“ Nếu có một mùa thu mà người ta không còn mặn mà với bánh trung thu nữa, đó hẳn là mùa thu khô khốc và lạnh nhạt nhất trên đời”.
Bánh trung thu - dấu ấn trong văn hóa Việt.
Người ta không nhớ chiếc bánh trung thu có từ khi nào và ở đâu, chỉ biết rằng đó là thứ bánh đã chiếm một chỗ đứng đáng kể trong văn hóa, ẩm thực của người Việt. Như cách người ta nhắc về bánh Chưng mỗi dịp Tết đến, bánh trung thu cũng là một thứ gì đó mang tính dấu hiệu mỗi khi bầu trời ngả vào lòng tháng Tám.
Mùa thu trong vắt trong mắt chúng mình
Mùa thu trong vắt trong mắt chúng mình
Nhiều tư liệu cho rằng nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ Trung Quốc. Dưới thời nhà Minh, khi Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa chống lại áp bức, họ truyền đi những tin tức bí mật bằng cách dấu chúng trong nhân chiếc bánh trung thu. Khởi nghĩa thành công vào rằm tháng Tám năm đó, từ đấy về sau, cứ đến dịp này, người dân lại chuẩn bị bánh trung thu như một sự tưởng nhớ và cầu mong cho một năm no ấm, tròn đầy.
Mình là big fan của bánh nướng
Mình là big fan của bánh nướng
Sự giao thoa văn hóa mà lịch sử đã tạo dựng khiến cho chiếc bánh trung thu cũng trở thành một phần quý giá đối với phong tục của người Việt. Bánh nướng vàng óng như nắng, ngọt như mật; một lớp vỏ, một tầng nhân bao bọc lấy nhau lẫn trong cái mặn mặn của thịt, cái đăng đắng của lá chanh, cái bùi bùi của hạt dưa, sần sật của mứt bí, điềm đạm của hạt sen, thoang thoảng men say của rượu,... Bánh dẻo mềm mại, đầy đặn mà chu toàn, có khi nó còn “phụ nữ” hơn cả chiếc bánh trôi mà Hồ Xuân Hương từng kể. Lớp vỏ trắng tinh khôi, mùi hoa bưởi man mác, ngọt đến độ sắc sảo, lớp nhân dù ít hơn nhiều so với bánh nướng nhưng ẩn nhẫn hài hòa với lớp vỏ dạn dày. Tất cả như kể lại cách vạn vật sinh sôi, nảy nở, vừa có mâu thuẫn, vừa có hòa quyện ứng biến trong đất trời qua hình hài hai thứ bánh giản đơn.
Bánh nướng, bánh dẻo cũng huyền thoại như bánh chưng bánh dày
Bánh nướng, bánh dẻo cũng huyền thoại như bánh chưng bánh dày
Bánh trung thu - những điều không bao giờ cũ.
Thời buổi nay, không cần phải tiết kiệm hay khó khăn gì để có một chiếc bánh nướng, bánh dẻo mỗi dịp rằm tháng Tám. Hồi bé, việc ăn một miếng bánh, uống một ngụm trà không phải những điều đứng nhất trong ngày Tết Trung thu. Trẻ con khi đó ưu tiên hơn cả với những chiếc lồng đèn thủ công rực rỡ, những mâm cỗ đầy đủ hình con vật và háo hức chạy theo dòng người múa lân đi khắp chốn. Vậy mà khi lớn lên, người ta bắt đầu nhớ về hương vị cũ trong chiếc bánh đã in màu vào tuổi thơ. Nỗi nhớ đó tượng trưng cho nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ thu, nỗi nhớ về những ngày vừa cũ. 
Rước đèn hồi nhỏ vui ơi là vui
Rước đèn hồi nhỏ vui ơi là vui
Ngày nay, đủ loại nhân theo phong cách Á Âu đang biến đổi trong hình hài chiếc bánh trung thu truyền thống, nhưng gần như bất kì gia đình nào mỗi khi tìm mua bánh nướng, bánh dẻo đều phải chọn một chiếc thập cẩm với đầy đủ lạp xưởng, xá xíu, mỡ phần, mứt bí, hạt dưa,... Có lẽ vì cảm giác khi cắt chiếc bánh ấy ra là giống với cảm giác thời thơ bé nhất. Những nghệ nhân làm bánh dù cố gắng sáng tạo hay thay đổi đến đâu vẫn hiểu rằng điều đáng trân trọng hơn cả trong một chiệc bánh trung thu là cái hồn gắn với thời gian của nó. Nếu có một mùa thu mà người ta không còn mặn mà với bánh trung thu nữa, đó hẳn là mùa thu khô khốc và lạnh nhạt nhất trên đời… Thế nên dù chán đời đến mấy, mỗi đoạn thu về, mình vẫn ám ảnh những trung thu ấm áp dưới hiên nhà cũ kĩ, tiếng cười vỡ òa vang trong lòng ngõ nhỏ, những ánh đèn lồng hắt bóng cuối xóm, tiếng mẹ, tiếng bà, tiếng đám trẻ,... và tiếng của chính mình ngày xưa,