Một giờ hay "60 phút"
Thời gian mang tính chất so sánh tương đối giữa mặt nhận thức và quy chuẩn. "Một giờ" và "60 phút" cũng là một cách nói vui ẩn dụ cho cách nhìn nhận này.
Tôi vẫn nhớ bài văn nghị luận xã hội ấn tượng nhất hồi những năm cấp hai của mình, không phải vì số điểm quá cao hay quá thấp, mà là vì nó làm tôi nhận ra bản thân đã không tin tưởng chính mình như thế nào. Lúc ấy, tôi đã không tin rằng việc luyên thuyên về giá trị của thời gian còn dễ hơn nói về lòng dũng cảm, sự cảm thông hay trắc ẩn trong mỗi con người. Có lẽ việc những thứ cao cả đó không phải ai cũng nắm giữ và thấu hiểu khiến những góc nhìn về chúng rộng lớn và vĩ mô, còn thời gian - thứ mà ai cũng có và toàn quyền quyết định với số giây trôi qua trong cuộc đời lại dễ liên tưởng và có phần thiết thực hơn.
Cũng như 45 phút làm bài của tôi, những người khác cũng được cho ngần ấy thời gian để hoàn thành bài kiểm tra của mình. Sự công bằng ấy của thời gian giống như cách một chiếc đồng hồ nhảy số trong suốt vòng đời của mình, chiếc đồng hồ ấy sinh ra, được làm những gì mà công năng vốn có của nó cho phép, nó được tận dụng những gì trong khả năng mà nó có thể, để đến khi nó ù lì, phủ bụi và chậm chạp, nó vẫn tiếp tục chạy những chiếc kim giây trong vô thức, và chết đi khi cục pin bên trong hết năng lượng. Sau đó, chúng lại được lắp một quả pin mới, lau chùi sạch sẽ và trở về vị trí vốn có của nó, hoặc là sẽ được nằm đâu đó trong thùng rác hay dưới chân cột điện nào đó chất đầy túi ni lông vì hỏng hóc. Nó làm tôi nghĩ nhiều đến cách mà thời gian hoạt động khi còn là một đứa trẻ, rằng liệu nếu một ngày có 48 tiếng thì cuộc đời của chúng ta sẽ càng có nhiều điều ý nghĩa hơn được đúc kết, có đủ thời gian để làm những việc mà trước kia không thể hay đơn giản là kéo dài thời gian để được nằm trong chăn vô lo vô nghĩ. Nhưng với tôi của khoảng thời gian ấy, rút ngắn hay tăng thêm cũng chẳng đem lại điều gì, nếu tăng thêm thì khoảng thời gian ở trường và các tiết học sẽ dài gấp đôi, bài tập sẽ nhiều gấp đôi và khoảng thời gian ngủ có lẽ cũng chẳng tăng lên là bao. Còn nếu giảm xuống thì mọi điều trong cuộc sống có lẽ sẽ kết thúc chóng vánh như cách bạn vô tình tạo ấn tượng xấu với crush và chấm dứt chuỗi ngày bày binh bố trận.
Lớn hơn một chút, tôi dần chán cái việc thời gian đang tự cho mình cái quyền thống trị ngày và đêm, lôi những vì tinh tú cùng vầng trăng sáng rõ cả bầu trời với câu chúc ngủ ngon trong khi tôi còn đủ thứ phải làm trước khi ngày mới bắt đầu. Cảm giác như tôi vẫn còn đủ lý do để đổ lỗi cho thời gian về sự tắc trách của mình, nó nhiều lần trở thành bia đỡ đạn cho tôi những ngày dậy trễ, và là một chủ đề béo bở để tôi khai thác lúc muốn chém gió một cái gì đấy nghe có vẻ khoa học. Tiêu biểu là có một câu chuyện giữa Albert Einstein và Henri Bergson như thế này. Vào cái ngày khi hai người gặp nhau, Bergson đã vô tình bị cuốn vào một cuộc thảo luận mà ông rõ ràng đã cố ý tránh. Cho tới thời điểm ấy, nhà triết học có uy tín hơn Einstein rất nhiều. Ông nói trong khoảng nửa giờ. Ông đã bị một người đồng nghiệp xấc xược kích động, để rồi bị người tổ chức sự kiện ép phát biểu.
“Chúng tôi còn Einstein hơn cả ngài, Ngài Einstein ạ,”- Ông nói, trong khi những tiếng phản đối ông vang lên khắp phòng.
“Tất cả chúng tôi cứ nghĩ rằng Bergson đã chết rồi,”- nhà văn, họa sĩ Wyndham Lewis giải thích – “nhưng thuyết tương đối, kỳ lạ thay vừa mới nêu ra đã làm ông ấy sống lại.”
Einstein đáp lại sau không đầy một phút – trong phần trả lời ấy có một câu nói phê phán mà sau này vẫn thường xuyên được người ta trích dẫn:
Il n’y a donc pas un temps des philosophes.
Những gì Einstein nói sau đó ở buổi tối hôm ấy còn gây tranh cãi hơn nữa: “Chỉ có một loại thời gian khác với thời gian của các nhà vật lý đó là thời gian tâm lý.”
Ngay tại thời điểm đó Einstein đã mở màn cho cuộc tranh luận qua việc khẳng định chỉ có hai cách hiểu đúng về thời gian: hiểu theo kiểu vật lý và hiểu theo kiểu tâm lý. Mặc dù gây tranh cãi trong những bối cảnh đặc biệt mà Einstein đề cập, hai cách chiêm nghiệm về thời gian này đã có một lịch sử rất dài. Với Einstein, chúng thậm chí còn có thể có lịch sử dài hơn – trở thành hai lăng kính chính phản chiếu hầu hết những nghiên cứu về bản chất của thời gian trong suốt thế kỷ hai mươi. Viễn cảnh đơn giản, nhị nguyên về thời gian do Einstein chủ trương đã làm Bergson phẫn nộ.
Vậy, rồi thời gian là gì? Và giả sử rằng nếu mọi vật trong vũ trụ đứng im, khái niệm thời gian trở nên vô nghĩa? Hay đơn giản vì chưa có thứ gì lại trực quan hơn nhưng cũng phức tạp hơn như chính thời gian cả.
Bergson thấy rằng định nghĩa về thời gian của Einstein qua đồng hồ hoàn toàn sai lạc. Nhà triết học không thể hiểu nổi tại sao ai đó lại chọn để mô tả thời gian của một sự kiện đáng chú ý, như là thời điểm đoàn tàu đến, theo kiểu sự kiện ấy trùng khớp với giờ chỉ trên một cái đồng hồ. Ông không hiểu được tại sao Einstein lại cố gắng thiết lập cách thức cụ thể này như một cách thức đặc quyền để xác định tính đồng thời. Bergson tìm kiếm một định nghĩa căn bản hơn cho tính đồng thời, một định nghĩa không chỉ kết thúc ở cái đồng hồ mà còn lý giải vì sao cái đồng hồ được người ta dùng đến ngay từ đầu. Nếu khái niệm căn bản hơn rất nhiều về tính đồng thời là không tồn tại thì “đồng hồ chẳng phục vụ cho bất kỳ mục đích nào cả.”- ông lập luận.
Phải, người ta mua đồng hồ “để biết bây giờ là mấy giờ” - Bergson thừa nhận.
Nhưng “biết bây giờ là mấy giờ” đã tiền giả định rằng sự tương ứng giữa số giờ chỉ trên đồng hồ và một “sự kiện đang xảy ra” có ý nghĩa với người trong cuộc nên khiến họ lưu tâm tới nó. Cứ giả dụ như một ngày có 48 giờ, và hẳn những tù nhân sẽ rơi vào khủng hoảng thời gian tâm lý khi chờ đợi khoảnh khắc thoát khỏi vòng lao lý trong ngày cuối cùng khi mãn hạn. Đối với họ, một giờ đồng hồ không đơn giản chỉ là 60 phút theo đúng nghĩa, cũng như trong 60 phút đó, bạn có thể đang chơi một ván League of Legend, ăn trưa cùng bạn bè, mua sắm hay chạy deadline cho kịp hạn nộp, nó sinh ra những cảm nhận thời gian rất khác nhau. Cũng như không gian, phạm trù về thời gian là một điều không tưởng, nhưng vì thế, cả không gian và thời gian đều kìm kẹp bạn trong giới hạn của chính bản thân. Nếu không gian là về yếu tố vị trí, liên quan đến tính chất đặc thù về tài sản, thì thời gian lại là về yếu tố tuổi thọ, sức khỏe và cảm nhận. Tôi đã rất tò mò về vòng đời của những sinh vật tuổi thọ thấp, rằng chúng có mãn nguyện với thời ngắn ngủi đó chỉ để duy trì về mặt sinh học cho những thế hệ sau, hay là chúng đã tự điều chỉnh về mặt nhận thức và sống trọn vẹn từng giây được khám phá thế gian quan của chúng. Nếu đúng vậy, 1 giờ hay 60 phút sẽ chỉ đúng với quy ước của riêng con người chúng ta, và nếu không tồn tại một cảm nhận về tính đồng thời căn bản hơn những gì thể hiện qua việc khớp một sự kiện với một giờ chỉ trên đồng hồ, thì đồng hồ sẽ chẳng phục vụ cho một mục đích có ý nghĩa nào cả. Chúng sẽ chỉ là các linh kiện máy móc để chúng ta tự mua vui bằng cách so sánh chúng với nhau, chúng sẽ không được sử dụng để phân loại các sự kiện; nói ngắn gọn, chúng sẽ tồn tại vì chính bản thân chúng chứ chẳng vì phục vụ chúng ta. Chúng sẽ mất lý do tồn tại vì mọi người, vì chúng ta chỉ dùng chúng để xác định thời điểm diễn ra một sự kiện. Như là thời điểm một đứa trẻ chào đời, một phát kiến công nghệ hoặc là để các tín đồ tâm linh săn ma vào lúc 3 giờ sáng...vv.
Lại nói về hai ông thần Einstein và Bergson vẫn đang đấu lý với nhau ở trên, Einstein đã khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về mục đích của triết học và tại sao triết học lại không đóng vai trò gì trong việc lý giải về thời gian. Đối mặt với người phản đối mình, ông đã đặt cho triết học một vai trò hết sức hạn chế. Ông tiếp tục tự giải thích, thời gian được đo bởi một dụng cụ thường khác biệt với thời gian mà một người nhận thức. Các nhân tố như sự tẻ nhạt, thiếu kiên nhẫn, hay những thay đổi nho nhỏ về mặt sinh lý học đã ảnh hưởng tới việc nhận thức thời gian tâm lý. Với sự phổ biến của các công cụ đo thời gian, sự khác biệt giữa thời gian theo cảm nhận và thời gian theo đo đạc ngày càng được chú ý.
Lại nói về hai ông thần Einstein và Bergson vẫn đang đấu lý với nhau ở trên, Einstein đã khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về mục đích của triết học và tại sao triết học lại không đóng vai trò gì trong việc lý giải về thời gian. Đối mặt với người phản đối mình, ông đã đặt cho triết học một vai trò hết sức hạn chế. Ông tiếp tục tự giải thích, thời gian được đo bởi một dụng cụ thường khác biệt với thời gian mà một người nhận thức. Các nhân tố như sự tẻ nhạt, thiếu kiên nhẫn, hay những thay đổi nho nhỏ về mặt sinh lý học đã ảnh hưởng tới việc nhận thức thời gian tâm lý. Với sự phổ biến của các công cụ đo thời gian, sự khác biệt giữa thời gian theo cảm nhận và thời gian theo đo đạc ngày càng được chú ý.
Nhưng trong hầu hết các trường hợp, nhận thức vật lý và tâm lý về thời gian không cần phải khác nhau quá nhiều. Hầu hết mọi người đều có thể ước lượng thời gian theo một cách khá tương thích với cách thức của đồng hồ, xác định rất chuẩn mang tính tương đối về thời gian ăn sáng, trưa và tối. Hầu hết mọi người có thể đánh giá tính đồng thời của hai sự kiện theo một cái cách tương tự như các dụng cụ đo đạc. Bergson và Einstein đều đồng thuận rằng tồn tại một sự khác biệt về mặt bản chất giữa nhận thức thời gian theo kiểu tâm lý và theo kiểu vật lý, nhưng từ đó họ đã đưa ra những suy luận khác nhau. Với Einstein, nó đưa ông đến kết luận rằng, “thời gian của các nhà triết học không tồn tại, chỉ có một thời gian theo kiểu tâm lý là khác biệt với thời gian của các nhà vật lý.”
Trái lại, với Bergson, bài học rằng sự ước định về mặt tâm lý và vật lý của thời gian được hình thành khác nhau – đã khiến nhiệm vụ của nhà triết học trở nên thú vị hơn, đặc biệt bởi không có ai, kể cả các nhà vật lý có thể lờ đi việc liên kết thời gian với những vấn đề của loài người.
Cũng như khi tôi nuôi một chú chó từ lúc bé xíu đến khi gần đất xa trời, tôi đã luôn có cái cảm giác sợ hãi phải chấp nhận rằng sự công bằng đôi khi chính là nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất, và tất nhiên là tôi không đả động gì đến chủ nghĩa cộng sản cả. Việc cảm nhận 11 năm gắn bó và phải đưa tiễn người bạn bốn chân quý mến của mình về bên kia thế giới giống như chỉ vừa mới hôm qua vậy, cái tính chất ám ảnh đó cũng phần nào làm con người coi kỉ niệm như thứ đồ uống xa xỉ chỉ nếm được khi đã biết trước hương vị của nó. Với nó, chỉ một khoảnh khắc sinh tử kéo dài vài giây cũng đủ để người trải qua chiêm nghiệm lại cả cuộc đời, nó cho chúng ta thời gian để tua đoạn phim đó, còn mục đích thì tự chúng ta phải tìm lấy. Còn nếu bạn hỏi "một giờ quý báu như thế nào?", thì hẳn là chẳng có một câu trả lời cụ thể nào cả, chúng ta đều dựa theo cách thời gian biểu của mỗi người thực hiện mà đánh giá xem một ngày lấy đi 23 tiếng và cho bạn 1 giờ để làm những gì bản thân cho là cần thiết. Vì đôi khi:
Một giờ không chỉ là thước đo chỉ thời gian, nó còn là 60 phút. :))
Thế nên khi tiếp cận với đề bài "giá trị của thời gian", bản thân một đứa như tôi hẳn đã va phải cái bẫy "ý kiến cá nhân" để có thể nêu ra cái bản thân tự cho là ngu muội về thời gian. Những cái như "Nhanh một phút, chậm một đời" hay "Thời gian là vàng" đều giống như một cách nói tếu táo để khuyên răn về việc sử dụng thời gian một cách hợp lý, và chúng đang đánh vào cái thời gian tâm lý thay vì thời gian vật lý, nhằm khiến một bộ phận người bớt lười nhác và thức tỉnh. Tôi viết nhiều thứ thuộc dạng không đồng quan điểm và cho rằng "Đánh giá giá trị của thời gian là một sáng kiến tệ". Dù vậy, hãy luôn nhớ rằng: "Bạn có thể trì hoãn nhưng thời gian thì không.” – Benjamin Franklin.
Cũng vì đặc tính tịnh tiến của thời gian, chúng ta hầu như chẳng có thời gian hay đủ rảnh hơi để nghĩ nhiều hay sâu sắc về điều này, có lẽ chỉ nên coi nó là một quy luật tự nhiên của vũ trụ mà chúng ta có thể chấp nhận, hoặc cho đến một ngày trong tương lai xa xôi nào đó, bỗng nhiên du hành thời gian trở thành một chủ đề hot trên những tạp chí khoa học và là một ý tưởng khả thi. Còn về bài kiểm tra hôm ấy thì tôi được 6,25 điểm; với lời phê là "viết tốt, nhưng dẫn chứng thiếu thực tế."
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất