"Trái tim sinh ra để tan vỡ." Oscar Wilde
Bạn tôi thất tình rồi. Ban ngày, con bé nuốt cơm không vào, bưng bát cơm mà lặng lẽ rơi lệ, đi làm thì ngây ra nhìn màn hình máy tính. Đôi lúc nó sẽ hỏi tôi: "Trông tao có giống đã thành một người khác không?" Ba giờ sáng, nó thường gửi tin nhắn cho tôi, đôi khi nhắc lại điểm tốt của bồ cũ, còn lại thì toàn kêu buồn quá.
"Có phải tao không có tài cán gì ko? Ngày nào cũng chỉ biết khóc. Ai bị thất tình cũng sẽ vật vã như này sao?"
Sau thất tình, ngày nào bạn tôi cũng vô cùng nghi ngờ bản thân: "Phải chăng có mỗi tao như này? Là tao quá yếu đuối ư?"
Hôm nay tôi muốn chia sẻ vài điều về chủ đề thất tình. Sau khi thất tình sẽ trải qua những gì? Mỗi người sẽ có những phản ứng khác nhau ra sao? Thất tình chỉ có mặt hại chứ không có mặt lợi?

I. MỘT LẦN THẤT TÌNH ĐIỂN HÌNH THÌ TRÔNG RA LÀM SAO?

Nhắc tới thất tình, rất nhiều người thường nghĩ tới "chia tay". Trong nhiều trường hợp, thất tình và chia tay chính xác là có liên quan. Nhưng chia tay luôn là một sự thật khách quan, đánh dấu sự kết thúc một mối quan hệ, hai người đường ai nấy đi, nhưng điều này không trực tiếp đồng nghĩa với thất tình.
Thất tình, thực tế là một sự việc rất chủ quan. Bị đá, người mình yêu thầm có người yêu, đối tượng gian gian díu díu mập mờ có niềm vui mới, cảm thấy người kia không hề yêu mình... Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, mọi người đều có thể trải qua cảm giác thất tình, và đây là điều mà hầu như ai cũng sẽ trải qua trong đời.

1. Giai đoạn chia tách sau thất tình

Nghiên cứu khoa học thần kinh đã chỉ ra, khi người ta đang trong một mối quan hệ yêu đương, trạng thái hoạt động của đại não vô cùng giống với trạng thái nghiện ma túy. Còn sau khi thất tình, trạng thái của người đó cũng giống với phản ứng khi cai nghiện, khu vực bị kích hoạt trong đại não lúc đó giống với khu vực bị kích hoạt khi cai nghiện (Winch, 2018).
Vì thế, nếu yêu đương là một dạng nghiện ngập, thì thất tình chính là một lần cai nghiện.
Nói đơn giản, khi bạn đang có một tình yêu ngọt ngào, đại não sẽ coi người yêu bạn là một loại ma túy giống như heroin, vì vậy nó tạo ra khoái lạc và hưng phấn khiến bạn rất "phê".
Nhưng khi tình cảm này không thể tiếp tục, bạn không còn nhận được sự hỗ trợ cảm xúc giống như khi đang yêu, đại não của bạn sẽ cảm nhận được sự đau đớn bởi chia tách. Cuộc sống của bạn không còn người đồng hành đóng vai trò là heroin nữa, vậy là tiềm thức của bạn chỉ có thể lấy những kỷ niệm ngọt ngào trong quá khứ làm sản phẩm thay thế.
Trước đây tuần nào tôi cũng cùng người đó đi siêu thị đối diện, nắm tay nhau mua đồ tươi và đồ ăn vặt. Sau chia tay, tôi không bao giờ tới siêu thị đó nữa. Thậm chí khi ở gần đó, tôi liền cảm thấy toàn bộ quá khứ đang dội lại. (Nữ, thất tình 2 tháng)
Giống như người cai nghiện gắng sức nghĩ cách để được "hút chích lại", người thất tình cũng sẽ làm những việc điên rồ như liên tục rình mò trang cá nhân của bồ cũ, nửa đêm liên lạc để níu kéo quay lại, gửi cho họ những dòng tin rất dài như bài sớ... Những hành vi này xem ra có vẻ rất mất mặt nhưng ai trải qua đều sẽ hiểu đó là bình thường, người thất tình không thể kiểm soát nổi bản thân họ.

2. Giai đoạn tang thương sau thất tình

Chuyên gia tâm lý Guy Winch (2018) đã trình bày trong How To Fix A Broken Heart rằng: Trạng thái của người sau khi thất tình đều mang các đặc trưng của mất mát và đau buồn.
Sau khi một người thân thiết qua đời, cảm giác mất mát mà người ta mang sẽ tạo ra tổn thương tâm lý nghiêm trọng, dù không nhìn thấy vết thương nhưng mức độ đau đớn không hề nhẹ hơn một lần bị bỏng toàn thân. Đồng thời, cảm xúc và cuộc sống sau khi bị thương sẽ vô cùng hỗn loạn và mơ hồ: bi thương, phẫn nộ, buồn nôn, tức ngực, mất ngủ, ăn mất ngon, sức chú ý giảm, vv. Sau khoảng thời gian 1-2 năm, người ta mới có thể chấp nhận mất mát, cuối cùng cũng hoàn thành cuộc chia tay thực sự.
Vì vậy, có rất nhiều người sau khi chia tay 1-2 năm, vẫn có thể trải qua cảm giác cực kỳ đau buồn, điều này rất bình thường. Bởi vì sau khi thất tình, người ta sẽ rơi vào giai đoạn tương tự như có tang.
Những thứ đẹp đẽ trong quá khứ được phóng đại vô hạn, hậu quả là sự mất mát và cô đơn thường dẫn đến trầm cảm, 40% những người thất tình sẽ trải qua chứng trầm cảm có biểu hiện lâm sàng.
Thời điểm muốn quay lại nhất rơi vào khoảng tháng thứ 3 sau khi chia tay, tối nào tôi cũng không kìm được mà gửi tin nhắn cho người đó, nên người ta đã xóa tôi. Mỗi ngày lướt điện thoại tới 4 giờ sáng mới miễn cưỡng đi ngủ, ban ngày chỉ uống cà phê, đi chơi với bạn cũng đột nhiên gục xuống và bật khóc. (Nữ, thất tình 13 tháng)
Tuy nhiên, mức độ đau buồn luôn giảm nhẹ theo thời gian.
Khi giai đoạn tang thương kết thúc, nỗi đau sẽ giảm dần tới mức độ có thể chấp nhận được.

3. Sự sụp đổ niềm tin vào tình yêu sau thất tình

Đôi khi, trong ngắn hạn, thất tình sẽ tạo ra kích động cảm xúc và áp lực tâm lý lớn, chỉ trong thời gian ngắn gần như mất đi toàn bộ cảm giác hy vọng của một người và đe dọa niềm tin và cảm giác an toàn của người đó với thế giới này (Nhóm Segal, 2017).
Lúc đó, thứ dễ sụp đổ nhất chính là niềm tin vào tình yêu của một người.
Trong một mối quan hệ thân mật tốt đẹp, mọi người sẽ rất tán thành niềm tin vào tình yêu của mình. Tin tưởng tình yêu, tin tưởng tình yêu trong tim mình, tin tưởng tình yêu người kia dành cho mình, tin tưởng vị trí của tình yêu trong cuộc đời... Niềm tin vào tình yêu tồn tại trong một mối quan hệ thân mật giống như không khí, ta cảm nhận nó tự nhiên như hơi thở (Hanson, 2011).
Nhưng mà, khi mối quan hệ thân mật kiểu này dần giải thể và bay màu, niềm tin vào tình yêu của mọi người cũng sẽ bị dao động và sụp đổ.
Sau thất tình, người ta sẽ bắt đầu chất vấn tất cả những thứ họ từng tin tưởng trong tình yêu. Có phải mình không xứng đáng được yêu thương? Trên đời này không có ai thực sự yêu mình sao? Mình còn có thể tiếp tục tin tưởng tình yêu không?
Sự sụp đổ niềm tin vào tình yêu khiến người ta thất vọng với tình yêu và rất khó để mở lòng thêm lần nữa.
Sau khi chia tay mối tình đầu, tôi gần như mất đi khả năng cảm nhận tình yêu và cảm giác được yêu, tôi không còn muốn yêu đương gì nữa. (Nam, đã thất tình rất lâu)

4. Thất tình có thể thay đổi tính cách của một người

Khi thất tình, chúng ta không chỉ mất đi người yêu và thân phận tình nhân của mình, mà còn mất đi mối quan hệ thân mật với họ, mất đi lối sống khi có hai người và mất đi một phần của chính mình.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi những thay đổi trong điểm số của thang đo tính cách "5 yếu tố lớn" của 2274 người trong vòng 9 năm và yêu cầu các đối tượng này tích vào những sự kiện có tính bước ngoặt trong cuộc đời họ. Trong đó chỉ có 2 sự kiện có liên quan đáng kể tới sự thay đổi tính cách, một là thất nghiệp, hai là chia tay, đều xảy ra trong giai đoạn này (Nhóm Costa, 2000).
Khi người ta yêu nhau, sẽ có một quá trình hình thành quan niệm về cái tôi của nhau. Vì thế mà sau khi thất tình, người ta sẽ mất đi một vật tham chiếu quan trọng giúp cho họ hiểu rõ bản thân mình. Thế là quan niệm về cái tôi của họ sẽ thay đổi và bị điều chỉnh.
Vì vậy sau khi thất tình, rất nhiều người sẽ cảm thấy bối rối: "Không còn người kia nữa, bây giờ tôi phải là ai?"
Trước kia tôi là người rất coi trọng sự nghiệp, công việc dường như là toàn bộ cuộc sống của tôi. Sau khi đến với nhau, buổi sáng người đó cùng tôi tập luyện, buổi tối cùng nấu ăn, cuối tuần cùng tiệc tùng và dã ngoại với bạn bè hoặc cùng ở nhà xem phim, người đó còn nuôi chó nên chúng sẽ tôi cùng dắt chó đi dạo. Sau đó người kia đã phản bội, tôi chỉ có thể quay lại cuộc sống một mình, chứ không thể quay về cuộc sống như xưa được nữa. (Nữ, đang thất tình)

II. TRONG ĐAU BUỒN, MỌI NGƯỜI CÓ TRẠNG THÁI THẤT TÌNH KHÁC NHAU

Mỗi người đều có thể đạt được cảm giác tự tôn và cảm giác hạnh phúc từ mối quan hệ yêu đương. Vì vậy, sau khi thất tình, mọi người sẽ vì tổn thương lòng tự tôn mà cảm thấy mất mát và xung đột cái tôi, nỗi đau gây ra cũng tương tự. Nhưng trạng thái thất tình của mỗi người cũng khác nhau:

1. Biểu hiện sau thất tình của nam khác với nữ, có vẻ phái nữ khó vượt qua hơn

Nghiên cứu đã chỉ rõ, trong tình yêu, nam giới có được lòng tự tôn lớn hơn khi mang thân phận xã hội là người có đôi có cặp, còn nữ giới có được lòng tự tôn lớn hơn từ cảm giác được kết nối (Kenna, 2017).
Khác biệt này trực tiếp ảnh hưởng tới biểu hiện hành vi của hai giới sau thất tình: nam giới sẽ chữa lành bằng việc đi ra ngoài và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, còn nữ giới lại có xu hướng dựa vào sự hỗ trợ xã hội từ bạn bè và gia đình. Vì vậy, tình huống thường gặp sẽ là: nữ giới tụ tập với nhau để liên tục nhớ lại và phân tích những tình tiết riêng tư trong mối quan hệ tình cảm kia, còn nam giới có vẻ thoát khỏi rất nhanh, cuộc sống xã hội trở nên phong phú hơn, đi du lịch, tiệc tùng, thậm chí là hẹn hò để cố gắng bắt đầu mối quan hệ tiếp theo.
Tối hôm chia tay, tôi đi uống rượu thác loạn với anh em chiến hữu, mọi người ai cũng bảo "bai bai thì bai bai, người sau sẽ nice hơn", sau đó dự tính tháng sau xin nghỉ phép đi thăm thú Tây Tạng. Lúc bên cạnh các anh em thì không thấy gì, nhưng lúc một mình lại thấy choáng ngợp không biết phải làm sao. (Nam)

2. Yêu cầu khắt khe của xã hội có thể khiến đàn ông kìm nén cảm xúc và mất nhiều thời gian hơn để thoát khỏi một mối quan hệ

Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, nữ giới có thể thản nhiên nói về thất tình, nhu cầu công khai bộc lộ cảm xúc của họ có thể được xã hội chấp nhận. Nhưng khi nam giới có lời nói và hành động tương tự thì lại bị coi là yếu đuối.
Vì vậy, đàn ông sau thất tình sẽ cảm thấy áp lực lớn từ xã hội. Họ được xã hội dung túng để nghiện rượu, say xỉn, quan hệ tình dục bừa bãi, nhưng xã hội không chấp nhận họ đau buồn. Đàn ông không thể yếu đuối. Thế là họ chọn kìm nén cảm xúc của mình, không thừa nhận mình đang thất tình. Điều này có thể dẫn tới việc họ cần nhiều thời gian hơn để chia tay một mối tình.
Tôi và bạn gái cũ bên nhau ba năm, cô ấy là người nói chia tay. Thất tình thực sự rất đau khổ, vô cùng đau khổ, mỗi ngày đều không ngủ được, nhưng tôi nói với bạn bè là chúng tôi chia tay trong hòa bình, hiện nay vẫn làm bạn. (Nam, thất tình 5 tháng)

III. CUỐI CÙNG, MỘT LẦN THẤT TÌNH "ĐẸP" VẪN CÓ THỂ LÀ MỘT CƠ HỘI RẤT QUAN TRỌNG TRONG ĐỜI ĐỂ TRƯỞNG THÀNH

Thất tình không hề dễ xơi.
Khi người nghiên cứu cho những người thất tình xem ảnh của người tình cũ, rồi nhớ lại cảnh chia tay, khu vực cảm nhận nỗi đau thể xác trong đại não của người thất tình sẽ trở nên hoạt động tích cực (Nhóm Kross, 2011). Kiểu đau đớn này sẽ khiến người ta khó có thể sống bình thường trong một khoảng thời gian và gây ra các tình trạng hỗn loạn và bất lực.
Nhưng thất tình không phải chỉ có hại mà không mang lại chút lợi ích nào. Một cuộc khảo sát cho thấy, 58% số người cho rằng kết thúc một mối quan hệ mang lại cho họ cảm xúc tích cực, hơn 70% số người cho rằng sau khi vượt qua thất tình, việc chia tay khiến họ có được sự trưởng thành về mặt cá nhân.
Điều này cho thấy, một lần thất tình "đẹp" có thể trở thành cơ hội trưởng thành rất quan trọng trong đời người.
Đương nhiên là khi chúng ta đang trong cảm xúc tiêu cực thì rất khó để bình tĩnh mà suy nghĩ về năng lượng mà thất tình mang lại. Thiền định có thể giúp chúng ta tạm ngưng cảm giác tiêu cực và điềm tĩnh suy ngẫm về kết quả ta nhận được sau trải nghiệm đó.
Những người đã hoặc đang có mối liên kết tình cảm sâu sắc với chúng ta và tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc đời của chúng ta, được gọi là "người quan trọng". Trong sự tương tác với một người quan trọng, trong cách ta chung sống với họ, trong phản hồi cảm xúc họ dành cho ta, trong yêu cầu và kỳ vọng của họ đối với ta, cái tôi của chúng ta sẽ có những thay đổi.
Người quan trọng tham gia định hình nên cái tôi của ta, trong quá trình này, cái tôi sẽ phát triển.
Người mà bạn từng yêu rất tiếc không thể trở thành người yêu suốt đời của bạn. Nhưng có lẽ người này đã trở thành một người quan trọng trong đời bạn, người đó dạy bạn biết trưởng thành, có thể đây chính là ý nghĩa cho sự gặp gỡ của các bạn.
Thất tình chẳng bao giờ là dễ chịu, nhưng cuối cùng rồi sẽ qua thôi.
"Hãy nhìn về phía trước."
Tham khảo:
Costa, P.T., Herbst, J.H., McCrae, R.R., & Siegler, I.C. (2000). Personality atmidlife: Stabilility, intrinsic maturation and response to life events.Assessment, 7(4), 365-378.
Dunlop, W. L., Harake, N., & Wilkinson, D. (2021). Romantic heartbreak: Prevalence, personality traits, and personal stories. Personal Relationships, 28(1), 148-168.
Field, T. (2011). Romantic breakups, heartbreak and bereavement—Romantic breakups. Psychology, 2(04), 382.
Hanson, R (2021). Have a Firm Belief in Love. Psychology Today.
Kenna,S.(2017). Thereason men and women deal withbreak ups differently.
Kross, E., Berman, M. G., Mischel, W., Smith, E. E., & Wager, T. D. (2011). Social rejection shares somatosensory representations with physical pain. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 108, 6270–6275.
Segal,J., Kemp, G., & Smith, M. (2017). How to deal with a breakup or divorce.Helpguide.org.
Winch, G. (2018). How to fix a broken heart [Video file].
Bài dịch từ bài viết của nhóm tác giả KnowYourself - được sáng lập năm 2016 bởi Tiền Trang (1990), cử nhân ngành Xã hội học ĐH Bắc Kinh, thạc sĩ ngành Sức khỏe tâm thần lâm sàng, khoa Công tác xã hội, ĐH Columbia.