Như thường lệ, đây là một bài viết đáng yêu khác mình tìm thấy ở mục Modern Love của tờ báo The New York Times. Vì thế, mình xin phép được dịch nó ra để các bạn có thể cùng thưởng thức. 
And, here we goooo!
Bầu trời trong xanh, màu trời mình luôn yêu thích! Câu chuyện của họ cũng êm đềm tựa nó vậy.     Nguồn: Davies Designs Studio - Unsplash
Họ đều nghĩ rằng đại học là thời điểm quá sớm để đi đến quyết định bên nhau lâu dài, vì thế hai người đã đồng ý dời lần hẹn hò tiếp theo lâu hơn một chút - 60 tháng sau.

  Lựa chọn của cả hai

Khi tôi nói với Howard rằng cả hai nên gặp lại nhau vào một ngày của 5 năm sau để xem liệu người kia có phải là nửa còn lại của cuộc đời mình hay không, tôi chỉ nghĩ rằng mình đang thực tế. Thực ra lúc đấy tôi không nghĩ gì nhiều về sự lãng mạn (và điên rồ) của nó mà chỉ quan tâm đến việc muốn cá cược với anh ấy thôi.
Lúc đó tôi mới chỉ 18 tuổi, sinh viên năm nhất ở Cornell, còn anh ấy thì 21. Chúng tôi đã bên nhau từ tháng Chín và lúc đấy đã là mùa xuân rồi. Chẳng mấy chốc nữa cả hai sẽ phải cách xa, khi anh ấy quay về San Francisco còn tôi thì trở về ngoại ô New Jersey (San Francisco ở bờ Tây còn New Jersey ở bờ Đông nước Mĩ). Cuộc chia li sắp sửa đến buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại. Và cuộc nói chuyện đó diễn ra kiểu như này: 
Tôi: "Em nghĩ rằng để tìm được "Người đó" (The One) thì cần phải đúng người, ở đúng nơi và vào đúng thời điểm. Nếu như chuyện của hai ta là đúng người, nhưng sai thời gian và địa điểm thì sao? Như vậy thì cả hai đều sẽ đánh mất cơ hội và hối hận vì đã làm điều đó."
Anh: "Vậy, ý em là chúng ta vẫn nên ở bên nhau?"
  Tôi: "Không, em không muốn cưới người con trai đầu tiên em hẹn hò nghiêm túc. Ý em là, hãy cho nhau thêm thời gian, cho nhau một cơ hội khác. Hãy gặp nhau vào một ngày đẹp trời của 5 năm sau. Lúc đấy, em sẽ 23, anh sẽ 26. Và nếu ta có duyên thì sẽ quay về bên nhau thôi."
  Howard thực sự đã đồng ý. Cả hai quyết định sẽ gặp nhau ở Thư viện công cộng New York, gần tượng con sư tử, vào lúc 4 giờ chiều, ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4, 5 năm sau kể từ mùa xuân năm đó. Chúng tôi viết cam kết đó lên tờ 1 đôla, sau đó xé nó làm hai và mỗi người giữ một nửa.
 Gặp nhau ở một nơi công cộng sẽ giảm thiểu tối đa những sự thân mật không cần thiết nếu mọi thứ trở nên khó xử hơn. Gặp nhau lúc 4 giờ chiều thì chúng tôi có thể cùng đi uống nước, và nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, cả hai có thể cùng ăn tối và tiếp tục nói chuyện. Còn nếu không, hai người có thể chào tạm biệt nhau và mỗi người một ngả.
  Thư viện công cộng New York là một lựa chọn rất phù hợp. Vì chuyên ngành của cả hai đều là Tiếng Anh, tôi và Howard dành nhiều thời gian quanh những cuốn sách. Và nó cũng là một địa điểm dễ tìm, một nơi mà chắc chắn có thể vẫn tồn tại sau 5 năm, không như một nhà hàng hay quán bar nào đó.
  Mặc dù ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 4 là lựa chọn ban đầu của cả hai, tôi dần nhận ra một điều rằng nó có thể trùng với ngày lễ Phục Sinh. Và mẹ tôi, một tín đồ Công giáo, chắc chắn sẽ không cho tôi đi New York ngày hôm đó, vì lúc đấy chúng tôi sẽ có một buổi gặp mặt trong gia đình.
   Thế là Howard và tôi quyết định lấy lại hai nửa tờ 1 đôla đó, gạch tháng 4 đi, ghi lại tháng 5, sau đó trả lại cho đối phương.
  Thực ra thì sau đấy chúng tôi vẫn ở bên cạnh nhau. Trên thực tế là, cả hai vẫn còn bên nhau vào mùa hè đó và nguyên một năm học sau đó. Mãi cho đến kì học tiếp theo, khi Howard xin nghỉ phép và sống ở Manhattan, mối quan hệ của chúng tôi mới chính thức kết thúc. (Tôi bắt đầu gặp gỡ chàng trai khác, anh ấy phát hiện, và thế là hết.) 
  Chính thức từ đấy, chúng tôi có 3 năm rưỡi trước ngày đẹp trời đó.

3 năm rưỡi và 1 nửa tờ đôla liệu có là hiện thực? Photo: Hunter Newton - Unsplash

Quãng đường 3 năm rưỡi.

  Tôi đã tận dụng khoảng thời gian đó rất tốt. Những mối quan hệ khác nhau, những cuộc vui, những lần crush người ta. Với một vài trong số những người đàn ông đó, tôi luôn tự hỏi, "Liệu anh ấy có phải là "Người đó" hay không?" Và vì vài lí do nào đó, đáp án chưa bao giờ là "Phải" cả. Hoặc là nó có thể là "Phải" nếu như tôi và Howard đã không cùng lên kế hoạch cho cuộc hẹn đó?
  Cũng có thể, hoặc không. Trong mọi trường hợp, khi tôi tiếp xúc với những chàng trai khác, cho dù là ngắn hay dài, cũng đều chỉ củng cố trong tôi sự chắc chắn rằng Howard chính là "Người đó" và rằng tôi đã rất thận trọng khi đã chuẩn bị cho một cơ hội thứ hai.
  À, có một phần trong thỏa thuận của chúng tôi không ghi ở trên tờ 1 đôla đó là chúng tôi sẽ không nói cho ai biết về nó cả, một quy tắc mà tôi nhanh chóng lãng quên. Tôi đã nói với người bạn thân nhất của tôi. Cô ấy nghĩ rằng đấy là một kế hoạch sáng tạo (Nhưng cảm thấy buồn cho chàng trai mà tôi đang hẹn hò lúc đó). Tôi cũng có kể với mẹ, và đó là một sai lầm.
  Vào năm thứ 5 đấy, tôi đang sống ở Minneapolis (Ở phía bắc, gần biên giới với Canada). Tôi đang ở trong một mối quan hệ đã kéo dài được vài tháng. Đối với Howard và tôi, thì cả hai đã không hề gặp nhau hay liên lạc trong khoảng thời gian vừa rồi. Tôi có biết sơ sơ về nơi anh ấy ở, nhưng đây là thời đại trước khi smartphones, internet và email xuất hiện, một thời đại mà bạn thực sự có thể mất liên lạc với ai đó và không thể liên lạc được với họ mặc dù bạn rất muốn.
  Và đó, chính xác là những gì đã xảy ra với chúng tôi.
  Tuy nhiên, vài ngày trước cái ngày đẹp trời đó, tôi lên máy bay trở về nhà ở ngoại ô New Jersey để thăm mẹ cùng với dự định sẽ vào thành phố (Manhattan) cuối tuần đó. Chị gái của tôi có một căn hộ ở khu Thượng Tây, và sẽ chẳng có gì lạ nếu tôi đến ở cùng chị ấy, bởi vì tôi luôn làm như thế mỗi khi đến New York. 
  Thế nhưng mẹ tôi cứ liên tục đề xuất rằng tôi nên đến vào giữa tuần, khi mà chị tôi không làm việc (Là một nhân viên phục vụ ở nhà hàng, chị tôi bận nhất vào cuối tuần).
  "Không", tôi bảo. "Con phải đến đó vào cuối tuần này. Chủ nhật tuần này con sẽ gặp Howard."
   Mẹ tôi khựng lại khi nghe đến đấy. "Mẹ không hề biết là hai con vẫn còn giữ liên lạc."
  "Tụi con không," tôi bảo. "Nhưng tụi con đã hứa sẽ gặp nhau vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 5 năm nay, vì thế con phải ở thành phố vào hôm ấy."
  "Hai đứa hứa với nhau khi nào?"
  "5 năm trước ạ." Tôi bảo.
  "Ôi lạy Chúa! 5 năm trước? Con điên rồi à? Không phải nó đang sống ở California sao? Nó sẽ không bay cả một quãng đường dài như thế để đến New York vì điều này đâu."
  "Không, anh ấy sẽ đến. Con chắc chắn rằng anh ấy sẽ đến."
  Khi tôi đang ngồi trên tàu đến Manhattan, mẹ tôi gọi cho chị gái và giục cô ấy ngăn cản tôi đến đó, sợ rằng tôi sẽ đau lòng khi thấy Howard không đến.
  Lúc tôi đến nơi, chị tôi bảo, "Em đang chỉ đang cố biến cuộc đời của mình thành một bộ phim thôi. Nhưng đời thật không giống như thế. Anh ta sẽ không nhớ lời hứa đó đâu, và chắc chắn cũng sẽ không bay 3000 dặm để đến đây đâu. Em đang đặt mình vào thế khó đấy. Rồi em sẽ thất vọng."
  Tôi không đồng ý.
  Cả buổi chiều và tối ngày hôm đó chị tôi bận bịu với công việc, thế là tôi (khá vui vẻ) tự mình đi bộ từ khu Thượng Tây đến trung tâm thành phố. Vài phút trước khi đồng hồ điểm 4 giờ chiều, tôi đứng ở bên kia đường đến thư viện, dò tìm trong những đám đông.
  Và ở đó, tôi thấy Howard đang đứng ở bậc thang lên thư viện.

And the rest, like they say, is History. (Ted Mosby)

  Chúng tôi nhìn thấy nhau, mỉm cười và vẫy tay chào nhau. Tôi băng qua đường và cả hai ôm nhau ngay trước tượng con sư tử (Sau này tôi mới biết tên nó là Fortitude), sau đó ngồi xuống những bậc thang và nói chuyện.
  Cuộc trò chuyện của cả hai kéo dài đến hai ngày. Sau đó Howard phải lên máy bay quay lại California.
  Nó không hẳn là "Hạnh phúc từ nay đến mãi sau" ngay lập tức đâu. Trước hết tôi phải thoát ra khỏi mối quan hệ hiện tại với chàng trai kia. Cả hai cũng phải cùng tìm ra cách giải quyết cho vấn đề cả hai sẽ sống chung ở đâu nữa.
  Mùa thu năm đó tôi chuyển về San Francisco vài tháng để làm việc. Vài tháng sau, anh ấy chuyển đến Minneapolis, nơi mà chúng tôi sống với nhau 2 năm trước khi chuyển về New York. Và, đúng rồi, khi cả hai cùng đặt chân đến bờ Đông nước Mĩ, chúng tôi đã kết hôn.
Cuối cùng thì hai người cũng đã đi cùng nhau đến cuối con đường. Nguồn: Nathan Dumlao - Unsplash.
Tôi rất ít khi gọi câu chuyện của chúng tôi là "lãng mạn". Những người bạn khi nghe câu chuyện này thường phóng đại nhiều chi tiết, ví dụ như họ nói, "Và hai người không gặp đối phương trong vòng 10 năm ư?"
Thực ra thì đó chỉ là kế hoạch 5 năm thôi. Và chúng tôi chỉ thực sự hoàn toàn xa nhau trong vòng 3 năm. 
  Hoặc là họ bảo: "Và cậu luôn luôn biết..." 
  Không, đó chính là những gì về cuộc cá cược này. Cả hai không luôn luôn biết. Cho dù sau khi đã gặp lại nhau, chúng tôi vẫn cần một khoảng thời gian trước khi thực sự sống cùng nhau. Và khi chuyển đến New York, cả hai đã đồng ý phải xem công việc của bản thân tiến triển như thế nào đã trước khi hứa thêm bất cứ điều gì.
  Điều mà là sự thật chính là câu chuyện ấy đã giúp cả hai cùng duy trì được mối quan hệ này ra làm sao, đã trải qua được những thời điểm khó khăn như thế nào. Tôi rất ghét việc phải kết thúc nó bằng câu, "Rất tiếc là, mọi chuyện không diễn ra tốt đẹp." Với một câu chuyện như thế, tất nhiên là chúng tôi phải ở bên nhau rồi. Chúng tôi đã cùng nhau phát hiện ra rằng, một quá khứ lãng mạn, có thể giúp bạn giữ vững được tinh thần cho đến khi bạn thực sự tìm thấy được một trạng thái cân bằng cho bản thân.
  Mặc dù vậy, tôi vẫn luôn cho rằng câu chuyện này là về tầm nhìn dài hạn và sự thận trọng chứ không chỉ là lãng mạn. Tôi chỉ chia sẻ nó với những người không nghĩ rằng tôi đang cố sống một cuộc đời như trong phim - Những người hiểu đây là thông minh trong tình yêu, chứ không phải là mơ mộng hão huyền.
  Nhiều năm qua, tôi vẫn thường kết thúc câu chuyện bằng: "Tôi cứ nghĩ bản thân đang cố gắng thực tế trong việc cho cả hai một cơ hội. Hóa ra nó lại là một kế hoạch tốt đấy chứ."
  "À thì, cái kế hoạch đấy thì đúng là thực tế," một người bạn của tôi gần đây đã chia sẻ. "Nhưng sự thật là cả hai đã xuất hiện. Đấy chính là sự lãng mạn."
Anh ấy nói đúng. Nó hoàn toàn là sự tin tưởng của bản thân cho đối phương - Mặc cho những lời cảnh báo của những người khác - nó khiến cho câu chuyện của chúng tôi trở nên lãng mạn. Chúng tôi đã xuất hiện vì nhau.
  Bây giờ thì chúng tôi đã kết hôn được 35 năm rồi. Howard vẫn vì tôi. Tôi vẫn vì Howard. Anh ấy vẫn còn giữ hai nửa tờ đôla trong một cái khung đặt ở đầu giường.

Đôi dòng của Tiên

  Cô gái, theo mình, đã chọn một cách cực kì thông minh. Mình nhớ Trấn Thành hay bảo "Hãy yêu nhiều người, lúc đó mới biết ai hợp với còn ai không." Vậy nếu mình gặp được người (rất có thể là) đó vào lúc mình chưa gặp những người khác thì như thế nào? Làm sao mình biết được cả hai là dành cho nhau? Làm sao để mình có thể không hối hận khi chọn ở bên họ? Chuyện sẽ ra sao nếu như đúng là người đó, nhưng lại không phải là đúng thời gian và địa điểm? Chúng ta sẽ không thể biết được, trừ khi chính mình thử. Cho mình và cả người kia một cơ hội, để rời xa nhau, để biết được mình cần gì muốn gì, để biết mình thiếu gì để bù đắp. Rồi hãy gặp lại nhau khi hai người đã hiểu được tất cả những điều đó. 
  Mình chọn bài viết này không chỉ vì nó dễ thương. Mà nó còn là một quyết định đúng đắn và hợp lí. Đúng thời điểm. Mặc dù cách hai người chọn gặp lại nhau có hơi "thần kỳ", nhưng thực sự họ đã đúng khi quyết định như thế.
Có một đoạn hội thoại trong HIMYM:
- "Nếu hai người đã có sự kết nối thì cần thêm một thứ khác nữa.
- Và nó là?
- Thời điểm!
- Nhưng thời điểm rất khốn nạn."
Ban đầu họ đã tìm được nhau rồi, nhưng chưa phải là lúc. Và may mắn rằng, họ đã tìm được đúng thời điểm - Ngày đẹp trời đó.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà mình chọn dùng "Ngày đẹp trời" thay cho từ "Thời điểm". Vì mình luôn quan niệm (và tin nữa), ngày mà bạn gặp người khiến bạn hạnh phúc, dù có là siêu bão thì xung quanh bạn vẫn cứ là tia nắng thôi.
Và nếu bạn đang đọc bài này mà chưa tìm thấy "ngày đẹp trời" đó, mình chúc bạn có thêm kiên nhẫn để chờ.
Nếu bạn đang đọc bài này và thuộc số còn lại, chúc hai người sẽ có một cái kết viên mãn. 
Và dù bạn là ai thì cũng cảm ơn bạn đã chịu khó ngồi lướt hết để đọc bài này. Mình biết đây là một bài viết dài, nhưng này, bạn đã làm được rồi đấy thôi.
Chúc các bạn có một ngày đẹp trời. Cảm ơn vì đã đọc!