[Modern Love] - Đừng cho hết trứng của bạn vào một rổ.
Xin chào, mình là Tiên! Đây là một bài dịch mà mình ngâm cũng khá lâu rồi, chủ yếu vì nó mang nhiều thông tin khoa học, nên mình...
Xin chào, mình là Tiên!
Đây là một bài dịch mà mình ngâm cũng khá lâu rồi, chủ yếu vì nó mang nhiều thông tin khoa học, nên mình muốn tìm hiểu kĩ để có thể mang đến bản dịch sát nhất!
Link đến với bài gốc: https://www.nytimes.com/2019/07/19/style/modern-love-egg-freezing-fertility.html
Phần dẫn
Trước hết, mình xin phép nói một chút về "Fertility preservation", đây đại khái là những biện pháp mà các cặp vợ chồng có thể làm để đảm bảo nòi giống của mình được duy trì. Các việc như thụ tinh trong ống nghiệm, đưa vào ngân hàng trứng và tinh trùng đều là những ví dụ điển hình cho "Fertility preservation".
Và trong bài dịch này, tác giả đề cập đến một phương pháp mới, đó là "Dự trữ buồng trứng" hay còn được gọi là "Trữ trứng". Tức là người ta sẽ lấy trứng ra khỏi cơ thể người phụ nữ và bảo quản chúng trong điều kiện đông lạnh nhằm phục vụ cho mục đích sinh sản sau này. Phụ nữ thường tìm đến phương pháp này với mong muốn giữ cho chất lượng trứng của mình ở mức tốt nhất để có thể thụ thai, hay là những bà mẹ sau khi trải qua quá trình điều trị các bệnh lí có thể tiếp tục mang thai,...
Vì vấn đề còn khá mới ở Việt Nam, nên mình đã quyết định xin phép dịch bài này ra, để giúp các bạn có thêm một cái nhìn mới về phương pháp này. Báo trước, đây là một trải nghiệm của một bà mẹ tại Mỹ về việc này.
So here we goooo!

Đừng cho hết trứng của bạn vào một rổ.
Với việc sử dụng các phương pháp để bảo đảm nòi giống, tôi cứ ngỡ là mình có thể có con bất cứ khi nào mình muốn. Nhưng, tôi đã nhầm. _Ruthie Ackerman_ (tác giả bài viết)
Tôi bắt đầu nhận ra mình muốn có con. Nhưng tôi biết rằng, chồng tôi sẽ không bao giờ muốn điều đó xảy ra.
Từ khi chúng tôi gặp nhau, vào khoảng bốn năm trước, tôi đã thử mọi cách để kiềm nén ham muốn làm mẹ của mình. Đầu tiên, tôi tìm đến một nhà di truyền học, hy vọng ông ta sẽ nói rằng tôi không nên sinh con, rằng có điều gì đó không ổn với gen của tôi. Nhưng một tuần sau, bác sĩ cho biết, "Tất cả các xét nghiệm của bạn đều bình thường". Và rõ ràng ông ta tin rằng đó là những gì tôi muốn nghe.
Nhưng không, không hề. Bằng cái logic ngoằn nghèo và tuyệt vọng của tôi, nếu gen của tôi gặp vấn đề nào đó khiến tôi không thể có con, thì mối quan hệ của tôi sẽ không bị hủy hoại.
Sau đó, tôi đi đến một bác sĩ sinh sản, hy vọng ông ấy sẽ nói với tôi rằng bên trong của tôi không là gì ngoài một mớ hỗn độn và bóng tối bao trùm, nơi không có gì có thể sinh ra và lớn lên. Nhưng sau khi thử máu, tôi vẫn phải nghe lại từ đó: "BÌNH THƯỜNG."
Vậy là cơ thể của tôi chắc chắn sẽ không cứu vãn nổi mối quan hệ này. Bạn trai của tôi và tôi sẽ phải tự làm điều đó.
Tôi đã từng hỏi anh ấy về việc nhận con nuôi sau khi nhìn thấy một đứa trẻ mồ côi bị Ebola trên trang bìa của tờ báo cuối tuần, nhưng khát khao cháy bỏng của tôi về một gia đình nhỏ vẫn không thể nào lay chuyển anh ấy. Vì vậy, tôi đã đưa ra một giải pháp khác: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi sống xa nhau và tôi có một đứa con riêng, nhưng chúng tôi vẫn cưới nhau? Thậm chí còn có một cái tên cho điều này cơ - Sống xa nhau cùng nhau (Living Apart Together) - và thậm chí là một bài viết về nó trên một quyển tạp chí phụ nữ.
Nhưng không, anh ấy vẫn không chấp nhận. Anh ấy đã luôn tưởng tượng về một cuộc sống mà không có hình bóng của đứa trẻ nào cả. Và tôi có biết điều đó không?
Có, tôi biết. Từ những ngày đầu hai người gặp nhau cơ.
Nhiều năm trôi qua từ lúc đó. Không chỉ là bất cứ năm nào, mà là năm cuối cùng trong những ngày tháng sung mãn nhất của tôi, đầu những năm 30 tuổi. Bạn bè của tôi đã có con, hoặc ít nhất là sắp xếp các mảnh ghép trong cuộc sống của họ để họ có thể sẵn sàng chào đón điều đấy, và hầu hết những người đó khoảng 35.
Khi tôi 35 tuổi, tôi cùng bạn trai đã đi đến các trung tâm tư vấn cho các cặp vợ chồng và có vô số cuộc trò chuyện về những đứa trẻ (chúng thường không đi tới đâu). Cuối cùng, khi cả hai đã quá mệt để nói về nó, chúng tôi quyết định gạt nó sang một bên và kết hôn.
Khi tôi 35 tuổi, tôi cùng bạn trai đã đi đến các trung tâm tư vấn cho các cặp vợ chồng và có vô số cuộc trò chuyện về những đứa trẻ (chúng thường không đi tới đâu). Cuối cùng, khi cả hai đã quá mệt để nói về nó, chúng tôi quyết định gạt nó sang một bên và kết hôn.
Tôi đã tự nhủ với bản thân rằng mình yêu người đàn ông này hơn ước muốn có con, nhưng một phần nào đó trong tôi vẫn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó, anh ấy sẽ thay đổi suy nghĩ. Lúc chúng tôi thành hôn, tôi đã nghĩ rằng không phải cứ cưới nhau có nghĩa là mãi mãi không có con. Nếu tôi không thể sống mà không có con cái nối dõi, thì chắc là cả hai sẽ cùng tìm ra cách giải quyết thôi.
Ấy vậy mà thời gian cả hai bên nhau càng lâu, tôi càng thấy áp lực bởi chính những khác biệt đó. Trong khi tôi mong muốn chồng tôi suy nghĩ khác đi, thì anh ấy lại muốn tôi bỏ ý định có con đi. Và thế là, tôi bắt đầu nghĩ đến một viễn cảnh tương lai mà không có anh ấy.
Chín tháng sau khi cưới, tôi đã quyết định thực hiện việc "trữ trứng". Và trong lúc đang vội vàng, tôi đã bỏ qua phần chữ in nhỏ trong bản cam kết. Đột nhiên, vào năm 2013, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine) đã đưa ra một bản thông báo chỉ một năm trước khi quy trình này không còn là thử nghiệm. Và chính nó là nguyên nhân gây ra biến cố này.
Chín tháng sau khi cưới, tôi đã quyết định thực hiện việc "trữ trứng". Và trong lúc đang vội vàng, tôi đã bỏ qua phần chữ in nhỏ trong bản cam kết. Đột nhiên, vào năm 2013, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine) đã đưa ra một bản thông báo chỉ một năm trước khi quy trình này không còn là thử nghiệm. Và chính nó là nguyên nhân gây ra biến cố này.
Tôi không hề biết rằng ủy ban đạo đức của họ đã đưa ra cảnh báo rằng việc trữ trứng "có thể mang lại cho phụ nữ và các cặp vợ chồng sự hiểu lầm về khả năng có con trong tương lai."
Bác sĩ của tôi đã không nói với tôi điều này, và thậm chí tôi cũng không hỏi. Tôi đã cứ nghĩ rằng ông ấy sẽ thông báo cho tôi bất cứ điều gì tôi cần biết. Tôi đã có cứ nghĩ rằng tôi có thể có con lúc nào tôi muốn.
Mỗi một bài viết tôi đọc đều đề cập đến việc "trữ trứng" như một chính sách bảo hiểm, một kế hoạch dự phòng. Nó chỉ như là một sự đảm bảo mà thôi. Sau đó, vào năm 2014, Facebook và Apple đã gây chú ý khi họ tuyên bố rằng sẽ thêm việc "trữ trứng" như một phúc lợi cho người lao động của họ.
Nó kiểu như này này: Nếu những nhân viên nữ đã phải dành những năm tháng sung mãn của họ cho công việc, thì việc ít nhất những người đứng đầu có thể làm là mang đến cơ hội làm mẹ cho họ một khi sự nghiệp của những người đó đã ổn định. Nhưng hầu như không ai đặt ra câu hỏi cực kì quan trọng này: Liệu việc "trữ trứng" có thực sự hoạt động hiệu quả?
Khi mà tôi quyết định làm việc này, tôi không hề biết rằng "phương pháp trữ trứng để bảo vệ nòi giống" (Từ mà các bác sĩ thường dùng với một vẻ châm biếm) chỉ có tỉ lệ thành công khoảng 2 đến 4% cho một trứng sau khi trứng đã được rã đông. Thế có nghĩa là có khả năng cao rằng tôi sẽ thất bại.
Gần 7.300 phụ nữ đã thực hiện việc "trữ trứng" vào năm 2016 và nhu cầu tiếp tục gia tăng. Theo FertilityIQ, một trang web giống như Yelp* cho các phòng khám sản khoa thì vào năm 2019, chỉ riêng ở Hoa Kì, con số đó đã lên đến hơn 10.000 phụ nữ. Khi nhu cầu tăng vọt, các công ty cung cấp dịch vụ "trữ trứng" như Kindbody, Extend Fertility và Future Family đang dần xuất hiện, được hỗ trợ bởi nguồn vốn lên đến hàng triệu đô la, và từ đó tạo ra một vòng lặp phản hồi vô tận (feedback loop). Càng đầu tư nhiều thì càng có nhiều tiền được dùng cho việc tiếp thị và quảng cáo.
[*: Một trang review các doanh nghiệp]
Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ đã cố gắng sử dụng trứng "đông" mặc dù tỷ lệ thành công là không rõ ràng. Điều gì sẽ xảy ra khi họ cố gắng làm như vậy, chỉ để nhận ra rằng lời hứa về khả năng sinh sản bất cứ khi nào họ muốn chỉ là một giấc mơ?
Khi tôi suy nghĩ xem có nên ở với chồng hay không, tôi thường nhắm mắt lại và cố tưởng tượng ra những đứa con tương lai của mình. Thế nhưng trong đầu tôi lại trống rỗng. Không có một hình ảnh nào. Tương lai của tôi với chồng tôi từ trước tới nay luôn có một màu sắc - Một màu cam rực rỡ, ấm áp và an toàn. Nhưng đột nhiên, màu đó càng ngày càng phai đi, thay vào đó là cảm giác rằng có phải tôi đã tự lấy dây buộc mình vào một cuộc hôn nhân đầy mâu thuẫn như này. Tôi cứ chỉ nghĩ là mình cần thêm thời gian. Và việc trữ trứng khiến tôi ảo tưởng rằng mình có thể.
Vào thời điểm tôi thử lần đầu, phòng khách của chúng tôi biến thành một phòng thí nghiệm, với những chai bằng thủy tinh chứa hoóc môn và một cái bồn tắm màu đỏ chứa những kim tiêm đã qua sử dụng. Ba tuần sau, tôi thức dậy sau cuộc phẫu thuật, bác sĩ đã nói rằng tôi có khoảng 14 quả trứng đã được đông lạnh ở đâu đó trong Manhattan, 14 cơ hội cho một đứa trẻ trong tưởng tượng, thứ mà tôi chấp nhận từ bỏ cuộc hôn nhân để có được.
Phải thêm hai năm nữa, chồng tôi cuối cùng cũng đưa ra cái quyết định tôi không thể làm đó. Anh ấy chọn ly dị. Theo thời gian, tôi cố hồi phục lại nỗi đau đó. Trái tim tôi lúc đó không khác gì một bức tranh của Picasso cả, vỡ vụn và mất cân xứng. Sau đó thì tôi gặp Rob. Anh ấy không tỏ ra sợ hãi những vết thương trong tâm hồn tôi. Có lẽ chính vì trái tim anh ấy cũng đã trải qua những tan vỡ nhưu thế. Gặp được anh, những gì tôi từng nghĩ là vết thương, bây giờ tôi xem nó như là lối vào - cho những thương tổn, cho sự kết nối.
Hết tháng này qua tháng khác, chúng tôi ngồi trên sân thượng ở Brooklyn, nhìn đăm đăm về phía Manhattan, nghĩ về những quả trứng của tôi được cất giữ ở trong một trong những tòa nhà đó và tự hỏi về ngày chúng tôi có sử dụng chúng. Sau hai năm bên nhau (và sáu năm sau khi tôi "trữ trứng"), ngày đó thực sự đã đến.
Bác sĩ sau đó gọi tới và báo với tôi rằng chỉ còn tám trong số 14 quả trứng của tôi vượt qua quá trình rã băng. Chúng tôi đã thụ tinh tất cả chúng bằng tinh trùng của Rob, nhưng chỉ có 3 trứng phát triển thành phôi thai. "Những việc như này luôn không thể đoán trước được", bác sĩ an ủi. Thế là tôi phải đợi thêm một tuần nữa để tìm hiểu liệu ba phôi thai này cuối cùng có tiếp tục phát triển nữa hay không.
Vào ngày sau Giáng sinh, bác sĩ gọi đến. Cả ba đã ngừng phát triển.
Tôi đứng người. Không thể nói được bất cứ gì. Tôi cảm thấy hổ thẹn và thất bại về chính bản thân. Lúc đó tôi đã 41 tuổi, và dường như cơ hội để có một đứa con đã vụt khỏi tầm tay.
Bác sĩ của tôi ước tính tôi có khoảng 15% cơ hội thụ thai nếu chúng tôi có thể chi khoảng 20.000 đô la cho IVF, một phương pháp thụ thai mà không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm. Cuối cùng thì chúng tôi chọn thử nó - đến 2 lần - cả hai đã đi xa đến mức này rồi khiến việc quay đầu là chuyện không thể.
Đáng buồn thay, phép màu không xuất hiện.
Tôi đã dành nhiều tháng cuộn tròn trên chiếc ghế dài, tự nguyền rủa bản thân, cuộc hôn nhân của tôi và sự thất bại của khoa học vì đã lấy đi một cơ hội của tôi để có một đứa con.
Sự thật là như thế này: Công nghệ có thể hỗ trợ việc sinh sản và mang lại cho phụ nữ một tia hy vọng, nhưng đời không như mơ. Tôi đã phải học điều đó một cách khó khăn, không chỉ từ kinh nghiệm của bản thân mà còn là từ hàng trăm giờ tôi đã dành ra cho các nhóm chat và các nhóm Facebook chỉ để nghe những phụ nữ khác chia sẻ câu chuyện của họ. Những người lạ sống trong sự im lặng và nỗi xấu hổ.
Chúng tôi đổ lỗi cho chính bản thân vì không tính toán trước hoặc đủ thông minh để tránh rơi vào trường hợp này, trong khi tất cả đều nhận thức được bản thân có khả năng như thế nào thì mới có thể chi trả cho phương pháp này lúc đầu. Sai lầm của chúng tôi không phải sự nghiệp, không phải những lời hứa về nữ quyền, không phải những người đã yêu hoặc không yêu chúng tôi, mà chính là tin tưởng vào y học, thứ khiến chúng tôi đắm chìm trong thế giới tưởng tượng của bản thân, rằng chúng tôi có thể có tất cả, vào bất cứ thời điểm nào.
Còn về bản thân tôi, tôi đã dần cho phép mình được mơ ước một lần nữa. Nhưng lần này, thay vì hình dung những quả trứng của bản thân nằm trong một tòa nhà nào đó ở Manhattan, tôi ngồi trên mái nhà và nghĩ về những lựa chọn để Rob và tôi có thể bắt đầu một gia đình. Trứng hiến là một lựa chọn. Và nhận con nuôi cũng thế.
Bây giờ, khi tôi nhắm mắt lại, đầu tôi thường gợi ra hình ảnh về một đứa trẻ, trong tương lai của cả hai, đang chạy trên bãi biển cùng xô và xẻng, hoặc mặc chiếc váy màu đỏ việt quất và quần màu navy vào ngày đầu tiên đi học mẫu giáo. Cảm giác đó thật rõ ràng như thể đường chân trời trải dài trước mặt chúng tôi vậy.
Bây giờ, khi tôi nhắm mắt lại, đầu tôi thường gợi ra hình ảnh về một đứa trẻ, trong tương lai của cả hai, đang chạy trên bãi biển cùng xô và xẻng, hoặc mặc chiếc váy màu đỏ việt quất và quần màu navy vào ngày đầu tiên đi học mẫu giáo. Cảm giác đó thật rõ ràng như thể đường chân trời trải dài trước mặt chúng tôi vậy.

Đôi dòng.
Câu chuyện này kể về một người phụ nữ không hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại ngày này. Người tin rằng việc sinh sản có thể thực hiện bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu khi đã có y học hiện đại hỗ trợ. Tuy nhiên, thì như một thông điệp xuyên suốt trong bài, đời không như mơ.
Mình phải nói thực một điều, trong khi dịch bài viết đã có một thời gian mình dừng lại, băn khoăn liệu chuyện có thật hay không (khúc đưa ra dẫn chứng ở Mĩ ấy). Và mình đã đi tìm hiểu một chút. Trong các bài báo mình đọc được (tiếng Việt và một số trang web theo dẫn chứng của tác giả) thì người ta thường đề cập đến quy trình, tỉ lệ thành công, các độ tuổi hợp lí, bla bla mà ít khi đề cập đến câu hỏi trong bài viết. Và sau đó mình đọc được một bài viết khác của New York Times, bài xác nhận kha khá những dẫn chứng tác giả đưa ra trong bài là sự thật. Tỉ lệ là không chắc chắn. Mình biết rằng với những việc như này, tỉ lệ may rủi là rất cao. Tuy nhiên có vẻ như người ta cố gắng che đậy đi điều đó.
Bài viết này giống như một lời cảnh tỉnh những người có ý định thực hiện các phương pháp như này hãy tìm hiểu kĩ càng trước khi quyết định. Tốt nhất là hãy đọc nhiều nguồn, từ nhiều góc độ và nhiều người khác nhau để có thể chắc chắn trước khi đưa ra quyết định.
Link tới bài viết ở New York Times: https://www.nytimes.com/2018/03/13/health/eggs-freezing-storage-safety.html?smid=nytcore-ios-share
Chúc các bạn một ngày vui vẻ, cảm ơn vì đã đọc!

Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất