5h30, thức dậy ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Một đêm ngủ ngon vì mới đi hiến máu, nhưng có 5 tiếng thì hơi ngắn ngủi. Mỏi mắt, tôi nhớ lại, tôi chưa bao giờ dậy sớm để chuẩn bị đi Hải Phòng mà không thấy ngái ngủ.
Tôi chuẩn bị cho chuyến về Hải Phòng, về quê nội ở xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng, một chuyến đi đã 3 năm không thực hiện.
Tôi không về quê quá nhiều. Nói đúng ra là rất ít. Tôi không nhớ được nhiều về những người họ hàng, những cô dì chú bác ông cậu ở nơi cách xa gần 150 cây số ấy. Ngay chuyến đi này, (nói ra thì thật có lỗi, Chúa phù hộ cho con,) là 49 ngày một người họ hàng, mà tôi không tài nào nhớ nổi ông có vai vế như thế nào trong họ tộc.
Ai đọc đến đây chắc cũng nghĩ tôi chẳng hào hứng gì với chuyến đi này. Mà thực tế là ngược lại.
--
Ăn sáng xong, 7h, hai bố con tôi ra đến bến xe Gia Lâm. Mua 2 vé xe khách Ô Hô, mỗi chiếc 120k, chúng tôi lên chiếc xe khách màu xanh chuẩn bị cho chuyến đi dài, nhưng sẽ không chậm. Bố tôi – và nhiều người trên xe - nhắc đi nhắc lại về sự tiện lợi của đường cao tốc.
Đây là lần đầu tôi đi xe khách. Nhiều thứ mình nghĩ đã biết nay bị thử thách, và nhiều thứ mình chưa biết thì giờ trải nghiệm.
Nhắc đến xa khách, một con mọt sách, cậu thanh niên thành phố như tôi nghĩ ngay về những trang viết, những cảnh phim của thời chắc cũng tính bằng thập kỷ trước, về sự nhếch nhác, về cảnh chen lấn xô đẩy, về mối nguy từ những tay móc túi chuyên nghiệp,...
Tất cả những thứ đó không xuất hiện trong chuyến xe khách Ô Hô ngày thứ Sáu này. Cả bến xe và chuyến xe này nói riêng đều vắng vẻ hơn nhiều so với sức tưởng tượng của tôi. Chiếc xe khách đó chẳng thể tả bằng từ ‘’xập xệ’’, nó chất lượng chẳng thua gì bất cứ chiếc xe du lịch 45 chỗ nào tôi đã từng ngồi trên. Lái xe, phụ xe, nhân viên nhà xe khoác lên mình bộ đồng phục xanh màu lá mạ, hành xử làm việc chuyên nghiệp như hầu hết nhân viên xe bus mà tôi từng gặp hồi đại học. Cảm nhận đầu tiên của tôi gói gọn trong một chữ: tốt.
Vừa lên xe, tôi đã biết ngay mình sẽ không thể tỉnh táo được lâu. Kích thước ghế ngồi hơi khó chịu cũng chẳng ngăn được tôi cựa mình, tìm một tư thế thoải mái nhất, rồi thiếp đi lúc nào chẳng biết. Gà gật trên đường đi, tôi chỉ mang máng nhớ thỉnh thoảng bố nói mấy thứ: lúc đầu xe đi rất chậm, phải 30 phút mới ra đến cao tốc vì vừa đi vừa dừng dọc đường gom khách nữa (cái này không đúng luật phải không, nhưng tôi thấy cũng hợp lý và chẳng vấn đề gì cả, thiết nghĩ cần có giải pháp khác để thay đổi chứ không thể nói ‘’cấm’’ được), mà ra đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rồi thì chỉ có đi rất nhanh thôi vì không có dừng bắt khách gì nữa (có mấy lúc trên cao tốc giật nảy mình vì bác tài bấm còi rất gắt trong pha vượt xe Fast & Furious),...
Đi cao tốc quả thực nhanh, 8h30 đã tới ‘’chốt’’. Ban đầu tôi không hiểu ‘’chốt’’ là gì, ra là giống như điểm trung chuyển, ở đó - điểm hết cao tốc - chúng tôi đổi sang chiếc xe nhỏ hơn để đi về Tiên Lãng. Một chặng ngắn nữa, và tôi lại ôm chặt chiếc ba lô, chìm vào giấc ngủ.
--
8h45, đặt chân đến bưu điện Tiên Lãng - nơi này thì còn hiện diện trong trí nhớ của tôi. Phía trước bưu điện là một quảng trường, bùng binh có cột chào, trụ sở Ủy ban Nhân dân ngay đó, quang cảnh chỗ nào cũng từa tựa nhau đậm chất Việt Nam – hay chí ít là ở phía Bắc, những khu vực tôi từng qua rồi.
Hai bố con tôi xuống xe, vài ba bác xe ôm chạy ngay đến, tất nhiên. Biết chúng tôi định gọi taxi, một bác nhanh nhẩu chạy đi gọi ‘’taxi ơi’’ rõ to ở gần đó. Không mất đến 3 phút, một chiếc Kia trắng trờ tới, anh tài trẻ tuổi miệng lưỡi nhanh nhảu, mặc áo hoa văn có logo LV đến phục vụ chúng tôi.
Ngồi lên chiếc Kia này thì muốn ngủ cũng chẳng ngủ nổi. Lý do khách quan, tôi thắc mắc tại sao người ta lại định tổ chức F1 Grand Prix ở Hà Nội thay vì mang sự kiện này tới Hải Phòng, nơi mà taxi hay bất cứ chiếc xe nào trên đường cũng có thể phóng như tên bay và luôn trong trạng thái sẵn sàng vượt qua đối thủ như tài xế trong bộ phim Taxi từng chiếu trên Phim cuối tuần VTV1.
Đường xá ở Tiên Lãng đã tốt hơn nhiều, ngay cả so với chỉ mấy năm trước, lần gần nhất gia đình tôi về quê. Đường tốt thì lái cũng ‘’tốt’’, quả là đồng xu nào cũng có hai mặt.
Lý do không ngủ nữa, chủ quan nhưng quan trọng hơn, từ con đường đi dọc bờ mương (hay con kênh) này đến chợ Vàm Láng là cung đường tôi đã quen rồi. Chưa bao giờ chán ngắm cảnh trời mây non nước, cánh đồng rộng thênh thang hai bên đường ở đây thay cho những nhà cửa chen kín nơi phố thị. Bất giác cười một mình khi nhớ lại 17-18 năm trước, được bố đèo trên chiếc xe Aztec nhiều tuổi hơn cả tôi, cũng đi qua trên chính con đường này (hồi ấy còn rặt ổ voi ổ gà), tôi còn mê một trò nữa: đếm vịt, vịt bơi trắng cả dòng kênh. Đứa trẻ ở thành phố lúc ấy, chẳng mấy khi đặt chân ra khỏi nhà chưa bao giờ thấy nhiều vịt thế bao giờ.
2022, chắc người Tiên Lãng không còn nuôi vịt nữa? Ngắm dòng nước lặng lờ trôi, tôi hơi thấy bồi hồi tiếc nuối đàn vịt.
Ruộng đồng bạt ngàn là những ruộng lúa, xen vài khóm ngô, ít thấy cây trồng khác. Hai bên đường còn có nhiều chỗ bán bia mộ và các sản phẩm thạch cao, những chồng gạch đỏ xếp chất cao như biểu tượng của mảnh đất đang trên đà xây sửa. Bố bảo, sau này khi cao tốc và sân bay ở Tiên Lãng hoàn thành, đi từ Đồ Sơn sang chỉ mất 10 phút thôi. Cộng thêm suối khoáng nóng gần đó (tôi cũng chỉ nghe vậy chứ chưa biết cụ thể là chỗ nào), thiên đường du lịch là đây.
Nghe lạ lùng, nhưng tôi chẳng thích thú lắm với những viễn cảnh phát triển đô thị ở Việt Nam. Tại sao bất cứ xã nào cũng phải lên phường, bất cứ huyện nào cũng phải lên quận? Tại sao nông thôn mới lại đồng nghĩa với đường bê tông chứ không được là đường đất?
Tôi sống ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, nơi người ta nói chẳng lâu nữa sẽ ‘’lên’’ thành phường Yên Viên, quận Gia Lâm. Tôi không thích nghe điều ấy (‘’thị trấn’’ có chất thơ hơn chứ, một phần tôi cũng thích các đội bóng có tên ‘’Town’’ ở nước Anh như Swindon Town hay Luton Town, nhà quê mà đậm đà bản sắc).
Chẳng phải chỉ là chuyện về cái tên. Lên cấp kiểu này thì người dân được gì? Được cảm nhận cùng cảm giác sống ngột ngạt, ô nhiễm và áp lực như downtown Hà Nội, Sài Gòn bây giờ? Mất đi cơ hội làm những công việc mà bao lâu nay vẫn quen thuộc, vẫn phù hợp với mảnh đất màu mỡ của họ, như đàn vịt Tiên Lãng? Sao lại rập cùng một khuôn mẫu ‘’phát triển’’ cho tất cả các vùng đất như thế?
Có thể tôi là một kẻ hoài cổ, có thể tôi chẳng phải chuyên gia về phát triển đô thị. Nhưng tôi cũng cùng chung cảm xúc như bao người khác, chẳng muốn đánh đổi thứ không khí trong lành mà tôi đang vô cùng may mắn được hít thở, lấy cuộc sống ngột ngạt và tắc đường mà phải đến khi sống trong đó rồi người ta mới ước ao trở lại.
Một điều thú vị nữa: Bố tôi bảo anh tài xe taxi là cho đến chợ ‘’Vàm Náng’’. Viết là ‘’Vàm Láng’’ nhưng tôi nhận ra, tất cả người Hải Phòng tôi gặp trong ngày đều ngọng lờ-nờ hết, mà mọi người còn đọc nhanh nên tôi còn chẳng nghe nổi, phải hỏi lại bố mới hiểu đấy. Tôi cứ luôn lạm xưng là người con Hải Phòng (tôi sinh ở Hà Nội), mà tiếng nói địa phương còn không nói, không nghe được, nghĩ thấy cũng kỳ.
--
8h45, xuống xe ở sân Nhà văn hoá thôn 12. Bố kể trước kia tất cả những nhà văn hóa quanh khu này đều là sân kho hợp tác xã, bây giờ thành nhà văn hóa cả.
Dọc đường đi tôi không thấy cái sân cỏ nhân tạo hay sân bóng rổ nào, chỉ có 1 khoảng sân đất với 2 cầu môn tiêu chuẩn là ‘’sân vận động’’ như bố gọi nằm gần trường cấp 3 Hùng Thắng. Bố kể ngày xưa bố học ở trường này, suốt ngày đá bóng ở khoảng sân đó.
Từ lúc tôi hơi lớn một chút, nhớ được mọi thứ rõ ràng thì chưa bao giờ biết bố cũng từng một thời đam mê chơi bóng như vậy. Hổ phụ sinh hổ tử, cũng không sai.
Tôi để ý quanh khu vực có nhiều địa điểm tên có chữ ‘’Thắng”. Trường Hùng Thắng, xã Đại Thắng, thôn Toàn Thắng, kiểu vậy. Có lẽ là ảnh hưởng từ thời cách mạng, kháng chiến? Hỏi bố thì bố cũng không rõ nguồn gốc tên gọi, nhưng có thể xác nhận Tiên Lãng cũng có nhiều sự tích kháng chiến như bao làng xã khác trên đất nước Việt Nam.
Chuyện ‘’Tiên Lãng chống càn’’, đẩy lùi thực dân Pháp tiến về sân bay Cát Bi, bố kể người dân vẫn còn nhớ lắm, ngày 16 tháng Giêng âm năm nào cũng tổ chức lễ hội ở chính sân vận động tôi vừa nhắc đến. À, chính xác thì trước kia, năm nào làng cũng tổ chức đều, tổ chức rất to, còn gần đây hơn thì mấy năm mới làm một lần.
--
Xe taxi không đeo mào, tôi nhớ không nhầm thì cũng là biển trắng chứ không phải biển vàng, xin của bố con tôi 230k. Nhớ lại cả những tấm vé xe khách, tôi mới thấm vì sao những người lao động phổ thông có khi còn không đủ tiền mua tấm vé về quê, chẳng được thong dong sung sướng như tôi lúc này.
Đợi vài phút, bác Vượt ra đón bố con tôi. Vợ chồng bác Vượt – bác Tươi (bác Tươi là bác gái, tôi cũng phải viết lại để sau này không nhầm đây) chắc chắn là những người thân thiết nhất với gia đình tôi, hai bác tính tình xởi lởi dễ chịu, lần nào nhà tôi về quê cũng như những hướng dẫn viên đưa hai anh em tôi và mẹ - những người không thân thuộc với mảnh đất này – đi gặp gỡ mọi người. Xấu hổ thật, tôi còn chẳng nhớ được hai bác là quan hệ như thế nào với bố, nhưng được cái là tôi không quên hai bác đâu, không bao giờ.
Bác Vượt vẫn khỏe mạnh, may phước, một lão nông rắn rỏi với nước da rám nắng, tóc đã thưa đi nhiều nhưng vẫn nói năng minh mẫn mạnh bạo. Bác Tươi thì nom già đi nhiều quá, nhưng nom vậy thôi, chứ bác đi lại vẫn năng, bê một thùng bia trông nhẹ nhàng chẳng khó nhọc. Tôi thắp hương cho các cụ, một chú nữa không may qua đời gần đây, rồi ngồi nói chuyện với bác Tươi trong lúc bố đi cùng bác Vượt đi đâu đó.
Bác vẫn thủ thỉ hỏi thăm ‘’học xong chưa’’, ‘’giờ cháu làm đâu’’, ‘’có người yêu chưa’’ (đấy cũng là 3 vấn đề mà tất cả mọi người ở quê luôn quan tâm hỏi thăm). Bác kể có mấy đứa ở quê tầm tuổi cháu mà vừa học đại học xong lại mới bị bắt lính rồi, cũng tiếc đang làm ăn lại bị dở dang. Mà làm gì đi đâu không quan trọng, cứ cố gắng, tránh xa tệ nạn tiêu cực rồi sẽ thành công. Như bố cháu đấy, chẳng qua vì hoàn cảnh vất vả, giấy tờ cứ thất lạc mất hết, nếu không bố cháu còn phát triển được nhiều...
Ngồi trong sân nhà vườn um tùm những cau và dây leo, nghe bác Tươi nói có mấy phút thôi mà tôi cũng thấy lòng như dịu lại. Chẳng phải tôi vẫn luôn muốn có thứ cảm giác dễ chịu này mỗi khi về quê ư?
Cũng có thể tôi đã có thiên kiến từ trước, nhưng mỗi lúc về Tiên Lãng, cảm giác lại vui vẻ nhẹ nhàng lắm, không như khi tôi về quê ngoại ngay ngoại thành Hà Nội, luôn thấy phải giữ kẽ, phải khuôn phép nhiều bề sáo rỗng.
Cũng có thể vì về mặt gia phả (không chính thức, ông nội tôi lấy nhiều vợ nên nhánh dòng tộc bị ảnh hưởng sao đó), bố tôi là trưởng nam bên nội, tôi cũng có vị thế to hơn, hẳn bạn hiểu điều này, mấy chú mấy bác to hơn mình bao nhiêu còn phải gọi mình là ‘’anh’’. Khá lạ là lần này về quê, tôi toàn chào các cô các chú chứ không có lần nào phải phải ‘’bề trên’’ với ai hơn tuổi cả.
Thắp hương xong, bố con tôi vào đám cỗ 49 ngày. Ngồi chung mâm có bác Vượt với mấy chú nữa, có chú Huệ (bắt đầu nghi ngờ tôi nhớ sai tên chú?) từ miền Nam ra lần này. Bố nói là bố chẳng giống ông nội mấy, còn chú Huệ này thì giống đặc (chú là anh em cùng cha khác mẹ với bố tôi).
Đám cỗ tầm hơn chục mâm, tôi hầu như không nói, không ăn được mấy - xơi được chút xôi ruốc với mấy miếng giò và ít thịt trâu xào – ‘’cỗ quê mình bao giờ cũng phải có món này’’. Vị quê nhà vẫn có chút gì khác biệt, tôi cũng không biết tả ra sao, nên không no không đói, cũng không ăn được nhiều. Vậy là tranh thủ ngồi quan sát một chút.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là cả đám cỗ toàn các bác các chú các anh ngồi đánh chén, chỉ thi thoảng có 1-2 cô lớn tuổi ra nói chuyện với tôi hay ai đó người khác. Có một khoảng sân nhỏ tách biệt, cánh phụ nữ ngồi đó, hình như chỉ nói chuyện chứ không ăn, thỉnh thoảng đứng lên phục vụ món ăn, dọn mâm. Tôi nhớ lại, quãng đường đi bộ trước đó cũng đều là các cô, các bác gái xách đồ cúng như bia, hoa quả, chứ đàn ông không động tay gì cả. Đáng ra tôi nên ra giúp các cô xách đồ chứ nhỉ, xấu hổ thay. Mà không biết tôi làm vậy thì mọi người có thấy vướng mắt không?
Mọi người ăn mặc tươm tất, hầu hết là thời trang quen thuộc: áo may ô trắng mặc lót trong sơ mi, hoặc áo pô lô, với quần vải. Người đi giày, người đi dép, đôi lúc ngó thấy mấy logo Nike.
Nhưng thứ làm tôi chú ý hơn, cũng là thứ vẫn khiến tôi thấy buồn mỗi khi nghĩ đến. Không nhiều đàn ông trong nhà có ngoại hình khỏe mạnh: rất nhiều những hàm răng khập khiễng, đen đúa vì hút thuốc nhiều (tôi không nhìn thấy thuốc lá, thuốc lào thì là đặc sản Tiên Lãng, trước kia bố tôi cũng trồng nhiều), rồi những cặp mắt đỏ ngầu vì rượu, có cả những con mắt đã hỏng (nói đến mắt, tôi cũng là ‘’bốn mắt’’ duy nhất trong tất cả mọi người).
Một chú say xỉn - bố kể lúc nào ông này cũng say hết - tiến đến mời rượu bố tôi, bố nói đã thôi rồi, không uống nữa. Chú cầm cái chai đựng thứ chất lỏng mà tôi vẫn không hiểu có gì hấp dẫn lên, lè nhè nói: anh không uống thì tình anh em như cái chai này, vứt đi. Bố không uống. Ổng vứt chai đi thật, trúng ngay một ấm chè, rơi xuống đất vỡ tan, tiếng xoảng làm mọi người im bặt mất một giây, quay lại nhìn. Ông chú không nói gì thêm, đi qua bàn khác uống. Những chú bác ngồi cùng mâm bố con tôi - những người không hề ép ai uống rượu, còn mời tôi nước hoa quả - lắc đầu ngao ngán.
Ông chú say xỉn tên Bướng, hình như còn là Đại Bướng, nếu tâm sinh tướng thì trường hợp này là tên sinh tâm. Mọi người đều bảo chẳng mấy khi chú Bướng tỉnh táo. Ở quê tôi, nhiều người chết vì ung thư lắm – đám giỗ 49 ngày này cũng là trường hợp như thế. Bất giác, tôi ngại rằng lần tới về quê vì một đám giỗ, có thể là của chú Bướng này...
Rất may không phải ai cũng tên là Bướng, đám tiệc không phải chỉ nói chuyện rượu chè. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì các cô chú bác nói chuyện văn minh lắm, những câu đậm chất triết học như là ‘’thì bài toán nào cũng có lời giải thôi, chỉ là người khôn giải nhanh, người ngu giải chậm’’, tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ được nghe ở nơi này, hôm nay lại được nghe không ít, từ nhiều người nói chứ chẳng phải riêng một ai nổi bật hơn cả. Có một chú – tôi gọi theo vai vế thế chứ chắc đáng tuổi ông – trông hiền như ông Bụt, nói chuyện cũng từ tốn hiền hậu, còn nhớ chuyện ăn cưới bố mẹ tôi hồi năm 97, nói tự nhiên lắm chứ chẳng phải kiếm chuyện small talk xã giao. Chú này cũng là số ít không thấy rượu bia hút thuốc.
Chẳng ai hỏi những chuyện thu nhập, chẳng ai bình phẩm ngoại hình, chẳng ai nói nọ nói kia móc mỉa. Tôi hài lòng nghĩ, mọi người ở đây cũng văn minh đấy chứ - tất nhiên những trường hợp như chú Bướng thì vẫn phải có, nhưng đúng là ‘’con sâu làm rầu nồi canh’’ thôi. Ngồi nghe là chính mà tôi cũng thấy đủ vui rồi.
Còn nhiều câu chuyện lắm, nhưng có một chuyện chắc tôi được nghe chắc sẽ không bao giờ quên nữa. Một cô hỏi tôi chuyện cuộc sống các thứ bây giờ thế nào, rồi có kể là: chắc cháu chẳng còn nhớ, ngày xưa lúc bố đưa cháu còn bé tí về quê, leo lên mái nhà cao kia kìa, rồi cháu nhìn xuống mà bảo là ‘’bố ơi, con được nhìn thấy quê nội rồi’’...
Suýt thì khóc ngay ở đấy, tôi cũng mau nước mắt thật.
--
Hãy dừng lại một chút ngay ở đây, để tôi giải thích với bạn điều mà tôi đã đề cập từ đầu: Tôi có háo hức với chuyến đi này không, có yêu nơi tôi gọi là ‘’quê’’ mà tần suất về thăm phải vài năm mới có một dịp?
Tôi có thể trả lời dõng dạc rằng: có. Tôi của cái năm xa xưa trèo lên mái nhà, tự hào vì nhìn thấy quê nội chắc chắn nói có, và tôi của bây giờ, một thanh niên đã cao vượt lên tất cả mọi người trong dòng tộc, vẫn sẽ dõng dạc nói, là ‘’có’’.
(Xin nói thêm, tôi cũng chỉ cao có 1m7, nhưng vẫn cao hơn hầu hết mọi người ở quê, một cách đáng kể; đi giữa mọi người mà thấy cứ ngại sao sao đó, chỉ muốn cưa chân đi cho cao bằng mọi người thôi. Trộm vía, điều đấy thì về thành phố chẳng bao giờ cần nghĩ đến nữa.)
Tôi vẫn luôn phỏng đoán: cái ‘’gen’’ yêu quê tự nhiên này là tôi thừa hưởng từ bố. Tôi có thể tưởng tượng nếu nói ra với bố như thế, bố sẽ chối đây đẩy ngay, nhưng tôi cảm nhận được rằng, ông yêu nơi chôn nhau cắt rốn của mình đến thế nào.
Đại khái bố hay nói với tôi thế này: bố không nhận gì từ quê cả, vì mẹ của bố - bà nội của tôi – không phải là bà cả (hay không phải là vợ chính danh của ông nội), ông nội cũng chẳng quan tâm nuôi nấng bố tử tế gì cho cam, nên các thứ thừa kế hay di sản, đừng hỏi đến bố, bố không cần và cũng không nhận bất cứ thứ gì cả.
Bố nói thế, nhưng bàn thờ ông nội trong nhà chúng tôi không bao giờ nguội khói hương. Bố nói thế, nhưng mỗi khi có thể, bố vẫn đưa cả nhà về quê, dù mẹ đôi khi cũng càm ràm, chẳng hạn ‘’đám ma còn chẳng về giỗ người ta, 49 ngày thì về làm gì’’. Hôm nay về quê cũng là bố chủ động kêu tôi xin nghỉ làm một ngày để hai bố con đi cho thoải mái.
Gặp bà con họ hàng, ai cũng hỏi ‘’bác Àn ở chơi đến bao giờ’’ (bố tôi tên An nhưng phương ngữ Tiên Lãng cứ gọi là ‘’Àn’’ vậy đó, tên người thanh bằng hình như sẽ được thêm dấu huyền), ‘’bác có ở đến Chủ nhật không’’ (Chủ nhật có một đám giỗ nữa), bố đều đáp: chiều nay phải lên lại Hà Nội, để sắp xếp đã, nếu được sẽ về tiếp Chủ nhật. Ở nhà chúng tôi đã thống nhất là sẽ chỉ về hôm nay còn Chủ nhật thì thôi, tôi nghĩ chắc bố không muốn mọi người buồn.
Tôi nhớ một dịp nào đó, chắc do xem phim VFC nhiều quá nên bị ám ảnh chuyện những người ở thành phố về quê, sẽ bị người nhà vòi vĩnh tiền tài, không có thì bị cạnh khóe nhiều bề. Nhưng ở Tiên Lãng tôi chưa bao giờ thấy những cảnh phim đó ứng nghiệm với mình.
Mọi người đều chỉ hỏi bố con tôi ở đến khi nào, biết bố con tôi phải về sớm, cũng rất thông cảm bảo ‘’thôi về được hôm nay là quý rồi’’. Nói với tôi, các bác các cô cứ nhắc đi nhắc lại rằng thỉnh thoảng con cái phải về quê, không được quên quê hương nhé. Trong đám ngồi ăn cỗ, tôi có nghe thoáng một chú kể chuyện cho bố tôi: con ông Tuyên thế là mất quê rồi đấy, bố mất một cái là thôi không còn có liên lạc thăm hỏi hay về quê gì nữa cả.
Cũng có lúc tôi đã nghĩ, giả sử không có bố thì liệu tôi có còn về quê được hay không? Thứ duy nhất tôi nhớ mang máng là con đường đi về Hùng Thắng, Tiên Lãng, số họ hàng tôi nhớ được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng mỗi lần về quê, có bao giờ mọi người thấy phiền phức gì vì tôi đâu? Các cô nói luôn là ‘’chắc Bách chẳng nhớ cô đâu’’, nhưng rồi cũng trò chuyện vui vẻ với tôi, chẳng trách móc gì cả. Các chú, các bác, các ông bà cũng đều như thế. Ở đây, tôi thấy mình được là chính mình, bầu không khí ấy còn thoải mái và chân thành hơn nhiều những giao thiệp xã hội ở nơi thủ đô ‘’văn minh’’, ‘’hiện đại’’.
