Đây thực ra không phải là một bài văn hay gì cả, đây chỉ là một vài dòng tâm sự mà tôi muốn gửi đến bản thân.
Tôi thực sự không biết nên mở bài như thế nào luôn ấy, tôi thường xuyên viết văn, văn chương với tôi giống như một liều thuốc an thần. Văn chương đối với tôi như một sự cứu rỗi từ Chúa vậy, nó xuất hiện lúc tôi suy sụp nhất. Nó luôn giúp tôi được nói hết những điều trong tâm ra, nó giúp tôi có tiếng nói. Với tôi mà nói, văn bây giờ như một thứ gì đó rất thiêng liêng, vì khi ở bên nó, tôi cảm giác mình có thể làm chính mình. Chính tôi còn chẳng định nghĩa được bản thân mình là ai, mình thoải mái nhất khi ở cạnh ai. Nói thật, văn đối với tôi là một thứ có thể tôi sẽ chẳng bao giờ bỏ được. Tôi viết ra những dòng tâm sự, khúc mắc của mình trong những bài văn, nó giống như là một nơi để tôi có thể giãi bày được những ý kiến cá nhân, những tâm sự của mình hơn là giống một bài văn thực thụ.
Khi ở bên bất cứ ai, tôi luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định với họ. Nói ra điều này có thể mất lòng với những ai tôi gọi là “bạn thân”, nhưng thật sự, tôi luôn luôn sợ hãi rằng một ngày nào đó họ sẽ bỏ mình mà đi, họ sẽ bỏ lại tôi đằng sau như những người trước đã làm. Vì sợ những điều đó, tôi luôn cố làm cho họ cười, tôi luôn luôn đùa, tôi lúc nào cũng cười. Nói thật, lúc nào tôi cũng cười, trước khi làm bất cứ thì gì, tôi cũng phải cười lên một cái rồi mới làm gì thì làm, nói gì thì nói. Tôi cười nhiều tới mức bị hỏi là có bị bệnh hay không. Khi bị hỏi vậy, tôi đáp lại bằng một nụ cười, rồi sau đó mới giải thích.
Chuyện tôi cười nhiều tới mức bị gọi là con điên là có lí do cả. Thực ra, từ nhỏ, tôi là một đứa khó cười, tôi thực sự không có một tí máu buồn nào trong người cả. Cả quãng thời gian tôi học tiểu học thì rất ít khi tôi cười, bọn bạn còn bảo làm cho tôi cười còn khó hơn lên trời. Nhưng tại sao khi lên cấp 2 tôi lại thay đổi như vậy? Tất cả là khi bé bạn thân của tôi chuyển trường, con bé ấy trùng tên với tôi nên cả hai thân nhau từ đó. Chúng tôi chơi với nhau mà chưa một lần cãi vã. Con bé ấy giống như bảo vệ tôi mọi lúc mọi nơi. Nhưng từ khi con bé chuyển trường thì tôi liên tục bị bắt nạt, tại vì tôi không có ngoại hình ưa nhìn. Tôi là một đứa da ngăm, tóc nâu, môi dày. Tôi lúc nào cũng bị bodyshaming và faceshaming. Tôi bị thường xuyên tới mức tôi nghĩ đó là sự thật, mọi người chắc sẽ không hiểu được sự toxic của bọn nhóc cấp 1 đâu. Tôi đã bị tẩy não tới mức chỉ cần hỏi là tại sao tôi lại nhìn như vậy là y như rằng nước mắt tôi lại trào ra. Mọi người không thể hiểu được một ngày của tôi ở trường tiểu học nó khinh khủng tới mức nào đâu, không có một đứa bạn nào ở trường của tôi mà tôi có thể gọi là “bạn” cả. Toàn là lũ bắt nạt rồi hỏi tôi rằng tại sao tôi lại sợ bọn chúng, tại sao tôi lại khóc, tại sao tôi lại không cười lên. Tôi không thể hiểu nổi, bọn chúng nghĩ việc bắt nạt, body/face shaming người khác chỉ là một trò đùa? Mà nói thêm là tôi chỉ bị bắt nạt khi con bạn thân tôi nó chuyển trường, vậy nên tôi mới nói là hồi trước nó bảo vệ tôi. Không chỉ là bạn bè, mà cả thầy cô nữa. Nhất là ông thầy chủ nhiệm lớp tôi năm lớp 5, ông ấy đì tôi mà không biết là ổng đang làm vậy. Vì ổng mà tôi bị rối loạn tiêu hóa đấy, cuối năm lớp 5 vì ôn thi nên ổng bắt mọi người ngay sau khi ăn trưa xong phải giải xong những bài toán ổng đưa rồi mới được đi ngủ. Ngay sau khi ăn trưa đấy, từ đó tới giờ là dạ dày của tôi luôn nhạy cảm, ăn đồ ăn lạ là đau bụng, ăn nhiều hơn 1 xíu cũng đau bụng, ăn ít hơn 1 xíu cũng đau bụng. Thế éo nào cũng đau bụng, nó thường xuyên tới mức mà mỗi lần bụng tôi bắt đầu lên cơn là tôi kiểu “Nữa hả trời?”
Mà chúng nó không phải bắt nạt một cách thông thường mọi người ạ. Bắt nạt theo ý nghĩ của mọi người là cô lập 1 góc, rồi bị chơi xấu này nọ phải không? Không ạ, cách đó xưa rồi, giờ bọn nhỏ bắt nạt theo cách này này. Chúng nó sẽ chơi thân với mình rồi suốt ngày chơi xấu mình như kiểu sai khiến, chọc quê mình rồi chốt hạ câu cuối rằng “Tớ đùa ý mà, để bụng làm gì?” Làm cho người lớn nghĩ bọn nó chỉ đùa, chúng nó còn chẳng biết là mình là bọn bắt nạt người khác cơ. Ngày nào đến lớp tôi cũng được nghe câu nói rằng “Da bà đen như ……”, “Tóc bà như……..”, “Mặt bà như……” Điền những từ thô tục nhất vào chỗ trống nhé, sẽ không có từ nào tôi chưa từng nghe qua đâu.
Tôi bị nhạy cảm tới mức sau này chỉ cần hỏi về cơ thể là tôi y như rằng sôi máu lên hoặc là nước mắt như sắp rơi vậy. Nên làm ơn, chơi với tôi đừng đề cập tới mấy vấn đề là tại sao da tôi lại thế, tại sao tóc tôi lại thế. Trừ khi tôi tự mình nói ra, cho dù bạn hỏi rồi tôi có cười rồi trả lời không phải vì tôi thấy bình thường, mà cái “cười” đó của tôi chỉ là hậu quả của sự bị bắt nạt quá nhiều thôi. Tôi cười trong mọi tình huống nên đừng thấy lạ. Tại sao tôi lại cười nhiều như vậy, nãy giờ vẫn chưa được giải đáp á? À, lúc bị bắt nạt thì tôi lại chẳng thể phản kháng được nên chỉ đành cười trừ cho qua chuyện, nhưng câu chuyện là rắc rối này. Tôi bị nói là “Bà cười xấu thế, đừng cười nữa được không?” Đấy, một đứa nhỏ cấp 1 mà nghe thấy thì sẽ phản ứng như nào? Khóc, tức lên? Không, tôi lại cười, thật đấy, tại thời điểm ấy tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài cười trừ rồi đánh trống lảng sang chuyện khác. Nhưng ngay sau đó thì tôi chạy ngay vào nhà vệ sinh và nhìn vào gương xem nụ cười của mình như thế nào. Mọi người chắc sẽ không hiểu được một đứa nhỏ cấp 1 đã tổn thương tới mức nào khi phải tập cười chỉ vì một “câu đùa” vu vơ của bọn bạn đâu. Ngày nào tôi cũng tập cười cả, vừa cười vừa khóc ấy. Tôi cười tới mức mỏi khuôn miệng nhưng vẫn không dừng lại. Tôi thực sự sợ khi mình không thể cười nữa, hoặc khi cười lại bảo rằng đừng cười nữa. Tôi đem chuyện này nói cho mẹ thì mẹ chỉ nghĩ rằng đó là trò đùa của trẻ con. Mẹ bảo rằng mai khi đi học hãy nói với bọn bạn rằng màu da và nụ cười của tôi giống một cô hoa hậu. Tôi cũng tin rồi nói cho mấy đứa “bạn” như vậy, và mọi người biết gì không? Chúng nó cười vào mặt tôi và bảo rằng “Chắc là hoa hậu xấu nhất thế giới rồi” Hahahaha, thật là hài hước làm sao. Nếu mà là tôi bây giờ chắc tụi nó vào bệnh viện nằm rồi cũng nên. Nhưng tại thời điểm đó thì tôi cũng chỉ cười trừ rồi cho qua chuyện.
Và cả những khi tôi muốn tâm sự chuyện gì thì tôi đều sợ mình sẽ đem lại cho họ cảm giác tiêu cực, nên mỗi khi tôi muốn nói về vấn đề của mình, tôi luôn luôn giả vờ như mình đã vượt qua nó được rồi hoặc tôi hành xử như tôi coi nó là một trò đùa. Vì vậy, tôi ít khi nào lấy được lời khuyên hay động viên cho tử tế, vì hầu hết mọi người đều nghĩ rằng nó chẳng có gì đáng để bận tâm. Khi tôi muốn nói về sự khó khăn của bản thân thì tôi luôn luôn thêm cái “=)))” và “:)))))))” vào cuối câu, vì tôi sợ họ sẽ đánh giá tôi. Nên làm ơn, nếu tôi nói với bạn những vấn đề của mình một cách nghiêm túc thì hãy trân trọng nó được không? Vì đó là dấu hiệu tôi đã rất rất tin tưởng bạn đó.
Nói về sự nhạy cảm và giả tạo của tôi đi. Sự nhảy cảm thì có thể ít ai cảm nhận được vì tôi luôn luôn giấu nó đi, tôi luôn hành xử như mình chẳng bận tâm đến những lời nói xấu hay những lời nói đùa vu vơ. Nhưng thực chất, tôi để ý rất nhiều, tôi luôn luôn tự hỏi rằng bản thân đã làm đúng chưa, mình có làm gì để mọi người không hài lòng không, sao mọi người nhìn khó chịu thế nhỉ, mình có dư thừa không, mình có nên rời đi không. Tôi luôn dằn vặt mình rất nhiều, đó được gọi là gì nhỉ? Sự nhu nhược chăng? Đúng rồi, tôi luôn có để không làm mất lòng người khác, tôi luôn muốn người ta đừng ghét mình hay có những suy nghĩ không tốt về mình. Tôi nghĩ một phần là do hậu quả của sự tẩy não và bắt nạt quá nhiều. Giờ là sự giả tạo đi, tôi luôn luôn phủ nhận rằng bản thân giả tạo. Nhưng ừ, tôi giả trân thật đó, tất cả đều là giả, từ sự dữ dằn đến dịu dàng. Giả hết, tôi không biết được con người thật của tôi là gì, con người thật sự của tôi ra sao. Tôi có rất nhiều nhân cách, mỗi nhân cách đều dành riêng cho một người. Dần dà rồi tôi chằng thể phân biệt nổi đâu thật đâu giả nữa. Tôi có thể cười trước lời phê bình “không đúng mấy” của mọi người, nhưng sâu trong lòng tôi muốn giải thích dữ lắm. Nhưng để tránh phải dài dòng và nói nhiều thì tôi cứ để kệ cho mọi người muốn hiểu theo cách nào thì hiểu. Điều này cũng mang lại không ít rắc rối, vì có một số điều tôi nói về bản thân mình mà chưa nói hết thành ra mọi người hiểu nhầm. Nhưng tôi lại không thể nào nói hết được, vì bản thân tôi còn chưa hiểu rõ về chính mình, tôi còn chẳng biết mình là ai, mình muốn gì thì làm sao giải thích/ kể hết ra cho mọi người nghe được. Vì chính những điều tôi nói cũng mâu thuẫn dữ lắm, chính tôi còn không hiểu được thì làm sao mà người ngoài hiểu cho nổi. Vậy nên, khi kể cái gì, tôi thường chỉ kể 1 phần nho nhỏ của nó, tôi chỉ nói ra phần băng nổi, còn phần băng chìm tôi còn chưa biết nó to/ dài bao nhiêu thì sao mà nói?
Và có một lần tôi nói với thầy dạy văn là mỗi khi tôi viết thơ đều cần tới 1 tiếng hơn, vì tôi phải chọn lọc từ ngữ. Vâng, tôi chỉ nói đến đấy và thầy của tôi dựa vào đấy để nói rằng bài thơ của tôi nó mang tính chất máy móc. Trong khi tôi chọn lọc từ vì vốn từ của tôi quá ít ỏi và tôi không thể dùng nó để nói lên hết ý nghĩa tôi muốn gửi gắm. Thầy còn bảo tôi không trải nghiệm đủ để viết ra những dòng đó trong khi nguyên mẫu của tất cả những bài văn/ thơ tôi viết đều là cảm xúc của chính mình? Những cái mảng cảm xúc mà tôi biết rõ nhất, những cái tảng băng mà tôi hiểu rõ nó to bao nhiêu? Thầy bảo tôi chưa trải nghiệm đủ trong khi tôi khai thác nhân vật là từ tôi??? Ulatr, thật sự luôn, khi tôi nghe tới đó mà tôi shock mà không thể nào shock hơn. Và vì cái tính nhu nhược của mình mà tôi cũng mặc kệ, thầy nghĩ gì thì nghĩ, tôi chỉ cần bản thân mình biết rằng mình không phải như thầy cảm nhận là được. Tôi cũng chẳng giải thích mà thầy nghĩ rằng bản thân đang cảm nhận đúng và đưa ra những lời khuyên mà tôi “không cần chút nào”. Thật sự, thầy mà thấy bài này chắc tôi bị kí đầu quá. Tôi lựa chọn từ ngữ 1 phần vì vốn từ ít ỏi của mình, một phần vì từ gốc mà tôi tự nghĩ ra nghe nó cứ sao sao nên tôi phải chọn lại từ mới. Vì khi tôi vẫn giữ từ cũ thì bài văn/ thơ nghe nó sẽ rất RẤT dở. Đó là lí do tại sao mỗi lần viết văn là tôi kiểu “từ đồng nghĩa với……”, “Synonym for….” Không phải vì tôi muốn bài văn/thơ của mình hoàn hảo (ừ, tôi muốn nó hoàn hảo thật, nhưng không phải hoàn hảo theo mặt máy móc như thầy nói) mà tôi muốn khi đọc vào người đọc sẽ hiểu rằng tại sao nhân vật lại như thế. Nên tôi mới lọc từ, còn nếu vốn từ của tôi đủ phong phú tới mức chỉ cần đặt bút là sẽ viết được một bài y như ý muốn thì tôi đi làm nhà văn cmnr. Và một điều nữa đó là tôi muốn ngôn từ của mình nó phải phù hợp với hoàn cảnh bài văn, vì bài của tôi toàn lấy bối cảnh từ thời vua chúa của Châu Âu, nên nó cũng khá là khó (đối với tôi) khi phải chọn từ nghe cho nó “quyền quý, cao sang”.
Đó chỉ là 1 cái hiểu nhầm nho nhỏ trong vạn cái hiểu nhầm chỉ vì sự “không hiểu bản thân muốn gì” của tôi. Ừ, thì đó là lỗi của tôi, những cũng đâu thể trách được một đứa chẳng biết mình là ai lại phải đi giới thiệu bản thân mình với mọi người đúng chứ?
Còn vạn vạn điều nữa tôi muốn nói mà thôi vậy, chắc chỉ tới đây thôi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất