
Nước mắt tôi đã rơi rất nhiều sau khi đọc xong cuốn sách này. Ngay cả lúc này, khi mà tôi đang ngồi viết những dòng này, nước mắt tôi vẫn rơi. Tôi không thể ngừng được cảm xúc mỗi lần nghĩ đến hình ảnh của Aya đang quằn quại trong đau đớn, nhưng lại vẫn cố gắng để luyện tập, để đứng dậy. Tôi không thể quên được hình ảnh người mẹ luôn theo sát người con bệnh tật dù là ở đâu. Tôi hiểu rõ từng cảm xúc mà Aya trải qua, cũng thấm thía những lời mà mẹ Aya dặn dò. Nó quá giống với cuộc đời tôi, một cuộc đời đầy cay đắng, đầy đau đớn nhưng thật ấm áp khi còn có gia đình. 
Nếu biết đoạn đường nó ngắn, hãy cố gắng đi thật êm, thật chậm để tận hưởng hay làm được một điều gì đó