Không phải câu chuyện nào cũng viết về sự vĩ đại và đẹp đẽ. Không phải nhân vật chính nào cũng là hình mẫu lý tưởng của anh hùng thời đại, người vượt qua những thử thách gian nan rồi kết thúc bằng một nụ hôn với nàng công chúa. Có những nhân vật là thể nghiệm thất bại, hình mẫu lệch lạc, tù túng của thời kỳ hay tư tưởng. AQ hay Chí Phèo có thể là ví dụ tiêu biểu cho những nhân vật kiểu này. Không hẳn tất cả mọi nhân vật chính bi thương đều có một kết cục chết chóc như AQ hay Chí Phèo, nó có thể ảm đạm hơn nữa như cách anh toán sư trong “Xứ sở kỳ diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” chết não. Hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn một hình mẫu sai lạc nữa đó là Marco Stanley Fogg (MS Fogg) nhân vật chính trong tiểu thuyết Moon Palace. Con người tội nghiệp luôn tin vào số mệnh và đuổi theo ánh trăng nhưng không bao giờ tự chủ và nắm lấy nó.
Moon Palace là tiểu thuyết được xuất bản năm 1989 của Paul Auster - tác gia hậu hiện đại nổi tiếng nước Mỹ mà mình đã giới thiệu qua bộ ba tiểu thuyết ngắn về New York với tên tiếng Việt là “Trần trụi với văn chương”. Tác phẩm lấy bối cảnh thành phố Mahattan và miền tây nước Mỹ kể về cuộc đời nhân vật chính MS Fogg cùng bố và ông anh, mỗi nhân vật đại diện cho một thời kỳ một nước Mỹ khác nhau. Ông của Fogg đại diện cho thời kỳ khai hoang, bố của anh là đại diện của thời kỳ Jazz và Fogg là nước Mỹ trong bối cảnh những năm 1960s khi Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng. Và kỳ khôi làm sao, cuộc đời cả ba nhân vật đều có những sự lặp lại giống nhau:  họ đều không có bố, đều rời bỏ người tình/vợ và đều trải qua một quãng thời gian dài cô độc.
Có người từng phân tích rằng tác phẩm này nói về sự cô độc. Đúng sự cô độc quả thật rất nổi bật trong tác phẩm nhưng nó không phải là chủ đề chính. Sự cô độc chỉ là nền, là hậu quả cho những hành động của nhân vật. Hãy nhìn Fogg, tại sao anh cô độc, anh chọn cách bất động với những sự việc xung quanh, khi nợ tiền nhà Fogg thay vì đi làm thêm, cố gắng kiếm tiền hay xoay sở bằng một cách nào đó thì trong tuyệt vọng anh nằm đè lên mọi thứ, nhưng lần đầu là sự bất động bất khả kháng, nhưng đến cuối truyện Fogg vẫn không thay đổi anh rời bỏ Kitty Wu và đưa mình vào sự bất động vĩnh cửu của việc đuổi theo mặt trăng.
Fogg chưa bao giờ hướng về phía trước, anh luôn nhìn về phía sau hoặc bất động bởi anh không có nguồn gốc. Cả ba ông con cháu nhà nhân vật chính đều lớn lên mà không có bố. Mỗi người họ đều có một họ khác nhau và cả cuộc đời họ bị ám ảnh bởi nguồn gốc của mình. Họ tin vào định mệnh và lặp lại những sai lầm của thời kỳ trước. Và đó phải chăng là ẩn dụ về nước Mỹ?
Kết quả hình ảnh cho moon palace paul auster
Bìa sách Moon palace - Paul Auster do Nhã Nam phát hành
1.“Ngụy Tín” số phận của Fogg
Ngay khi mở đầu tác phẩm với cái tên MS Fogg với sự ám chỉ về việc Marco Pollo nhầm châu Mỹ với Ấn Độ, tác giả đã gợi ý cho chúng ta về cuộc đời đầy sai lầm của Fogg. Và mọi thứ bắt đầu từ “Ngụy tín” (Bad Faith) Fogg không tin vào cái án tự do mà con người phải nhận, anh tin vào định mệnh, tin rằng có một con đường được sắp đặt sẵn cho bản thân, việc anh làm là tìm ra những dấu hiệu để đi lên con đường đó ! Và hàng loạt dấu hiệu xuất hiện, tất cả đều gắn với ánh trăng. Moon Palace – biển hiệu neon của quán ăn Trung Hoa anh nhìn thấy từ căn hộ của mình, Moon Men – tên ban nhạc mà ông bác Victor đang biểu diễn, sự kiện Neil Amstrong đặt chân lên mặt trăng… Anh cố gắng móc nối tất cả sự kiện với nhau, huyễn hoặc ra một tiền định cho riêng mình thậm chí sau khi nghe tin chú Victor qua đời Fogg vẫn giữ nguyên định kiến đó trong đầu. Triệu chứng “ngụy tín” trong anh thậm chí còn nặng hơn. “Tôi không thể chắc chắn được, nhưng quả thực là cụm từ Moon Palace bắt đầu ám ảnh tâm trí tôi với sự bí ẩn và sự kỳ diệu của một lời sấm truyền. Tất cả lẫn lộn vào trong đó: bác Victor và Trung Quốc, những con tàu vũ trụ và âm nhạc, Marco Polo và vùng Viễn Tây…Cứ như vậy mãi không có điểm dừng, và càng mở rộng mình thêm ra với những tương ứng bí mật ấy, tôi càng cảm thấy mình sắp hiểu được một chân lý cơ bản nào đó của thế giới.”
Fogg muốn dự đoán về tương lai của mình, như một nhà tiên tri nghe lời sấm truyền từ Chúa và bước dọc con đường định mệnh trải sẳn nhưng anh không thấy gì cả.  “Điều chính yếu là suy tính các hành động sắp tới. Nhưng chính đó lại là điều tôi thấy khó khăn nhất, điều mà tôi không thể làm được nữa. Tôi đã mất khả năng nghĩ về phía trước, và dù cho cố sức tưởng tượng ra tương lai, tôi cũng không nhìn thấy nó, tôi không nhìn thấy gì nữa. Tương lai duy nhất còn thuộc về tôi là cái hiện tại mà tôi đang sống và cuộc chiến đấu để trụ chân trong đó dần lấn chỗ tất cả những gì còn lại. Tôi không còn suy nghĩ được gì nữa. Những khoảng khắc lần lượt trôi đi, và tương lai với tôi lúc nào cũng giống như một trang giấy trắng, trống không, một trang giấy đầy bất trắc.”
Nhưng nếu cuộc đời là một trang giấy trắng, phải chăng việc Fogg có thể làm đơn giản là viết lên đó! Nhưng không Fogg không làm vậy! Anh bất động và cố gắng tìm ra một dấu hiệu hay biểu tượng nào đó gắn với tương lai của mình ! Điều đó một lần nữa mang lại bi kịch cuộc đời anh. Anh tiếp tục dấn thân vào cái “ngụy tín” đã cắm rễ thật sâu trong linh hồn mình sau khi nhìn thấy tờ mười đô trên đường. “Tâm trí tôi đã hỗn loạn lắm rồi, và thay vì thấy đó đơn giản là một may mắn, tôi tự thuyết phục mình rằng điều vừa xảy ra có một tầm quan trọng sâu sắc: một sự kiện mang tính tôn giáo, một điều kỳ diệu thực thụ.”
Kết quả hình ảnh cho nhạc đời may rủi
Bìa ebook Nhạc đời may rủi - Paul Auster do Bookaholic club thực hiện
Hãy liên kết sự kiện này với những hành động của nhân vật chính trong “Nhạc đời may rủi”, cả hai người họ, Nashe và Fogg đều cố gắng gán ý nghĩa cho những sự kiện ngẫu nhiên. Phải chăng cả hai đều sợ hãi trước sự vô nghĩa của cuộc đời? Cả hai đều không đủ sức để tạo ra ý nghĩa cho số phận mình mà phải bám vào những tiền định, những tiên khởi không hề có thật. Nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào những tác phẩm của Paul Auster, ta sẽ thấy hàng loạt những ngẫu nhiên xuất hiện. Có lẽ Fogg và Auster đều tin rằng ngẫu nhiên mang một ý nghĩa nào đó, nhưng với hai cách hoàn toàn khác nhau. Với Fogg, anh tin sự ngẫu nhiên được sắp đặt từ trước mở đường cho anh tiến gần hơn về định mệnh còn Auster, ông tin ngẫu nhiên là bản chất của vũ trụ, tất cả đều không có ý nghĩa. Một sự đối lập hoàn toàn về tư duy giữa tác giả và đứa con của mình, bởi thế nên Fogg ngày càng chìm sâu trong bi kịch.
Nhưng sau cơn bi kịch của việc không nhà cửa và sống bằng đồ ăn trong thùng rác, Fogg được trao một cơ hội. Một cơ hội để thay đổi mọi thứ nhất là niềm tin về số mệnh đã cắm chặt mũi dùi trong tâm trí Fogg. Effing xuất hiện. Effing ép Fogg nhìn thế giới dưới một con mắt mới, tạo dựng một cách hiểu thế giới của riêng anh để từ đó diễn giải cho ông già mù ngồi xe lăn – người mà sau này chính là ông nội anh.  Fogg khi đó đã dần rời xa “Ngụy Tín” để đến gần với “Chân Tín” nhưng có lẽ những lo lắng của Effing chính là lời nguyền cho cuộc đời Fogg “Cậu là một người mơ mộng, cậu bé ạ,” ông nói. “Tâm trí của cậu để trên mặt trăng, và nhìn vào mọi chuyện, nó sẽ không bao giờ đi chỗ khác đâu. Cậu không có tham vọng, cậu không màng đến tiền bạc, và cậu có quá nhiều phẩm chất của một triết gia để có thể có được cảm giác về nghệ thuật. Tôi sẽ làm gì với cậu đây? Cậu cần ai đó chăm lo cho mình, ai đó đảm bảo rằng cậu có đủ thức ăn trong bụng và một ít tiền trong túi. Khi tôi chết đi, cậu sẽ quay trở lại đúng nơi cậu khởi đầu.” 
Quả thật là vậy! Cuối cùng, cái chết của Effing, việc tìm ra bố, cái hang chìm dưới đáy hồ, và vụ phá thai của Kitty Wu đã đưa Fogg trở lại điểm xuất phát: “Ngụy Tín”.