Này, “ra bếp làm chén nước mắm cay”
Thế kỉ 21, tại một bàn ăn gia đình nọ. Người chồng nói một câu không đầu đuôi, không chủ đích đến ai, ấy thế mà cô vợ lập tức ra làm cực kì thoăn thoắt lẹ tay, như một thói quen đã có tự lúc nào. Đến khuya khi xin phép ra về, mình thấy chị vợ vào phòng chuẩn bị sẵn khăn mền sắp xếp ngay ngắn, ngay kế bên là một chiếc máy mát xa chân đã cắm điện sẵn. Chị ngồi kế bên, chờ chồng đi vào, hàng lông mày thẳng tắp không biểu lộ chút cảm xúc.
Mình quan sát tất cả, bước ra ngoài cửa nhà, chào tạm biệt và nhìn lại mà không biết làm gì chỉ thấy buồn là lạ. Vì sao vậy nhỉ?
Là một người đồng tính nam, mình thương phụ nữ thời nay vô vàn. Tình yêu mình dành cho họ thực sự là tình yêu thuần túy, mình không hề có chút dục vọng nào trong đó cả. Và mình thấy cái xã hội này nó thúi lắm, nó nhồi vào đầu phụ nữ, những người đã hay suy nghĩ, đã hay bất an quá nhiều thứ sai lệch. Đặc biệt là sự sai lệch trong bình đẳng giới như trường hợp ở trên.
 Có 3 kẻ “khốn nạn” đang phân phát tư duy bất bình đẳng mà mình muốn nói đến:
1/ Truyền thông
“Thật ra người phụ nữ sinh ra, lớn hơn hay nhỏ hơn người đàn ông, thì họ vẫn luôn gọi người đàn ông là “ANH”. Vì bản thân người phụ nữ luôn cần được che chở bởi người đàn ông”. 
Trời đất ạ!!!! Đây là câu nói nguyên văn của một ngôi sao nọ, đã được cắt ra thành rất nhiều clip nhỏ trên Facebook, và được share rần rần. Và nó khốn nạn cực kì!
Mình không tấn công cá nhân bạn phát biểu câu này nha, mình nghĩ bạn là người rất có tài có sắc. Cái mình muốn tấn công đó là tư duy rằng phụ nữ luôn yếu đuối, luôn cần giúp đỡ và luôn cần có ai che chở. Thế hỏi nhỏ này, tại sao cần nhỉ? TẠI SAO LẠI CẦN NHỈ?
“Anh” là một đại từ xưng hô, đừng biến nó thành một vai vế đặc mùi bất bình đẳng giới như thế. Bạn nữ, bạn có thể là “anh” của chính mình trước, thì vai vế 2 bên lại cân bằng nhé ;)
2/ Truyền thông
“Chỉ có 2% phụ nữ trên thế giới thấy mình đẹp”.
Nghe mà đau lòng, ấy thế mà nữ giới phải sống trong một thế giới công nghệ digital mà ở đó, liên tục có những bài viết nhắc bạn rằng “bạn ơi bạn không có đủ đẹp để sống qua tháng ngày đâu”, phải làm theo skincare routine này, sống theo cách kia, vệ sinh theo cách nọ, phải liên tục wax lông và trang điểm khi ra đường để đẹp lên, chứ không crush sẽ chả yêu nổi cái mặt bạn đâu????
Ôi trời ơi! Mình xin khẳng định với các bạn rằng, chúng ta không tự tin vào chúng ta thì chúng ta sống sẽ khổ sở, chật vật lắm. Những bạn nghiện thẩm mỹ đến biến dạng cũng là vì vậy, vì họ không thể yêu cái vẻ đẹp của họ vốn có được, mà đã không biết yêu nó thì sẽ không bao giờ thấy nó đẹp, và sẽ lại thẩm mỹ. Bản chất làm đẹp, hay các web làm đẹp không hề xấu, xấu là sự tự ti của bạn kia kìa. Rồi khi bạn tự ti, bạn sẽ có xu hướng đặt người khác lên ưu tiên, đó là thuốc độc cho mối quan hệ của bạn. Chỉ khi mình yêu mình, mình chăm sóc được mình, khi mình trở nên ưu tú, thì tình yêu của mình mới ưu tú bạn nhé.
3/ Và lại là truyền thông
“Ngọn cỏ ven đường thôi mà, làm sao với được mây”…
Âm nhạc ngày nay ủy mị quá, và nhạc càng sầu thảm, trúng tâm lý lại càng được share rộng rãi. No, just,… no, don’t do that to yourself!
Nghe này, sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng. Nếu ngày nào cũng chỉ nghe nhạc sầu thảm, tin vào lời bài hát, hát theo nó, có ngày mình cũng sẽ có lối suy nghĩ giống nó. Và ủy mị ăn bám nỗi buồn là cực kì phản khoa học sức khỏe tinh thần. Rồi khi buồn, lại nghĩ rằng cần có ai đó bên mình, chia sẻ nỗi buồn cùng cười cùng vui,.. ôi mẹ ơi, mệt, nghe thật sự thấy mệt. Thế sao không luôn luôn vui tươi nhỉ?
Mình sẽ nói chi tiết ở bài viết sau, nhưng tin mình đi, thử xóa hết nhạc buồn, chỉ để lại những ca khúc vui tươi, và nghe nó khi giải lao, nghe nó khi lái xe đi làm, nghe nó trên chuyến xe buýt buổi tối. Đời sẽ vui sẽ đẹp, bạn sẽ tươi tắn hơn nhiều.
Đây là vài dòng tản mạn cho bài blog đầu tiên của mình, tựa như là phần mở bài của một bài văn ý. Mình đặt vấn đề ở đây. Các bài viết sau mình sẽ đi vào phân tích từng ý chính, đi sâu hơn, rõ hơn, chi tiết hơn, có bằng chứng hơn. Mong tiếp tục được nhìn thấy bạn trên trang của mình!
P/s:
Quay về đầu bài. Mình không thích thấy người ta chai sạn trong một mối quan hệ thiếu bình đẳng, một mối quan hệ mà xã hội này gọi là “truyền thống”. Chúng ta có còn ở cái thời “truyền thống” đó không?
Truyền thống cái quần què! Tôn trọng truyền thống, nhưng nếu nói việc nữ giới phải nhún nhường trước nam nhân là truyền thống thì mình xin phép rằng đây một cái cớ tầm phào.