Đâu là bộ phim tuổi teen bạn ấn tượng nhất vào năm 15 tuổi?
Có thể bạn đã biết hoặc không, thập niên 2000 là thời kì phát triển rực rỡ nhất của dòng phim tuổi teen, thậm chí nói không ngoa thì những bộ phim điển hình như Mean Girls đã tạo ra một hình mẫu về cách thức kể truyện cho bối cảnh trường học cấp 3 mà chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp trong những bộ phim có cùng đề tài sau này. Trong ngót nghét top 20 bộ phim nổi bật cùng thời thì có một bộ phim luôn khiến cho mình ấn tượng đến tận bây giờ, sau 15 năm có lẻ, đó là The Lizzie McGuire Movie 2003. Bởi, mình đã thấy sự mơ mộng tuổi 15 của mình ở trong bộ phim đó.
Phim kể về chuyến tham quan Italy của cô bé Lizzie McGuire sau khi tốt nghiệp cấp 2 do trường học của cô tổ chức. Liz là một cô bé có vẻ ngoài hết sức bình thường, nhút nhát dù ẩn sâu bên trong là tính cách hồn nhiên và yêu thích âm nhạc, ca hát. Trước đó ở trường, cô thường xuyên bị một cô bạn mean-girl trêu chọc vì sự vụng về, ngố tàu của mình (well, dĩ nhiên rồi, chúng ta luôn cần một chút mâu thuẫn drama đúng không). Bù lại thì cô có Gordon, cậu bạn thân luôn sát cánh bên cạnh. Quay trở lại với chuyến tham quan thành phố Rome cổ kính, giữa lúc Liz đang tung đồng xu nguyện cầu ở đài phun nước Trevi thì định mệnh đã cho cô bé được gặp anh chàng đẹp trai Paolo, ca sĩ thần tượng nổi tiếng của Ý. Cuộc gặp gỡ này đã trao cho Liz một cơ hội trở thành thần tượng, biểu diễn trên sân khấu lớn trước hàng nghìn người. Chuyến phiêu lưu của cô nơi xứ người chính thức bắt đầu từ đây, kéo theo là hàng loạt rắc rối khác. Cái kết phim thế nào thì bạn tự tìm xem nhé.
Một trong những điều khiến mình nhớ về bộ phim này chính là “thủ pháp” mà đạo diễn sử dụng để thể hiện nội tâm của cô bé: một Lizzie McGuire phiên bản hoạt hình luôn đồng hành cạnh cô. Mỗi khi cô bé ở trong một tình huống tiến thoái lưỡng nan thì Liz-hoạt-hình luôn thay cô gào thét cho khán giả biết tiếng lòng của mình: “Chạy điiiii!”; “Đừng nói gì cảaaa!” dù rằng trong thực tế thì Liz luôn làm ngược lại. Thực ra lúc đấy coi mình thấy ức chế lắm, vì tại sao lại xây dựng nhân vật một cách mâu thuẫn như thế? Nghĩ một đằng làm một nẻo, trước sau bất nhất. Sau này “già đời” hơn thì mình mới hiểu: à, hoá ra đó chính là cách tâm trí của chúng ta hoạt động, luôn tự mâu thuẫn với chính mình. Mình xem bộ phim này vào đúng năm 15 tuổi, cũng vừa kết thúc cấp 2 giống cô bé Lizzie trong phim. Liz trong phim mơ mộng bao nhiêu thì Ly ngoài đời mộng mơ bấy nhiêu. Tất nhiên rồi, chúng tôi mới 15 tuổi thôi mà!
Con gái tuổi 15 thì hay tưởng tượng về những chuyến phiêu lưu, những điều bất ngờ, về bạch mã hoàng tử, về ti tỉ thứ sến sẩm khác mà một bà cô 30t (là mình bây giờ!) sẽ lè lưỡi ngán ngẩm, nhưng bộ phim này thì thiết đãi tất cả những yếu tố đó không thiếu thứ gì. Thật ngạc nhiên khi đạo diễn của bộ phim - Jim Fall - là một người đàn ông mà lại có thể thể hiện tâm lý của “gái mới lớn” tốt như vậy. Con gái tuổi 15 còn hay mơ về những rung cảm đầu tiên, một cái nắm tay thôi cũng đủ làm cảm xúc đảo lộn mấy ngày trời rồi. Đến cuối phim Lizzie có nụ hôn đầu với cậu bạn thân Gordon, gọi là hôn nhưng thực ra chỉ là một cái chạm môi nhẹ nhàng. Nhưng chỉ vậy thôi đã đủ làm cô Ly 15 tuổi sướng phát điên khi ngồi xem trước màn ảnh, nhớ không nhầm thì lúc đấy đang crush thằng bạn cùng lớp nên khỏi nói, xem phim xong là tưởng tượng đủ điều, thậm chí còn tưởng đến luôn viễn cảnh làm vợ người ta nữa. Quỳ lạy! Phải mà người lớn ấy à, đừng hòng! 15 năm sau người lớn còn phải cân nhắc nát cả óc trước khi định tán tỉnh ai đó hay nhận lời ai đó, cân nhắc xem tính cách có hợp hay không, hai bên có đi đường dài với nhau được hay không, đẻ con ra có tiền nuôi hay không, vân vân và mây mây. Trong khi đặc quyền của tuổi 15 chính là sự trong sáng ngắn hạn, là sự tưởng tượng bay bổng. Thích là nhích.
Sự mơ mộng và khả năng tưởng tượng rất quan trọng với chúng ta, là một trong những sức mạnh của bộ não. Như tác giả Bessel Van Der Kolk trong cuốn sách The Body Keeps The Score có nói:
"Trí tưởng tượng vô cùng quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của chúng ta vì nó cho phép chúng ta tạm thời rời khỏi công việc hàng ngày để mơ mộng đến những điều khiến cuộc sống ta thú vị, phong phú và nhiều màu sắc hơn, đi du lịch đến những nơi tuyệt đẹp, thưởng thức các món ăn ngon, có được tình yêu lãng mạn. Trí tưởng tượng giúp ta mường tượng ra những khả năng mới, vốn là động lực thiết yếu để ta biến những ước mơ thành sự thật."
Một cách thần kì nào đó, mình đã nhận ra được thứ đặc quyền ấy ngay từ khi 15 tuổi rồi. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, lên cấp 3, cũng là lúc thế giới quan của mình có sự chuyển dịch, bớt đi màu hồng, thêm màu thực tế. Đó là lúc mình bắt đầu có những sự vỡ mộng, nhận ra không có gì là mãi mãi. Đó cũng là lúc mình tự nhủ mình cần phải ghi nhớ cảm xúc ở từng độ tuổi 5-10-15-20, ghi nhớ từng sự biến đổi trong suy nghĩ, để sau này khi có con, hoặc khi trò chuyện với những đứa nhỏ, mình sẽ nhớ lại cảm xúc của bản thân khi bằng tuổi mấy đứa, để hiểu, để thông cảm, để không buông mấy câu xàm xí như: Đây là tuổi ăn tuổi học, không có yêu đương gì hết. Nên mình thấy thật vui vì vẫn còn nhớ được những hồi ức ban đầu về sự mơ mộng.Và đó có vẻ cũng là là lý do tại sao mình lại chọn câu chuyện đầu tiên là về một bộ phim mình xem từ tuổi 15.
Còn bạn thì sao, khi bạn xem một thứ gì đó và thấy rất thích nó, có bao giờ bạn tự lý giải vì sao ko? Kể mình nghe nhé.
Ly Sei ở Hít Vào Thở Ra.