Cái giá của sự phù phiếm
Khi nhắc đến thương hiệu Chanel, ta không thể không nhắc đến những chiếc áo khoác vải tweed, đầm đen sang trọng và chi tiết y phục...
Khi nhắc đến thương hiệu Chanel, ta không thể không nhắc đến những chiếc áo khoác vải tweed, đầm đen sang trọng và chi tiết y phục được gia công tinh tế của hoa Camilla. Ít ai biết rằng Camilla có tuổi đời gắn với Chanel ít hơn những biểu tượng còn lại đến vài chục năm: Chanel mới chỉ đặt hàng nhà nghề Lemarié những bông hoa này vào năm 60s của thế kỷ trước và Lemarié đã biến bông hoa 16 cánh trở thành biểu tượng của thương hiệu. Vào thời điểm hiện tại, Lemarié là một trong số ít nhà nghề chuyên sản xuất lông vũ và những bông hoa tinh xảo còn được duy trì cho đến ngày nay, khi xu hướng đội mũ đính lông vũ từ những năm 1880s của giới quý tộc giờ đây đã biến mất hoàn toàn. Ta chỉ có thể chiêm ngưỡng những chi tiết tinh xảo này qua thiết kế cao cấp của các nhà mốt hàng đầu thế giới.
Những đặc điểm của món hàng cao cấp được nhìn nhận dưới góc độ của một người tiêu dùng bình thường được làm rõ qua ví dụ trên: một sản phẩm thủ công tinh xảo hiếm có bậc nhất kể một câu chuyện có bề dày lịch sử và văn hóa được bán với mức giá đắt đỏ, quan trọng nhất là chúng phải hoàn toàn phù phiếm và vô dụng cho cuộc sống thường nhật.
Đã là hàng cao cấp, chân lý bất di bất dịch là không thể mua được một cách dễ dàng bởi tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu. Mặc dù vậy, với sự phát triển của khoa học công nghệ và giao thương buôn bán toàn cầu, tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu ngày nay được tiếp cận và sử dụng hàng ngày đa phần những mặt hàng được định nghĩa là xa xỉ cách đây từ vài năm đến vài thế kỷ:
- Kola là thực phẩm cao cấp với những người dân châu Âu vào thế kỷ 19 nay đã có thể được sở hữu dễ dàng tại tiệm tạp hóa gần nhất: Coca-Cola.
- Đường được miêu tả là loại gia vị tuyệt hảo vô cùng đắt đỏ cho đến cuối thời kỳ Trung Cổ.
- Tivi Asanzo giá rẻ như cho dễ dàng được mua bởi người dân nghèo khó.
Con người hiện đại đang được thụ hưởng mức sống giàu có trong mơ của những thế hệ trước, mức sống này có xu hướng tăng theo từng năm, thậm chí là từng tháng. Điều gì khiến con người vẫn hàng ngày mơ tưởng đến những món hàng cao cấp, đến trải nghiệm thượng lưu như những hộ dân thời Trung Cổ ao ước được tận hưởng trà sữa full đường hay món thịt kho tàu ngọt lịm tại các quán ăn bình dân VN dù chỉ một lần trong đời?
Nhóm những anh chàng Congo sành điệu (La SAPE) ở vùng Nam Phi xa xôi là một ví dụ cho sự hiện thức hóa giấc mơ sở hữu trải nghiệm xa xỉ này. Sau khi tham chiến cho nước Pháp, những người lính Congo quay trở về tổ quốc và tạo nên xu hướng ăn mặc như những người Pháp thực thụ, bước đi kiêu hãnh trên các con phố bụi bặm nghèo khổ với đôi giày da cá sấu và những bộ suit đắt tiền đến từ các nhà mốt nổi tiếng để nhận được những ánh mắt hâm mộ của những người xung quanh... Họ sẵn sàng bán những mảnh đất, công ty được thừa kế để mua những mặt hàng xa xỉ này, ngay cả khi điều đấy đồng nghĩa với việc phải sống trong điều kiện nghèo khó.
Nhu cầu được nhìn nhận như một cá nhân đặc biệt và ưu việt với những mơ tưởng và sự tự so sánh diễn ra hàng ngày chính là đặc tính tự hủy hoại âm thầm chạy ngầm trong mỗi người. Trường hợp về những anh trai thời trang xứ Congo là một ví dụ mang tính chất cực đoan của ý muốn: ta muốn trở thành một cá nhân đặc biệt (so với những người khác)!
Trước đây, những món hàng cao cấp chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Sự thoái hóa trong hệ thống phân tầng giai cấp xã hội khiến hai khái niệm cao cấp – quý tộc bị hòa làm một, và các thương hiệu đang dần đại diện cho ước mơ và những giá trị vô hình mà người tiêu dùng hướng đến. Nhưng điều đáng buồn là món đồ xa xỉ gợi ý đến những phẩm chất của chủ nhân, nghĩa là một con người quý tộc, đáng trân trọng, nhiều giá trị và phẩm chất đáng ngưỡng mộ mà trong đấy những thứ xa xỉ bày ra bên ngoài chỉ là những hình ảnh thấp kém, thô thiển nhất nhằm giới thiệu nhanh về con người đấy. Tôn sùng một món hàng cao cấp tạo ra nhu cầu làm nhái món hàng đó, nhái những giá trị mà nó mang, từ đó nhái luôn nhân cách và phẩm chất của mình.
Những giá trị mang tính nhân văn và phổ quát bị coi thường và châm biếm, thậm chí là bóp chết khi chúng mới đang trong giai đoạn định hình. Chúng ta có thể dành nhiều giờ, thậm chí nhiều năm nói về một tỉ phú xa lạ nào đó bên trời Tây chuẩn bị chôn chiếc Bentley hàng đặt riêng cho ông ta, nhưng không bao giờ để tâm hay suy nghĩ về việc làm thế nào để bộc lộ, xây dựng, phát triển phẩm chất cao quý bên trong chính con người chúng ta, xa hơn nữa là giáo dục cho con cái chúng ta làm điều tương tự.
Không ai còn nhớ đến một thứ đã từng là xa xỉ, thực tế đã chứng minh, dần dần thứ xa xỉ đấy sẽ trở thành tiêu chuẩn chung của mọi người trong tương lai. Vậy, chúng ta có cơ sở nào để căn cứ trên một thứ hoàn toàn tầm thường và vô dụng để đánh giá một con người?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất