Mary O’Connell về quyển sách yêu thích của mình và di sản đầy xung đột của nó.
Bài viết gốc trên Lithub
--------------------------------------
Sách bắt đầu, như rất nhiều tiểu thuyết lãng mạn khác, trên một chuyến xe buýt ám khói cần sa và thuốc xịt tóc. Chàng còn nhớ không cái buổi chiều Kansas ấy, em trong chiếc jacket trượt tuyết xanh-da-trời và quần jeans, chàng sặc sỡ trong bìa sách màu vàng và hạt dẻ em mượn từ thư viện? Chàng hiện diện trong một tiểu thuyết viết về tuổi trưởng thành, còn em là một đứa trẻ ngoại ô khá giả, đã hai thế hệ có của ăn của để, với một chiếc tủ đầy áo khoác Benetton và hộp sáu chai bia Malt Duck vị dâu dưới giường. Radio của bác tài xe buýt vặn sang kênh classic rock, và nhóm nhạc KISS, trong linh cảm vô thức, đang rú lên câu hát I was made for loving you. Ngôn từ của chàng tả về sự cô đơn vô lối của em, và em muốn đọc chàng thật chậm rãi, để có lẽ chẳng bao giờ đánh mất cảm giác hưng phấn trước sự mới mẻ hoàn hảo của chàng; em hãy còn muốn ngốn ngấu từng nguyên âm và phụ âm.
Còn chưa tới trạm dừng, em đã thấy nghẹn ngào, được thấu hiểu, được nhìn thấy: chính em cũng khinh những bộ dạng rởm đời và cứ ưa châm thuốc. Giờ đây em muốn bách bộ trên các con phố Manhattan, thành phố mà, nhờ chàng, nay em đã có thể hình dung được cực kỳ tỉ mỉ. Hay đúng hơn, em muốn bách bộ dọc trên các con phố Manhattan với nhân vật của chàng, Holden Caufield. Cái mong mỏi ấy sẽ mang tới cho em một nỗi đau khó ngờ, nhưng đó là chuyện mai sau. Còn ngay lúc này, em chỉ là một đứa con gái đang trên trang sách, một đứa trẻ vị thành niên đang cảm nhận thú đê mê cô đọng hễ khi rơi vào ái tình.
Cho em được sỗ sàng, và bỏ qua trình tự thời gian nhé: đàn con thiếu niên của em cũng đọc nhưng chẳng thấy chàng quyến rũ hay xoay chuyển cuộc đời; chúng chỉ thấy chàng trăng-nõn, trịch thượng, và kỳ thị người đồng tính. Nhìn đứa con gái cuộn tròn trên ghế mềm đọc sách có chàng khiến em trọn vẹn niềm vui: ngợi tụng chu kỳ cuộc sống, ngợi tụng sự chuyền đuốc văn chương giữa hai thế hệ! Nhưng chẳng được lâu, con bé ngẩng lên, vẻ nghi ngại. “Đồng bóng nghĩa là gì hả mẹ?” Và khi con trai em đọc xong quyển sách, nó khẽ bảo, “Con không nghĩ đây là kiểu sách vở mà thiên hạ còn thích nữa.” Trong vòng một thế hệ, chàng đã suy vị từ một nơi bao chứa cuộc sống hằng mơ đầy cảm hứng/một tâm hồn gần gũi trở thành một ông chú ủng hộ Trump ghê sợ chẳng ma nào muốn ngồi cạnh trong bữa tối Lễ tạ ơn.
Nhưng kể cả ngày trước, chàng cũng vẫn có kẻ gièm pha. Khi em tâm sự với giáo viên tiếng Anh trường trung học đã ngẫu nhiên chọn quyển sách về chàng ở thư viện rằng em rất thích chàng – nhưng tỏ vẻ gì đó bất cần, chẳng muốn phơi bày cho cô thấy lòng hiến dâng kịch liệt mới mẻ – cô đã tỏ ra kinh ngạc. Em không thuộc cái e người quyến rũ chỉn chu nổi danh bởi tình yêu dành cho sách vở. Em đang sắp trượt vào bè lũ phê cần ngáo ngơ sau khi trượt lớp đại số và sắp phải đi phụ đạo hè. Phải chăng em và chàng đang cheo leo ở cái kiểu quan hệ thầy-cô-trò xuất hiện trong các bộ phim tuổi teen truyền cảm hứng?
Cô bảo em rằng ở chàng có một lời nguyền, rằng kẻ đã mưu sát John Lennon và kẻ sát nhân bất thành Tổng thống Reagan đều si cuồng Bắt trẻ đồng xanh. Trẻ vị thành niên ngày nay tiếp cận Internet đều biết về hai chuyện này, nhưng ngày ấy em lại hoàn toàn không, và thế là bị sốc. Trước khi chấp nhận rằng một quyển sách không thể chịu trách nhiệm về những điều độc giả thực hiện, em lại đi lo lắng về những hệ quả của giấc mơ ban ngày thầm kín, nẩy nở thật nhanh, hoàn toàn lấy cảm hứng từ chàng. Có lẽ em sẽ trở thành một nhà văn?
Em không biết nhà văn nào cả, nên dường như chuyện này vừa bất khả thi như bay tới Diêm vương tinh và cũng biết đâu lại cực kỳ dễ, dễ hơn nhiều so với việc đi làm tại hàng Hickory Farms trong mall. Em mặc áo kẻ ô và váy denim phát cho khách đi qua sản phẩm dùng thử: Quý khách có muốn thử bạc hà lâu tan? Quý khách có muốn thử xúc xích? Cứ mười thì có một gã đàn ông, có khi lớn tuổi hơn cha em, sẽ giả vờ thầm thì “Hay cho em thử xúc xích nhé” theo một cách ngu độn nào đó, trong lúc bước ngang qua em - mới 15 tuổi, và khúc khích cười.
Em đã hình dung Holden Caulfield xuất hiện trong ánh đè neon của mall, cạnh Sunglass Hut. Cậu ấy cau mày trước những chế giễu mà em nhận được ở Hickory Farms – một điếu thuốc lủng lẳng trên miệng – và giơ hai tay lên, lòng bàn tay khép vào như một tu sĩ sắp sửa khấn xin xá tội cho toàn thể thế gian: Mình lấy làm tiếc khi mọi thứ xảy ra thế này.

Lớn lên em vẫn đeo đuổi giấc mơ ban ngày kỳ lạ muốn trở thành nhà văn, và rồi, như một chiếc meme truyền cảm hứng trở thành hiện thực, em bắt đầu ngẫm: Nếu mơ thấy được thì có thể thực hiện được! Xong đại học, em học lên cao học, là nơi em tuyên bố chàng chính là quyển sách yêu thích nhất trước một sinh viên khác, người đáp lại bằng nét cau mày: Salinger mà cũng thích.
Sau khi im ắng, cô bạn ấy cho em một cái gật đầu khẽ và buồn rầu, cùng một nụ cười hàm ý: Dĩ nhiên đó là quyển sách mà người như bồ sẽ thích, kiểu sách dành cho đội trưởng đội bóng. Không chỉ là sách dành cho bọn con trai, mà là sách dành cho lũ con trai tự cao tự phụ. Mình thất vọng về sự coi thường phụ nữ thâm căn của bồ!
Em biết nhẽ ra nên nêu quyển Wise Blood với một giọng nhẹ nhàng, ngưỡng thượng. Em có cùng giới, chủng tộc, tôn giáo với tác giả, Flannery O’Connor, một cựu sinh viên của chương trình sáng tác em đang theo học. (Trùng hợp thay, chẳng bao lâu em sẽ được chẩn đoán mắc bệnh tự miễn dịch y như bà). Nhưng Flannery O’Connor lại là người hết sức phân chủng – kể cả so với thời buổi bấy giờ - và em thấy giọng văn của bà lạnh lẽo và bị sắp đặt quá mức: pháo hoa xì xèo và bùng cháy nơi các ẩn dụ hình dáng thập giá của bà không phải dành cho em. Như giáo viên dạy sáng yêu thích của em từng nói: Không phải mọi quyển sách đều dành cho tất cả mọi người. 
Nhưng chàng lại từng là người dành cho em. Lúc nào cũng như vậy.
Em hoàn thành học trình, xuất bản một tuyển tập truyện ngắn và một tiểu thuyết young adult (dành cho giới trẻ), và rồi một chuyện điên rồ xảy ra, một sự công nhận vang lừng: em bán một quyển sách viết về chàng, phiên bản Bắt trẻ đồng xanh cập nhật. Đúng, em đào sâu cái giấc mơ đáng hổ thẹn ngày xưa muốn khám phá Manhattan cùng Holden Caufield rồi cũng tìm thấy phần thưởng là một phép màu nho nhỏ. Em nhận một lời đề nghị có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống, cùng với tin nhà xuất bản mới đang khui chai champagne ăn mừng ở văn phòng New York. Em thấy như đang bay lâng lâng.
Dù rằng hợp đồng sáng tác được hào hứng công bố ở các tờ báo lớn, vẫn còn đó một chút phản pháo từ những bình luận. Chỗ này cũng không kém phần thú vị! Một độc giả của tờ Guardian gọi em là một con "ký sinh văn học"? Xin cảm ơn về sự quan tâm của quý ngài! Trong cuộc sống thường nhật tôi chỉ là một bà mẹ Kansas đánh xe tải con chở ba đứa con đi học, là người chắc chắn không thể xứng đáng với cân nhắc của quý ngài, và, vì thế, xin nhường lại câu đùa cho ngài! Bởi vì tất cả những giấc mơ của em đều đang thành hiện thực! Em quả có viết ra một tác phẩm bày tỏ lòng kính trọng cho tiểu thuyết em yêu thích! Em có một hợp đồng sáng tác ra trò!
Nhưng có phải thế không? Một chuyện dị thường mà em chẳng hề biết có thể xảy ra đã xảy ra: em nhận một cuộc gọi vào một ngày thứ Năm ngẫu nhiên nào đó lúc đang rưới từng lớp sốt lên từng lớp mì lasagna, nói rằng, vì những nghi ngại pháp lý ngày càng gia tăng, hợp đồng này không còn được ký kết.
Đây đích thị là cách để hạ gục một phụ nữ miền Trung Tây – một cú đâm lút vào tim giữa lúc chị ta đang sửa soạn món casserole. Vì em chẳng hề nghĩ rằng chuyện có thể như thế. Em chưa từng bao giờ nghe ai bị thế này cả. Em đã không ký hợp đồng ngay với các quyển sách trước, và chẳng hề có chút vấn đề nào.
Cúp máy xong, em nằm trên giường nhìn chăm chăm vào trần ngôi nhà màu phô mai, tim dộng thình thịch và tay run lẩy bẩy.  Em tự hỏi có phải cuộc gọi kia thực ra chỉ là một cơn ác mộng nào đó em tự nảy ra? Nhưng không hề, cuộc gọi là có thật; lời nguyền mà cô giáo em từng nhắc tới nhiều năm trước cũng không chỉ có thật, mà nó còn kiên nhẫn, khéo léo giăng bẫy, đeo đẳng em hàng nhiều thập kỷ để rồi dập tan chiến thắng tưởng như đã đến tay em.
Đúng vậy, em trách chàng ngay khi đang nghe tiếng lũ trẻ lớn dưới nhà, tiếng chúng cười và âm nhạc rộn qua lỗ thoát nhiệt. Bé con em năm đó bốn tuổi, đang ríu rít theo video My Little Pony phòng kế bên. Để lũ trẻ nhà em tồn tại trong thế giới đúng với con người của chúng – tốt bụng, vui tươi, và vui nhộn – em phải đọc chàng trên xe buýt suốt ngần ấy năm. Chàng đặt em vào con đường tới New York, nơi em gặp một gã ở quán bar, như người ta vẫn hay như vậy. Em chưa từng, chưa bao giờ, chưa đời nào biết một ai như anh ấy. Anh tới từ Kentucky, và anh có thể moi nội tạng nai sau khi săn – về sau, anh ủng hộ đứa con ăn chay của bọn em – và sáng tác những câu chuyện lung linh, lại còn có thể sửa xe nữa. Bọn em nắm tay cùng nhau khám phá Manhattan. Bọn em trao cho thế giới lãng mạn của hai đứa một kết thúc có hậu bất ngờ.
Lúc nào chàng cũng mang lại phước lành. Dù đây chẳng phải kết luận mà em có vào cái ngày nhận cuộc gọi kia.
Dạo gần đây em đọc lại chàng, khi mà vết thương quá khứ ngút ngàn giữa hai ta đã nguội lạnh. Như bất kỳ người phụ nữ trung niên nào dọn dẹp lại Facebook hòng đánh giá lại mối tình đầu của mình, em cảm thấy thất vọng khi nhận ra chàng chẳng lão hóa một cách đường hoàng, chu chỉn. Những nghi ngại của lũ con em về chàng chẳng hề là sai. Nhưng mà, ở một số đoạn sách, chàng vẫn còn khá tuyệt vời. Biết làm sao! Suốt ngần ấy năm, em vẫn còn nhìn thấy sự tuyệt vời đó. Em nhớ về đêm đầu tiên hai chúng ta bên nhau, sau chuyến xe buýt đầy trọng đại. Cửa sổ phòng bị nứt nên em có thể hút thuốc mà không ai phát hiện khi đang đọc sách giữa hơi ấm phòng ngủ của một đứa đang lớn. Cái cảm giác ấy! Toàn thể cuộc đời em khi ấy hãy còn là bí ẩn, những gian khó và hân hoan hãy còn khép trên kệ. Giờ đây, khi khép lại bìa sách mỗi lần dạo xong thế giới trong ấy, em vẫn tự nhủ: Ôi, hãy trở lại bên em.

k.