Định là một minipost thôi nhưng vì chủ đề này tự nhiên làm tớ hứng quá vì làm gợi nhớ đến thời tập tành lucid dream (cốt là để gặp Anna Kendrick nhưng mình không muốn nói về chuyện đó...nữa) nên quyết định viết 1 bài full luôn để chia sẻ những gì mình biết và đã trải nghiệm về Lucid Dreaming.
Trời Hà Nội nóng một cách dã man man rợ. Nằm điều hòa trong nhà những ngày này là điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm.
Ở nhà thì rất là rảnh rỗi. Mà rảnh rỗi thì ngoài việc tiêu thụ không ngừng nghỉ ra (như những con cừu ngoan ngoãn bán linh hồn của mình cho tư bản để đổi lấy đồ ăn quần áo và những thứ khác làm giàu cho bản ngã), chúng ta sẽ làm gì?
Đi ngủ. Mà đi ngủ, thì ta sẽ mơ.
Bạn có thể mơ không tỉnh táo (dậy xong mới nhận ra là mình vừa mơ hoặc thậm chí không biết là mình vừa mơ luôn) và mơ sáng suốt (lucid dreaming), hay còn gọi là mơ mà ý thức được là mình đang mơ. Mơ và kiểm soát được thế giới trong mơ của mình theo ý thích.
Ở trong thế giới này, bạn có thể làm bất cứ điều gì mà bạn muốn, từ việc hẹn hò với Anna Kendrick cho đến kiến tạo một hành tinh cho riêng mình hoặc tổ chức 1 lễ hội speedrun ăn spaghetti trên một hòn đảo giả tưởng mà bạn tự tay xây lên.
Hoặc, như trường hợp dưới đây, bạn gặp chính bản thân mình trong mơ chẳng hạn.
Và một bản khác, thậm chí còn mất dạy, bố láo hơn của mình:
Mơ tỉnh (lucid dreaming) có lẽ đã được thực hiện từ khi con người bắt đầu đi...ngủ. Song, chỉ khoảng hơn một trăm năm nay Lucid Dream mới được phân loại và đặt tên bởi khoa học chính thống; chính xác là vào năm 1913 trong bài luận A Study of Dreams của nhà tâm lý học Frederik van Eeden. Lucid dreaming là một trong số nhiều cách ta có thể xâm nhập vào tiềm thức của mình (suy cho cùng thì có cả một bộ phim "hack não" của đạo diễn ít người biết Christopher Nolan được làm xoay quanh lucid dream) và có thể chơi đùa với những thông tin mà não bộ lưu trữ ở tầng này.
Nhưng nhân vật nổi bật nhất trong cộng đồng Lucid Dream phải kể đến Stephen Laberge (PhD) của đại học Stanford khi vào thập niên 1980 ông cùng các đồng nghiệp của mình đã nghiên cứu những khả năng mà ta có thể khám phá ngay trên giường ngủ của mình. Stephen Laberge là một nhân vật quan trọng vì những bài luận của ông đã góp phần xây dựng nền tảng cho các kỹ thuật LD sau này.
Theo một nghiên cứu của Laberge cùng các đồng sự về lucid dreaming, LD có cơ chế ảnh hưởng lên nhận thức khác với giấc mơ thông thường. Cụ thể là phần thùy đỉnh (parietal lobe) của nhóm người được quan sát khi đang thực hiện LD hoạt động mạnh mẽ hơn. Phần thùy đỉnh gắn liền chặn chẽ với nhận thức về thế giới xung quanh trong khi tỉnh táo và gần hơn là với trạng thái khi mơ.
Một số những khái niệm bạn nên biết khi nhảy vào thế giới của Lucid dream. - Dream recall: Việc gợi nhớ về giấc mơ rất quan trọng trong hành trình tập luyện Lucid Dream. Có thể là một quyển sổ để bạn ghi chú ngay lập tức mỗi khi thức dậy sau một giấc ngủ. Việc gợi nhớ sẽ làm bạn quen với trạng thái LD hơn để dễ dàng "nhập" giấc.
Tip: Khoảng 5 phút đầu tiên khi bạn vừa tỉnh dậy là lúc bạn nhớ rất rõ các giấc mơ của mình nên hãy luôn để nhật ký bên cạnh khi đi ngủ nếu bạn muốn chuyên tâm tập luyện LD.
- Reality check: Thỉnh thoảng trong ngày, hãy check xem là bạn có đang ở trong thực tại của mình không và chắc chắn rằng các quy luật vật lý vẫn còn hoạt động bình thường. Hãy chọn reality check phù hợp và tiện nhất với bạn, làm đi làm lại khi tỉnh táo đến khi nó ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen để bạn làm ngay cả khi đang mơ.
VD: Check xem tay của bạn có mấy ngón hay tủ lạnh nhà bạn có đang chạy không để bạn đi bắt nó.
- False awakening: Bạn biết cảm giác khi tỉnh dậy, rồi đánh răng rồi bạn biết cảm giác tỉnh dậy rồi đánh răng rồi tỉnh dậy...không? Nó là như vậy đấy, false awakening chính là cảm giác đó. Một groundhog day mini của riêng bạn. Đừng để bị đánh lừa bởi nó nếu như bạn không muốn rơi sâu hơn vào trong cạm bẫy mà tiềm thức bạn tạo ra.
Một số các phương pháp thực hành lucid dreaming
“Myths are public dreams, dreams are private myths”
Joseph Campbell—The power of myth (1988) - Michael Scott
Giờ ta đi đến cách để thực hiện lucid dream một cách dễ dàng nhất (hoặc với độ tỉnh táo cao nhất nhất), đã qua thực nghiệm của chính bản thân mình.
Những thí nghiệm hiện đại nhất với lucid dreaming gần như đạt đến ngưỡng khoa học viễn tưởng: khả năng giao tiếp với người đang lucid dream khi họ đang ngủ. Hai nhà nghiên cứu Johannes Strelen và Kristoffer Appel cho thấy một người khi đang lucid dream có thể có tín hiệu mắt khác nhau khi nghe thấy các âm điệu khác nhau trong giấc mơ của mình. Một thông điệp ý nghĩa (bài toán đơn giản) được gửi vào trong giấc mơ bằng mã Morse và được hồi đáp bởi các cá nhân mơ bằng cách sử dụng những chuyển động của mắt được mã-Morse-hóa. Tương lai sẽ cho ta biết những khả năng khi tâm trí chìm sâu trong giấc ngủ và khi cơ thể trong trạng hái thư giãn.
Lucid Dream thông thường xảy ra vào giai đoạn REM (Rapid Eye Movement), giai đoạn khi mà mắt bạn hoạt động mạnh mẽ nhất và cũng là khi bạn ở trong giấc ngủ sâu nhất. Giai đoạn REM xảy ra 90 phút sau khi ta đi ngủ và xoay vòng cứ mỗi 90 phút trôi qua.
Ta có thể tận dụng điều này, cùng với việc quan sát chu kỳ giấc ngủ của bản thân để đi vào lucid dream một cách dễ dàng. Mục đích ta muốn đạt được với Lucid dream là làm sao để đỡ mệt mỏi nhất (cụ thể là các triệu chứng tiêu cực thường gặp như nhức đầu, không tỉnh táo, thường nguyên do là việc ta tận dụng giấc ngủ sâu để giải trí - điều mà Lucid Dream mang lại và có lẽ là lý do chính mọi người muốn thử nghiệm với bộ môn này) sau khi dậy và cũng như làm sao để...vui hết mức có thể sau mỗi chuyến LD


Mình chưa xem Twin Peaks đâu nhưng...move on.
Mình chưa xem Twin Peaks đâu nhưng...move on.
Vậy, làm sao để ta có thể lucid dream cho đúng? Mấu chốt để tỷ lệ đạt Lucid Dream cao hơn đó chính là sự kết hợp giữa việc bạn có thường xuyên đều đặn tập luyện dream recall hay không (ghi chép lại giấc mơ của mình hằng ngày) và thói quen reality check.
Một trong những cách phổ biến nhất (vì nó khiến bạn nhập cuộc có thể nói là ngay lập tức)·đó là WILD (Wake-initiated lucid dreaming).
WILD method thường được thực hiện nhiều bởi vì tỷ lệ thành công khá cao và bạn hoàn toàn có thể thực hiện chỉ trong một giấc ngủ trưa. Tuy nhiên, phương thức này rủi ro cũng cao vì nó được xây dựng trên nền tảng của bóng đè (sleep paralysis) khiến cho việc thực hiện sẽ tốn bạn một chút can đảm và thời gian nếu như bạn chưa quen với việc nằm im một chỗ và không động đậy trong khoảng thời gian dài.
Một số báo cáo trong quá trình bóng đè còn ghi nhận chứng kiến các thực thể tối (ma, quỷ...) khiến cho nhiều người khiếp đảm. Nếu ta coi lucid dream như một cầu nối giữa khoa học hiện đại và metaphysics, thì các nhà sư Tây Tạng đã thực hiện "Dream Yoga" từ lâu. Lucid dream với họ được miêu tả như là cách thiền nhằm gia tăng nhận thức cũng như sự kiểm soát bản thân (self-control) ngay cả trong lúc ngủ.
Có thể tham khảo các bước thực hiện WILD bài bản tại đây. Theo thực nghiệm của bản thân mình, nó dễ dàng dẫn mình vào lucid dream nhưng cũng hoàn toàn rất dễ dẫn mình vào thế giới của bóng đè, ít nhất là hơn hẳn các kỹ thuật khác. Đây là lý do ta cần phải thận trọng tuyệt đối khi tập luyện phương pháp này nếu như bạn có tâm trí nhạy cảm với các tác động ngoại cảnh hoặc nội cảnh.
Với WBTB (wake back to bed) method, bạn sẽ tránh được bóng đè (vỏ dưa) nhưng sẽ vẫn sẽ gặp khả năng bạn bị mất ngủ (vỏ dừa) do phải dậy trong lúc đang ngủ. Phương pháp này có điểm mạnh là khá linh hoạt để bạn kết hợp với viết nhật ký/ám thị. Tham khảo ở đây.
FILD (Finger-induced lucid dreaming) Method: Đây là phương pháp lucid dream phát triển rất lâu về sau và thường sử dụng để "chữa cháy", nhập cuộc LD nhanh chóng hơn thông qua việc tận dụng cơ thể/não ở trạng thái rã rời (VD: sau một ngày vất vả). Tham khảo thêm tại đây.
Cách tốt nhất, tuy có thể hơi tốn thời gian tí nhưng bù lại nó sẽ đáng, vẫn là reality check và viết nhật ký thường xuyên do nó sẽ tạo một thói quen tốt cho chính bản thân bạn về sau, khi ta nhắc đến lucid dream hay là giấc mơ thông thường. Ngoài ra cũng nên tham khảo phương pháp ám thị, lặp đi lặp lại một câu như "Mình sẽ tỉnh trong mơ đêm nay" hoặc "tối nay mình sẽ làm tình với Gal Gadot" chẳng hạn để giúp bạn đạt lucid dream một cách dễ dàng hơn.
Sau khi bạn lucid dream, có thể ghi lại các trải nghiệm của bạn trong mơ theo một số tiêu chí nhất định, mà mình thấy có ba thứ chính đáng để lưu tâm nhất:
- Độ rõ nét của giấc mơ sáng suốt của bạn: Trên thang điểm từ 1-10, với 1 là mờ mịt nhất và 10 là rõ như ngoài đời
- Thời lượng của giấc mơ của bạn: Bao lâu trôi qua ngoài đời và cảm giác trong mơ thời gian như thế nào?
- Câu chuyện giấc mơ của bạn ra sao: Miêu tả lại toàn bộ giấc mơ và những gì đặc biệt (hoặc không đặc biệt) đã xảy ra với bạn trong đó?
Ngoài ra bạn cũng có thể dùng các phương pháp bổ trợ khác cho Lucid dreaming như các ứng dụng trigger sử dụng âm thanh quen thuộc hoặc mặt nạ Remee để phát ra những tín hiệu cần thiết (ở đây là đèn nháy) khi bạn đang trong giấc mơ của mình. Nó có thể được hóa thân dưới dạng một chiếc đèn giao thông chớp nháy hay thứ gì đó tương tự của thế giới giấc mơ trong bạn.
Những tình huống/nguyên nhân có thể phá hỏng lucid dream của bạn (trước và trong quá trình lucid dream):
- Đang ngủ thì bố/mẹ gọi dậy: Trường hợp hụt hẫng hi hữu nhất và thường sẽ xảy ra khi bạn thực hiện LD ở chu kỳ cuối của giấc ngủ. Cái này thì chịu nhé.
- Thức giấc vì sợ: Sợ gì thì tùy vào từng trường hợp. Nhưng đa phần sẽ là vì một hiện tượng gì đó tiêu cực xảy ra trong giấc mơ. Khi bạn đối diện với những trauma của bản thân, hay một lý do ngớ ngẩn như thấy con gián to bằng cả căn nhà bỗng tự nhiên xuất hiện rồi đuổi theo bạn có thể sẽ trigger và khiến cho bạn tỉnh khỏi giấc mộng.
- Sử dụng cần sa/cồn/các loại chất kích thích trước khi ngủ: Có thể khiến bạn mất cân bằng các chất sinh hóa của não bộ và ảnh hưởng đến chu kỳ REM của bạn khiến LD hay giấc mơ bình thường không thể xảy ra hoặc bạn không nhớ được các giấc mơ ấy.
Bạn có thể làm được những gì với Lucid Dreaming? Bạn có thể làm được gì với thông tin này, bạn tự hỏi? Căn bản là tất cả mọi thứ mà trí tưởng tượng bạn cho phép. Không kể tới những hành động không thể làm được (hoặc chưa thể làm được, hoặc không dám làm) ở ngoài đời như bay lượn, ám sát thủ tướng, dừng thời gian lại, teleport...thì theo mình LD cũng rất hữu ích trong việc đi vào tiềm thức bản thân để giải quyết các vấn đề cần thiết.
- Nhìn vào gương trong giấc mơ: Một cách để đối diện với tiềm thức của mình. Theo nhiều báo cáo thì việc nhìn vào gương có thể khiến cho nhiều hiện tượng xảy ra, trong đó bao gồm cả việc nói chuyện với chính mình ở trong gương. - Cá tính của các nhân vật trong mơ có thể phản ánh được những nội tâm của bản thân. Nghiên cứu thêm về não bộ trong quá trình lucid dream của các ứng viên tham gia sẽ cho ta biết kỹ càng các đặc điểm của những nhân vật đó. Cá tính của họ ra sao, họ có suy nghĩ như thế nào và phản ánh phần nào của người mơ? Có người xem Lucid Dreaming như là con đường để trốn tránh khỏi thực tại, có người lại dùng nó để đối diện với những vùng khuất không thể access được ở trạng thái tỉnh táo, có những người khác lại lấy nó làm cảm hứng cho các tác phẩm viễn tưởng.
Lucid dreaming có thể được coi là đạt được mục đích khi nó đáp ứng được nhu cầu giải trí VÀ giải quyết được những gì bạn còn vướng mắc với giấc ngủ, tiềm thức cũng như các thứ xoay quanh liên quan đến nó. Tinh thần của bạn có thể sẽ tốt hơn, hoặc tệ hơn sau một cú lucid dream. Điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu như bạn ghi lại những trải nghiệm của bản thân sau mỗi lần Lucid Dream, LD sẽ càng dễ dàng hơn để đạt được về sau. Bạn cũng sẽ có những giấc mơ rõ nét hơn với thời lượng dài hơn và những hành trình đặc biệt hơn.
- Giấc mơ và cái chết: Các nghiên cứu chỉ ra rằng DMT (một trong những chất psychedelics có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất lên đến nhận thức) được điều tiết ra trong quá trình lucid dream. Câu hỏi được đặt ra, thế giới bạn trải nghiệm trong giấc mơ liệu có quan hệ mật thiết gì với thế giới của DMT và điều này có thể cho ta biết thêm được gì về nhận thức trong đời sống hàng ngày của ta?
- Tiềm thức, thực tại của giấc mơ (Phần này sẽ hơi dính tí ảo ma Yamaha Hiroshima Nagasaki một tí chứ chưa được chứng minh bởi khoa học): Ta có thể kiến tạo được một thế giới riêng trong chính giấc mơ của mình, tương tự như khi xây dựng nhà trong các game thế giới mở, với những quy luật/định lý phụ thuộc vào chính trí tưởng tượng của bản thân. Về căn bản, thế giới trong mơ của bạn có thể được xem như 1 game open world và bạn tùy chỉnh được theo ý thích cách mà nó vận hành.
Ví dụ: lần các thành viên 4chan có lần đã thử tạo một server mơ của riêng họ dưới đây và chu du trong cõi astral và đặt cho nó cái tên là Veelox. Tuy nhiên, như là một câu chuyện huyễn hoặc của Tổ chức SCP, nó hoàn toàn không được kiểm chứng bởi khoa học. Nhưng nó thực sự vui. Proceed, though, with a grain of salt.
Lucid Dreaming - The Ultimate World Building Tool - Chơi đùa với cảm nhận về thời gian: Thời gian là một chủ đề đáng được để tâm đến trong các giấc mơ nói chung và lucid dreaming nói riêng. Tất nhiên, time distortion sẽ không căng thẳng như trong các tác phẩm hư cấu thường tô vẽ lên. Nhưng, việc cảm giác như đã sống cả một đời người trong một giấc ngủ chỉ vài tiếng là hoàn toàn có thật. Cũng như ở bài trước của mình khi viết về thời gian, nó tương đối đến mức mà trong phạm trù ta có thể đo đạc được đô chênh lệch giữa cảm giác trong mơ với thời gian thực, nó vẫn...không hoàn toàn chính xác. Trong link là một tài liệu nghiên cứu về thời gian trong lucid dream.
Phụ mục - các tài liệu và supplements có thể sẽ hỗ trợ cho Lucid Dream của bạn
Calea zacatechichi (cỏ mơ)
Những người khi sử dụng cỏ mơ báo cáo có những trải nghiệm giấc mơ sáng suốt hơn kha khá trạng thái bình thường. Ngoài dùng để làm tăng khả năng lucid dream thì Calea zacatechichi còn được dùng kết hợp với DMT cũng như chất ức chế MAOI để tạo nên Changa (đại khái là Ayahuasca có thể hút được). Cá nhân mình khi sử dụng thì thấy vẫn cần nên kết hợp với các phương pháp khác để cho ra được kết quả tối ưu nhất và giúp bạn ngủ ngon hơn nói chung và lucid dream tốt hơn nói riêng.
African dream herb (Bàm bàm)
Chiết xuất 50x Entada rheedii cho phép bạn trải nghiệm những chuyến đi siêu thực hàng đêm. Mặc dù tên gọi là Cây mơ Châu Phi (African Dream Herb) – nhưng thực ra đó là hạt của giống cây Entada rheedii – có khả năng tăng cường sự rõ ràng của giấc mơ. Chúng có màu nâu, hạt bẹt vỏ cứng và thường được đeo quanh cổ như một dạng mề đay bùa may mắn bởi các thầy phù thủy. Đặt mua tại đây. Ginkgo Biloba (Bạch quả)
Là một trong những loài cây sống lâu đời nhất thế giới và được sử dụng nhiều triệu năm qua như một nootropic cho các mục đích khác nhau. Có thể giúp bạn tỉnh táo hơn trong khi lucid dream khi kết hợp với Vitamin B6 và/hoặc Melatonin.
Đọc thêm về Ginkgo Biloba tại đây.
Stephen LaBerge, Ph.D. & Howard Rheingold - Exploring the World of Lucid Dreaming
C. G. Jung - Dreams
Jung trình bày khá rõ ràng quan điểm trong cuốn Dreams về mối liên hệ giữa phần vô thức và nhận thức. Bổ cho các bạn tìm hiểu về Lucid Dream, psychology nói riêng và ý nghĩa các giấc mơ nói chung.
Các trang để bạn tham khảo:
r/LucidDreaming - Subreddit Lucid Dream
How To Lucid - Learn how to control your dreams! - Một trong những trang về Lucid Dream đầy đủ và bản nhất.
https://www.ld4all.com/ - Cộng đồng lucid dream được thành lập từ năm 1997.
Chúc các bạn mơ, ấy nhầm tỉnh, ấy nhầm, mơ tỉnh thành công. Hẹn gặp các bạn trong các bài tiếp theo của Mê Tú Linh.
Minh Tu Le