09/12/2022: Ngày mẹ ra Huế thăm mình
Mẹ - người phụ nữ nhỏ bé nhưng luôn gồng gánh trên vai mọi việc chỉ để mong hai cô con gái nhỏ của mình được đầy đủ nhất có thể.
Mẹ tôi không phải là một giám đốc hay công nhân viên chức nhà nước hay một người kinh doanh buôn bán. Mẹ từng là người "bán những tờ vé may mắn" - nhưng có lẽ mẹ chỉ bán thôi chứ chưa bao giờ mua được nó. Từ khi sinh ra, mẹ đã bị khuyết tật ở tay làm cho hình hài của mẹ không được hoàn thiện như bao đứa trẻ khác. Nhưng đối với tôi, chính sự khiếm khuyết ấy đã giúp tôi trở thành một cô sinh viên Đại học Y như bây giờ.
Gương mặt của mẹ sạm nắng và nhiều lốm đốm tàn nhang bởi mẹ phải đi ngoài đường nhiều và mẹ không dùng bất kì một loại mỹ phẩm hay dược phẩm chăm sóc da nào cả. Đôi mắt của mẹ to tròn, rất dễ ướt lệ khi cô con gái đi học hay đi làm xa nhà. Tôi còn nhớ mẹ đã khóc rất nhiều khi chị hai của tôi vào Đồng Nai làm việc một cách đột ngột mà không bàn trước với mẹ. Với mẹ - được ở gần hai cô con gái là điều hạnh phúc nhất. Nhưng hai chị em tôi đều ở xa nhà.
Tôi hay chọc mẹ là "Sao bàn tay trái của mẹ mướt thế! Còn bên tay phải thì gân guốc quá nè." Vì, tôi biết mẹ không thể sử dụng tay trái nhiều được, mọi hoạt động của nó đều nhờ sự giúp đỡ từ người bạn thân "tay phải" hoặc đôi chân khi mẹ ngồi. Mỗi khi về nhà, tôi thường bóp vai, bóp tay, bóp chân cho mẹ do mẹ hay mỏi. Nhưng mỗi lần bóp xong thì mẹ luôn bảo "Để mẹ bóp lại cho con hỉ" làm cho tôi chỉ biết chạnh lòng đáp lại "Dạ thôi được rồi, con không có mỏi ạ!".
Hôm qua, khi xoa bóp cho mẹ ở phòng trọ. Mẹ bảo "Dạo này mẹ thấy mẹ ốm ghê, hai bắp đùi nó teo lại dễ sợ." Sự lo lắng trong tôi trỗi dậy, tôi sợ rằng cái ngày mẹ rời xa tôi rồi sẽ đến, tôi thật sự rất sợ. Tôi an ủi mẹ "Dạ, không chi mô, mẹ nhớ ăn uống đầy đủ vô với già rồi thì cơ xương nó teo lại á." Nhưng trong lòng tôi khi đó như khi người nông dân lo sợ bão đến sẽ phá huỷ hết mùa vụ của họ vậy.
Cuộc thăm trọ đột ngột của mẹ làm tôi phát quạu. Không phải tôi không muốn mẹ ra thăm mình mà bởi vì tôi biết bà ra thăm sẽ mang theo rất nhiều đồ trên tấm thân nhỏ bé và già yếu của bà trong cái thời tiết mưa lạnh gió rét của những ngày cuối năm này. Tôi luôn bảo mẹ đừng xách nhiều đồ mà cực, ngoài ni cái chi cũng có con có thể tự đi mua được. Nhưng ai là mẹ chắc đều hiểu được, câu nói đó của tôi như nước đổ lá khoai, mẹ vẫn kiên quyết mang theo rất nhiều đồ - bởi đó là những món đồ ngon nhất, sạch sẽ nhất do chính tay mẹ chuẩn bị. Khi mẹ ra tới nơi, tôi bảo "Sao mẹ không để ngày nắng nắng ra thăm con cho khoẻ, đi chi ngày mưa gió cho cực ri?", mẹ đáp, "Chừ mẹ còn khoẻ, còn đi được thì mẹ đi chớ mai mốt không đi được thì có trời đẹp như ngày giải phóng mẹ cũng không ra thăm con được." Mẹ ơi - mẹ sẽ luôn mạnh khoẻ để ra thăm con thôi mà. Con không mong gì hơn là ba mẹ luôn mạnh khoẻ để có thể nhìn thấy ngày hai cô con gái của mình có được một gia đình nhỏ hạnh phúc của riêng mình.
Mẹ tôi là một người phụ nữ hay suy nghĩ nhiều, luôn cằn nhằn nhắc nhở nhưng chưa bao giờ chửi mắng tôi. Mẹ luôn nhẹ nhàng với tôi cả trong cách nói chuyện lẫn trong hành động của mình. Tôi còn nhớ khi mẹ mới biết xài Facebook và biết cách nhắn tin, sáng nào mẹ cũng gửi cho tôi dòng tin nhắn "Chúc con ngày mới thành công may mắn tốt đẹp vui vẻ và hạnh phúc nhiều". Câu chúc đó tuy không phẩy chấm câu nhưng nó luôn làm tôi hạnh phúc. Nhiều lúc tôi tự hỏi, liệu trên đời này có ai quan tâm tôi như mẹ tôi hay không? Liệu có ai có thể luôn ở bên, nhẹ nhàng an ủi tôi hay lo lắng cho tôi từ những cái nhỏ nhặt nhất như mẹ hay không?
Nhớ ăn miếng cơm cho no, đừng ăn ngoài nhiều mà không tốt cho sức khoẻ. Nhớ luôn bỏ áo mưa ở trong cốp xe. Nhớ cất điện thoại với ví tiền cho cẩn thận. Nhớ ăn hết trái cây mẹ đem ra trong tuần chớ để lâu nó hư. Nhớ.... Tôi không còn là một con bé còn hỉ mũi chưa sạch, còn ngây thơ không biết gì nữa. Tôi đã không còn nhỏ nữa rồi nhưng với mẹ - người luôn nhắc nhở tôi dù tôi có già như bà cụ đế - bởi chỉ đơn giản một điều "Tôi là con gái của mẹ, là người mẹ yêu thương nhất trên đời, là người quan trọng nhất với mẹ."
Mẹ tôi có chiếc răng sâu, theo như chuyên môn thì tôi sẽ chẩn đoán bà bị "Sâu răng S3 răng 16 và phải điều trị tuỷ." Tôi bảo mẹ lên bệnh viện để bác sĩ khám và trám lại cho. Nhưng mẹ nhất quyết không chịu, mẹ bảo để nhổ luôn cho khoẻ. Với trình độ chuyên môn là sinh viên ngành Răng Hàm Mặt năm 5, tôi biết đó không phải là phương thức điều trị tốt nhất - bởi bảo tồn mô răng thật luôn là phương châm hàng đầu. Sau một hồi thuyết phục, mẹ cũng gật gù đồng ý. Nhưng tôi không biết bà có thực hiện điều đó hay không và tôi cũng không tin tưởng các bác sĩ ở bệnh viện bà khám cho lắm. Bởi trong quá khứ, họ cũng đã nhổ răng 6 của tôi trong khi nó còn có thể bảo tồn được. Một kế hoạch điều trị sai dù chỉ một lần có thể làm mất đi lòng tin của bệnh nhân mãi mãi. Do đó, sau này tôi sẽ cố gắng không vướng phạm phải sai lầm mà chính tôi là bệnh nhân như vậy.