“Hãy là chính bản thân bạn bởi vì cuộc sống quá ngắn để là một ai khác”
Chính bởi vì cuộc sống ngắn ngủi, nên chúng ta loay hoay mãi để đi tìm đáp án cho câu hỏi "ta là ai?"
Khoan hay bàn tới vấn đề mà tiêu đề đặt ra, trước hết thì, tính cách là gì?
Tính cách là phản ứng của con người đối với thế giới, khi thế giới chủ quan và khách quan tác động tới con người, họ sẽ phản ứng lại bằng những cử chỉ, những biểu cảm, thái độ khác nhau tùy vào hoàn cảnh và mức độ tác động. Dần dần, những phản ứng đó trở nên ổn định, cố hữu và trở thành một phản xạ không điều kiện, từ đó hình thành nên cái gọi là tính cách như chúng ta đã biết. Ví như một chàng hay nổi nóng, đó là phản ứng của người đó khi có ai đó khác tác động vào cảm xúc tiêu cực của anh ta, hay khi có một chuyện gì đó không thuận lợi xảy ra với anh ta.
Vậy tính cách liên quan gì tới vấn đề đã đặt? Tính cách được hình thành trong suốt những năm tháng từ khi còn thơ ấu cho tới tận khi về già, và đó có thể là một quá trình dài hạn hoặc ngắn hạn. Bạn là một người ẩu đoảng do thói quen làm nhanh, mất tập trung trong quá khứ suốt từ thời đại học, bỗng một ngày bạn đi làm, bạn bị sếp khiển trách vì làm sai một phần dự án quan trọng của công ty, và rồi sau ngày hôm đó, bạn trở nên cẩn thận, từ tốn hơn, đó là quá trình mà tính cách bạn được thay đổi.
Vậy giờ hãy thử tưởng tượng, bạn đang sống khá ổn với bản thân bạn hiện tại, nhưng rồi một hôm, bạn lướt tiktok hoặc facebook, đọc được một vài dòng quote đại loại như "hãy là chính mình", "tìm về bản chất của bản thân", và bạn bỗng bừng tỉnh. Bạn nhận ra bấy lâu nay bạn không được làm công việc bạn yêu thích, đáng lẽ bạn nên cầm chiếc máy ảnh dong duổi khắp nơi thay vì ngồi văn phòng gõ phím, đáng lẽ bạn nên về quê sống cuộc sống "trồng rau và nuôi thêm cá" thay vì ở lại thành phố đầy khó bụi, đông đúc này. Đáng lẽ bạn nên hiền hòa với bà hàng xóm thay vì suốt ngày cãi nhau với người ta vì họ để xe chắn lối đi của bạn,...và bạn muốn thay đổi, bạn muốn tìm về chính mình, bạn không muốn làm một bản sao như bao người khác nữa, không công việc văn phòng, không thành phố xô bồ, không cãi nhau với người khác,...bạn suy ngẫm, tìm tòi, mong muốn được sống là chính mình.
Cái áp lực vô hình cho những người muốn tìm lại bản thân chính là bắt đầu lại cuộc sống với một con người khác. Bạn đã xin nghỉ việc ở công ty và sắm được chiếc máy ảnh mình muốn, bạn rời thành phố và dong duổi khắp vùng quê để chụp những bức ảnh đẹp, rồi bạn lại nhận ra rằng làm nhiếp ảnh gia lại không dễ như bạn tưởng. Những bức ảnh bạn chụp không bán được tiền, chi phí ăn uống, đi lại cứ đang tăng dần, và thế là chặng đường tìm lại bạn thân đã đi vào ngõ cụt. Rồi bạn nhận ra rằng cuộc sống văn phòng, ở thành phố đông đúc không phải thứ bạn thích, nhưng đó là thứ nuôi sống bạn. Có biết bao người đánh đuổi ước mơ bằng cơm áo gạo tiền, ước mơ chính là cái phản ánh chính bạn nhất cơ mà. Đôi khi đánh đổi chính mình để tồn tại, để lo cho những người mình quan tâm mới là xu hướng của thời đại này.
Ai cũng muốn là chính mình, nhưng be yourself không phải là một lựa chọn. Nó chỉ có thể là lựa chọn đối với người có đủ năng lực và nền tảng để thích nghi với cuộc sống khi trở thành chính mình. Nếu ai cũng muốn là người tốt thì chẳng có ai là kẻ ác cả, cũng giống như câu gào thét của Chí Phèo "ai cho tôi lương thiện", bản chất của Chí Phèo là lương thiện mà, hắn cũng muốn trở lại làm chính mình, trở lại làm chàng thanh niên ngày xưa sau bát cháo hành của Thị Nở, nhưng ai cho hắn lương thiện?
Tìm lại chính bản thân mình là một ý niệm không sai, nếu ai cũng được là chính mình thì họ sẽ tập trung 100% năng lượng vào những điều bản thân họ muốn, và xã hội sẽ trở thành một xã hội hạnh phúc. Nhưng nhân lực kiến thiết xã hội sẽ đi về đâu? Có rất nhiều cá nhân không thích cuộc sống lao động của mình, nhưng bản thân họ lại đang là một thành phần quan trọng để kiến thiết nên các nền tảng của xã hội như y tế, giáo dục, xây dựng, môi trường,...Và nếu như ai cũng muốn đi tìm bản thân qua những điều họ yêu thích, thậm chí là thử sức với công việc mới nhưng không có nền tảng tri thức cho công việc đó như anh bạn thợ ảnh bên trên thì sao? Xã hội sẽ thiếu đi lượng lớn nguồn lực kiến thiết và sẽ nhanh chóng đi vào khủng hoảng. Sẽ ra sao nếu như nhân lực lĩnh vực này đi ra, nhưng lại có nhóm nhân lực mới đi vào, điều đó chưa chắc chắn đảm bảo nguồn lực được đáp ứng khi nhóm nhân lực mới không có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chí của lĩnh vực. Ví như bác sĩ, sẽ thật tai hại khi cho một nhóm người yêu thích làm bác sĩ nhưng không đủ kiến thức chuyên môn đi khám bệnh,...