Bắt đầu một năm mới "healthy & balance", mình có tham gia một số nhóm đọc sách viết văn và bắt gặp cụm từ "kìm nén cảm xúc" khá nhiều lần. Năm 2020 đã là vài năm kể từ khi các cộng đồng tổ chức tuyên truyền về sức khỏe tâm thần, phổ biến về các bệnh tâm lý, ai ai cũng thuộc làu làu trầm cảm là gì, tự kỷ là gì, body shaming, tâm thần phân liệt,... mà cụm từ vô lý như "kìm nén cảm xúc" vẫn còn tồn tại ? 
1. Chưa có một nguồn đáng tin cậy nào tuyên truyền và tổng hợp lại cụ thể khái niệm "tâm lý" ?
Mình muốn dẫn chứng một nguồn nào đó về khái niệm tâm lý mình biết: tâm lý liên quan tới hành vi và cảm xúc của con người, được cài đặt ngay từ lúc chúng ta sinh ra, tổng hợp tất cả những trải nghiệm chúng ta có từ lúc sinh ra để có được hành vi trong hiện tại. Cơ mà không có một nguồn nào hết, nên sự hiểu của mình chỉ là một ý kiến. Dẫn đến điều tiếp theo cũng là một ý kiến: Mình tin rằng, cảm xúc là một loại logic, chứ không tách rời hoàn toàn khỏi logic. Vì sao lại thế thì mình chưa chứng minh được nhưng mình có thể giải thích đơn giản như thế này:
Giải một bài toán và có một đáp án là logic. Tổng hợp từ trăm nghìn trải nghiệm trong cuộc sống để có một hành vi hiện tại là tâm lý. Giải một bài toán thì dễ hơn giải một nghìn bài toán với ti tỉ điều kiện chồng chéo nhau để ra một đáp án. Khoa học, thứ logic chúng ta còn chưa khám phá ra hết thì tâm lý học chỉ "sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tìm đâu cái khái niệm tôi xin với :)"
2. Quan điểm: Cảm xúc là thứ vô dụng
Giống như quan điểm hướng nội hay hướng ngoại, não trái hay não phải, chúng ta có "chọn con tim hay nghe lý trí". Chúng ta đánh giá cao lý trí hơn vì nó là thứ logic, có thể giải thích được, nguyên nhân kết quả, rõ ràng. Còn cảm xúc là "nhất thời", "mù quáng", "khó hiểu". Mà khó quá thì bỏ qua :)
Nếu cảm xúc vô dụng đến thế thì tại sao nó lại không biến mất trong sự tiến hóa ? Do chúng ta chưa đạt tới ngưỡng đó hay do nó đem lại một lợi ích nào khác mà văn minh nhân loại chưa tìm ra ? 
Thực tế chứng minh có nhiều tình huống chúng ta chọn lý trí nhưng vẫn bị dằn vặt, day dứt, hối hận, "giá như". Nhiều tình huống giải quyết bằng lý trí không hay bằng giải quyết kiểu tình cảm: Bực lũ bạn 4' chết đi được nhưng chúng nó cứ chọc cho mình cười không giận nổi nữa. Một quan điểm nổi tiếng khác khiến cuộc sống bạn thêm dễ dàng: sự việc là sự việc, quan trọng là thái độ của chúng ta với sự việc đó.
Từ đây mình có một câu hỏi nhỏ: Có phải vì cảm xúc bị đánh giá thấp nên những gì liên quan đến cảm xúc cũng bị xem nhẹ theo ? Ví dụ như phụ nữ và các bệnh tâm lý. 
3. Kìm nén, chế ngự, điều khiển, làm chủ... cảm xúc:
Những điều khó hiểu hay bị xem thường. Kìm nén cảm xúc chẳng qua chỉ là một dạng ỷ mạnh ăn hiếp yếu và thể hiện một nỗi sợ hãi về một thứ quá mạnh, bản thân thì quá ít hiểu biết về nó.
Mỗi cảm xúc tốt hay "xấu" như đố kỵ, đau khổ, tức giận,... đều là một cảm xúc bình thường, có ích. Đau khổ khi kết thúc một mối quan hệ thể hiện rằng bạn đã rất trân trọng và tâm huyết với mỗi quan hệ đó, trân trọng những mối quan hệ hiện tại, những mối quan hệ tốt đẹp với những người cũng trân trọng và tâm huyết trong mối quan hệ với bạn. Phẫn nộ để chứng tỏ bạn quan tâm, một kiến thức, một quan điểm, một mối quan hệ, một con người,...mà nhiều khi chính bản thân không nhận ra mình quan tâm đến thế. 
Cảm xúc là thứ bình thường. Nhu cầu giải tỏa cảm xúc là thiết yếu. Chúng ta có nhiều cách để giải tỏa ngoài kiềm chế, kìm nén,... List liệt kê theo hiểu biết chủ quan của mình:
- Trút lên một đối tượng khác: nói chuyện, tâm sự, đập phá, chửi rủa,...
- Đánh lạc hướng: dùng một sở thích, thói quen nào đó (đi dạo, viết, nghe nạc, đọc sách,...)
- Trốn tránh: bỏ qua, không quan tâm, kìm nén
- Đào sâu: lắng nghe, học hỏi
4. Kìm nén có giải quyết được vấn đề không?
Có. 
Nó là một giải pháp tạm thời (và cũng sắp sửa lỗi thời). 
Kìm nén không khiến cảm xúc của bạn mất đi, nó chỉ tạm hoãn lại cho bạn thêm chút thời gian để tìm cách xử lý. Nhưng thường là chúng ta chọn cách tiêu cực hoặc quên đi mất và để lại các dấu hiệu về bệnh tâm lý. Bạn bè kể những câu chuyện mang năng lượng tiêu cực, thù hằn cho nhau. Bố mẹ stress vì công việc, bị chèn ép ở chỗ làm đem bực bội về nhà trút lên nhau hoặc lên con cái. Chia tay, người thân mất, chấm dứt một mối quan hệ, stress vì cuộc sống, học hành,... chúng ta kìm nén lại và thôi miên tự quên đi nhưng thực tế lại luôn khơi gợi lại những đau khổ khiến vết thương tâm lý chẳng thể nào lành. 
Sau đây sẽ là một phép ẩn dụ
Cảm xúc là nước. Trải nghiệm là bạn cho nước vào nồi và đun lên. Đỉnh điểm nước sôi, kìm nén là đậy năng vung lại, bắc nồi ra, tắt bếp đi. Không may nước trào ra ngoài là bùng nổ cảm xúc, suy sụp. Nước trào ra gây tắt bếp, nước không sôi nữa và nguội dần như khi bạn nguôi cơn giận nhưng vấn đề vẫn tồn tại ở đó, chực chờ những lần bùng nổ tiếp theo. Xui xẻo hơn, nước sôi nhưng chỉ âm ỉ, vừa đủ không bị trào, nhưng lại cạn dần dần đến một lúc nước cạn hết và nồi cháy nổ cái BỤP là bệnh tâm lý và kết quả. 
Đừng đậy nắp vung, đừng chỉ tắt bếp.
Nước sôi, hãy nấu lẩu :))))
Hay ít ra bạn có một cốc nước lọc nguyên chất cho ngày dài năng động :)) 
Như đã nói ở trên, chúng ta chỉ sợ những gì chúng ta không biết. Đừng sợ cảm xúc, cảm xúc chỉ muốn trò chuyện thôi. Hãy lắng nghe và học hỏi, biến nó thành một thứ có ích. 
Cảm xúc là bạn, không phải thù. 

Tóm lại

"Kìm nén cảm xúc" hả ? Bỏ nha mậy !!!!