Một bài viết ngẫu nhiên về ý chí tự do.
Dạo gần đây tôi bị ốm. Cổ họng tôi thì đau, mũi thì xuỵt xoạt, tai thì ù và đầu thi thoảng bị đau nữa. Nó đã kéo dài khoảng 3 ngày....
Dạo gần đây tôi bị ốm. Cổ họng tôi thì đau, mũi thì xuỵt xoạt, tai thì ù và đầu thi thoảng bị đau nữa. Nó đã kéo dài khoảng 3 ngày. Nguyên nhân là tôi nghĩ do đêm hôm trước tôi bật quạt và để thốc thẳng vào mặt. Còn nguyên nhân xa hơn là Hà Nội bây giờ nóng thực sự. Hôm nay ở ngoài đường nhiệt độ lên tới 55 độ. Tôi đi học lúc 1h chiều mà cảm tưởng như sắp ngất vì cái nóng nó cứ phả phà phà vào mặt, cổ chân, bàn tay tôi. Thực sự là những ngày khó ở với thời tiết kiểu này khi mà lúc nào người ngợm cũng nhớp nháp mồ hôi. Những lúc thế này tôi chỉ mong về quê thật nhanh. Quê tôi thì cách không xa Hà Nội lắm, khoảng hơn 20km nên cứ cuối tuần là tôi lại phi xe về nhà. Đơn giản thì ở nhà thì mát hơn, nhiều đồ ăn hơn với được bố mẹ quan tâm nữa.
Đoạn đầu chỉ là lan man một chút về tình hình bản thân hiện tại. Vấn đề chính là thời gian này tôi có một số thứ suy nghĩ nó khá là rối. Tôi hay tự đặt ra các câu hỏi và chất vấn bản thân một số các câu hỏi đơn giản về những thứ xung quanh sau khi đọc xong một số bài viết về chủ đề Triết học hay Nhân học ở trên mạng. Nói đến đây thì mong các bạn lưu ý là tôi chỉ là một người đọc không có quá nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong các ngành đó, đọc đơn giản chỉ để vui. Nhưng nào thì có vui khi mà đọc xong thì các câu hỏi cứ dồn dập đến. Tiêu biểu nhất là hai câu liệu ý chí tự do là có thật hay không và liệu con người có giới hạn nào hay không?
Bắt đầu với ý chí tự do trước đi. Tôi đặt ra câu hỏi sâu hơn là liệu những gì ta nghĩ, những gì ta quyết định, hành vi ta làm là do ta tự do lựa chọn và tự do thực hiện hay không? Liệu có khi nào có thứ gì đó đã quyết định thay chúng ta làm những điều đó. Xét về mặt sinh học trước đi, tôi có đọc một số kiến thức rằng các cảm xúc của chúng ta là do các phản ứng sinh hóa trong bộ não ta quyết định, khi bạn có cảm xúc vui buồn, hay giận dữ nào đó thì một vùng điện từ trong não sẽ nổi lên các sóng điện và việc các trải nghiệm cá nhân của chúng ta bộc lộ điều đó ra cho ta biết ta đang cảm thấy gì. Đến đây tôi lại thắc mắc là thế các trải nghiệm cá nhân chỉ là phương tiện để bộc lộ các phản ứng sinh hóa trong não giúp hình thành cảm xúc hay trải nghiệm cá nhân đó định hình các sóng đó để ta bộc lộ ra ngoài? Tiếp theo, các quyết định và các hành vi của chúng ta được quy định bởi sự tác động giữa các nơ ron não, electron di chuyển từ nơ ron này sang nơ ron khác và hình thành lên các quyết định và hành vi của chúng ta. Cái gì đã quy định những sự di chuyển các electron từ các nơ ron đó, chúng ta đang kiểm soát chúng hay chúng định hình nên những hành vi của ta? Hay các sự tác động lẫn nhau của các nơ ron cũng như các phản ứng phân rã diễn ra một cách hoàn toàn ngẫu nhiên? Nếu không thì ta lại quay lại câu hỏi một và tìm kiếm sự tất định trong đó? Qua các kiến thức khá to lớn và các câu hỏi có phần ngô nghê của tôi thì liệu cái ý chí tự do có thật không theo nghĩa về mặt sinh học. Chính xác thì ta đâu có tự do lựa chọn rồi quyết định, hành xử theo những gì ta muốn đâu mà đơn giản do các phản ứng sinh hóa, các nơ ron, các thuật toán sinh học trong ta quyết định.
Xét về mặt ngôn ngữ, ý thức hệ hay các diễn ngôn. Tôi biết được ở đâu đó rằng chúng ta được sinh ra đã chịu sự quản lý và được đóng trong cái khuôn của xã hội thời đó, cái ý thức hệ phổ quát mà ta đang sống. Ví như từ khi sinh ra, ta đã tiếp xúc ngay với tiếng Việt, với chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, với nền kinh tế tư bản không chỉ phát triển ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Và có lẽ ta đã chịu ảnh hưởng, nó như cái gông cùm đeo vào não ta ngay khi sinh ra. Rồi dần dần ta lớn lên, bố mẹ dạy ta phải làm thế nào, phải làm thế kia. Ta hỏi tại sao thì nhiều khi họ cũng lười và cũng không có thời gian để giải thích toàn bộ cho chúng ta, hoặc ngay cả chính họ cũng đã chịu sự ảnh hưởng từ những cái tôi đã nói, hoặc do họ vẫn thiếu hiểu biết nhất định. Não ta chịu ảnh hưởng của một số cái mà xã hội đã quy định. Ví như tôi khi chọn ăn Pizza hay cơm thì ban đầu chắc chắn tôi sẽ chọn Pizza vì nó mới lạ và tôi thấy nhiều người xung quanh tôi ăn, vì nó là món Tây. Nhưng đó là lần 1, lần 2 đến nhiều lần sau tôi vẫn sẽ chọn cơm. Không ai thắc mắc tại sao ta ăn cơm nhiều đến vậy. Không phải vì nó ngon, hay nó đặc biệt gì. Đơn giản nó là thứ mà nước ta sản xuất nhiều nhất trong nông nghiệp và vì cha mẹ ta, ông bà ta, xã hội ta… rất nhiều thứ bảo ta, dạy ta, muốn ta ăn cơm và điều đó như đã quy định trong não ta. Tôi biết còn nhiều lí do hơn thế nhưng tôi quá lười để nghĩ thêm nên tạm thời như thế là một ví dụ dễ hiểu. Rồi các hành vi ta làm như cách đi đứng, cách ăn nói với người ngoài, cách học… mọi thứ như đã được quy định và não ta dường như buộc phải làm theo như cái câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Rồi về ngôn ngữ, ta dường như cũng bị quy định trong nó. Thế nên ngôn ngữ có tính quyền lực nhất định. Khi ta nói bố, ta nghĩ ngay đến người đàn ông đã cùng mẹ sinh ra mình, có trách nhiệm nuôi lớn mình, ta mang trong mình gen của ông, loại máu của ông… Khi nói đến một từ, đầu ta tự hình dung ra một định nghĩa nhất định lại bằng chính cái ngôn ngữ ta nói đến từ đó, sau đó phản chiều nó ra thực tại, miễn là nó khớp với tất cả thứ mà mọi người cùng nghĩ đến. Nói đến đây tôi lại tưởng tượng ra việc não ta, mắt ta như bị một tấm kính ý thức hệ, ngôn ngữ và xã hội che lấp và điều hướng ánh nhìn của ta. Nó quy định những gì ta chọn, những gì ta làm, những gì ta quyết định.
Thế nên tôi thiết nghĩ ý chí tự do bản thân nó không hề có nghĩa và cũng không có thật. Thật ở đây là thật theo nghĩa khách quan, không phụ thuộc vào suy nghĩ con người. Tôi cũng nghĩ ý chí tự do là sản phẩm của trí tưởng tượng con người, tạo ra để làm cuộc đời thêm ý nghĩa nào đó. Họ hô hào về thứ tự do tưởng tượng để có lẽ là điều khiển các giai cấp phía dưới của tầng lớp tinh hoa. Xã hội ta đang sống cũng đang là vậy mà, họ bảo ta làm theo những gì trái tim mách bảo, làm theo ý chí của mình và không có gì cao cả bằng ý chí tự do của bản thân. Một xã hội với những câu hô hào ý chí tự do có lẽ cũng tốt khi tôi đôi lúc cũng lệ thuộc vào nó để cho mình một lẽ sống, một mục đích nào đó để tiếp tục cống hiến. Cho đến khi nào nó thực sự sụp đổ thì tôi không tưởng tượng được viễn cảnh tiếp theo sẽ là gì.
Câu hỏi về liệu con người có giới hạn nào không thì tôi sẽ viết lúc khác vì 1500 từ cũng là kha khá với cái kiến thức nông cạn như mình rồi. Và tôi nhắc lại, nhấn mạnh rằng tất cả những gì tôi viết trong bài là những suy nghĩ, quan điểm của một người còn rất trẻ và nền tảng kiến thức chưa vững. Tôi viết để chia sẽ các suy nghĩ này nên nếu có những gì không đúng mong các bạn bỏ qua.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất