I. Mỹ nhân Trung Hoa

Sát thủ đẹp như thế này nên che mặt, chứ thôi ai ai cũng nhớ rồi có ngày vào tù.
Tôi viết về văn minh phương Tây rất nhiều vì nói chung, tôi thích sự rõ ràng và sự ấn tượng ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Tôi rất thích Blade Runner 1982. Cái cảm giác âm tính này không thể nào phác họa chân thực được, nếu như không vay mượn từ một không gian như vậy ở ngoài đời.
Các thể chế toàn trị trong lịch sử là các cảm hứng. Một cái cảm giác con người nhận thức mình quá nhỏ nhoi trước thế giới để rồi cam chịu các quy luật của nó mà không dám phản kháng. Phương Tây khi đắm mình trong sự âm tính luôn cảm thấy sự đè nén đến khó chịu. Nghèo khổ, dơ dáy, ẩm ướt và khói bốc. Mưa, mưa và mưa.
Còn Trung Hoa thì lại thấy mình có thể thưởng thức và sống chung với sự âm tính này. Lấy âm làm lẽ sống và âm đối âm là điều khiến cho nhiều phim của Tàu trông sạch sẽ và thẩm mỹ, kể cả khi hiện thực đang vùi dập mình.
Dù sao thì cảm hứng cho âm tính của nghệ thuật Tàu phần lớn đến từ những người phụ nữ. Khó có nền văn hóa nào đặc tả phụ nữ một cách trân trọng nhưng vẫn khiêm tốn như Trung Hoa.
Nữ Oa đội đá vá trời. Ngu Cơ trút gươm tự vẫn. Tây Thi trầm ngư, Chiêu Quân lạc nhạn, Điêu Thuyền bế nguyệt, Dương Phi tu hoa. Tứ đại yêu cơ hồng nhan họa thủy Bao Tự, Đát Kỷ, Mạt Hỉ, Ly Cơ. Tứ đại tài nữ cầm kỳ thi họa Thanh Chiếu, Ban Chiêu, Văn Quân, Văn Cơ. Thượng Quan Uyển Nhi can dự triều chính. Lã Hậu thay tử lâm triều xưng chế. Võ Chu phản tặc tự xưng thiên tử.
Có nền văn hóa nào, ngay cả các nước đồng văn khác, đủ sự hào sảng để đặt tên và đặc tả từng người nữ. Bất kể thiện tà, nam nữ, xuất thân, tất là một phần của lịch sử nghìn năm Trung Hoa. Tư duy đại quốc có là âm tính thì vẫn có những tinh túy mà Tây phương vô tình chia sẻ.
Nếu xét về tính nữ tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, hình tượng nữ Trung Hoa xứng đáng trên nữ phương Tây vốn bản chất dương mà dù có che bởi lớp áo dày, không giấu được sự phô trương từ đôi mắt đẹp, không tránh khỏi sự mất bình tĩnh và quá để tâm tới phản ứng của người khác.
Nữ phương Tây đẹp đến choáng ngợp. Nữ Trung Hoa vì các lí do sinh học, mang đường nét mờ nhạt hơn, đứng trong số đông trông nhỏ bé và ngay cả khi mình giỏi, không có ý định khoe. Nhưng chỉ những ai biết được sự thật mới thấy vẻ đẹp của họ hiện lên trong khung cảnh trầm lặng. Đánh giá vẻ đẹp của một người, mà từ đầu luôn tránh sự chú ý không cần thiết, rất cần một môi trường phù hợp.

II. Bách hợp

Người đẹp họ Lâm này là tình đầu và Lâm kia là tình đợt hai.
Người đẹp họ Lâm này là tình đầu và Lâm kia là tình đợt hai.
Chỉ có Tàu mới cho văn nhân nhu nhược ôm Đát Kỷ vào lòng.
Chỉ có Tàu mới cho văn nhân nhu nhược ôm Đát Kỷ vào lòng.
Lâm Thanh Hà là người đẹp Á Đông hiếm hoi toát lên một vẻ đẹp Tây phương cổ điển. Đẹp đến nỗi người đẹp Bá Vương Biệt Cơ quyết định quay xe trở lại làm nam nhân để đóng cảnh nóng hiếm hoi của người đẹp 50 năm có một này.
Nhiều lúc cảm thấy giống bách hợp Trình Điệp Y với Luyện Nghê Thường. Tưởng tượng này không quá nếu như biết lịch sử bách hợp và thị trường văn thơ hiện nay của Tàu. Cái gì tụi nó cũng viết ra được hết.
Tôi, một người nam biết trân trọng cái đẹp từ Tây tới Đông, hơi bị thích đọc bách hợp. Đam mỹ thì đã có Hy Lạp.
Khoái lạc của quý tộc Trung Hoa có những bản sắc rất riêng. Có dạng đàn ông khi biết vợ mình có vợ bé mà vui, vui thật, không giận. Vợ có nam sủng mà nam ở đây mà là Di Tử Hà, Đổng Hiền và Lý Thường Kiệt thì cũng vui vẻ. Nhưng Lao Ái là nhất quyết đem đôi gian phu dâm phụ đi thiến và chém đầu thị chúng.
Không thể nào, phim điện ảnh và truyền hình Hồng Kông có một thời kì bách hợp rõ ràng như hai phần Đông Phương Bất Bại, thậm chí cái màu này vẫn còn lưu trong Tuyết Hoa Bí Phiến.
Đoạn tụ hay đối thực luôn nương tựa nhau để cùng vượt qua khắc nghiệt xã hội. Đối thực thì chuẩn chỉnh nhất vì phụ nữ khổ nhất trong xã hội âm tính.
Đoạn tụ hay đối thực luôn nương tựa nhau để cùng vượt qua khắc nghiệt xã hội. Đối thực thì chuẩn chỉnh nhất vì phụ nữ khổ nhất trong xã hội âm tính.
Phương Tây không có văn hóa hậu cung đủ dài để có cái nhìn sâu sắc với đồng tính nữ. Lưỡng Hà còn man di để chịu có cái nhìn trung dung cho phụ nữ.
Hậu cung toàn nữ tử và thái giám, nam tử duy nhất chỉ có một, người đẹp nào thấy có thể cùng nhau sống sót trong hậu cung thì góp gạo thổi cơm. Lão công nào nhân hậu thì mắt nhắm mắt mở, cùng lúc từ thương cảm sang thưởng thức và tự hào, rồi sáng tác thơ văn tưởng tượng.
Như triết gia Hy Lạp thích ca ngợi platonic love giữa hai người nam theo đuổi cái đẹp, hiền triết người Hán cũng có khao khát được chứng kiến Bách Lạp Đồ tình yêu giữa các tài nữ. Được thấy Vệ Minh Khê và Dung Vũ Ca bỏ trốn tới Giang Nam, Tử Nhan và Vũ Tình che chở nhau trong im lặng là thấy thổn thức.
Quý tộc người Hán không câu nệ tiểu tiết thích người nữ của mình giống mình. Làm chồng của họ là tự hào về chuyện mình cưới về một lang nương tử, dù cũng biết cái sự khiêu khích đó chỉ nên dừng ở gia vị ghen tị cho đời nó vui. Còn chuyện mơ tưởng thu nạp vợ bé của vợ mình vào hậu cung là tùy vào tính cách nương tử, nhưng phần lớn vợ tài nữ chắc chắn trở thành kình địch với chồng, nên ai thông thái thì đừng dính vào chuyện này. Đồ ai người đó dùng, nam thì nên chịu thiệt bị dùng ké đồ một chút. Đừng để về sau mất luôn cảm hứng bách hợp sau khi tình đã tan và nghĩa vẫn còn. Vợ mình cũng không yêu mình tha thiết lắm đâu.

III. Âm thắng dương

1. Thưởng thức vẻ đẹp nữ tử Giang Nam

Có tin được hay không là tôi tua đoạn này chục lần trước khi xem tiếp.
Có tin được hay không là tôi tua đoạn này chục lần trước khi xem tiếp.
Lâm có vẻ đẹp cổ điển từ mắt. Kỳ có vẻ đẹp từ cơ thể. Đây là những tiêu chuẩn thị giác phương Tây mà mãi về sau Trung Hoa mới thu nhận để phát triển triết học về cái đẹp của mình.
Tàu không giỏi nghệ thuật thị giác vì bản thân luôn thích tưởng tượng bằng nghệ thuật ngôn từ hơn. Muốn tìm ngoại hình, tìm Hy Lạp. Muốn tìm văn thơ, tìm Trung Hoa. Nghe bậc hiền triết tả tứ đại mỹ nhân là biết bậc Hán rộng rất biết thưởng thức cái đẹp.
Người đẹp Giang Nam và con nữ tì.
Người đẹp Giang Nam và con nữ tì.
Phá án tài tình ghê. Nghe nhạc mà đã hình dung được người đẹp.
Nhưng là một cái đẹp thuần tưởng tượng.
Đỗ Thu
Đỗ Thu
Nhiều lúc tôi tự hỏi tại sao các bác Tàu nhìn tranh trên mà lên hứng và thậm chí có thể liên hệ được ngoại hình ngoài đời. Ví dụ như nhìn hài nhớ người đẹp và ghê nhất là đôi chân gót sen mà nếu không có đôi hài bao quanh sẽ khiến bao người vỡ mộng. Nói chung, Tàu nên học hỏi về thẩm mỹ của sự thật và nên giảm sự tưởng tượng bẻ cong hiện thực.
Sau khi chấp nhận những thứ mâu thuẫn này, mãi về sau tôi mới hiểu là muốn thấy tranh hay thì phải đọc thơ hoặc sáng tác chục bài thơ trước đó để có thể tưởng tượng. Chiêm ngưỡng cái đẹp của Tàu rất gián tiếp. Luôn chủ ý phong kín cái đẹp để có thể thử thách sự “không thấy mà tin”. Sự thật mà không thấy, không nhìn, không chạm, không ngửi, không nếm mà hiểu thì đó là sự thật cao cả nhất trong tâm hồn Trung Hoa.

2. Lạnh là cách để tồn tại

Tự sự phương Tây luôn để dương thắng âm. Nếu âm dương hòa hợp thì âm luôn là đứng đằng sau để cho dương hưởng hào quang. Muốn đổi vị thì có hai đường một là điện ảnh Ấn Độ và hai là Trung Quốc. Nhưng theo quan điểm cá nhân, Ấn Độ vẫn còn lưu giữ cái man rợ của Lưỡng Hà, trong khi văn minh Trung Hoa sát với tiến trình phát triển văn minh phương Tây hơn. Nó cũng tin vào sự san sẻ hạnh phúc cho thiên hạ dù phải chiến đấu với cái bóng lớn áp lên nghĩa vụ cho từng người nam và từng người nữ của lịch sử nghìn năm, không thể muốn đổi là đổi liền được.
Tàu đề cao âm thắng dương và sự xảo trí. Bản thân triết lí âm dương cũng là định nghĩa chuẩn cho âm tính. Trung Hoa hiện đại trong mắt các nước đồng văn và phương Tây đều được đại diện bởi màu đỏ và màu vàng. Ồn ào, đông đúc, sặc sỡ, đeo vàng và vung tiền như nước. Nhưng đó chỉ là một mặt của Trung Hoa muốn thế giới thấy, hoặc nó cũng đang cười thầm rằng thế giới đúng lũ đàn ông ngu ngốc chả hiểu gì về mình cả.
Một là sặc sỡ quá đà ở những tiểu tiết đến mức hiền nhân phải than với lão thiên: "quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi thiên". Hai là trầm lặng như hồ nước trong mà tiểu nhân có khiêu khích thì chả buồn đáp lại. Sự vĩ đại của Trung Hoa nằm ở cái thứ hai. Sự xảo của nó nên được nhìn nhận bằng một thái độ trân trọng những thứ hạnh phúc nhỏ nhoi nhất để mà sống tiếp. Anh hùng khắc khổ phương Tây vốn trân trọng hi vọng làm sao mà không động tâm trước ý chí sống kiên cường của bậc giai nhân này.
Gốc của nó luôn là màu đen, màu của thủy và đồng môn của nó trong ngũ hành là kim, màu trắng. Thủy và kim đều lạnh. Khi nói về tính cách dân tộc Hán, thâm hiểm là đúng hơn so với sự ồn ào của một nhóm người. Ít nhất, đây là nhận xét mang sự tôn trọng từ một người thuộc nước đồng văn khi nhìn nhận tính cách Hán tộc là một cá nhân.
Tàu rất trầm và không có ý định nổi bật. Sự âm tính của nó là ít nhiều là nguồn cảm hứng cho nghệ thuật Hậu Hiện Đại của phương Tây. Nhưng phương Tây vẫn chưa nắm bắt được tính diệt và tính không của Tàu. Nó vẫn còn mang tư duy phô trương quá ấn tượng bằng cách nhồi nhét nhiều thứ đôi lúc cảm thấy bội thực. Phương Tây nên tham chiếu khái niệm âm tính hoa mỹ của Ấn Độ, nếu bản năng sinh dục dồi dào đến độ không chịu nổi mà nhồi. Âm mà không giấu nổi sự man rợ mẫu hệ của Lưỡng Hà, lại dễ để đọc vị và chứng minh thì tất bị tương kế tựu kế.
Sự bình bình, không muốn nhấn mạnh để tỏ ra khiêm nhường với đại cuộc và vô tình lại thấy tù túng bởi sự rỗng là thứ rất Tàu. Tính cách Tàu giống như một mỹ nhân tài hoa lúc nào cũng bị hành hạ bởi ngoại tộc nên chỉ biết vun vén gạo tiền từng chút một và chờ thời làm nên cơ đồ. Tỏ vẻ dửng dưng với mọi thứ, vì chỉ có thái độ như vậy, may ra mới chịu đựng được bi kịch xã hội dài lâu.
Âm trung hữu dương là mạnh mẽ. Dương trung hữu âm là yếu đuối. Ít nhất là tôi thấy hình tượng võ tướng trong văn hóa Tàu trông tẻ nhạt. Hở một cái là sửng cồ, vì tự tôn nam tử mà chấp nhận để người ta hại, rồi còn đòi tự tử bảo toàn danh dự một cách ích kỷ với cơ đồ được bao người tâm cơ mà tích lũy nên. Tôi chê Hàn Tín, Hạng Vũ, Lữ Bố và Quan Công. Triệu Vân và Nhạc Phi dù có sự thú vị Kitô nhưng cảm thấy nhiều lúc tự bắn vào chân, nếu không thể quên một sự thật rằng võ tướng luôn có truyền thống chết thảm và chết nhục trong sử Tàu.
Gia Cát tiên sinh bấm ngón để Quan Công truy Tào Tháo. Tào Tháo cười thầm mà lôi ân huệ làm khó Quan Công.
Một sự thật là sự hi sinh của các quân tử trên cũng chỉ là đá lát đường cho những kẻ sống sót giành lộc đỉnh, dù cái ân huệ họ tưởng cao cả nhất cũng chỉ là thành nhân vật chính trong một câu chuyện anh hùng tin vào lẽ phải. Lạnh như Tàu là phải phán rằng tích dân gian làm sao bằng một trang sử của một vị thiên tử lên ngự trị. Nói chung, làm anh hùng chính chuyên Tàu thì khó mà sống lâu, nếu không muốn nói là sự ngây thơ tới tội nghiệp trước một sự thật lặp đi lặp lại.
Quân tử Tàu nốt còn không có cửa đứng ngang hàng với Kitô của phương Tây vì có mắt mà như mù, không đủ minh mẫn mà phân thật giả, không nhận thức sự thật đủ để có tâm thế tự nguyện hi sinh, luôn giả bộ một bộ dạng khinh đời ngay giây phút bị lừa đến tức ói cả máu.
Còn mưu sĩ và gian hùng các vị Lưu Bang, Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Võ Tắc Thiên, Đông Phương Bất Bại lập tức tìm đường thoát thân, chấp nhận quỳ lạy trước tiểu nhân chỉ để ngậm bồ hòn chờ ngày được thừa nhận chính danh.
Nhưng thủy thì luôn là một hồ nước, một biển cả không thể phân tách thành phần làm nên, hay nói đúng hơn không trọng tính cá nhân. Từ vĩ nhân Hán tộc cho đến thảo dân vô danh vì đại nghĩa mà chịu đựng cũng có khao khát được làm người.
Tích Tàu luôn để nhân vật dù có là vua đi chăng nữa thì cũng không có đủ tính tự tôn cao để lựa chọn ngã rẽ. Tranh lộc đỉnh suy cho cùng là một vòng lặp Tàu. Khi thấy nó quá nhiều và các triều đại suy vong vì một hôn quân, cảm thấy việc một vị vua mới lên là một chuyện thường tình. Xem đại sự là một quy luật là cách mà Tàu dửng dưng với thế cuộc và vô tình tù túng mình trong một vòng lặp như vậy, hoặc ít nhất diễn quá lâu mà vô tình biến vai thành phận.
Quy luật của xã hội Á Đông nặng âm tính. Đè nén tự do cá nhân để đảm bảo hệ thống được bình yên. Đảm bảo establishment mà Ấn Độ đã và đang thực hành cay nghiệt hơn bằng hệ thống đẳng cấp.
Cá nhân giỏi giang thì cũng chỉ là gia vị cho sự đi lên của một tập thể lúc thời chiến, còn thời bình thì có thể sẽ chết để ngăn đảo chính. Kể cả khi có ý chí tự do, sự nhận thức quá sớm của người anh hùng về số phận ngay từ đầu hành trình, vô tình, khiến cho họ không thoát khỏi cảm giác rằng: mọi thứ bị dàn dựng. Nói chung, chưa đánh đã muốn hàng và biết kết quả quá sớm để ý chí tự do được quyền tồn tại ít nhất là trong sự tưởng tượng.
Vậy nên, Trung Hoa sinh ra 108 anh hùng Lương Sơn Bạc là để chống lại quy luật của thế giới triều đình. Một thế giới mà không ai có thể thiết lập một triều đại hay một nhà nước lớn, và ngay cả kẻ dưới đáy xã hội, vô danh tiểu tốt, ma cô vất vưởng cũng có cơ hội gào lên sự trong sạch của mình trước lão thiên. Miễn sao sống, phải sống cho bằng được để có ngày đó.
Nhưng dù nổi loạn và đòi tự do, nhiều lúc cũng không thoát nổi một tự sự rằng sự nổi loạn này là một thứ âm đấu âm. Tránh sự kiểm soát bằng cách ẩn mình trong tối đến một mức trở thành Vô Danh tự do tự tại làm điều không ai hay mà ngay cả lão thiên còn không quản nổi. Chọn cách dửng dưng với thế cuộc là cách phần lớn tinh hoa Tàu nổi loạn.

3. Lấy âm bọc dương

Khi cống hiến mình cho xã hội mà không được tự do làm điều mình muốn, thì ắt sự nổi loạn là cá nhân cực điểm không đoái hoài tới lí lẽ thế cuộc nữa.
Phật giáo nổi ở Trung Hoa là vì đây là cách nó chống lại Bà Là Môn. Tính không của nó hợp với thái độ dửng dưng của Tàu. Dửng dưng của kẻ tài hoa chịu khổ thì là để tồn tại để sau này còn cười nổi, còn dửng dưng của người sống sướng thì ắt là khoái lạc và ngu xuẩn. Cơ bản, Phật giáo mà không có Võ Tắc Thiên yêu đạo tới độ thị tẩm tăng sư và từ bi đến bức tử trung thần của tiền đế thì có thể đã chết yểu vì sự tẻ nhạt. Nếu nói Tàu dửng dưng là còn hời hợt trước tự sự kế trong kế.
Lão Tử một đời hiền triết thì vẫn giả bộ ung dung để gõ đầu thiên hạ. Bậc Hán tử lạnh như thủy, sắc như kim vốn dĩ đã xem trời bằng vung, há dễ để cho tự do của mình nằm trong tay một ông lão cưỡi trâu cũng do lão thiên sắp đặt mà làm phu phụ với một ông già râu dài nào đó.
Vải thưa không che nổi mắt thánh. Âm nổi loạn tới một mức bị trơ trước mọi cám dỗ tầm thường và nhìn xuyên thẳng vào sự dối trá thì từ đó mới có thể cho mình một con đường thoát mà chỉ bản thân mình sở hữu.
Anh Hùng 2002
Anh Hùng 2002
Nhiếp Ẩn Nương 2015
Nhiếp Ẩn Nương 2015
Tranh và phim Tàu, một cách chủ ý, luôn để con người trong một đại cảnh khổng lồ đến độ nuốt chửng cá nhân. Để thấy rằng hồng nhan họa thủy thì vẫn nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Đại cảnh rất đẹp nhưng nhìn chung không có nhân cách. Sự thiếu vắng tính người của một thế lực lớn làm cho con người bị gò bó bởi sự vô định. Muốn nổi loạn, muốn gào thét mà kêu đối thoại với thiên nhiên thì bảo làm sao có thể dấy lên tam quân đi lật Chúa được?
Thành ra, tôi rất thích Vô Ảnh, thấy nó là một lời giải rất Tàu, rất Trương Nghệ Mưu cho sự tù túng dương trung hữu âm trong Anh Hùng và Hoàng Kim Giáp. Đơn giản, kẻ thù âm tính nhưng không vô hình. Cảm thấy một kẻ mang cái tên được đặt cho có lại có thể biến giả thành chân, trở thành một tính cách độc nhất trong một xã hội giả vờ.
Âm thắng dương là dĩ nhiên, không còn đường khác. Dương tướng quân nên chết. Nhưng âm tới độ có cảm giác khoái chá làm người cuối cùng cười thì quả là cao nhân. Chỉ cần bình tĩnh, không lộ diện ngay cả giây phút mời gọi nhất, để cho các "lão thiên" của Bái quốc tự vạch tội bản thân trong sự hoang tưởng đây hẳn là kịch bản cuối. Đó mới là cái dửng dưng mà tôi mộ.
Nhiều lúc sau bao điêu linh, chỉ cần tuyên ngôn về một sự thật hiển nhiên mà bị sự âm tính làm cho vô ngôn vào khoảng khắc cuối cùng, là đủ để làm anh hùng trong một xã hội ăn thua đủ từng cái nhỏ nhặt.
Tào Tháo và Võ Tắc Thiên đến lúc thành danh, nắm quyền sinh sát thì mới tự hào nói lên một sự thật ngầm dĩ nhiên đến mức tự hỏi có cần phải nói: gian là con đường giành lộc đỉnh. Lấy bản thân mình làm phép thử cho các bậc văn nhân tướng lĩnh. Thử xem ai mới là nô lệ cho định kiến.
Một cuộc chiến căng thẳng nhưng không bao giờ xảy ra theo nghĩa đen.
Các phim nghệ thuật Tàu có kịch bản đơn giản, nhưng lại lấy sự bình bình làm sức hút. Cách kể phim đều đều khiến người xem nhiều lúc quên mình đang ở cao trào kịch bản. Một thứ anti-climax đến từ việc cố hướng người xem vào một thái độ sai với hiện thực. Nhưng bằng cách nào đó rất thoải mái, như cưỡi ngựa xem hoa, thiền và xem tranh thủy mặc. Nếu xem phim Tàu một thời gian nhất định, có khi lại thấy bội thực trước sự choáng ngợp của phương Tây.
Nền văn minh vĩ đại nào cũng quý sự sống. Hậu Hiện Đại có lấy Nhật là cốt cách của nó thì cũng như lấy cảm hứng từ một nền văn hóa nhỏ bé học đòi làm Hán tử. Cơ bản, các nước đồng văn ngay từ đầu mấy có nhận thức sâu sắc về cái đẹp để thương hoa tiếc ngọc, và càng không có một lịch sử nghìn năm bị xâu xé bởi đồng loại và ngoại tộc để cảm thấy dửng dưng là một thứ hợp lí. Tàu có âm tính và sống vật vờ thì vẫn níu giữ sự sống thật chặt.
Ngay cả khi chết, thì ta sẽ chết theo cách của mình, nhà ngươi không có quyền kêu ta nên chết như thế nào, vì số phận của ta không can hệ gì tới một kẻ vô danh như nhà người hết. Đông Phương Bất Bại gieo mình xuống vực thẳm, tưởng chết rồi mà cũng có ngày trồi lên người không biết quỷ không hay.
Ngay cả khi Tàu học nghệ thuật thị giác Tây để làm phim, vẫn còn giữ tinh thần "bằng mặt không bằng lòng" như vậy mà chỉ có thể nói là cứng đầu đến mức thán phục. Tây hóa thì hóa nhưng không có nghĩa là sẽ không dám phá hôi trong khả năng.

IV. Súng cũng giống như cánh chim bay

Tôi có nghĩ liệu Gác Kiếm làm cho đàn ông xem không vì tôi xem phim này cười suốt. Đúng nghĩa một người nam chiêm ngưỡng những thứ nằm ngoài thế giới cực đoan của đàn ông. Có thể tái hiện lại cái đẹp của phụ nữ trong thơ văn và phim ảnh, cũng chỉ có đàn ông thương tiếc cho giai nhân một đời bạc phận.
Lộng giả thành chân, lấy nhu thắng cương, lấy lượng đấu phẩm. Một sự trân trọng tính nữ đến mĩ miều mà phương Tây không có. Còn có thể chất vấn liệu những người đàn ông kia có sự cứu chuộc để những người nữ này có thể tạm thời nương tựa.
Nữ Hán tử là không nên để tâm tiểu tiết làm hỏng đại sự, trừ khi nó làm nên đại sự. Thi lột đồ nhau chỉ khi biết đối phương muốn hạ nhục mình bằng trò tiểu nhân. Tin tôi đi, nhiều lúc mà không ăn thua đủ từ câu chữ, cử chỉ, ăn nói, cách ăn uống và nhờ vả là kha khá anh chị đã leo lên đầu tôi ngồi mà không hay.
Tôi rất không thích thêm chữ "ạ" đằng sau mỗi câu chat, chả hiểu sao giới trẻ mọi miền giờ phải thêm chữ đó, hồi xưa văn viết có bao giờ như vậy. Dạ rồi còn chêm ạ. Í ẹ lắm đấy mấy em. Một cảm giác phục tùng gấp bội so với từ "dạ".
Tôi còn nhớ hồi xưa ba mẹ cứ nói "mày không ăn món này à" và "mày không ăn sáng/trưa à". Một câu hỏi tu từ rất khó chịu sau chục năm sống chung. Tôi thì đã lớn và không cần một thái độ người lớn chăm con trẻ nên nhiều lúc tôi lờ, 1 bữa một tuần phải gắt lên "con không cần".
Giang hồ Tàu cũng biết ăn thua đủ để bảo tồn sự tôn trọng của người khác, kể cả là người thân của mình. Tôi không cổ súy chia rẽ gia đình nếu như các bạn đã đọc Kitô. Chỉ là một vấn đề nhức nhối cậu dì chú bác và anh em họ rất Á Đông mà nhiều lúc vì còn muốn nhìn mặt nhau mà nhịn.
Cùng lắm là như bác Hà Siêu Quỳnh. Hẹn hò Dương Kỳ Long và thuê truyền thông chụp ảnh chỉ để thân phụ mình tức sôi máu lên. Tôi có nghĩ là khi giá trị tự do phương Tây tới, xã hội Trung Hoa cũng tốt hơn một chút, nhưng bảo xõa như tụi Tây giờ là có khi chết sớm.
Trí xảo Tàu là không thiếu không thừa, không bao giờ lộ các đặc trưng giới như Tây hay phồn thực như Ấn. Thấy đủ là dừng, không lậm.
Nên nói Tàu trầm là thiếu, nói Tàu phô là quá. Nói Tàu ảo diệu có khi lại đúng. Vì có ai trên thế gian này có thể âm dương linh hoạt, biến hóa khôn lường với bất ổn xã hội mà vẫn còn giữ cốt cách tinh tuyền và sắc sảo, ngoài nữ nhân Hán tộc chờ ngày phục dựng cơ đồ.