3 quan điểm của mình về sự cân bằng giữa Công Việc - Cuộc Sống (Work-life balance)
Chúng ta nên cân bằng cuộc sống như thế nào?
Trong cuộc sống ngày nay của chúng ta, ai cũng phải đi làm để kiếm sống. Tuy nhiên, có những người làm việc nhiều đến nỗi quên cả sống. Và sau đây là một số suy nghĩ của mình:
1. Sự cân bằng giữa Công Việc - Cuộc Sống
Trong Kinh Thánh, kể từ khi Adam và Ê-va phạm tội với Đức Chúa Trời, họ ăn trái cấm, họ đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, không được hưởng sự thoải mái trong vườn Ê-đen nữa mà phải đi làm cật lực để có miếng ăn, mang nặng đẻ đau. Những hậu duệ sau đó cũng phải làm thì mới có ăn. Làm việc là điều duy nhất để chúng ta có gì đó cho vào bụng để sống sót.
Nếu chúng ta không làm việc? Đơn giản là sẽ không được ăn, không có tiền để tiêu và bị xã hội đánh giá (trừ trẻ em vì chúng còn nhỏ chưa đến tuổi lao động).
Khi cụm từ "Work-Life Balance" xuất hiện, mọi người đều hứng thú với nó. Cụm từ đó có nghĩa là con người cần phải phân chia thời gian cho công việc và cho cuộc sống. Vậy chúng ta cần hiểu nó như thế nào?
2. Thái độ và phản ứng về "Work-Life Balance"
Chúng ta cần phải phân chia hợp lý thời gian đi làm và thời gian cho cuộc sống. Nếu ta làm việc quá nhiều sẽ dẫn đến kiệt sức, không có thời giờ cho gia đình và bạn bè, nhất là bản thân, và từ đó dẫn đến chất lượng cuộc sống bị đi xuống (Không nhiều mối quan hệ gần gũi, sức khỏe đi xuống). Ngược lại, nếu không đi làm một cách chịu khó cần cù thì đơn giản chúng ta không có đủ tài chính để trang trải cuộc sống.
Khi đi làm, hãy sử dụng tốt nhất những gì mình có, hoàn thành tốt và đủ các công việc trong ngày, đừng để delay sang ngày khác hoặc cho rằng về nhà sẽ làm nốt. Hãy cố gắng xong mục tiêu trong ngày, để khi về nhà, chúng ta sẽ có một tâm trí thoải mái để khỏa khuây với gia đình, bạn bè (đi nhậu, đi chơi với gia đình, hoặc đơn giản dành thời gian cho vợ/chồng con).
Tất nhiên, sẽ có những ngày siêu bận và khó có thể hoàn thành hết trong ngày, nên mình chỉ ra là hãy hết sức mình khi ở chỗ làm thôi. Mình thấy có những trường hợp, bố mẹ đi làm về, ăn một chút xong lao ngay lên phòng làm việc để làm tiếp, không kịp hỏi han con cái một câu gì, vì chắc chắn trong đầu họ chỉ toàn là công việc. Khi về nhà với tâm trạng như vậy thật không thoải mái gì. Họ nghĩ nếu mình làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn, con cái sẽ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi họ vùi đầu vào công việc để kiếm tiền, sẽ có ít thời gian cho con, và liệu con cái sẽ thực sự vui vẻ khi bố mẹ làm việc nhiều như vậy?
Dành ra ít nhất một ngày trong tuần làm gì đó mình thích (đi shopping, đi du lịch trong ngày, chơi game, ngủ, đọc sách, bạn nào có tín ngưỡng thì đi nhà thờ). Bạn sẽ không muốn dành ra cả tuần chỉ để đi làm từ sáng đến tối, không nghỉ ngơi ngày nào. Làm việc như vậy sẽ rất mệt, ít có thời gian rảnh, và khi về già bạn sẽ hối hận mình đã không trải nghiệm được nhiều hơn khi còn trẻ. Thay vì làm việc chăm chỉ, hãy tìm cách làm việc thông minh hơn => Giảm giờ làm, giảm khối lượng công việc mà vẫn đủ chỉ tiêu, từ đó nhiều thời gian rảnh hơn (Work smarter, not harder).
Về mặt khác, cũng có những người chỉ biết hưởng thụ, không biết đi làm, hoặc không chịu khó, làm rất ít. Họ không hiểu được cảm giác phải bán sức lao động cho công ty nào đó để đổi lấy đồng lương. Đó thường là những người được sinh ra trong gia đình khá giả, được bố mẹ chiều chuộng, hay cho tiền đi chơi, mua bất cứ thứ gì họ muốn. Việc được cho tiền nhiều như vậy dẫn đến tâm lý rằng tiền rất dễ kiếm, hoặc họ nghĩ có tiền là điều hiển nhiên, không việc gì phải lao lực kiếm nó. Hãy nghĩ đến trường hợp này, khi mà bố mẹ quyết định không hỗ trợ con cái về đồng tiền nữa, mà bắt chúng phải tự đi kiếm, thì chắc hẳn chúng sẽ tỏ thái độ không dễ chịu, thậm chí còn bật lại bố mẹ. Khi gặp khó khăn chúng sẽ không có được ý chí sắt đá, dễ chìm. Vì thế, đó là kiểu suy nghĩ rất nguy hiểm và sai lệch, hình thành nên nhiều thành phần chỉ biết ăn bám và hưởng thụ, sống như hoàng tử công chúa. Chắc hẳn những con người làm ra tiền bằng chính sức mình, khi nhìn vào họ sẽ thấy không thoải mái một chút nào. Cuộc sống không công bằng một chút nào.
3. Quan điểm về những người nghiện làm việc (Workaholics)
Họ được biết đến như những người chọn cống hiến của mình cho công việc. Họ vùi đầu vào job ngày qua ngày, tháng qua tháng, và góp công rất nhiều cho công ty, mang lại lợi ích và giá trị cho nhiều người khác. Họ thường là những người lãnh đạo, đi đầu trong một lĩnh vực nào đó, và là những chuyên gia. Họ sẵn sàng làm trên 10 tiếng một ngày, trên 50 tiếng một tuần và không dành ra ngày nghỉ nào. Điều đó là tốt, khi mà cuộc sống được phát triển nhanh nhờ những người như họ. Tuy nhiên, điều gì trong cuộc sống cũng sẽ có hai mặt của nó. Chọn công việc thay vì cuộc sống, nhiều điều khác trong cuộc sống cá nhân sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Có thể họ biết vậy và họ đã chọn hy sinh cuộc sống của mình cho người khác. Điều quan trọng ở đây là, bản thân chúng ta vẫn nên được ưu tiên trước người khác.
Họ làm nhiều để kiếm được nhiều tiền. Hoặc đơn giản đối với họ, sống là làm việc và công việc là cuộc sống. Nhưng khi làm quá nhiều để nhận về nhiều tiền như vậy, thời gian tiêu tiền lấy đâu ra? Có thể có nhưng là rất ít. Cá nhân mình không phải là người quá yêu việc đi làm cật lực để kiếm tiền. Sau cùng, chúng ta cần tiền, phải không? Vậy sao có nhiều rồi lại không tiêu được? Đơn giản, họ chỉ muốn cái cảm giác có nhiều tiền trong tài khoản thôi, vì nó rất sướng. Tiền sẽ không là gì nếu không được tiêu. Vì vậy, hãy chậm lại một chút, nghỉ ngơi và dành nhiều thời gian hơn cho giải trí và các mối quan hệ. Cuộc sống đâu chỉ là về đi làm, phải không?
Mình quen một vài cô chú chủ quán phở bên Canada. Họ cống hiến 100% cho công việc, từ 9h sáng đến 12h tối, mọi ngày trong tuần. Và vì thế họ có rất ít mối quan hệ, ít thời gian cho con cái và cho bản thân. Họ chỉ làm việc, làm việc và làm việc cho đến khuya mới về nhà, và sáng hôm sau họ tiếp tục như vậy. Mình không đánh giá tốt hay xấu, chỉ là như vậy thì đốt sức khỏe và quan hệ. Đối với mình, điều đó vừa đáng ngưỡng mộ vừa thật kinh khủng. Đối với Gen Z chúng ta, chắc hẳn không ai muốn làm việc với cường độ như vậy. Đơn giản chúng ta muốn được "Sống", vừa đi làm vừa làm những gì mình thích. Cái giá của chuyện đi làm quá nhiều là không nhỏ tí nào.
=> Quan điểm của mình: Làm việc vừa đủ, đừng làm nhiều quá, tận hưởng nhiều hơn chút. Tiền nhiều cũng không theo mình sau khi chết đâu. Vì vậy nên sống chỉ đủ dư dả, cân bằng được giữa Công Việc - Cuộc Sống. Với mình, thế mới gọi là "Được sống".
P/s: Đây là lần đầu mình viết, và dựa theo góc nhìn cá nhân. Nếu mình có nhìn nhận sai ở đâu thì mọi người đừng phản ứng thái quá nha. Thank you mọi người <3
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất