Lần thứ nhất là đầu năm 2016, mình đứng ở làn phân cách quốc lộ suốt 1 tiếng đồng hồ, xe container xé gió lao vun vút hai bên, cách mình chừng nửa mét, “chỉ cần bước một bước nữa thôi là tất cả sẽ kết thúc”, mình tự nhủ.
Lần thứ hai là cuối năm 2018, sáng hôm đó mình rơi vào khủng hoảng và gom hết tất cả thuốc giảm đau trong nhà thành một vốc đầy, mình cũng ngồi ôm đống thuốc suốt 1 tiếng đồng hồ với suy nghĩ “cho hết tất cả vào miệng là xong”.
Lần thứ ba là cuối năm 2020, con mèo của mình rơi từ tầng 3 xuống hàng rào sắt phía dưới và qua đời sau 2 tuần kiên cường chiến đấu, mình khóc thương cho Méo và chợt nhận ra trên đời này chẳng có cái chết nào là nhẹ nhàng và không đau đớn cả. Mình lái xe đi trong vô thức giữa cái nắng gắt tháng 11 trời Sài Gòn, một kế hoạch ra đi “nhanh nhất” hiện ra trong đầu mình, rõ ràng, gọn lẹ. Mình hoảng sợ và đi tìm bác sĩ để chữa trị.
Ngoài những lần đó ra là vô số lần mình tự hỏi: “Cuộc sống sẽ luôn là những vòng lặp mòn mỏi thế này đúng không? Mình chỉ muốn lẳng lặng biến mất thôi”.

1 - Tại sao mình lại muốn tự tử?

Mình có thể liệt kê ra hàng loạt lý do như: thất bại trong công việc, đổ vỡ trong chuyện tình cảm, tổn thương chuyện gia đình, muốn trả thù đời v.v… tất cả cộng dồn lại cùng một lúc đủ để khiến mình cảm thấy vỡ vụn và vượt quá sức chịu đựng. Mình đủ lý trí để phân tích phải trái đúng sai nhưng mình lại không thể làm chủ thứ cảm xúc đau đớn tột cùng khiến mình cảm thấy thà chết còn hơn. Thứ cảm xúc đó khiến mình lao ra ngoài hành xử như một kẻ điên, gào thét, trách móc, đập phá và cào cấu những người được mình định tội là đã gây ra tổn thương cho mình. Mình phá bỏ tất cả những giá trị đạo đức mình từng đề ra. Khi ấy mình chỉ muốn chối bỏ con người biến chất bên trong mình và chạy trốn thực tại.
Bây giờ nhìn lại, mình có thể hiểu được là do khi ấy mình đã quá “vô minh”, mình cho rằng cuộc đời bất công, cho rằng mọi nỗi khổ của mình là do người khác gây ra. Giờ đây mình biết được đó thực chất là hệ quả của việc chưa trưởng thành về mặt nhận thức và thiếu hiểu biết về chính bản thân.

2 - Tại sao mình đã không thể tự tử?

Một giờ tuyệt vọng ngồi ở làn phân cách hay nắm đống thuốc trong tay đó là thời gian mình đấu tranh với chính mình. Thực ra mình rất hèn nhát, mình sợ chết chứ! mình biết rằng mình không muốn chết, mình chỉ đang quá bất lực vì không tìm thấy giải pháp cho những vấn đề của mình mà thôi. Mình đã ngồi đó, gom góp từng mảnh kí ức tích cực còn rơi rớt đâu đây. Và điểm mấu chốt quan trọng hơn hết thảy đã giúp níu giữ mình lại, đó là vì mình biết mình không đơn độc. Mình nghĩ đến mẹ, mình biết mẹ sẽ là người đau khổ nhất nếu mình làm chuyện ngu ngốc này. Mình nghĩ đến những người bạn biết chuyện của mình, những người đã lắng nghe không biết mệt mỏi suốt mấy năm qua, ra sức đưa cho mình những lời khuyên có ích mà mình không hề nghe theo, mình biết nếu làm vậy thì họ sẽ dằn vặt nhiều lắm. Mình nghĩ cả đến những người mình căm ghét, chắc cái chết của mình sẽ làm họ hối hận, dằn vặt đôi chút, nhưng rồi họ sẽ lại tiếp tục với cuộc sống riêng của mình mà thôi. Còn chính mình thì sao, mình đã cố gắng rất nhiều trong suốt thời gian qua mà, mình có đáng phải đánh mất mình như thế này không?
Tất nhiên ở thời điểm ấy thì mình không thể suy nghĩ mạch lạc được như thế này, tâm trí mình lúc đó như đang diễn một vở kịch trào phúng, ra sức nhạo báng, ra sức phản biện. Chỉ biết là sau 1 tiếng đó, mình mệt nhoài, chỉ còn muốn kiếm một xó xỉnh nào đó để cuộn tròn và ngủ một giấc tạm quên đi mọi thứ. Và như thế, mình đã may mắn không tự giết chết chính mình.
Nhưng có nhiều người không được may mắn như mình. Chỉ khi cái chết đã xảy ra những người xung quanh họ mới thực sự nhận ra mức độ trầm trọng của vấn đề và hối hận thì cũng đã muộn. Còn những người trong cuộc hoặc tự tử hụt hoặc đang rất cận kề với lằn ranh đó thì lại quá xấu hổ, nhục nhã với bản thân để dám thừa nhận mình đã rơi xuống đáy sâu như thế nào. Mình đã ở trong tình trạng đó suốt 7 năm qua. Giờ đây, khi những vết thương cũ đang dần dần được chữa lành, mình mới đủ dũng cảm để chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng có thể giúp mọi người hiểu hơn về căn bệnh trầm cảm, để những ai đang bị trầm cảm hiểu rằng: Bạn không hề đơn độc.

3 - Hãy nhớ rằng, hành trình chữa lành của mỗi người sẽ rất khác nhau cả về thời lượng lẫn cách thức.

Giống như điều Đức Phật để lại cho thế gian này là con đường mà ngài đã đi, bạn có thể học theo những lời dạy của Phật, có thể nối bước ngài, nhưng con đường bạn đi chắc chắn sẽ khác với con đường của Phật, đó là con đường của riêng bạn. Trên con đường của mình, mình đã là một người có bệnh vái tứ phương, mình đã thử qua mọi cách như: thiền Vipassana, liệu pháp viết chữa lành, tham gia những khoá học về tâm lý, học cách yêu bản thân, mình cũng đã đăng ký trị liệu tâm lý không dùng thuốc. Mình đọc rất nhiều sách liên quan, xem những bộ phim, bài giảng, tài liệu, mình cũng viết không ngừng nghỉ để ghi lại tiến trình của mình. Có những cách thức ban đầu hiệu quả, nhưng rồi hiện tượng “nhờn thuốc” diễn ra, mình buộc phải tìm một phương pháp khác. Nếu bạn biết về cách thức chữa trị bệnh trầm cảm, có lẽ bạn cũng biết là bác sĩ sẽ phải kết hợp vài loại thuốc với nhau, thử đi thử lại nhiều lần thì mới tìm ra được phác đồ điều trị phù hợp với bạn.
Khi một người bạn hỏi mình làm cách nào mình vượt qua được căn bệnh này, mình đã suy ngẫm rất lâu, thật khó để đưa ra một câu trả lời tổng quát rõ ràng. Nhưng rồi mình chợt nhớ đến trong Thiền Tuệ Vipassana có ba loại trí tuệ (paññā), khi mình quán chiếu lại hành trình của mình, mình cảm thấy khái niệm về ba loại trí tuệ này phù hợp để minh hoạ cho hành trình này. Tất cả những kiến thức và phương pháp mà mình thử tìm hiểu có thể coi là Văn tuệ - tuệ thụ nhận, là hiểu biết do nghe người khác giảng giải. Trong quá trình thử thực hành những liệu pháp này, mình tự mình quan sát, phân tích để biết những cách thức này có phù hợp với mình hay không, những kết luận chọn lọc này có thể coi là Tư tuệ - tuệ tư duy, hiểu biết do phân tích, lý luận. Và cuối cùng, khi trải qua hết tất cả, thực sự hiểu rõ bản thân, hiểu rõ những vấn đề mình gặp phải, chữa lành được tổn thương, đó là lúc mình đạt được Tu tuệ - tuệ thực chứng, hiểu biết dựa trên kinh nghiệm trực tiếp. Từ nền tảng tư duy này, mình nhận ra rằng không có một cách thức duy nhất, một phương thuốc duy nhất hay một bác sĩ duy nhất nào cả.

4 - Dẫu vậy, hành trình này thực sự không dễ dàng.

