Nghề Y có thể coi là nghiệp – khi đã ngấm vào người thì không thể dứt bỏ được. Mỗi lần nhìn thấy một đồng nghiệp mắc sai sót không đáng có, chúng tôi chỉ tự nhủ với nhau rằng: “chỉ là chưa đến lượt mình mà thôi, mình học được gì từ những sai sót của đồng nghiệp đây?!”. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều lo lắng khi phải đối diện với búa rìu dư luận. Họ không cần biết đồng nghiệp của tôi đã phải căng thẳng như thế nào để tiết kiệm từng milimet mô cơ sống cho bệnh nhân, kéo từng vạt cơ từ nơi này sang nơi khác để phục hồi được chức năng cho bệnh nhân. Họ chỉ cần biết rằng đồng nghiệp tôi đã mổ sai vị trí.


Sự chủ quan trong giây lát đã khiến tất cả những gì tốt đẹp của anh – một giảng viên đại học Y, bỗng trở nên vô nghĩa. Bước vào phòng mổ trong tình thần sẵn sàng thực hiện ca mổ mang ý nghĩa đem tinh hoa của ngành Y để phục hồi lại chức năng cho một cơ thể đang phải đi chấm – phẩy, nhưng không ai ngờ rằng chỉ vì nhìn thấy vết sẹo mổ bên chân phải mà anh đã lập tức tiến đến sát khuẩn vì cho rằng vết sẹo mổ ấy là nguyên nhân gây ra di chứng thần kinh.


Cuộc mổ đã diễn ra, và mặc dù bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến tính mạng, song bác sỹ mổ chính đã phải “treo dao”. Việc tổ chức họp báo công khai và thái độ cầu thị của lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, thể hiện sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao của một bệnh viện đầu ngành. Họ đã không hề tìm cách lấp liếm sự việc mà ngay lập tức nhìn nhận vấn đề theo hướng minh bạch. Nguyên nhân được làm rõ, trách nhiệm được khẳng định, bệnh nhân được hỗ trợ tối đa về tài chính và chuyên môn, đó là cách làm của những bác sỹ có tâm. Đây là hành động dũng cảm và phù hợp với vai trò “anh cả ngoại khoa cả nước”. Khi những sai sót y khoa được minh bạch như vậy, các đồng nghiệp sẽ rút ra được bài học, tiền đề giúp giảm thiểu các ca sai sót y khoa tương tự sau này Hành động này sẽ làm gương cho các bệnh viện khác về cách ứng xử trước một sai sót chuyên môn. Dù thế nào, khi có người nhà bị mắc bệnh cần đến ngoại khoa, tôi vẫn sẽ hỏi ý kiến các anh em làm việc tại Bệnh viện Việt Đức.


Trên thực tế, sai sót Y khoa luôn rình rập và những năm trước đây chắc chắn nhiều hơn bây giờ do không có các quy trình giám sát và đánh giá. Có người thắc mắc rằng, sao những năm gần đây sai sót Y khoa được đưa lên mặt báo nhiều như vậy? Phải chăng đây là chủ ý “minh bạch hóa sai sót Y khoa” của những người đứng đầu? Tôi nghĩ rằng đây cũng là một dấu hiệu tốt để bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân hiệu quả hơn.


Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/mo-nham-chan-su-minh-bach-dung-cam-cua-bv-viet-duc-n119920.html