Tuy vậy, cần khẳng định tôi không hẳn không phản đối gì với ‘’con ông Tuyên’’. Tôi nhớ tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (tác giả cuốn Con đường Hồi giáo) có viết: trên thế giới người ta không còn coi quê quán là một thông tin cá nhân quan trọng như ở Việt Nam nữa, thay vào đó chỉ quan tâm đến nơi ở hiện tại. Thời hiện đại, mọi người di chuyển đi tứ xứ định cư, làm việc, thì xác định, ghi lại quê quán trên giấy tờ cá nhân như ở nước ta chỉ mang ý nghĩa về mặt tình cảm thôi chứ không mang tính chất thực dụng.
Vâng, nếu con cháu của ông Tuyên không bao giờ về thăm quê nữa vì họ không còn nhu cầu tình cảm, cũng không nhận được ý nghĩa thực dụng nào (mẹ tôi rất hay đùa là ‘’quê sắp phát triển như thế, hai bố con về kiếm mảnh đất nào mua lẹ đi’’), tôi chẳng có lý do gì để phản đối họ. Nhưng lựa chọn của tôi thì khác. Tôi muốn gắn bó với mảnh đất này, dù chỉ là về mặt tinh thần, dù lâu lâu mới về một lần thôi cũng được.
Nói trước bước không qua, mà hãy cứ viết ra ở đây, vì thực tâm tôi muốn thế. Tôi luôn tưởng tượng ‘’endgame’’ của mình sẽ giống như Thanos, ở tại Vườn Xưa. Sau khi đã làm xong những điều Khổng Tử dạy, ‘’tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’’ rồi, tôi sẽ kết thúc là một lão nông, làm vườn và chill đến giây phút cuối cùng. Vườn Xưa của tôi là ở đâu? Còn ở đâu nữa, ngoài Hải Phòng, ngoài mảnh đất Tiên Lãng với những con người tôi yêu quý.
Ngày đấy (nếu có) cũng sẽ còn xa. Giờ hãy quay lại với ngày về quê của hiện tại đã.
--
Hết đám cỗ, bố con tôi qua thắp hương một anh không may mất tích khi đi biển. Anh đã xây được một căn nhà cửa kính lát gạch tươm tất chẳng thua gì nhà ở thành thị cho gia đình, nhưng vẫn muốn đi biển. Mẹ anh - người tôi gọi bằng cô - gàn lại không được, để rồi bây giờ anh bỏ lại mẹ già với 2 đứa con gái nhỏ. Chúa phù hộ, vẫn biết đâu có một tia hy vọng là anh còn sống...
Sau đó, 2 bố con tôi leo lên chiếc xe máy cũ để bác Vượt chở đi. Quãng đường ngắn ngủi lại là một dịp ngắm nhìn quang cảnh quê nhà. Nói ngắn vậy chứ cũng phải vài cây, bố tôi lúc đầu định đi bộ, nói là muốn ngắm làng, nhưng ý là không muốn bác Tươi đi bộ một mình. Sau biết bác Tươi cũng có xe sẽ đưa về, bố mới chịu lên xe máy.
Đồng ruộng ngập nước trải dài, có lúa, có ngô, có cả những cây mọc dài xanh mướt mà tôi chẳng rõ là cây gì (hỏi bác Vượt, bác nói "cây dong nước", mà google thì tôi thấy cây dong sao lại mọc dài được thế, cũng có khi bác nhìn nhầm cây tôi chỉ :)). Tầm giờ trưa chúng tôi đi là vừa lúc học sinh tan học, những áo trắng đồng phục với xe đạp, xe điện đông đúc trên đường.
Thỉnh thoảng một quái xế đầu trần rồ ga phóng vèo qua, rú còi inh ỏi. Nhìn hai bên đường thì thấy những hàng làm móng, làm tóc chắc hẳn ăn nên làm ra, những mái tóc xanh đỏ nhiều màu trên đầu những thanh niên đi bộ không khó bắt gặp. Ở những vùng đang quá độ trên đà phát triển, nhu cầu làm đẹp hình như lại càng cao để tương xứng với bộ mặt "thay da đổi thịt" của quê nhà.
Tường nhà quê đa phần vẫn rất thấp, lại càng thêm thấp khi đường gạch đổ thêm một lớp bê tông. Đi qua một căn nhà khang trang, nghe tiếng loa thùng vang vang những tình khúc nhạc vàng.
Cuối cùng cũng vào nhà bác Vượt. Bố hỏi Bách đã vào đây chưa, tôi đáp ngay, vẫn còn nhớ lần gần nhất ngồi bên bờ mương này, phía trước căn nhà này là ăn cỗ anh Dũng, con trai bác Vượt.
Anh Dũng đã xây được một căn nhà đẹp, nửa nhà truyền thống kiểu quê chỉ tu sửa chút đỉnh, thêm công trình phụ và một phòng ngủ khang trang nữa. Bố nói chuyện với bác Vượt, tôi cũng muốn ngồi lại lắm, nhưng đã quá mệt và buồn ngủ rồi, nên đành nghe lời hai người lớn bảo vào phòng trong mà ngủ.
Phòng trong là căn phòng của vợ chồng anh Dũng. Một tủ quần áo cỡ trung, một bàn học kê ngay ngắn sát bên cửa vào. Phía trên có giá để đồ như chăn nệm, và hầu hết diện tích phòng dành cho chiếc giường ngủ. Tôi xem qua chiếc bàn học, trên đó có một tập sách dạy làm cha mẹ của Nhật Bản với những truyện kể thiếu nhi.
Tôi nằm ngủ được một giấc khá ngon, suýt soát một tiếng đồng hồ. Gần 13h, bố thức tôi dậy để chuẩn bị ra bắt xe. Ngoài sân mưa đã rơi ướt đẫm tự bao giờ, hồi sáng mới là vài giọt bay bay. Lần đầu tiên tôi được thấy mưa ở Hải Phòng.
Mưa thế mà tiếng sáo diều vẫn vang vọng. Thêm một lần đầu tiên: đọc bao nhiêu văn thơ miêu tả sáo diều rồi mà đến giờ, bác Tươi nói thì tôi mới biết đấy là tiếng sáo diều, nghe không hay như sáo trúc, nhưng cũng thú vị.
Bác Vượt gói cho chúng tôi một bao cà chua mang về. Tôi mê cà chua Tiên Lãng lắm, quả nhỏ, đỏ tươi, ngọt mát. Quãng 5 năm trước, nhà tôi về quê cũng được cho về cả bao tải cà chua, tha hồ ép nước uống nguyên mùa hè.
Phút chia tay, bác Vượt, bác Tươi vẫn cười giòn, dặn dò các thứ. Hai bác dễ thương quá. Đáng ra tôi phải xin hai bác chụp một kiểu ảnh, giờ nói thì muộn mất rồi, lại xấu hổ nữa.
Bác Vượt chở hai bố con ra đợi bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ nằm ngay sát "sân vận động", đối diện trường cấp 3 Hùng Thắng. Bác chào rồi về ngay. Cơ bản thì chuyến về quê đã kết thúc từ lúc ấy.
Chúng tôi chờ xe 16 chỗ của Ô Hô đi gom khách ở Tiên Lãng lên "chốt". Bố bảo bình thường xe chạy đúng giờ lắm, 13h có chuyến qua đây, mà có lần bố ra trễ vài phút thôi, ngồi xe ôm đuổi theo không kịp!
Vậy nhưng hôm nay xe đến rất muộn, 13h30 bố con tôi mới lên xe - hai hành khách duy nhất trên chiếc xe 16 chỗ. Anh tài đeo airpod, có bài nhạc chuông cổ trang Trung Hoa chát chúa, luôn miệng trả lời điện thoại, bảo chúng tôi là đánh xe 2 vòng (qua Vinh Quang) rồi mà chẳng bắt được khách nào.
Đến bưu điện Tiên Lãng, xe lại dừng đợi khách đã hẹn. 14h10 mới nổ máy tiếp, sau khi "bắt sống" được thêm 4 khách. Rồi sau đó là lên "chốt", lại đợi chừng 15 phút mới có xe khách đi bến xe Gia Lâm.
Tôi lại ngủ gà gật suốt dọc đường. Giữa cao tốc, có một lúc mở mắt ra, tôi thấy bố cũng đang thiu thiu bên cạnh. Không phải là bố không mệt, như bố luôn nói mỗi khi tôi hỏi.
Gần 16h, chúng tôi về đến nhà. Đặt chân xuống thị trấn Yên Viên thân thuộc mà không hiểu sao tôi thấy lạ lẫm quá, cứ như xác ở đây mà hồn vẫn còn ở đâu.
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn"
Nói Hùng Thắng, Tiên Lãng là tâm hồn tôi chỉ sau một chuyến đi thì đúng là tuyên truyền vớ vẩn.
Nhưng nói mảnh đất ấy đã, đang và vẫn sẽ là tâm hồn tôi, thì đúng vậy.
Không biết lần tiếp theo tôi về quê sẽ là lúc nào.
Không biết bao giờ mới có thể điện cho các cô "thuê nguyên một xe lên ăn cỗ" như các cô cứ dặn mãi (nghe thế tôi cũng hơi áp lực).
Nhưng chắc chắn một điều.
Tôi sẽ còn về nữa.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất