Một Hôm Ta Không Có Điện Thoại
Ta nhớ về những năm 90s và 2000s, thời điểm mà không phải ai cũng có điện thoại di động, và internet còn là một thứ xa lạ chưa phổ...
Khi kết nối vẫn là những kết nối thật.
Ta nhớ về những năm 90s và 2000s, thời điểm mà không phải ai cũng có điện thoại di động, và internet còn là một thứ xa lạ chưa phổ biến, chưa nói đến smartphone và mạng xã hội. Đó là thời kỳ mà niềm vui đơn thuần đến từ những lần ánh mắt của ta gặp nhau, từ những cái chạm nhẽ thể lý. Người ta gặp nhau mà chẳng cần phải đợi thông báo từ chiếc điện thoại, không có sự phân tâm nào ngoài niềm háo hức của những cuộc trò chuyện. Ngày đó, niềm vui lớn nhất là khi ta được nhìn thẳng vào mắt nhau, cảm nhận nụ cười những biểu cảm chân thật của những người đối diện, cảm nhận được hơi thở của sự sống từ một bản thể cũng giống ta mà không hề có rào cản hay sự xao nhãng nào.
Ngày đó, dọc qua từng con phố, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đám bạn thân túm tụm, ngồi trên ghế đá công viên hay bên bờ hồ nếu là nơi thành thị, trước mái viên hè hay dưới một bóng cây râm thoáng đãng nếu là chốn thôn quê. Mặc dù ở đâu, nhưng vẫn chỉ là về hàn huyên về những câu chuyện vụn vặt của cuộc sống. Một câu chuyện buồn cười gặp thường ngày, một bí mật nho nhỏ được kể trong sự hồi hộp, hay chỉ đơn giản là một lời an ủi chân thành dành cho nhau trong những ngày khó khăn. Thời khắc ấy, từng tiếng cười rộn ràng như tan vào không khí, từng hồi hộp đập trong tim nồng cháy, từng nỗi buồn thấm đậm và san sẻ cùng nhau. Từng lời nói và biểu đạt vang lên và thốt ra mà không có bất kỳ "màn hình" nào xen vào. Những cảm xúc, những biểu đạt khi đó không đến từ những biểu tượng cảm xúc, mà đến từ đôi môi, ánh mắt, và cả trái tim.
Khi ta gặp nhau, tất cả đều là hiện diện thật sự, những thực thể sống trước mặt – không phải là một cái avatar, không phải là một tài khoản mạng xã hội, mà là một con người bằng xương bằng thịt, với ánh mắt, giọng nói và từng cử chỉ đều đang sống. Khi xa nhau, chúng ta gửi đi những lá thư tay được viết nắn nót, hoặc những mẩu giấy nhỏ nhắn ghi những lời nhắn vụn vặt nhưng chân thành. Mỗi bức thư, mỗi tấm thiệp đều mang theo bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu nhớ nhung, và mỗi lần nhận được, cảm giác ta hạnh phúc như lan tỏa ra từng ngón tay. Công nghệ khi đó chưa gói gọn trong lòng bàn tay ta, mỗi cuộc gặp gỡ đó chỉ có đơn thuần sự tương tác trực tiếp, chẳng ai có thể trốn đi đâu, chẳng ai có thể lờ phớt ta, những sự tương tác thô ráp như thế bắt ta phải đối diện với chúng. Có lúc làm ta chững lại vì không khí trở nên ngại ngùng khó xử, đôi lúc làm ta háo hức hòng bày tỏ và lắng nghe tiếp nữa. Ta không chỉ nói chuyện; ta trò chuyện bằng cả sự lắng nghe, bằng cả sự hiện diện của bản thân, bằng cả một khoảng thời gian mà không bị bất kỳ điều gì làm gián đoạn. Những câu chuyện phiếm dài, những chia sẻ không điểm kết, và đặc biệt là những cảm xúc, những tương tác được bộc lộ một cách chân thật – đó là những gì mà thời đại ngày nay đã dần để lại phía sau.
Ta cạnh nhau, nhưng ta cách nhau một chiếc màn hình
Giờ đây, ta ngồi đối diện nhau, nhưng ánh mắt lại dán chặt vào một chiếc màn hình bé tí ti. Cảnh tượng đã trở nên quen thuộc đến mức không còn ai lấy làm lạ: một bàn ăn đầy ắp đồ ăn thức uống, nhưng không có tiếng cười, không có những ánh mắt trao đổi, chỉ là ánh sáng lấp lánh từ những chiếc điện thoại, mỗi cá nhân đang hí hửng chọn cho chiếc filter đẹp nhất theo trend hiện nay, pick ra một bài nhạc hợp vibe và đợi lấy những lượt reaction và nụ cười túm tỉm khi trả lời một comment của ai đó, có khi chính là người đang ngồi cạnh ta. Ta ngồi cạnh nhau, nhưng ta không ở bên nhau. Từng ngón tay tiếp tục lướt nhanh trên màn hình, từng nụ cười thoáng qua khi đọc dòng trạng thái của ai đó ở xa, nhưng không một lời hỏi thăm người bạn ngồi ngay trước mặt, nếu có cũng chỉ là những câu hỏi xã giao 101 nông cạn thông thường. Trớ trêu thay thế đó, sự tiện nghi của công nghệ, của internet, lại biến những cuộc gặp gỡ thân thuộc thành một kiểu “gần mặt cách lòng” vô hình, chỉ bởi ta đã vô tình biến mình thành những người xa lạ trong cùng một không gian.
Trong một quán cà phê trang trí theo phong cách hiện đại – không gian của sự yên tĩnh với tiếng nhạc du dương vang lên nhẹ nhàng. Nhìn quanh, từng người ngồi bên nhau, từng nhóm bạn, nhưng chẳng mấy ai trò chuyện trực diện. Thay vào đó, ánh sáng từ màn hình điện thoại chiếu rọi lên từng khuôn mặt, như những ngọn đèn soi tỏ cho cõi lòng của ta nhưng lại không thật sự ấm áp. Có những người lặng lẽ kiểm tra Facebook/Instagram, người khác kiểm tra tin nhắn Zalo hoặc Messenger, kẻ tiêu thụ video dạng nội dung nhanh Reel/Shorts/Tiktok. Câu chuyện của chính mình và những người bên cạnh giờ đã bị che khuất bởi những thế giới ảo đầy màu sắc và hấp dẫn kia, khiến không gian thực trở thành nơi kém phần quan trọng, một khung cảnh chỉ để hiện diện mà không thật sự “tham gia”.
Thỉnh thoảng ta sẽ có vài câu hỏi nông, những câu nói bâng quơ bất chợt với nhau, như đang cố tái xác nhận với bản thân rằng là việc dùng điện thoại ở nơi này khiến ta vẫn có niềm vui và hơi ấm cộng đồng, tốt hơn với việc ta nằm dài trên chiếc giường trong căn phòng cô đơn của mình. Nhưng thực tâm mỗi người dường như đều đã lạc vào vùng riêng của mình, một thế giới không cần phải đối diện với ai cả, chỉ là một mình với những thông tin vô tận. Không còn là những buổi gặp gỡ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn thực sự, mà thay vào đó là những khoảnh khắc lẻ loi được che giấu dưới sự "bận rộn” với màn hình. Đôi lúc, giữa một quán đông đúc, họ vẫn cảm thấy mình thật trống rỗng, như thể có một nỗi cô đơn vô hình nào đó đè nặng, dù xung quanh là vô số là những người bạn họ đã hẹn tới đây. Chỉ cần lỡ tay quên mang theo chiếc điện thoại - cái thế giới thu nhỏ của ta, một cảm giác bứt rứt sẽ ập tới, sự khó chịu sẽ len lỏi, ta bỗng không biết phải làm gì hay nói gì như một kẻ mất đi kỹ năng xã hội từ khi nào, như thể ta đã xao lãng đi một phần nào đó của chính mình.
