Còn cách cửa khẩu Hoàng Diệu khoảng 3km cũng là xế trưa, tôi ghé vào quán cơm lụp xụp ở bên đường. Nhìn vào cái tủ đồ ăn tôi muốn lên xe và đi tiếp, nhưng biết trước rằng quãng đường phía trước sẽ ít hàng quán và đồ ăn bên Cambodia cũng khó ăn nên tôi đành “nhắm mắt làm đại”. Đang ăn thì đâu ra hai chú Cẩm y vệ (hai chú chó) nằm 2 bên, một anh thì tóc vàng, một anh thì tóc muối tiêu đen qua chút trắng. Cứ thế tuy đồ ăn không ngon nhưng tôi vẫn ăn như một ông hoàng.



Hậu vệ trái

Đánh chén xong xuôi tôi quay ra hỏi bà chủ xin nằm nghỉ nhờ cái võng bên chòi cà phê. Quán này tôi nghĩ dịch vụ chính là bán nước và cà phê, còn bán cơm chỉ là làm rồi bán cho mấy anh công nhân với số lượng lớn, vì lúc đang nằm nghỉ thì có mấy anh chạy đến lấy hai bịch to khoảng 10 - 15 hộp, nghĩ cũng đúng, ở đây gần biên giới có ai đâu mà ngày nào cũng bán.
Làm một giấc sau đó qua cây xăng bên cạnh đổ xăng, tôi còn ngây ngô hỏi anh bán xăng có đổi tiền Dollar thành tiền Riel không, tất nhiên câu trả lời tôi nhận được là “Không”, nghĩ cũng ngu thật. Tiến thẳng về phía cửa khẩu trong cái nắng cháy da thịt, không một bóng người, chỉ có vài người dân bản địa sống gần đây đi qua lại cửa khẩu này vì đây chỉ là cửa khẩu phụ, việc giao thương của hai nước đa số đều đi qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư chỉ cách đây khoảng 50km về phía Nam. Thấy mấy người đi trước cứ dắt xe qua mà không cần xuất trình giấy tờ, tôi cũng ung dung xuống xe dắt theo họ, bỗng nghe loáng thoáng “Ơ thằng này đi đâu” rồi từ trong một anh mặc trang phục xanh lá ra chặn lại:
“Đi đâu vậy chú em, đồ liểng khiểng thế ?”
“Dạ em đi qua Cam ạ”, tôi trả lời giọng hơi run.
“Hộ chiếu đâu ?”, một tay chìa ra còn mắt thì nhìn chằm chằm vào tôi.
Dựng xe xuống tôi vội vàng đưa hộ chiếu ra kiểm tra.
“Qua Campuchia lần thứ mấy rồi ?”
“Dạ lần này là lần thứ ba ạ”
“Qua nhiều rồi mà không biết à ? Qua cửa khẩu phải vào làm thủ tục xuất cảnh, dựng xe ra đằng kia rồi cầm hộ chiếu vào trong đóng dấu xong mang ra đây”
Lùi xe về tít phía xa rào chắn, chẳng hiểu sao tôi run đến nỗi rơi các chiếc khăn rằn xuống đất, ngay vũng lầy làm bẩn hết một mảng. Chắc tại nhắc đến hai chữ “hải quan” nên tôi sợ, chắc hẳn ai từng xuất cảnh gặp hải quan thì mới hiểu.
Vào làm thủ tục đâu vào đó hoàn toàn miễn phí, tiếp tục đến làm thủ tục nhập cảnh phía Cambodia, phía bên này thì phức tạp hơn tí, họ yêu cầu tôi cho xem nơi đến, nghỉ ở đâu, ở bao nhiêu ngày, và bắt tôi mở balo và hai túi treo bên hông xe ra kiểm tra xem bên trong có gì. Cũng phải thôi, ai nhìn mớ đồ của tôi mà chả tò mò bên trong có gì, lỉnh kỉnh nhìn mà tội cái xe, đến nỗi lúc ăn trưa vừa nãy bà chủ quán còn hỏi tôi “Qua đó bán gì vậy cháu ?”, bên này mấy anh xin tôi 50 ngàn VNĐ uống nước nhưng tôi thất học cũng thất nghiệp nên chỉ có 20 ngàn, mấy anh chịu khó vậy, thương thằng em nhiều “thất” một lần, không làm gì được anh ta bèn nói gở “Lần này thôi đấy, khi nào về là phải 50 nha”, ôi mấy anh là Cambodian mà sao nói Tiếng Việt giỏi thế!
“Điền vào đi!”, nói cụt ngủn và đưa cho tôi một tờ để điền thông tin nhập cảnh.
Tôi cầm tờ giấy đợi anh ta hướng dẫn, thế là tôi cứ đứng ngây ở đó, thấy tôi cứ đứng mãi anh ta liền bảo.
“Xong rồi đó, đi đi”
“Dạ còn tờ giấy này sao anh?”, tôi cúi đầu xuống và chỉ chỉ vào tờ khai.
“Ra kia điền cũng được.”
Vừa bước ra xe định điền thì mấy anh trong trạm lại ra kiểm tra đồ đạc và thế là tôi nhét luôn tờ khai vào ví mà chưa kịp viết chữ nào.
Tờ khai hải quan mãi đến hôm sau mới điền

Cửa khẩu Lapakhe, Cambodia

Một tiệm tạp hóa lụp xụp bên đường ở Cambodia