Chúng ta luôn nói nhiều về thiết kế bền vững - một chủ đề luôn luôn được quan tâm đặc biệt là với thế hệ trẻ, những người thừa hưởng giá trị của thế hệ đi trước. Trên thực tế nhiều nghiên cứu, quan niệm về “bền vững” đã được trau chuốt thành những định nghĩa khác nhau, thế nhưng mức độ cảm nhận, nhận thức của mỗi thế hệ là khác nhau nên ta thường lựa chọn một vài định nghĩa nhất định để hiểu và dựa theo đó mà thực hiện lối sống bền vững. Thiết kế bền vững cũng vậy, nhà thiết kế dựa vào một vài định nghĩa về bền vững mà họ cảm thấy là phù hợp để tạo nên một công trình, qua đó truyền tải ý niệm về lối sống bền vững.

Quan điểm nhân văn về thiết kế bền vững

Một quan niệm về thiết kế bền vững mà mình nghĩ là một cách tiếp cận căn bản nhất với những người chưa hiểu rõ về “bền vững” đó là quan điểm trong cách tiếp cận thiết kế kiến trúc “cảm môi trường” (environmentally sensitive architectural design approach) của KTS. Shigeru Ban. 
Khi viết về KTS. Shigeru Ban, không chỉ đơn thuần là viết về quan điểm, về cách ông sử dụng vật liệu và xử lý công trình từ trước đến sau khi công trình ấy được phá dỡ như thế nào, mà đó là viết về cả một con người với lối sống, suy nghĩ, luôn trăn trở tìm cách giải quyết những vấn đề cho cộng đồng thông qua thiết kế của mình.

Thiết kế bền vững phải là một quá trình từ lúc chuẩn bị cho đến khi công trình được tháo dỡ hoàn toàn

1995 là năm mà thành phố Kobe, Nhật Bản hứng chịu tác hại của trận động đất lớn Hanshin khiến gần 7000 người bị thiệt mạng. Trận động đất làm sập nhiều tòa nhà, trong đó có một nhà thờ công giáo. Shigeru Ban và học trò của mình tìm cách thuyết phục người dân và chính quyền cho đội ngũ của mình tái xây dựng lại nhà thờ này bằng vật liệu ống giấy - loại vật liệu thân thiện môi trường đã làm nên tên tuổi của ông.
Sử dụng công nghệ kết cấu từ ống giấy, công trình nhà thờ tại Kobe được lắp đặt nhanh chóng và dự kiến sử dụng như một công trình ”tạm thời” trong 3 năm. Tuy nhiên, cho đến khi chính quyền địa phương cho xây dựng lại nhà thờ lần nữa, nhà thờ “tạm” ống giấy của Shigeru Ban và đội ngũ thực tế đã tồn tại 10 năm tính đến thời điểm đó.
Sau khi được phá dỡ, bài toán bền vững của ông mới chính thức được giải đáp, sau trận động đất năm 1999 ở quận Nantou, Đài Loan gây ra nhiều thiệt hại đáng tiếc, nhà thờ “tạm” ấy đã được chuyển sang quyên góp cho Cộng đồng người đạo Công giáo ở Đài Loan vào năm 2006, tiếp tục hành trình phục vụ người dân cho đến ngày nay. Người ta gọi Nhà thờ Giấy ấy là một công trình bền vững thực thụ. Điều này dẫn đến một sự suy ngẫm của riêng KTS. Shigeru Ban.
“Một công trình bền vững là gì và một công trình tạm là như thế nào?” .
Ông tự hỏi.
“Ngay cả một công trình được làm từ giấy, nó vẫn có thể tồn tại hàng chục, hàng trăm năm bởi vì nhận được sự yêu mến. Ngay cả một công trình bằng bê tông vững chắc vẫn có thể bị sụp đổ dễ dàng sau một trận động đất”.
Sự khác biệt nằm ở cách mà người ta nghĩ về công trình đó, sử dụng nó, một công trình bê tông có thể là một công trình tạm (contemporary), nếu người ta xây dựng nó vì mục đích kinh tế - mua một mảnh đất, xây dựng công trình, và bị đập bỏ và xây mới sau khi bán lại cho người khác. Qua câu chuyện trên, dường như chúng ta đã vô tình hình thành một định nghĩa đơn giản hơn cho thiết kế bền vững nhờ vào hành vi sử dụng công trình - một công trình bền vững là một công trình được yêu mến.
Cách đây 30 năm, Shigeru Ban đã bắt đầu tạo ra những công trình từ ống giấy nhưng chưa nhận được nhiều sự chú ý, thời điểm đó con người chưa có nhiều nhận thức về phát triển bền vững. Tuy nhiên ông đã bắt đầu có những ý niệm của riêng mình về thiết kế bền vững và bắt đầu chú ý đến các vật liệu địa phương và có thể tái chế với chi phí thấp. 

Tính nhân đạo là nền tảng của thiết kế bền vững

Bên cạnh việc tạo ra những công trình đầy tính nhân văn, Shigeru Ban cũng đã thực hiện các dự án viện trợ nhân đạo quan trọng, tạo ra những nơi trú ẩn tạm thời sau thiên tai ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ấn Độ, Sri Lanka, Haiti Philippines và Ecuador. Sử dụng công nghệ ống giấy, ông đã thiết kế các dự án của mình có thể tháo lắp và di chuyển dễ dàng, khi một nơi không cần công trình đó nữa, nó sẽ được tháo dỡ và quyên góp cho nơi đang cần hơn. Một số thiết kế của Ban cũng đã được chuyển đổi thành các công trình bền vững, sử dụng lâu dài như trại tị nạn ở Rwanda.
Shigeru Ban đã đem lại cho giới kiến trúc sư, nhà thiết kế và những người quan tâm đến thiết kế bền vững, lối sống bền vững trên thế giới một cái nhìn đầy nhân văn, gần gũi và thực tế. Ông không dùng những từ ngữ hàn lâm mà thay vào đó, ông tạo ra công trình, dựa trên nền tảng đặt con người làm trung tâm, công trình ấy được yêu mến và giữ gìn. Sự tận tâm trong từng hành động khiến cho thiết kế bền vững trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và thực hiện hơn bao giờ hết, chỉ cần có được sự đồng cảm với người sử dụng, luôn luôn trăn trở và đặt câu hỏi, chúng ta sẽ tìm được giải pháp bền vững cho thiết kế.
Nội dung: The interior talks. Nguồn tham khảo: Bài nghiên cứu ”A study of Shigeru Ban's environmentally sensitive architectural design approach.”