Một câu chuyện buồn...
Mình biết một người em, sinh ra trong một gia đình không phải quá giàu có nhưng đủ để đáp ứng được các nhu cầu của nó. Từ nhỏ, mọi...
Mình biết một người em, sinh ra trong một gia đình không phải quá giàu có nhưng đủ để đáp ứng được các nhu cầu của nó. Từ nhỏ, mọi người đã đánh giá nó là một đứa trẻ thông minh, logic và được trời thương. Tại sao lại gọi là được trời thương? Vì nó đã vài lần gặp tai nạn mà theo như lý thuyết thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhưng may mắn là không lần nào bị sao cả. Nặng nhất chỉ là có lần chấn thương não nhẹ nên bị tụ máu và sau đó không vấn đề gì hết.
Nó lớn dần, và trở thành một học sinh thông minh trong mắt tất cả mọi người. Cấp 1, cấp 2, cấp 3 đều nằm trong top của lớp. Những năm cuối cấp 3 nó không còn tập trung quá nhiều vào việc ôn thi ĐH như bạn bè mà mình thấy nó đọc các sách vi mô vĩ mô, triết, mác-lenin, tam quốc, và đại loại các loại sách cổ xưa, lịch sử. Hồi đó nó nói chuyện với mình, mình nhận thấy một sự chín chắn và trưởng thành ở nó.
Kỳ thi ĐH, nó không đỗ NV1, nhưng vẫn vào 1 trường tương đối tốt, có nguồn lực để nó phát triển và nó luôn nói trường nào không quan trọng, quan trọng là bản thân mình. Nhưng rồi từ năm 1, năm 2 đến năm 3 nó bắt đầu trượt dài trên con đường học tập. Không phải trượt dài theo con đường mà chúng ta thường thấy, vì game, chán học hay yêu đương mà vì trường dạy toàn kiến thức cũ không update và không hiện đại, không như nó mong muốn. Tư duy của giảng viên không cởi mở, luôn áp đặt sinh viên, thi thì phải làm đúng theo yêu cầu của GV, không như nước ngoài. Nó tâm sự với mình thầy cô không hiểu nó, luôn phủ định nó. Bản thân nó luôn mang suy nghĩ là người giỏi nhất. Khi nó hiểu được bản chất cốt lõi của mọi vấn đề thì nó có thể hiểu được suy nghĩ của tất cả mọi người. Và nó luôn đặt bản thân ở vị thế là người ở trên cao hơn người khác nên không hề tin tưởng hoặc nghe lời khuyên của bất cứ ai. Nó luôn ao ước được ra nước ngoài, có học bổng, tiếp xúc với những bạn bè có cùng suy nghĩ, có cái tôi cá nhân (theo mình hiểu thì ý nó đang nói là châu Âu, Mỹ họ sẽ coi trọng bản thân, ý kiến cá nhân luôn được tôn trọng hơn so với trong nước). Nó mơ ước làm được điều lớn lao, để lại điều gì đó cho xã hội.
Mục tiêu của nó là học lên tiến sĩ, tập trung vào con đường nghiên cứu (nó học công nghệ, AI). Nhưng càng nói chuyện nhiều với nó thì mình luôn lo sợ là tâm lý của nó có lẽ đang gặp vấn đề không? Sau vài năm không đạt được đúng như kế hoạch đề ra (học ielts, viết bài nghiên cứu khoa học, cày GPA) thì nó bắt đầu tuyệt vọng, bất lực. Nhưng nó lại luôn nói rằng do hoàn cảnh kìm kẹp nó xuống không cho nó phát triển đi lên, nên dẫn tới thất bại. Nó luôn bị suy nghĩ mình là giỏi nhất ám ảnh trong đầu dẫn đến lúc nào cũng vội vàng, thiếu thời gian phát triển dẫn đến làm gì cũng sốc nổi rồi kết quả không đạt được. Dường như nó muốn chỉ sau một đêm là thành công vậy. Nó kể với mình rằng, nó biết là càng gấp thì càng không làm gì được, lúc nào cũng trong trạng thái bất lực, không chịu được khi mình không đạt được như kế hoạch đã đặt ra. Mình bảo nó vậy từ từ làm, chậm nhưng chắc. Nó biết điều đó nhưng không làm cách nào thuyết phục được bản thân. Dường như cả thế giới đang nợ nần nó sự thành công và phải trả nó vậy. Hết sức vô lý.
Nó hay tâm sự với mình, một lần, hai lần, ba lần thì mình còn khuyên bảo, rồi sau đó nó cũng chẳng nghe. Riết rồi mình cũng chán nói và không biết là nó có đang bị tự kỷ ám thị không nữa. Luôn ám ảnh mình phải là người giỏi nhất và không thể chịu được người khác coi thường. Nhưng nhất định không chịu sửa.
Khi ngồi viết những dòng này là mình vừa nói chuyện với nó xong. Mình rất ức chế, chỉ muốn bổ não nó ra xem tại sao lại có thể có suy nghĩ vô lý hết sức như vậy. Thực sự giờ mình không biết nên làm gì với nó nữa.
Mệt mỏi ...

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này