2. Vận mệnh hiểu nhiên của nước Mỹ
Vận mệnh hiển nhiên (Manifest Destiny) là một niềm tin rằng Hoa Kỳ có vận mệnh mở rộng lãnh thổ từ duyên hải Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Khái niệm này cũng được sử dụng để hô hào và biện hộ cho việc thu phục các lãnh thổ khác. Những người cổ vũ cho khái niệm Vận mệnh hiển nhiên tin rằng mở rộng lãnh thổ không chỉ tốt đẹp mà còn là "hiển nhiên" và là "vận mệnh". Ban đầu, Vận mệnh hiển nhiên là một câu có tính cách thời thế chính trị trong thế kỷ 19 nhưng dần dần nó trở thành thuật ngữ lịch sử, thường được dùng như đồng nghĩa với việc mở rộng lãnh thổ của Hoa Kỳ khắp lục địa Bắc Mỹ.
Hãy nhìn bức tranh phía dưới, nàng Columbia (hình tượng nhân cách hóa của nước Mỹ) khoác trên mình tấm áo peplos Hy Lạp cổ, một tay cầm quyển sách học trò, một tay kéo đường dây điện. Bước chân nàng đi tới đâu người da trắng tiến theo đến đó; những chiếc xe ngựa, những đồn điền và đầu máy xe lửa nối đuôi nhau theo nàng về phía Tây. Ngược lại, những cư dân bản xứ : những người da đỏ, những đàn bò rừng kéo nhau chạy trốn. Đó là “vận mệnh” mà những người da trắng thượng đẳng ở thế kỷ 19 đã tin vào.
Bức tranh Tiến trình nước Mỹ (American Progress) (1872) của họa sĩ John Gast
Trong tác phẩm “Moon Palace”, Auster muốn lật lại vấn đề về Vận mệnh hiển nhiên, muốn nhìn lại những bước đi của nước Mỹ bằng phóng chiếu cả lịch sử nước Mỹ qua ba đời nhà Fogg. Khởi đầu bằng con số 1492 cuốn sách. Năm 1492, Christopher Columbus đặt chân lên châu Mỹ nhưng ông lầm tưởng nơi ông đến là Ấn Độ. Phải chăng đó là dấu mốc sai lầm đầu tiên của những người da trắng và những người Mỹ sau này?
Sau khi tiêu hóa xong sự lầm lẫn đầu đời, Auster đã đưa Fogg vào một bối cảnh lịch sử trọng đại: ngày Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Hãy chú ý vào bài phát biểu của Tổng thống Mỹ. “Bằng một thứ giọng trang trọng không sắc thái, ông ta nói rằng đó là sự kiện vĩ đại nhất kể từ khi con người được tạo nên. Nghe thấy điều này, mấy người khách quen trong quán phá lên cười, và bản thân tôi có vẻ cũng nặn được vài cái nhệch miệng. Nhưng dù cho lời nhận xét đó phi lý đến đâu, có một điều không thể bàn cãi: kể từ khi bị đuổi ra khỏi Thiên đường, chưa bao giờ Adam đi xa khỏi nhà mình đến vậy.”
Một sự hãnh diện rất Mỹ mang đầy tính khát vọng khám phá của thế kỷ 15 và niềm tin mãnh liệt vào Vận mệnh hiển nhiên của thế kỷ 19. Trong nghiên cứu ‘Paul Auster và Cuộc thám hiểm Hậu hiện đại’, Ilana Shinoh đã chỉ ra rằng “ý nghĩa biểu tượng của chương trình không gian trong lịch sử và hệ tư tưởng Hoa Kỳ. Cuộc chinh phục mặt trăng đã in dấu vào ý thức hệ thế kỷ 20 như một phiên bản khác của cuộc chinh phục miền Tây, công cuộc cuối cùng để hoàn thành Vận mệnh hiển nhiên.” Nhưng Fogg có vẻ không đồng tình với Tổng thống Mỹ, “chưa bao giờ Adam đi xa khỏi nhà mình đến vậy”, anh nghĩ đó là sự lạc lối !
Đâu là thời điểm bắt đầu của sự lạc lối ấy? Không ai biết cả nhưng tác phẩm bắt đầu câu chuyện đó với hai người đàn ông, Nicolas Tesla và Thomas Edison – cha đẻ của dòng điện xoay chiều và một chiều. Hai con người ấy là đại diện cho khoa học công nghệ của thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là biểu tượng của đô thị hóa, đưa con người ra khỏi thời kỳ bóng tối và tiến đến thời kỳ của ánh sáng. Chính Effing hồi nhỏ cũng thần tượng Tesla. “Con người vĩ đại, đích thân ông ấy, tuần nào cũng sẽ đến thành phố bé nhỏ của tôi. Tôi ngắm nhìn ông ấy xuống tàu hỏa, tôi tưởng tượng ra rằng mình có thể học được điều gì đó chỉ riêng bằng cách quan sát ông ấy, rằng chỉ riêng việc ở gần ông ấy tôi đã được lây nhiễm một ít thiên tài của ông - như thể đó là một thứ bệnh hay lây vậy.”
Chân dung Tesla
Thế nhưng lần chạm mặt duy nhất ấy của hai người đã khiến Effing thay đổi hoàn toàn. “Lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra mình không là gì cả, hoàn toàn không là gì cả.” “Khi cái nhìn của Tesla đi xuyên qua người tôi, lần đầu tiên tôi có trải nghiệm về mùi vị cái chết. Như vậy thì gần với những gì tôi muốn nói hơn. Tôi cảm thấy trong miệng vị của cái chết, và vào chính khoảnh khắc đó tôi hiểu ra là mình sẽ không sống vĩnh viễn.” Tại sao không phải là ánh sáng vĩ đại mà lại là biểu tượng của cái chết ? Bởi khoa học kỹ thuật người đàn ông đó mang đến đã chia cắt con khỏi tự nhiên, khỏi nguồn năng lượng nguyên gốc vĩnh cửu, đẩy con người vào một tình trạng héo mòn suy kiệt trong chính thế giới mà họ tạo ra. Đô thị chẳng khác nào một ngục tù xa hoa dần dần hút cạn linh hồn người và Effing bằng nỗ lực níu kéo lại những gì nguyên sơ đã quyết định làm họa sĩ để thổi lên sinh lực trong ông.
Hãy xem ông ta cảm nhận gì về New York sau bao năm xa cách: “Lại thêm một bài ca vì sự tiến bộ, nhưng lần này tôi thấy khá nguội lạnh trước nó, sau những gì đã nhìn thấy ở châu Âu. Tất cả những thứ đó đều là trò lừa đảo. Tiến bộ sẽ thổi tung tất cả chúng ta, bất kỳ thằng cha ngờ nghệch nào cũng có thể nói với anh điều ấy.” Và khi gặp lại Tesla – người anh hùng tuổi thơ của mình, ông đã nhìn bằng một con mắt khác. “Ngay khi nghe thấy giọng nói đó, tôi đã nhận ra Tesla rồi. Ông ta quay về phía tôi, và đó chính là ông ấy. Một ông già tám mươi tuổi. Trắng như một hồn ma, gầy gò, xấu xí y hệt tôi hiện tại ấy. Tôi những muốn phá lên cười khi nhìn thấy ông ấy. Cựu thiên tài, người đến từ một thế giới khác, người anh hùng của tuổi trẻ tôi. Từ tất cả những cái đó chỉ còn lại một đống tàn tạ già nua, một kẻ cầu bơ cầu bất.” Một sự khinh miệt rõ ràng và cảm giác đắc thắng nổi bật lên. Tesla – biểu tượng của đô thị và ánh sáng đã trở già nua và xấu xí trong khi Effing người rẽ theo con đường khác lại khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
Kết quả hình ảnh cho Great Salt Desert.
Great Salt Desert nơi Effing đã đi qua
Nhưng câu chuyện của Effing không dừng lại ở đó. Đó chỉ là điểm khởi đầu cho một cuộc truy nguyên về sai lầm của nước Mỹ. Chuyến hành trình về miền Viễn Tây của người ông nội phải chính là hành trình chinh phục của người da trắng, chuyến hành trình tưởng chừng như sẽ khơi dậy cảm hứng và đam mê nhưng cái ông nhận được chỉ là chết chóc và tội lỗi bởi “Vùng đất quá rộng, ở nơi đó ấy, và sau một thời gian nó bắt đầu nuốt chửng anh. Tôi đã đi đến một điểm nơi tôi không còn có thể bao quát được nữa. Toàn bộ sự im lặng khốn kiếp đó, toàn bộ sự trống rỗng đó. Người ta cố công tìm những điểm mốc, nhưng nó quá lớn, các kích thước thật kinh khủng và cuối cùng, tôi cũng không biết có thể nói như thế nào, cuối cùng nó không còn ở đó nữa. Không còn thế giới, không còn vùng đất, không còn gì cả.” Miền Viễn Tây hoang dã ấy như một thiên đường trống rỗng khiến con người ta thèm muốn nhưng chính con người lại lạc lối giữa cái thiên đường đó như John Steinberg đã viết trong truyện ngắn Người dẫn đường “Không có bò rừng, không có sơn dương, đến thỏ cũng không. Bọn đi săn không bắn được một con chó sói nào.” “Cuộc tây tiến đó lớn như Thượng đế vậy, và những bước chân chậm chạp để thực hiện cuộc di cư đó, mỗi ngày một chồng chất lên nhau cho tới khi xuyên qua được đại lục. Rồi bọn ông tới biển và thế là hết.” Hết, vô nghĩa. Đó là công cuộc viễn chinh với niềm tin vào Vận mệnh của người Mỹ.
Đâu chỉ mỗi vô nghĩa, hành trình ấy còn gắn liền với tội ác và sự giết chóc, những con người ấy đã thẳng tay tàn sát mọi thứ trên đường đi của mình, người da đỏ, bò rừng và cũng chính những con người đó lại thèm muốn có được cái gọi là văn minh và khai sáng, nực cười làm sao. Và chính Effing trong hành trình của mình đã trải nghiệm đầy đủ cảm giác đó. “Cảm giác tội lỗi thúc đẩy tôi, tôi không thể không cảm thấy có trách nhiệm trong sự việc vừa xảy đến, nhưng ngay cả cảm giác đó cũng tạo ra một chỗ dựa. Đó là một cảm giác con người, nó cho thấy tôi vẫn còn gắn kết với cái thế giới nơi những con người khác đang sống. Một khi Byrne đã chết đi, tôi không còn phải bận tâm đến điều gì nữa, và sự trống rỗng đó làm tôi hoảng sợ, tôi mang một nỗi sợ ghê gớm đối với nó.”
Cuộc hành trình của Effing đã kết thúc đẹp như một kịch bản phim Viễn Tây kinh điển, ông trở nên giàu có, thay tên đổi họ nhưng bộ phim mà Effing thủ vai không dừng lại tại đó, mặc cảm tội lỗi vẫn đeo bám ông cho đến khi ông gặp tai nạn và bị liệt hoàn toàn. Effing đón nhận nó với bằng cách không ai ngờ được “Cũng thật lạ, ông nói, cái tin này đến với ông giống như một sự khuây khỏa. Ông đã bị trừng phạt, và bởi vì sự trừng phạt thật khủng khiếp, nên ông sẽ không bị buộc phải tự trừng phạt mình nữa.” Từ giây phút ấy, một Effing mới được ra đời, một con người không liên quan gì đến nước Mỹ nữa.
Kết quả hình ảnh cho trần trụi với văn chương
Bìa sách Trần trụi với văn chương, Nhà xuất bản phụ nữ
Thế nhưng nước Mỹ không quay đầu lại và nhận hậu quả cho những hành động của nó một cách trực tiếp như những nhân vật trong tác phẩm. Sai lầm này được tiếp bước bằng những sai lầm khác. Sau cuộc viễn chinh của Effing là công cuộc tìm bố một cách vô vọng của Solomon Barber như chính sự mất gốc của đất nước đã giết chết tổ tiên mình. “Mặt trời là quá khứ, trái đất là hiện tại, mặt trăng là tương lai”, ba thế hệ nhà Barber, ba con người với ba họ khác nhau đại diện cho từng thời kỳ của nước Mỹ, để ta nhìn lại về lịch sử, về Vận mệnh hiển nhiên để thấy rằng “chưa bao giờ Adam lại xa nhà mình đến vậy”, nước Mỹ đang ngày càng rời xa thiên đường.
Và cuối cùng, chỉ có thể kết luận bằng chính lời miêu tả thành phố New York - biểu tượng của nước Mỹ của Paul Auster trong tác phẩm Trần trụi với văn chương. “Tôi đã đến New York vì đây là nơi hoang tàn nhất, suy đồi nhất. Gẫy vỡ khắp nơi, hỗn loạn cùng chốn. Cứ mở mắt là thấy. Con người gẫy vỡ, đồ vật gẫy vỡ, ý nghĩ gẫy vỡ. Cả thành phố là một đống vứt đi.”