Tuần vừa rồi mình rất vui khi được các bạn sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội liên hệ. Các bạn ấy đang có dự án viết bài về nghề Bookbinding, và muốn phỏng vấn mình để có thêm tư liệu, hiểu biết về nghề. Mình cảm thấy bất ngờ khi các bài đăng trên mạng xã hội, và cả các bài viết trên Spiderum này đã phần nào đấy lan tỏa được sự thú vị của nghề đóng sách tới cho mọi người, nhất là với giới trẻ. Phía dưới là các câu hỏi mà các bạn ấy hỏi mình, và mình xin chia sẻ tới cả các bạn. Q1: Anh có thể giới thiệu một chút về bản thân mình và nghề nghiệp mà anh đang theo đuổi được không ạ?
- Tôi : Mình là Hiếu, mình là một thợ đóng sách tự học. Ngành nghề mình đang theo đuổi có tên là Bookbinding - tiếng Việt là nghề đóng sách. Năm nay mình 23 tuổi và mình đã gắn bó với công việc này được 4 năm rồi.
Q2: Cơ duyên nào đưa anh đến với nghề đóng sách và lý do nào khiến anh lại quyết định đây sẽ là ngành nghề mình sẽ theo đuổi?
- Tôi : Mình đã từng học tại đại học MTCN, khi đó mình rất hay vẽ sketch ở trên sổ tay. Thường thường thì mình sẽ mua các cuốn sổ đó ở họa phẩm của trường, nhưng rồi vào cuối năm nhất mình có quen một anh bạn này. Bạn ấy tự làm sổ tay, vừa để vẽ và vừa để bán, bạn ấy nói mình cũng nên thử làm, vì sẽ tiết kiệm hơn là mua sổ ngoài hàng. Sau đó thì mình có tìm trên Youtube các hướng dẫn để làm sổ tay, và tình cờ sau khi xem nhiều video trên đó thì mình bắt gặp được một tài liệu cũ về một xưởng đóng sách truyền thống ở Dublin, Ireland (đáng buồn là hiện tại họ đã đóng cửa). Tại đây họ có những người thợ làm sách chuyên nghiệp đóng và phục chế những cuốn sách cổ. Kỹ thuật của họ và tính thẩm mỹ trong cả công việc lẫn các tác phẩm mà họ thực hiện. Mình ngay lập tức bị thu hút bởi ngành nghề truyền thống này, và càng tìm hiểu thì mình lại càng mê nó hơn.
Q3: Động lực nào giúp anh theo đuổi một ngành nghề ít người trẻ theo đuổi như Bookbinding? Những khó khăn mà anh gặp phải khi theo nghề là gì?
- Tôi : Về các khó khăn trước. Đây không phải là một ngành nghề được coi là truyền thống ở nước mình, mà là của các nước Châu Âu và Trung Đông. Nghề đóng sách tới với nước mình bởi người Pháp, và khi người Pháp (một trong những nước có tiếng tăm nhất về đóng sách) phải rời đi thì đồng thời nghề này cũng chết dần. Các người thợ Việt vẫn có thể đóng sách, nhưng tiêu chuẩn ngày một thấp dần, và còn trải qua nhiều cuộc chiến tranh nữa khiến sau này không còn ai có khả năng đóng một cuốn sách chuẩn theo kiểu Pháp. Cho đến hiện tại thì vẫn không có thợ nào trong nước có thể đạt tới trình độ này, và bạn phải bắt đầu với vốn kiến thức tài liệu bằng không, đồ đạc dụng cụ để làm nghề cũng không (hoặc rất hiếm). Nếu bạn là một người trẻ, còn là sinh viên như mình lúc đó thì không có cách nào để có thể sở hữu được các dụng cụ chuyên dụng đắt tiền. May mắn là vốn liếng ngoại ngữ - tiếng Anh của mình khá tốt, đủ để tiếp cận các tài liệu hướng dẫn về đóng sách của nước ngoài. Thiệt thòi nhất là bạn không có một người thầy giàu kinh nghiệm ở bên để dạy lại cho bạn về nghề.
Ngược lại thì chính những khó khăn đó lại làm mình cảm thấy hứng thú hơn với nghề. Bản thân mình là một người rất là tò mò, và cực kỳ thích được tìm hiểu đến tận gốc rễ về một vấn đề mình quan tâm. Ngành đóng sách có vốn kiến thức cực rộng và như một thiên đường cho mình để đắm mình trong các mớ tài liệu. Tiếp theo đó sau khi mình đã phát triển lòng yêu mến với nghề thì mình lại muốn đưa nghề này về với Việt Nam, mình muốn các thế hệ sau mình được tiếp cận với đóng sách thủ công, cũng như được giữ gìn các cuốn sách cổ mà các ông cha để lại.
Q4: Anh mất bao lâu để có thể thành thạo các kỹ năng đóng sách thủ công và đi làm nghề?
- Tôi : Mình có lẽ mất tới 2 năm để làm được một cuốn sổ tay ra hồn. Mình mới chỉ bắt đầu làm việc với sách từ 2 năm trước, và thành thực để nói thì cho đến bây giờ thì mình vẫn chưa thành thạo bất cứ kỹ năng gì trong nghề này. Ở bên nước ngoài, như bên Anh thì mình được biết là một thợ học nghề chỉ có thể lên làm chính sau 7 năm học việc với một nghệ nhân đóng sách. 7 năm, và đó còn là khi có thầy để chỉ bảo. Với trường hợp của mình thì chắc còn dài... Mình cũng có ý định sang nước ngoài để học và lấy bằng, nhưng đó là dự định của vài năm sau.
Q5: Một ngày làm việc của 1 bookbinder ntn và anh có thể chia sẻ các công đoạn cơ bản khi đóng 1 cuốn sách không ạ?
- Tôi : Để nói về "một" ngày thì rất khó tả bởi có những ngày mình chỉ làm được có một/hai công đoạn của việc đóng sách. Mình thường ghi các công đoạn hiện tại của mình ở tấm bảng làm việc và kiểm tra/cập nhật cho nó khi đến xưởng.
Về các công đoạn cơ bản thì bạn có các việc sau : Đánh giá cuốn sách cần được đóng (tình trạng, thông số, cách làm), Dỡ sách, Tạo dựng cấu trúc, Bọc bìa, Trang trí. Q6: Anh thường mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện một cuốn sách? Trong số đó, sản phẩm nào là sản phẩm mà anh tâm đắc nhất và sản phẩm nào là sản phẩm ý nghĩa nhất đối với anh?
- Tôi : Trung bình thì mình thường mất khoảng 1 tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì phải vài tuần, có khi vài tháng mới thực hiện được.
Để mà nói thì các cuốn sách mình đóng thì đều để lại cho mình cảm xúc nhất định. Không có cuốn nào mình làm sẽ giống nhau, và qua mỗi lần làm thì mình đều học, rút ra được những bài học mới mẻ. Tuy nhiên bản thân mình sẽ rất tâm đắc với các cuốn sách mà mình tự thiết kế, mang bản sắc của mình.
Q7: Đóng một cuốn sách mới tinh hay “chữa bệnh” cho một cuốn sách cũ sẽ phức tạp hơn?
- Tôi : Chắc chắn là làm việc với các cuốn sách cổ và cũ sẽ phức tạp hơn nhiều. Bạn sẽ phải xử lý các cuối sách có tuổi đời 100, thậm chí 200 năm, đây có thể là một trong những cuốn sách duy nhất còn sót lại, hoặc chí ít cũng có 1 không 2 trong lòng của chủ sở hữu chúng. Vậy nên sức nặng là rất lớn. Chưa kể các cuốn sách như vậy thường nằm trong tình trạng không tốt, cần phải đem đi phục chế đặc biệt. Công việc phục chế theo mình tốt nhất cần có kỹ năng và kiến thức bài bản. Mình không phải là một thợ phục chế, các cuốn sách mà mình cần sửa sẽ được đem vào trong Sài Gòn để bàn tay của bác sĩ sách làm việc.
Q8: Anh suy nghĩ như thế nào về tương lai của nghề bookbinding ở Việt Nam? Điều gì khiến anh cho rằng những cuốn sách đóng thủ công sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của mọi người trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ?
- Tôi : Trong vài năm trở lại đây thì nghề đóng sách đã có sự quay trở lại rất đáng mừng tại Việt Nam ta, có lẽ bắt đầu từ những ấn bản sách đặc biệt của các nhà sách như Đông A và Nhã Nam. Một sự khởi đầu tốt, theo ý kiến của mình, mặc dù đóng các bản đặc biệt vậy cũng ít liên quan tới các kỹ thuật truyền thống trong ngành nhưng họ cũng đã kéo theo tất cả những gì liên quan đi lên.
Từ khi nghề đóng sách xuất hiện cho tới bây giờ đã là hơn 1500 rồi, và mình tin rằng chừng nào niềm đam mê với tri thức của nhân loại còn tồn tại thì sách, và nghề đóng sách sẽ vẫn đi song song. Cho dù ở thế giới số hóa như hiện tại sách đã có những hình thức mới mẻ hơn (mình rất ủng hộ vì nó còn liên quan tới bảo vệ môi trường), thì một cuốn sách thật cầm trên tay vẫn luôn là một điều tuyệt vời. Các bạn trẻ bây giờ có cơ hội mà các ông cha ta trước giờ chưa từng có, đó là cơ hội được tiếp xúc với tất cả các kiến thức trên thế giới chỉ với vài cú click. Nghề đóng sách cũng đã chuyển sang từ một nghề mang tính "công nghiệp" thành một ngành nghệ thuật thực thụ với các nghệ sĩ trên toàn thế giới, mỗi người một vẻ. Mình tin rằng các bạn trẻ Việt Nam một ngày không xa cũng sẽ ghi dấu mình trên các đấu trường quốc tế.
Q9: Anh muốn chia sẻ đôi điều với các bạn trẻ đang có hứng thú với nghề bookbinding nhưng vẫn đang do dự về tương lai của nghề không ạ?
- Tôi : Gần đây mình cũng đã dịch bài viết của một cô người Nhật về vấn đề này. Theo mình các bạn mà muốn theo đuổi nghề thủ công mang tính "hàn lâm" như đóng sách này thì các bạn bắt buộc phải có một lòng kiên trì, sẵn sàng hy sinh. Thêm nữa là phải có một đầu óc nhạy bén và khả năng học hỏi không ngừng. Nghe thì có thể hơi nghịch lý nhưng phần thưởng của nghề này, theo mình thấy chính là những khó khăn khi làm việc. Dù có làm bạn khó chịu như nào đi chăng nữa nhưng nó khiến bạn buộc phải trở nên tốt hơn. Các bạn cũng sẽ phải tự lập rất là nhiều, trong việc tìm kiếm nguồn kiến thức, khám phá, thử nghiệm cũng như tự xây dựng các dụng cụ của mình.
Q10: Anh thấy mình được và mất gì khi theo đuổi nghề này?
- Tôi : Nhờ theo nghề đóng sách này mình đã có gần như tất cả những gì mình mong muốn trong một công việc. Nghề đóng sách là tổng hợp của những gì mình yêu thích, ABC, viết tắt của Art - nghệ thuật, Book - Sách, và Crafts - Thủ công. Mình có một nghề có thể thỏa mãn được nhu cầu sáng tác, lao động chân tay và lao động trí óc khi có rất nhiều kiến thức để học hỏi. Nghề đóng sách cũng như là một liệu pháp tâm hồn đối với mình, và chắc là rất nhiều người khác, có những công đoạn cảm giác như là thiền vậy.
Để mà nói là mất gì thì chắc chỉ mất tiền, rất nhiều tiền để mua dụng cụ thôi *cười. Có bao tiền thì mình sắm dụng cụ hết bấy nhiêu à. Cơ mà mua dụng cụ, săn những món đồ cổ và cũ cũng là một thú vui của nghề mà nên mình cũng hài lòng, có đồ thì mình lại càng cải thiện chất lượng sản phẩm thôi (thực ra là nghiện mua sắm).