Mối quan hệ giữa Đức và Pháp: Từ anh em một nhà cho đến mối thù ngàn năm
Ngày nay, Đức và Pháp là hai quốc gia độc lập với nhau, họ có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, vào khoảng 1200 năm trước,...
Ngày nay, Đức và Pháp là hai quốc gia độc lập với nhau, họ có ngôn ngữ và văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, vào khoảng 1200 năm trước, cả hai nước đều sống chung một mái nhà mang tên Đế Quốc Frank.
Lịch sử của Đức và Pháp đều công nhận mình là hậu duệ của Đế Quốc Frank hùng mạnh trong thời Sơ Kì Trung Cổ. Lãnh thổ của Đế quốc Frank đạt cực đại dưới thời Charlemagne Đại Đế. Nó trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến Tây Đức, từ bờ Biển Bắc cho đến miền Bắc nước Ý ngày nay. Đế quốc Frank từng nhiều lần bị chia cắt rồi thống nhất lại với nhau. Trong suốt gần 400 năm tồn tại, từ năm 481 đến năm 840, đế quốc đã tan rồi hợp đến năm lần, chủ yếu do sự tranh quyền giữa các hoàng tử sau khi vua chết, nhưng thường thì luôn có một người chiến thắng và thống nhất đế quốc. Nhưng vào năm 840, vua Louis "Sùng đạo" (con của Charlemagne Đại Đế) qua đời, để lại khoảng trống quyền lực. Tháng 8 năm 843, ba người con trai của ông là Lothaire, Louis "Người Đức" và Charles "Hói đầu" đã kí hiệp ước Verdun, chia đế quốc ra làm ba theo chiều Đông-Tây rồi thành lập ba vương quốc là Đông Frank của Louis "Người Đức", Trung Frank của Lothaire và Tây Frank của Charles "Hói đầu". Vào năm 880, Charles "Hói đầu" chết, vua của vương quốc Đông Frank là Louis "trẻ"và vua Louis III của vương quốc Tây Frank kí hiệp ước Ribemont chia cắt vương quốc Trung Frank. Kể từ đó, biên giới của Đông Frank và Tây Frank hầu như không thay đổi trong khoảng 600 năm tiếp theo, cho dù cả hai bên thường gây ra những cuộc chiến nhỏ với nhau.
Về sau, vương quốc Tây Frank phát triển thành nước Pháp, còn vương quốc Đông Frank phát triển thành Đế quốc La Mã Thần Thánh sau này là Đức. Cả hai bên tuyên chiến lẫn nhau trong suốt từ thời Trung Cổ cho đến thời Hiện Đại, có thể kể các cuộc chiến lớn như chiến tranh Pháp-La Mã Thần Thánh (1312-1315), chiến tranh 4 năm (1521-1526), chiến tranh 30 năm (1618-1648) chiến tranh 9 năm (1688–1697),... Nhưng đỉnh điểm của mâu thuẫn hai bên là khi vua Charles II của Tây Ban Nha chết mà không có người nối dõi. Vào thế kỉ 18, đế quốc Tây Ban Nha tuy đã suy yếu nhưng vẫn là một cường quốc toàn cầu, sở hữu rất nhiều thuộc địa. Do vậy, rất nhiều đế quốc xung quanh tỏ ra "thèm" ngai vàng của Tây Ban Nha. Theo luật kế thừa của hoàng tộc châu Âu, người có dòng máu gần với vua Tây Ban Nha nhất sẽ kế vị. Những ứng cử viên bao gồm Công tước Phillip xứ Anjou của Pháp và người vua Leopold I của Đế quốc La Mã Thần Thánh. Ngoài ra, Pháp còn lo sợ khi Tây Ban Nha rơi vào tay của "ông hàng xóm phía Tây" sẽ bị bao vây cả hai hướng. Vì vậy, nước Pháp đã dốc toàn lực cho của đại chiến Kế Vị Tây Ban Nha. Cuộc đại chiến đã khiến khoảng 1.400.000 người thương vong. Cuối cùng, cả hai bên đã phia chia Đế quốc Tây Ban Nha trong hiệp ước Utrecht (1713), theo đó, Công tước Phillip xứ Anjou phải từ bỏ ngai vàng nước Pháp để trở thành vua của Tây Ban Nha, còn Đế quốc La Mã Thần Thánh thì nhận nhiều lãnh địa của Tây Ban Nha tại châu Âu.
Kể từ cuộc chiến tranh Kế Vị Tây Ban Nha, Pháp và Đức trở nên ghét nhau ra mặt. Bên cạnh chiến tranh, hai bên còn không quên "cà khịa" và sỉ nhục đối phương. Một ví dụ điển hình cho hành động này là: Vệ binh Phổ mài kiếm ngay bậc thang trước cửa lãnh sự quán Pháp tại Berlin trước khi hai nước đánh nhau trong chiến tranh Liên Minh Thứ Nhất.
Tuy nhiên, nước Pháp chiến thắng trong cuộc chiến này... và Napoleon trả thù màn "cà khịa" trên bằng cách lấy bức tượng trên Cổng Brandenburg và mang nó về Paris. Mãi sau khi Napoleon thất bại trong trận Waterloo, nước Pháp bị liên quân chiếm đóng, người Phổ mới mang bức tượng này về Berlin.
Đến cuối thế kỉ 19, nước Phổ và Pháp lại đánh nhau trong chiến tranh Pháp-Phổ. Lần này là do một cuộc cách mạng bùng nổ đã dẫn đến sự sụp đổ của Vương triều Bourbon tại Tây Ban Nha vào năm 1869. Sau khi Nữ hoàng Tây Ban Nha phải chạy trốn sang Pháp, người Tây Ban Nha muốn chọn hoàng thân Đức Leopold dòng Hohenzollern-Sigmaringen kế vị. Pháp không muốn có thêm một ông vua người Đức ở sau lưng mình nên đã tuyên chiến trước. Trong trận chiến này, thủ tướng Phổ, Otto von Bismarck, đã phát huy tài năng ngoại giao của mình để gắn kết các tiểu quốc nói tiếng Đức lại cùng nhau chiến đấu chống Pháp. Với sức mạnh của một cường quốc trẻ, Phổ đã giành chiến thắng trước Pháp trong trận chiến này. Sau đó, người Đức tiếp tục sỉ nhục người Pháp bằng hội nghị thống nhất nước Đức thành lập Đế quốc Đức ngay tại Versailles (lãnh thổ Pháp). Người Pháp thì không thể chịu nổi sự nhục nhã này. Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc bên trong toa tàu của tướng Ferdinand Foch, nước Pháp áp đăt khoản chiến phí khổng lồ lên nước Đức bại trận. Nhưng họ không ngờ, chính điều này lại giúp cho Hitler lên nắm quyền. Rồi khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra với thất bại chóng vánh của Pháp vào năm 1940, nước Pháp phải kí văn kiện đầu hàng Phát xít Đức ngay tại chính cái toa tàu này. Nhưng vào năm 1945, Phát xít Đức nhận ra mình sắp thua trận nên đã đốt cái toa tàu biểu tượng của sự "sỉ nhục" này, nếu không thì có khi đây sẽ là cái toa tàu được dùng để kí văn kiện đầu hàng nhiều nhất trên thế giới.
Cuối cùng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hai nước bắt đầu hòa giải để kết thúc mối thù lâu đời này. Năm 1953, Pháp và Tây Đức kí hiệp định Paris thành lập Cộng đồng Than Thép Châu Âu tiền đề cho Liên Minh Châu Âu sau này.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất