Sau phần một và phần hai cùng với những thứ mình học được về bản thân và chuyện tiền nong, những bài học trong phần ba này sẽ liên quan đến cách nhìn nhận, đánh giá những người xung quanh. Khác với sự dễ đọc, ngắn gọn của phần một và hai, mình nghĩ phần ba này sẽ có những quan điểm dài hơn, mang tính tranh cãi cao hơn, khó đọc hơn (ý mình là có thể bạn sẽ khó chấp nhận chúng, chứ không phải vì chủ đề mình viết là thứ gì đó cao siêu đâu nhé), nên mình mong các bạn hãy đón nhận nó với một tâm trí rộng mở, xem như là một dịp để biết rằng là “À, thì ra trên đời này có một người nghĩ như vậy”. Có thể bạn sẽ “bốc” ra được điều gì đó phù hợp cho bản thân thì sao, biết đâu được, nhỉ?
Vì những luận điểm, bài học trong phần ba này mình rút ra được từ cùng một hoàn cảnh, hay đúng hơn là cùng một sự kiện nên mình sẽ thay đổi bố cục của bài một chút để phù hợp hơn với mạch suy nghĩ của mình và cũng để mọi người theo dõi dễ hơn nhé.
Bài này liên quan đến những tranh cãi và con người nên mình nghĩ để hình này sẽ phù hợp
Bài này liên quan đến những tranh cãi và con người nên mình nghĩ để hình này sẽ phù hợp
Trước tiên, mình sẽ đưa ra hai ví dụ về 2 người khác nhau, tuy tương phản nhưng lại liên quan mật thiết với nhau (và rất chi tiết), để từ đó rút ra những thứ mình đã học được nhé.

TÌNH HUỐNG

a/ Mình gặp một người bạn (tạm gọi là Hưng) có một “tính cách bề nổi” khá là tưng tửng, hay cười cợt và thi thoảng hơi thiếu sự nghiêm túc khi làm việc. Chính vì vậy nên sau khi làm việc cùng hai, ba lần thì mình không thích Hưng cho lắm. Thế nhưng sau khi làm việc cùng nhau một thời gian dài hơn (gần 2 tuần), thì những ác cảm của mình về người bạn ấy dần được thay thế bởi sự thích thú và ngưỡng mộ. Vì sau một thời gian vừa đủ “dài” như vậy thì mình mới dần thấy được rằng Hưng là một người có tinh thần trách nhiệm cao, cư xử đúng mực (biết cảm ơn, xin lỗi,... đúng lúc đúng chỗ và thường xuyên, điều này nghe dễ nhưng không phải ai cũng nhớ để thực hiện đều đặn), không ngại giúp đỡ người khác, thậm chí là có những suy nghĩ rất sâu sắc về nhiều vấn đề chứ không hề “nông cạn” như mình nghĩ từ ấn tượng ban đầu, và còn nhiều điều tốt nữa mình không nhớ hết.
b/ Ngoài Hưng, mình còn gặp một người bạn nữa (tạm gọi là Vinh) với một “tính cách bề nổi” lẫn ngoại hình khá thu hút: ngoại hình ưa nhìn, biết cách chải chuốt, khéo léo trong giao tiếp (biết cách “điều hướng” cảm xúc của người nghe, nói chuyện sôi nổi, phong thái hoạt bát, tự tin,...). Chính vì những điều “tốt” ấy, mình khá thích cậu bạn này sau vài ba lần gặp gỡ, và nghĩ rằng đây là một người đáng để mình học hỏi và kết giao. Tuy nhiên, sau hơn một tuần làm việc và giao tiếp với Vinh nhiều hơn, mình cảm có gì đó lấn cấn, không được mượt mà cho lắm ở cậu bạn này. Mình quyết định tìm một nơi nào đó yên tĩnh để suy nghĩ, thì mình “tá hỏa” nhận ra nhiều thứ trong cảm xúc khá hoang mang, pha lẫn sợ hãi, tức giận (cả Vinh và cả bản thân). Lý do mình cảm thấy như vậy là vì mình nhận ra rằng người bạn này khá thiếu trách nhiệm khi làm việc nhóm, mình để ý rằng bạn này luôn tìm cách gì đó để thoái thác, trì hoãn, hoặc đẩy việc sang cho người khác làm với 1000 lý do khác nhau. Ban đầu mình cũng cười xòa cho qua một vài lần vì không để ý lắm, Vinh cũng hứa rằng sẽ làm bù vào những lần sau, nhưng mình nhận ra rằng sau một tuần, những lần làm bù ấy chẳng thấy đâu còn ông tướng ấy thì vẫn long nhong đi chơi trong lúc người khác làm việc:D. Ngoài ra, chính vì Vinh biết cách giao tiếp nên đã nhiều lần nhờ được người khác giúp đỡ việc này việc kia (trong đó có cả mình). Mình lại chợt nhận ra rằng sau nhiều lần mình làm việc gì giúp Vinh, mình chưa bao giờ nghe được hai từ “cảm ơn” được nói ra từ cậu bạn ấy, có thể không cảm ơn cũng được nhưng mình cảm nhận rằng cậu bạn này không hề cảm thấy biết ơn một chút nào khi được mình giúp đỡ.
___________________________________________________________________

NHỮNG BÀI HỌC

1. Cần một quãng thời gian đủ dài với các tình huống khác nhau để có thể đánh giá một cách khách quan và chính xác một ai đó.

Nếu chúng ta tiếp xúc với một ai đó chỉ trong 1 quãng thời gian ngắn ngủi (1 tuần gặp vài chục phút), hoặc tiếp xúc trong thời gian dài nhưng ít sự việc diễn ra (bạn cùng lớp nhưng hầu như không tương tác, không có đa dạng hoạt động...) thì rất khó để có thể có một cái nhìn chính xác và khách quan về họ. 
Thứ nhất, nếu thời gian tiếp xúc của cả 2 bên chưa đủ nhiều thì chúng ta chỉ có thể đánh giá họ qua những điều rất “bề nổi” (giá trị ngắn hạn) như ngoại hình, gu ăn mặc, cách nói chuyện,... và sẽ rất khó để nắm bắt được những giá trị trung hạn và dài hạn của họ (họ có phải là người chăm chỉ không, có trách nhiệm không, có khả năng thấu cảm và đồng cảm không, họ có phải là người trọng chữ tín không, nhân sinh quan của họ là gì,...). Chính vì những giới hạn ấy, chúng ta thường bị “che mắt” bởi những giá trị ngắn hạn kia, vì những điều ấy hoàn toàn có thể “fake” (làm giả) được, và chúng ta sẽ khá khó nhận ra nếu đối phương muốn che giấu sự thật. Lưu ý rằng mình không hề bài xích những giá trị ngắn hạn trên, đã là một người trưởng thành thì ai trong chúng ta cũng nên biết cách chăm sóc ngoại hình cho gọn gàng và chỉn chu, biết cách giao tiếp hiệu quả và lịch sự,.... thế nhưng ngoài những điều ấy ra thì một người nên có cho mình những giá trị trung hạn, dài hạn khác làm nền tảng. Quay lại chủ đề, như mình đã nói ở trên, vì những giá trị ngắn hạn ấy hoàn toàn có thể “fake” được trong 1 thời gian ngắn (vài tiếng, vài ngày) nên chúng ta sẽ cần đến sự trợ giúp của thời gian. Một người có thể “diễn” trong vài ngày, thậm chí vài tuần, nhưng theo năm tháng thì kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, vở kịch nào rồi cũng sẽ đến lúc phải hạ màn. Khi ấy, chỉ cần chú ý quan sát một chút, mình tin rằng bạn sẽ nhìn ra được rằng đối phương thật sự là người như thế nào.
Thứ hai, ngoài việc tiếp xúc với người kia trong một khoảng thời gian đủ dài thì chúng ta còn cần phải được quan sát cách người đó hành xử trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau. Khi vui vẻ tiệc tùng thì tất nhiên ai cũng có thể rất thoải mái và “rộng lượng”, là anh em là chiến hữu tốt. Bộ mặt thật của mỗi chúng ta chỉ lộ rõ khi những tình huống khó khăn, khó xử xuất hiện và cần được chúng ta giải quyết, như việc làm việc nhóm chẳng hạn. Đối với riêng mình, việc làm việc nhóm là một công cụ rất mạnh để đánh giá khái quát một người nào đó. Mình nói như vậy là vì khi làm việc nhóm, ta buộc phải tìm hiểu và tìm cách dung hòa những góc nhìn, những tính cách khác nhau nhằm đạt được mục đích chung một cách hiệu quả nhất. Những việc kể trên chỉ có thể xuất hiện ở những ai có cho mình khả năng đồng cảm và thấu cảm, khả năng quan sát, và khả năng “tạm gác” lại cái tôi của bản thân để nhường nhịn lẫn nhau nhưng vẫn có thể cứng rắn khi cần,... Ngoài lề một chút là thú thật việc làm việc nhóm không chỉ giúp bản thân mình mài giũa được những kỹ năng mềm kể trên, mà nó còn giúp mình “chắt lọc” ra được những người bạn chất lượng hơn, có những quan điểm, giá trị sống cốt lõi phù hợp với mình hơn, từ đó mình có thể tạo ra những mối quan hệ bạn bè khăng khít hơn, mang lại nhiều giá trị ý nghĩa hơn cho cuộc sống của cả hai bên. 
Ngoài thời gian và hoàn cảnh ra thì mình nghĩ là chúng ta nên tinh tế một chút để có thể để ý được những chi tiết nhỏ mà đắt giá nữa nhé, mình thấy clip khá hay, ứng dụng được vào nhiều mặt trong cuộc sống:

2. Ấn tượng đầu là một con dao hai lưỡi.

Khi tiếp xúc với một ai đó lần đầu tiên (tán gẫu, làm việc, chơi thể thao cùng,...), chúng ta sẽ hình thành ấn tượng đầu tiên với người đó. Ấn tượng đầu giúp ta hình thành nên một cái nhìn tổng quan, “bề nổi” về đối phương để có thể đánh giá sơ bộ rằng chúng ta có khả năng hòa hợp và kết giao được với người đó hay không.
Thế nhưng theo suy nghĩ của mình, tuy rằng tầm quan trọng của ấn tượng đầu là không thể bỏ qua, nhưng nếu sử dụng không cẩn thận thì nó có thể trở thành một “điểm mù” cực kỳ nguy hiểm cản trở sự sáng suốt của bạn trong việc đánh giá người khác. Mình sẽ giải thích quan điểm này bằng cách nói về cách bộ não của con người chúng ta hoạt động một chút nhé: nó rất lười, vì thế cho nên nó sẽ luôn tìm cách tiết kiệm năng lượng nhiều nhất có thể. Khi gặp một người lạ, chúng ta sẽ rất để ý người kia trong thời gian ban đầu vì khi ấy não bộ rất nhạy cảm và các hoạt động xử lý thông tin rất mạnh mẽ (vì đây là người lạ, não chúng ta chưa nắm bắt được về đối phương và vẫn còn xem người đó là một mối đe dọa tiềm tàng). Nhưng một khi ấn tượng ban đầu đã được hình thành, chúng ta sẽ có thói quen “dùng luôn” những thông tin ban đầu ấy để đánh giá người kia, dần dần cái nhìn của chúng ta về đối phương sẽ trở nên hạn hẹp, chủ quan và rất khó để có thể xóa nhòa đi cái ấn tượng đầu ấy. Và hậu quả là những người vô tình làm bạn khó chịu trong những lần gặp mặt đầu tiên (trường hợp của mình với Hưng ở ví dụ) sẽ rất khó để gỡ điểm, và những người “không được tốt lắm” (trường hợp của mình với Vinh ở ví dụ) sẽ lợi dụng điều này một cách vô tình hay cố ý để che giấu đi những tật xấu của họ với sự trợ giúp của “ấn tượng đầu hoàn hảo kia”. Tất nhiên là chúng ta vẫn có thể thay đổi cách suy nghĩ về một ai đó sau khi ấn tượng ban đầu đã hình thành, nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải biết cách nhìn nhận mọi thứ 1 cách khách quan, đa chiều, và thường xuyên thử thách lại những nhận định của bản thân (đây toàn là những điều không dễ, dễ thì ai cũng làm được rồi, và đây sẽ là chủ đề của mục tiếp theo).

3. Tư duy đa chiều sẽ là một trong những "đồng minh" đắc lực nhất hỗ trợ bạn trong quá trình tìm hiểu về một ai đó.

Như mình đã đề cập phía trên, ấn tượng đầu chỉ có thể giúp chúng ta đánh giá một cái khái quát “bề nổi” của một ai đó, và thường là sẽ không được chính xác cho lắm (văn nói là “sai lè” đó), thế nhưng nó lại để lại một dấu ấn rất mạnh trong trí nhớ của chúng ta. Để có thể tránh được sai lầm tai hại này, mình nghĩ cách hiệu quả nhất là mỗi người chúng ta nên học lấy cách để nhìn nhận một vấn đề, một con người từ nhiều góc độ và hoàn cảnh khác nhau, cách để tự đánh giá và xem xét lại những quan điểm, định kiến của chính mình. Mình cho rằng nếu thiếu vắng đi sự “tự suy ngẫm và suy xét” này, lỗi tư duy thiên kiến xác nhận (confirmation bias) sẽ xuất hiện và làm cho những đánh giá của chúng mình mất đi tính chính xác một cách khá nghiêm trọng.
Thiên kiến xác nhận là khi chúng ta chỉ tập trung vào những bằng chứng đồng thuận với quan điểm của bản thân và phớt lờ đi những gì đi ngược lại với quan điểm ấy.
Có thể cách diễn giải của mình chưa được rõ ràng lắm nhỉ? Thế thì cùng đọc ngay ví dụ sẽ rõ nhé:
Quay trở lại ví dụ về Hưng, vì mình có ấn tượng đầu không mấy tốt đẹp về cậu bạn ấy, nghĩ rằng cậu ta chỉ là một người “loi nhoi”, thiếu nghiêm túc và nông cạn (xin lỗi Hưng!), nên thời gian sau đó mình chỉ tập trung vào những lần Hưng cười giỡn, đùa nghịch để củng cố thêm cho ấn tượng đầu rằng “Thằng khứa này đúng thật là một người không nghiêm túc và thiếu chiều sâu, mình đã đoán đúng” (trong khi mình đã phớt lờ đi những lần Hưng nói chuyện và cư xử một cách nghiêm túc, điềm đạm). Mình đã mắc phải lỗi tư duy thiên kiến xác nhận rồi đó (cả với Hưng và Vinh, trường hợp của Vinh thì các bạn có thể hiểu rằng mình cũng dùng cách suy nghĩ lật lại vấn đề tương tự như trường hợp với Hưng).
Mình tự chia ra làm nhiều vai khác nhau ở trong đầu để tập cách nhìn nhận đa chiều:)
Mình tự chia ra làm nhiều vai khác nhau ở trong đầu để tập cách nhìn nhận đa chiều:)
Để nhận ra lỗi lầm tai hại này, mình đã phải bỏ ra khá nhiều thời gian trong nhiều ngày (vì ở trong khu quân sự chán với rảnh quá không có gì làm nên ngồi trầm ngâm nhiều, mỗi lần ngồi đăm chiêu thì bạn mình còn tưởng mình bị "trầm cảm" vì mệt nữa cơ:D) liên tục xem xét lại những nhận định của bản thân về Hưng, mình tự hỏi chính mình những câu hỏi như sau:
- Mình có chắc chắn là đã tiếp xúc đủ nhiều với Hưng để biết chính xác rằng lúc nào Hưng cũng nghịch ngợm như vậy không? 
- Mình có chắc chắn rằng Hưng cũng hành xử như vậy khi không có mình ở đó không? Lỡ như Hưng hành xử khác lúc mình không có ở đó thì sao?
- Mình có đang áp đặt ấn tượng đầu lên những lần gặp sau đó không?
- Mình có đang bỏ qua điểm tốt gì ở Hưng không?
- Mình có đang phóng đại những khuyết điểm lên và “phóng tiểu” những ưu điểm của Hưng không? 
- Thật sự thì đùa nghịch như vậy có quá đáng đến mức làm mình phải ghét Hưng đến như thế không?
Tất nhiên là sau khi tự ngồi trả lời tá câu hỏi này trong đầu, mình ước gì có cái lỗ ở dưới đất để chui ngay xuống vì mình cảm thấy quá ngượng với sự trẻ con và một chiều của bản thân trong việc suy xét về cậu bạn tên Hưng kia, xin lỗi lần nữa Hưng ơi T.T
Sau khi dành thời gian suy xét rất nhiều về sự việc với hai người bạn này, mình cảm thấy buồn, nuối tiếc và xen lẫn tức giận bản thân vì chưa có thói quen suy nghĩ đa chiều, thấu đáo, dẫn đến việc không biết rằng từ đó đến nay mình đã đánh giá sai và bỏ lỡ đi nhiều cơ hội để làm quen và kết bạn với những con người chất lượng. Chính vì vậy, mình mong rằng bản thân trong tương lai (và các bạn) sẽ tập thói quen liên tục “tái đánh giá” những người xung quanh trong nhiều hoàn cảnh trong một thời gian đủ dài để có cho mình những nhận định chính xác nhất về một ai đó nhé.

4. Câu nói huyền thoại “Đừng nghe những gì người khác nói, hãy nhìn những gì họ làm” không sáo rỗng như mình nghĩ.

Bài học bốn này sẽ là phần “con”, phần thêm của ba bài học trên vì nó sẽ áp dụng cả việc sử dụng thời gian, tư duy đa chiều để xem xét cả ấn tượng đầu và nhiều thứ khác để làm kim chỉ nam dẫn lối.
“Lời nói gió bay”
Để nói ra một điều gì đó thì rất dễ, đôi khi chúng ta thậm chí còn quên đi việc suy xét kỹ lưỡng trước khi phát biểu một ý kiến gì đó nữa. Thế nhưng hành động thì lại khác, nó khó hơn, hành động như những gì mình đã nói, đã cam kết, đã hứa hẹn thì lại càng khó khăn hơn nữa. Lý do chúng ta nể nang, kính trọng những người biết giữ lời hứa cũng chính là vì thế, vì không phải ai cũng làm được điều tưởng chừng như là dễ làm ấy.
Mình cũng nhận ra rằng bản thân trong quá khứ cũng đã quá nhiều lần nói ra những điều mà mình chưa chắc làm được, nhưng cứ nói cho sướng cái mồm đã, cho xong chuyện đã, vì nói về những điều tốt mình chuẩn bị làm cảm giác thật tuyệt vời, thật “yomost” biết bao, lại còn chả tốn xu nào nữa! Mình đã không hề biết rằng có thể trong mắt một ai đó đủ tinh tế, đủ chín chắn, họ đã nhìn ra được những lần mình nói mà không làm, và từ đó sự tôn trọng và niềm tin của họ dành cho mình có lẽ đã bị hao hụt đi nhiều mất rồi.
Một ví dụ khác, chúng ta hãy cùng quay lại “anh chàng” Vinh nào, như mình đã nói, cậu ta hứa hẹn rất nhiều, hứa sẽ làm bù, sẽ đi làm ngay, sẽ làm tốt đến mức nào để bù đắp cho người khác. Mình nghe cũng “sướng tai” lắm, cũng yên lòng ổn dạ mà ngây thơ tin rằng cậu ta sẽ thực hiện những gì mình nói. Đến khi mình lấy lại được sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề, mình nhận ra rằng hành động của Vinh lúc nào cũng đi ngược lại với những gì chính miệng cậu đã cam kết. Cũng may mắn rằng đây chỉ là chuyện vặt vãnh không để lại hậu quả nghiêm trọng, nếu những chuyện này xảy ra khi mình đi làm, khi đã đụng đến quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm, và cả chuyện tiền nong, có lẽ thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều và xung đột nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Mình nhận ra rằng bản thân và những người xung quanh đã thường hay mắc phải lỗi rằng chỉ nghe những gì đối phương nói mà quên đi vế sau - việc để ý xem người kia có thực hiện những gì đã nói hay không, từ đó dẫn đến những đánh giá sai lầm, và cả những thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần không đáng có.
Một video có chủ đề tương tự (tin mình đi nội dung nó không "cheesy" như cái tựa đâu lol:D):
Bài viết đến đây là kết thúc, mong rằng cả bản thân trong tương lai và những độc giả của mình sẽ luôn biết cách vận dụng sự hỗ trợ của thời gian, của tư đa chiều, của việc chú ý quan sát, kiểm chứng những gì người khác nói và làm để có thể đánh giá cả bản thân và cả những người xung quanh một cách chính xác hơn, công bằng hơn. Mình tin rằng những điều mình vừa nêu trên sẽ không chỉ giúp cho mình và các bạn có được một “bộ lọc” tối ưu hơn trong việc lựa chọn được những người bạn tốt hơn, chất lượng hơn, mà “bộ lọc” ấy sẽ còn là tiền đề giúp cho chúng ta lựa chọn được “nửa kia” trong tương lai mà chúng ta hằng mong ước một cách “chuẩn chỉ” hơn nữa:Đ.
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc hết toàn bộ bài viết dài và chi tiết này của mình, thật sự mình đã bỏ ra rất nhiều công sức cho nó. Lý do khiến phần ba ra trễ như vậy là vì mình nghĩ đây là một chủ đề khó viết một cách mạch lạc và chỉn chu. Phần một và hai mình chỉ viết trong năm ngày, thế nhưng phần ba này đã tốn của mình ba tuần tính luôn cả thời gian suy nghĩ và thời gian đặt tay xuống bàn phím đánh chữ. Lại lạc đề rồi, quay lại nào, nếu các bạn cảm thấy văn phong và quan điểm của mình không phù hợp thì mình vẫn cảm ơn các bạn đã dành thời gian quý báu của mình để đọc kỹ càng, còn nếu các bạn cảm thấy có thể “vibe” được với mình, thấy thằng khứa này cũng “hợp cạ”, thì chúc mừng các bạn, mình rất vui vì rất có thể chúng ta sẽ là những người bạn tâm giao của nhau trong tương lai đấy, vì sau khi viết được hai phần đầu và cả phần này mình nhận ra rằng mình chưa muốn dừng lại ở chuỗi bài viết này:D.
Mình mỗi lần ngồi suy nghĩ để viết phần ba chắc cũng trông tựa tựa thế này đây:Đ
Mình mỗi lần ngồi suy nghĩ để viết phần ba chắc cũng trông tựa tựa thế này đây:Đ
Chân thành cảm ơn hai người bạn đồng hành đắc lực đã dành thời gian giúp mình kiểm tra, cải thiện chất lượng của bài viết. Trong tương lai mình sẽ còn cần hai người nhiều đấy
23/3/23 - 15/4/23