Kể từ khi mình có những tổn thương tâm lý đầu tiên đến giờ đã là hơn 10 năm. Mỗi lần xuống đáy, mình đều nghĩ đây có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời mình rồi, nhưng mình nhầm, những lần sau mình luôn cảm thấy tệ hơn trước, hoá ra lần nào cũng “tệ nhất” cả. Trải qua năm lần trầm cảm chủ yếu, và giờ là sống chúng với trầm cảm dai dẳng, mình nhận ra một nghịch lý, khả năng phòng thủ của mình càng tăng, thì khả năng chịu đựng nỗi đau của mình lại càng giảm. Nghe có khó hiểu quá không? Khả năng phòng thủ tức là mình nhận biết tốt hơn những dấu hiệu của một đợt khủng hoảng đang đến, mình nhạy bén hơn với những cảm giác của cơ thể, với những biểu hiện của cảm xúc và mình sẽ làm mọi cách để ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình đó lại (như tham gia một khoá học nào đó, thử một liệu pháp mới). Nhưng khi cơn trầm cảm ập đến (điều không thể tránh khỏi) thì khả năng chịu đựng ngày một giảm của mình không còn giúp mình chống cự được nữa, mình dễ rơi vào cơn trầm uất hơn với đầy những ý nghĩ tiêu cực và sự căm ghét bản thân, đôi khi thậm chí nó còn dẫn đến những hành động tự huỷ hoại. Những giải pháp cũ cũng mất dần tác dụng khiến mình thấy nản lòng. Dần dần, hệ miễn dịch của mình yếu đi, mình chuyển từ trầm cảm sang rối loạn lưỡng cực và khoảng cách của các chu kỳ cũng rút ngắn lại.
Có vẻ như tình hình ngày càng nặng hơn thì phải? Nhưng đừng lo, như mình có đề cập, nhận thức được vấn đề và dám thừa nhận nó đã là bước đầu tiên để tiến gần hơn tới giải pháp rồi. Ngoài ra mình còn có hai nguồn sức mạnh đã luôn giúp mình vượt qua những khó khăn này.

5 - Nguồn sức mạnh thứ nhất đến từ chính bên trong mình, nguồn sức mạnh nội tại.

Sự bền bỉ kiếm tìm giải pháp suốt 10 năm qua đã bồi đắp cho mình những kiến thức nền tảng, đưa mình ra khỏi sự “vô minh”. Có một cái nhìn đa chiều khiến mình không còn đặt ra câu hỏi: “Tại sao cuộc đời lại bất công với mình đến vậy?” Thay vào đó sẽ là “Cuộc đời đang đưa đến cho mình bài học gì?” và gần đây khi mình bắt đầu đặt câu hỏi: “mình có thể tạo ra giá trị gì cho những người xung quanh mình?” đó là lúc mình biết mình đang được chữa lành.
Sự trưởng thành về mặt nhận thức và cảm xúc giúp mình vượt lên trên nỗi khổ của mình và nhận ra ai cũng có nỗi khổ riêng của họ và nỗi khổ nào cũng đớn đau như nhau cả. Khi mình tin vào sức mạnh nội tại hơn, mình kiên nhẫn với chính mình hơn. Dần dần, khi mình chấp nhận đối diện và mở lòng để chia sẻ những góc khuất của mình một cách công khai, đó là lúc mình nhận được sự giúp đỡ từ nguồn lực bên ngoài.

6 - Nguồn sức mạnh thứ hai như mình đã nói ở trên, mình không đơn độc.

Mình vô cùng biết ơn từng con người đã xuất hiện trong cuộc đời mình. mình biết ơn vì sự hiện diện và đồng hành của mỗi người. Hiện diện - là những người đã xuất hiện trong cuộc đời mình ở một khoảng thời gian nhất định. Có thể họ đến để đưa cho mình thấy một bài học nào đó. Hoặc ở thời điểm mình rơi xuống đáy họ đã xuất hiện như một nguồn lực tích cực nâng đỡ mình, là mỏ neo để giữ mình không bị cuốn theo cơn lốc tiêu cực kia. Thậm chí họ có thể là những người mình chưa từng gặp bởi đơn giản họ là tác giả một cuốn sách nào đó hay một nhân vật trong những bộ phim mình xem nhưng sự hiện diện của họ lại tác động đến mình rất nhiều.
Và mình còn đang nói đến cả những người mình từng căm ghét, những người mình nghĩ họ đã gây ra tổn thương cho mình, nhưng giờ mình không thấy thế nữa rồi, mình thấy biết ơn vì sự hiện diện của họ là điều cần thiết trên con đường trưởng thành của mình.
Hiện diện - họ đến rồi đi, nhưng họ không để mình đơn độc!
Đồng hành - là những người gắn bó lâu dài hơn, không chỉ hiện diện mà họ còn đi cùng mình qua những thăng trầm trong cuộc sống.
Dù mình có thay đổi đến thế nào thì họ vẫn chấp nhận yêu thương mình vô điều kiện. Thậm chí họ còn chấp nhận cả việc bị mình làm cho tổn thương, xây xát, họ vẫn sẽ kiên nhẫn ở đó chờ cho mình qua cơn điên dại. mình sẽ thế nào nếu thiếu họ đây? Vào những giây phút tuyệt vọng nhất, chỉ những ý nghĩ về họ thôi cũng đã đủ an ủi mình rồi. Đồng hành - họ đã không để mình đi một mình trên con đường này.
Hãy tưởng tượng rằng trên con đường bạn đi, mỗi kiến thức bạn thu nhận được, mỗi trải nghiệm bạn có được, mỗi con người bạn gặp được là những viên gạch bồi đắp cho con đường đó trở nên vững chãi, chắc chắn. Nếu không có kiến thức, bạn sẽ không hiểu vì sao mọi chuyện xảy đến với mình, bạn sẽ đổ lỗi cho hoàn cảnh và con người. Nếu không có trải nghiệm, bạn sẽ không có đủ năng lực cảm xúc, bạn sẽ hành động đầy bản năng, thiếu suy xét. Và nếu không có những con người đã hiện diện và đồng hành trong cuộc đời bạn, bạn sẽ chẳng có tấm gương nào để soi chiếu mà nhận ra bài học cuộc đời, cũng chẳng có sự ủng hộ, sẻ chia. Cứ như vậy, thiếu đi những viên gạch, con đường của bạn sẽ là một con đường đất bùn lầy lội, dần dần dẫn bạn đến đầm lầy tâm trí và kéo tuột bạn xuống. Cũng chẳng có một viên gạch đơn lẻ thần kì nào giúp bạn giải quyết được tất cả, bạn sẽ phải rất kiên nhẫn từ từ gom góp từng viên gạch một cho đến khi con đường phía trước quang đãng, rõ ràng hơn.
Vậy nên, mình mong rằng bạn và cả bản thân mình, sẽ luôn giữ vững niềm tin ở chính mình, mình mong chúng ta đủ dũng cảm để nói ra, đối diện, tìm kiếm sự giúp đỡ. Có như vậy chúng ta mới đủ sự bền bỉ, vững vàng để đi trên con đường rất dài của riêng mình.Hãy luôn nhớ một điều:
Chúng ta không đơn độc.
Bài viết này được viết vào một ngày tháng 4, 2020, 7 tháng trước thời điểm ý định tự tử lần thứ 3 của mình xuất hiện, hôm nay mình biên tập lại. Sau hai năm, câu chuyện thì cũ nhưng vấn đề về bệnh tâm lý và hành vi tự tử thì luôn nhức nhối. Bản thân mình cũng đã có thêm những nhận thức mới và kiến thức mới. Nếu bạn đã đủ kiên nhẫn đọc cho đến giờ phút này, mình mong được chia sẻ với bạn nhiều hơn ở:

BUỔI CHIA SẺ “MÌNH CHÁNH NIỆM CÙNG TRẦM CẢM!”

Thời gian: 9:00 - 11:00 / 9 Tháng 4, 2022 / Thứ 7

Hình thức: Online trên Google Meet

Đăng ký: https://www.hitvaothora.vn/events/minhchanhniemcungtramcam

NỘI DUNG BUỔI CHIA SẺ

‣ Hành trình 7 năm sống cùng Trầm Cảm của Ly Sei
‣ Những hiểu lầm ngay cả người Trầm Cảm & người thân đều có thể gặp phải
‣ Nhận Thức & Kiến Thức - Hai yếu tố quan trọng cho quá trình chữa lành
‣ Chánh Niệm / Mindfulness - Một trong những con đường chữa lành khả thi.
Mong bạn đủ đầy trong từng hơi thở.
Ly Sei ở Hít Vào Thở Ra.
Hình ảnh từ bộ phim Arrival (2016).
- If you could see your whole life from start to finish, would you change things? - Maybe I'd say what I felt more often.