Có lẽ, trong thời hiện đại ngày nay, chiếc điện thoại đã không còn đơn thuần là công cụ, mà trở thành người bạn, người đồng hành, người tri kỉ thầm lặng với ta. Mỗi lần gặp cảm giác trống trải, lạc lõng, ta tìm đến màn hình để thoát khỏi thực tại, như một lối thoát tạm bợ để trốn tránh sự thật rằng ta đang cô đơn, ngay giữa những người xung quanh. Nhưng trốn tránh mãi, ta lại càng xa cách hơn, và chiếc điện thoại như một tấm màn mỏng nhưng lại dày đặc, chia cắt từng tâm hồn đang khao khát được thấu hiểu và kết nối.
Điện thoại, người bạn mới của ta trong thời đại cô đơn
Chiếc điện thoại đã trở thành một "phao cứu sinh" trong nhịp sống hiện đại, giúp ta bám víu trong những khoảnh khắc cô đơn, ngột ngạt. Khi những khoảng trống bất chợt xâm chiếm, khi không gian xung quanh bỗng dưng trở nên xa lạ và ta chẳng biết phải làm gì, cầm lấy chiếc điện thoại là lựa chọn gần như vô thức. Chỉ một cái vuốt màn hình, một vài cú nhấn, là ta đã lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, nơi những cảm giác trống trải tạm thời bị đẩy lùi bởi những hình ảnh rực rỡ, những video hài hước, hoặc cuộc sống hào nhoáng của ai đó trên mạng xã hội. Chiếc điện thoại, trong phút chốc, trở thành người bạn thầm lặng xoa dịu từng nhịp đập của sự cô đơn.
Nhưng than thay, chiếc "phao cứu sinh" ấy lại không giải quyết được nỗi cô đơn, mà chỉ càng khiến nó ngấm sâu hơn vào lòng người. Càng lấp đầy khoảng trống bằng màn hình sáng lấp lánh, cảm giác cô độc càng tăng lên, như một vòng xoáy không lối thoát. Mỗi lần cảm thấy trống rỗng, ta lại tìm đến chiếc điện thoại để khỏa lấp, để tạm trốn thoát – như một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Sự gắn bó vô thức ấy khiến chiếc điện thoại dần trở thành "màn hình" che đi thế giới thật, khiến ta dần dần xa cách chính mình và những người xung quanh. Không chỉ là phương tiện, điện thoại giờ đã trở thành một vỏ bọc, giúp ta tạo khoảng cách khi không biết phải mở lời như thế nào.
Điện thoại còn đóng vai trò như một chiếc mặt nạ mà ta mang theo bên mình, để khi sự im lặng kéo dài giữa những cuộc gặp gỡ, hay khi ta không biết phải phản hồi thế nào, ta có thể cầm lên, giả vờ như ta rất bận rộn, ta đang có rất nhiều điều diễn ra với cuộc sống mình. Bằng cách đắm mình vào điện thoại, ta đã có lý do để không nhìn thẳng vào mắt người khác, không đối diện với chính cảm giác cô đơn lạc lõng của mình. Những khoảnh khắc bối rối dường như được cứu vớt bởi ánh sáng từ màn hình, ta không phải đối mặt với sự thật rằng ta đang cô đơn, rằng ta đang tránh né cảm xúc thực sự của mình.
Chiếc điện thoại, tưởng như là "người đồng hành" xoa dịu, nhưng thực ra lại là một người bạn lạnh lẽo, chỉ mang đến cảm giác thoải mái tạm thời. Dù có cho ta những tiếng cười từ các câu chuyện thú vị, hay sự ngạc nhiên từ những thông tin mới mẻ, nhưng khi màn hình tắt đi, chính chiếc điện thoại đã khiến chúng ta trơ trọi hơn bao giờ hết. Nó nuôi dưỡng thói quen giả tạo một cuộc sống bận rộn, một vỏ bọc hoàn hảo để trốn tránh và không đối diện, để ta giật mình nhận ra từng ngày đã trôi qua trong một thế giới ngập tràn niềm vui ảo. Nhưng cuối cùng, nó chỉ là một lớp màng mỏng manh che lấp, còn lại là tâm hồn dần dần đã trở nên trơ lạnh trong thế giới thực tại.
Thế ta nên làm gì?
Ta đã luôn hằng biết nên phải làm gì!
"Người bạn" của ta cũng cần thời gian riêng tư, và ta cũng cần thời gian thực cho riêng mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất