Môn Lịch sử: cái nhìn nhận sai lầm của xã hội
Bài viết ngắn này được viết qua lăng kính cá nhân của một người không nghiên cứu sâu về lịch sử, nhưng có niềm yêu thích với lĩnh vực...
Bài viết ngắn này được viết qua lăng kính cá nhân của một người không nghiên cứu sâu về lịch sử, nhưng có niềm yêu thích với lĩnh vực này, không tránh khỏi được sự non nớt trong cách biểu đạt và lập luận, mong mọi người tận tình chỉ bảo.
Kết quả điểm thi THPT năm 2019 vừa qua, tới 70% bài thi dưới mức trung bình, một kết quả không quá bất ngờ khi mà từ trước tới nay, một lịch sử luôn được coi là anh chàng “thấp bé nhẹ cân”, không đáng quan tâm trong mắt học sinh, sinh viên. Lí do cho việc này thì liên tục được các nhà chức trách, báo chí bên lề mang ra mổ sẻ, tranh cãi hết từ Tết tây đến Tết ta mà vẫn không có đáp án thực sự chính xác, cũng phải thôi, một vấn đề xã hội luôn có nhiều đáp án, giống như một đề bài văn luôn có hàng tá cách viết vậy.
Nói về lí do tại sao môn lịch sử bị ghẻ lạnh như vậy thì sẽ không được đấy đủ nên mình sẽ viết ở đấy những lí do mà mình cho rằng hợp lí nhất:
- Một lịch sử không có chỗ đứng trong xã hội, dưới tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước, không quá khó khi chỉ mặt điểm tên những ngành nghề hot trong những năm trở lại đây, hứa hẹn cho sinh viên môt tương lai mang tính ổn định với mức lương đáng mơ ước.Vậy thì phải học lịch sử làm gì khi môn học đó không đáp ứng được nhu cầu đó của thế hệ trẻ. Môn lịch sử giống như một anh chàng lọt thỏm trong hàng đống các nhân tài chuẩn bị bước vào vòng phỏng vấn của một công ty mang tên “Nghề nghiệp – lĩnh vực hot” , không có lấy một chút cơ hội khi bản thân nó không mang trong mình những cơ hội thăng tiến, thậm chí là tiềm ẩn rủi ro.
- Lí do thứ 2, đương nhiên rồi, đó là cách truyền tải, khi mà môn lịch sử hiện hành đang thiếu đi những cách thức để sớm chui được vào đầu các thế hệ học sinh, làm nó bỗng chốc trở thành một món ăn nào đó không vừa miệng mà mẹ các bạn vẫn bắt ăn hằng ngày, dưới áp lực của việc nó trở thành môn thi bắt buộc, các bạn học sinh sẽ miễn cưỡng nhồi nhét nó vào đầu rồi nhanh chóng tống nó ra khi vừa bước chân ra khỏi phòng thi, chẳng có một chút tình cảm tý xíu nào cho một bộ môn mang tính chất “học để thi” như vậy.
- Lí do thứ 3 có lẽ là quan trọng nhất, chính là việc học sinh, không phải, mà là xã hội, đang coi nó như môn một học thuần túy, cơ bản bởi học sinh đang có cách nhìn sai lầm trong việc học lịch sử, coi nó là một nhiệm vụ phải hoàn thành, lớp thế hệ ngày nay đang thiếu đi việc tận hưởng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu một lĩnh vực nhất định mà chỉ luôn nhắm tới mục đích cuối cùng. Đó không phải lỗi của bất cứ ai, tuy vậy nó vô hình chung tạo ra một rào cản trong quá trình nhận thức của xã hội, mà ở đây thiệt nhất chỉ là anh chàng “Lịch Sử” của chúng ta, một lĩnh vực mang tính chất xã hội, nói một cách dễ hiểu thì giống như bạn viết một bài tập làm văn, quan trọng nhất chính là việc bạn tận hưởng quá trình viết nên bài văn của mình chứ không phải tạo ra một bài văn hoàn chỉnh vậy ( trong thực tế thì đương nhiên không được rồi vì bạn sẽ bị cho điểm thấp vì lí do đó đấy)
VTV7 khá nhanh nhạy khi bắt đúng cái trend này để sử dụng làm một chủ đề cho gameshow “Trường Teen” ( nếu bạn nào không biết thì đó là gameshow dành cho các bạn học sinh THPT thể hiện khả năng tranh luận, hùng biện). Trong đó thí sinh Minh Anh đã có một câu nói mà mình khá ấn tương: “Học sinh chỉ chán học lịch sử trên trường chứ không học sinh nào chán lịch sử dân tộc cả!” Thiết nghĩ khi một quan điểm được nêu lên trong một cuộc thi về hùng biện đều có những tranh cãi không những bên trong mà còn bên ngoài cuộc thi. Mình nghĩ một vấn đề phức tạp như vậy thì luôn xuất phát từ nhiều phía, nếu xét về lỗi của học sinh thì chính là việc không ít thế hệ học sinh đang giao phó việc yêu thích hay ghét bỏ một bộ môn cho giáo viên của mình, đôi khi chỉ vì một giáo viên dạy hay hay không có thể ảnh hưởng đến động lực học tập của học sinh trong bộ môn đó. Về bản thân mình, trong quá trình mình học từ tiểu học lên đến trung học phổ thông, mình chưa có ấn tượng thực sự sâu sắc với một giáo viên dạy lịch sử nào, việc học sử với mình chỉ đơn giản là các page trao đổi về lịch sử, các thước phim tài liệu cũ kĩ đầy hùng tráng, những tập phim hoạt hình mà VTV sản xuất không quá hoành tráng nhưng đủ để mình có cái nhìn rõ hơn về một sự kiện nào đó trong quá khứ. Mình nghĩ rằng một sinh viên học nghành IT, một cử nhân kinh tế, một bác sỹ y dược hoàn toàn có thể hiểu biết về lịch sử dựng nước, nắm rõ nguyên nhân khai mào thế chiến thứ Nhất,v.v… mà không cần phải có một nỗ lực miễn cưỡng nhét nó vào đầu nào cả, thì học sinh hoàn toàn cũng có thể làm được. Cái chính là việc nó đang bị coi là một môn học cốt để đi thi, hoàn toàn không phải một mảng bức tranh xây dựng nên tâm hồn thông thái của mỗi cá nhân.
Ps: Về mục đích thực sự học môn lịch sử có lẽ đã nhiều bài viết nói vấn đề này rồi nên mình xin phép không đề cập trong đây, bài viết không nhằm một mục đích gây tranh cãi, chỉ là một lăng kính nhỏ trong hàng tá cách nhìn nhận về vấn đề này rồi, mong các bạn góp ý thêm. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất