Mình đã và đang đi qua trầm cảm ra sao nhờ 3 tháng làm Youtube
Và dù tác phẩm mình tạo nên có ít người nghe và đồng điệu, nhưng có đáng không? Có, cực kỳ đáng, đối với mình!
Hôm nay kênh Youtube Majita House của mình đạt tròn 100 người đăng ký sau 3 tháng quyết định sẽ làm podcast đều đặn hàng tuần. Một con số nhỏ nhoi nhưng khiến mình rất happy, vì đây thực sự là kênh Youtube đặc biệt nhất mà mình từng làm.
Mình lập Majita House vào 6 tháng trước. Lúc ấy, mình chưa hề có ý định sẽ làm Youtube một cách nghiêm túc. Đó là thời kỳ cơn trầm cảm của mình lên tới đỉnh điểm, vừa chia tay người yêu, đóng cửa Nhà chữa lành, hoàn toàn chới với, mất phương hướng với cuộc đời. Số Majita Podcast đầu tiên trên kênh, mình cũng kể rằng mình làm số podcast này là vì trầm cảm quá, cần phải làm, phải nói, phải kể ra để vượt qua cơn trầm cảm của bản thân.
Thời gian đó mình loanh quanh với cơn khủng hoảng tinh thần của chính mình, loanh quanh tìm phương hướng, loanh quanh tìm xem mình rốt cuộc là ai, mình muốn làm gì với cuộc đời mình. Mình nhìn lại suốt 30 năm cuộc đời đã qua, nhìn lại quãng đời đã nhảy hết từ công việc này tới công việc kia đều bỏ dở; đi từ mối quan hệ tình cảm này tới mối quan hệ khác mà vẫn đều thất bại. Và mình đặt ra câu hỏi: rốt cuộc đâu là thứ mình chưa từng từ bỏ, đâu là thứ luôn giữ cho mình sống sót qua bao cơn trầm cảm, thất bại ê hề? Để rồi, câu trả lời mình tìm ra được chính là: nghệ thuật.
Thế rồi từ cái manh mối “nghệ thuật” ấy, mình lại lao đao thêm vài tháng để tìm ra hướng đi phát triển con đường nghệ thuật cho bản thân. Nghệ thuật ư? Nghe chung chung quá vậy, rốt cuộc mày muốn thành nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, hay cái gì? Bao nhiêu nỗi sợ hãi bùng lên như muốn đánh úp mình, khi mình nhận ra mình thực sự muốn bước chân lên con đường trở thành một nghệ sĩ. Mình sẽ phải làm gì bây giờ? Mình nên đi học ai? Có nên đi học nghệ thuật ở trường lớp hay thầy nào đó hay không? Mình cứ từng bước từng bước đi qua những nỗi sợ ngăn trở mình thực sự học và chơi với nghệ thuật đó, cho tới một ngày mình quyết định sẽ làm Majita Podcast hằng tuần. Và mình quyết định sẽ biến kênh Majita House thành ngôi nhà nghệ thuật của em bé Majita, là ngôi trường tự học, cũng như là sân khấu để Majita thỏa sức sáng tạo.
Với xuất phát điểm là một phát thanh viên, và là một người có tự ti mặc cảm ngoại hình, mình vốn rất ngại đứng trước máy quay để thể hiện bản thân. Mặc dù, nhờ đợt làm MC podcast Người Trong Muôn Nghề của Spiderum, mình đã gỡ được rất nhiều sự tự ti, và biết được rằng: “không phải mình không thích đâu, mà là mình tự ti đấy.” Bởi vậy, đợt này khi làm Majita Podcast, mình đã bắt tay vào làm với thái độ cực kỳ bất chấp. Tất cả những gì chưa bao giờ làm, mình sẽ thử tất, miễn là thấy thích. Mình học makeup, mua một đống loại tóc giả, thử đủ kiểu tạo hình. Mình muốn xem rốt cuộc con bé Majita này có thể trông như thế nào, có thể hóa thân thành những ai đây?
Rồi mình học setup Home Studio. Những video đầu tiên được quay bằng chiếc webcam cũ, về sau được Đại ka Nhiếp ảnh gia Trương Đại Dương tư vấn nên chuyển sang quay bằng iphone 7. Được cái, Đại ka rất hiểu tình hình tài chính eo hẹp của tiểu đệ nên tư vấn giải pháp lúc nào cũng cực kỳ hiệu quả. Mình mua vài chiếc đèn chụp ảnh basic, bắt đầu học setup ánh sáng, học quay dựng video một cách đơn giản. Mình như rơi vào một bể những điều chưa biết, tất cả đều học từ đầu. Việc học thực sự vui, siêu vui! Và niềm vui được học những điều mới mỗi ngày thực sự đã kéo mình ra khỏi những nỗi đau buồn dành cho số phận.
Mục tiêu của mình là phải lên được podcast vào mỗi thứ Bảy hằng tuần, bất chấp có thấy không hoàn hảo đi chăng nữa. Mình biết, cái thói tự ti bên trong lúc nào cũng rình rập đòi xông lên vùi mình xuống, nó soi ra đủ loại lỗi, thì thầm bảo mình rằng: “mày chưa đủ trình, mày không làm được đâu”, để rồi nó sẽ vùi mình xuống cơn trầm cảm. Nên mình biết, mình phải tìm thắng nó. Mình lẩm nhẩm trong đầu câu nói mà mình rất thích trong cuốn The Artist's Way: “Việc của con là đảm bảo số lượng, chất lượng để Chúa lo.” Con đường nghệ thuật không phải là chuyện ngày một ngày hai. Ai biết được một tác phẩm mà mình tạo ra khi nào sẽ tới được độ chín đỉnh cao. Huống chi như thế nào gọi là hay? Có những thứ mình thấy hay chắc gì khán giả đã thấy hay, có những thứ khán giả thích, chắc gì mình thấy thích? Việc mình cần làm là vào ngày đó, giờ đó, mình sẽ ngồi xuống, làm và học, thử và sai. Cứ làm ra tác phẩm đi đã. Làm xong thì quên nó đi, rồi lại tiếp tục, làm và học, thử và sai, để tạo ra tác phẩm mới.
Nói ra thì đơn giản, nhưng thật sự, khoảng một tháng đầu, duy trì một số một tuần không phải là chuyện đơn giản với mình. Mình vẫn đang trong cơn trầm cảm, nên không phải cứ thích là làm và học được. Có những ngày cơn trầm cảm lên dữ dội, mình ốm nặng, khóc thảm thương. Có những ngày nhận ra những vấn đề to lớn của bản thân, mình suy sụp tinh thần, mệt nhừ, chỉ muốn buông xuôi. Nhưng rồi mình ngủ một giấc, tỉnh dậy, xốc tinh thần lên rồi ngồi vào máy quay, bấm máy và nói. Có những ngày cảm xúc dâng cao, mình chẳng viết kịch bản nữa, mình ngồi trước máy quay, vừa nói vừa khóc, kể lại tất cả những gì mình đã nhận ra từ cơn khủng hoảng của chính mình, như hai số này: Chẳng cần làm gì cả, về lại với mình thôi; hay Nhà của mình ở đâu?
Sau hai tháng, mình bắt đầu thấy sức mạnh của sự kỷ luật. Việc duy trì làm podcast hằng tuần không còn khó khăn nữa. Nguồn cảm hứng cũng đến thường trực, mình có thể lên ý tưởng rồi bấm máy quay podcast mà không nhất thiết cần phải viết kịch bản nữa. Có một cảm giác tuôn chảy tự nhiên đi ra từ sâu bên trong dường như đang dẫn lối cho mình, bởi những nội dung mình chọn nói hằng tuần luôn trực tiếp nói về những biến chuyển nội tâm trong chính mình, và mình hoàn toàn chẳng hề quan tâm xem thế giới ngoài kia đang làm Podcast hay Youtube kiểu gì. Có những khi trong lúc mình bấm máy quay, những mặt đối lập bên trong mình sẽ tranh nhau thể hiện quan điểm. Rồi tới khi xem và edit lại buổi ghi hình đó, mình như được đứng ngoài quan sát lại các mặt đối lập của chính mình, nhìn rõ ràng và thông suốt hơn. Mình để cái thói cả thèm chóng chán của Majita dẫn dắt, để mỗi số lại làm ra cái gì đó mới hơn. Trong quá trình làm Majita Podcast, ban đầu mình thử đệm đàn guitar trong lúc nói chuyện, rồi sau đó hát ngẫu hứng vu vơ, rồi từ lúc nào, tự nhiên mình sáng tác ra vài bài hát. Tới số tuần vừa rồi thì mình thử lên Vườn làm luôn một số nhạc thơ. Lần đầu tiên viết ra được hợp âm cho một bài hát, chẳng cần biết nó hay hay dở, mình chỉ thấy: ôi, kì diệu quá, kì diệu quá, sao lại làm được rồi, cảm giác y hệt nhân vật trong bài thơ “Trong thế giới lộn nhào” mà mình từng viết:
“Cả đời tôi tin rằng mình mù nhạc
Nào dám mở mồm, cất lên một tiếng ca
Chỉ tại vừa rồi, tôi tuyệt vọng quá mà
Mới ấm ớ vài câu ca khốn khổ."
Sang tháng thứ ba, bên cạnh làm Majita Podcast để lên sóng vào mỗi thứ Bảy, mình quyết định sẽ chuyển thể toàn bộ những bài thơ mình viết thành các video ngắn. Kênh Majita House không còn chỉ là mỗi tuần lên một video nữa, mà bắt đầu gần như lên video hằng ngày. Khi làm việc này, mình chợt nhận ra Majita House giờ gần như đã trở thành Full-time Job của mình. Mình như quay lại cái thời 8 năm trước, hồi mới làm biên tập-phát thanh viên cho công ty truyền thông đầu tiên. Ngày đó, mỗi ngày mình đều làm một số blog radio, còn cuối tuần thì lên một số radioshow giống hệt bây giờ. Thời gian ấy, mình đã tiến bộ cực kỳ nhiều trong công việc phát thanh viên, và giúp mình có đủ năng lực được trở thành MC cho Kênh Joy FM - 98.9 mHZ vào một năm sau đó. Đó cũng là một quãng thời gian mình cực kỳ tập trung vào bản thân, hoàn toàn chìm đắm trong niềm vui thu âm, mix nhạc, mình quên hết thế giới MC ngoài kia ra sao, quên hết những mặc cảm tự ti đối với vấn đề giọng nói của mình. Vì với mình lúc ấy, được trả tiền làm công việc mình thích đã là hạnh phúc rồi.
Thế mà bây giờ, giữa cơn trầm cảm, mình bỗng nhiên lại trở về với trạng thái hạnh phúc đó, khi chủ động làm kênh Podcast của riêng mình, nói những điều hoàn toàn từ nội tâm, và chấp nhận rằng có thể điều mình muốn nói, muốn thể hiện chỉ hợp với một số ít người đồng điệu, không phải thứ có thể lên xu hướng, hay được viral. Để rồi, mình chợt nhận ra, trời ơi, trước giờ đã có không biết bao nhiêu nỗi sợ đã tồn tại, ngăn cản mình trở về với bản thân, làm những thứ của riêng mình. Những nỗi sợ ấy đã đẩy mình ra bên ngoài, chạy theo sự công nhận trong đủ các loại công việc hay mối quan hệ tình cảm, thay vì dùng năng lượng ấy làm những việc thực sự đem lại niềm hạnh phúc nhỏ bé nhưng bền bỉ cho bản thân.
Và dù tác phẩm mình tạo nên có ít người nghe và đồng điệu, nhưng có đáng không?
Có, cực kỳ đáng, đối với mình!
Sau 3 tháng làm Youtube, mình có 100 người đăng ký trên kênh, và đã nhận được những lá thư dài tới 1000-2000 chữ của khán giả gửi về. Khán giả của mình, họ thậm chí có thể không bình luận trên kênh, nhưng khi viết thư cho mình, họ như trút cả cuộc đời họ vào trong đó, họ kết nối với mình trong từng nỗi cô đơn mình đi qua, từng nỗi đau mình có những mối quan hệ, với từng giấc mơ mà mình đang đi, họ kết nối với mình trong cả giấc mơ nghệ thuật mà chính họ cũng đang ấp ủ.
"Lắng nghe chị, là lần đầu tiên trong một thời gian rất dài em cảm thấy có một ai đó chạm được vào trái tim đầy vết thương của mình. Chị và những nỗi đau của chị, cũng như tình yêu của chị đã và đang băng bó cho một trái tim tan vỡ khác. Em thật sự rất biết ơn, rất đồng cảm, rất thương Majita. Chị cũng gợi nhắc em về người cũ của em, một cô gái có rất nhiều vấn đề về tâm lí, rất cảm xúc và phải chật vật với các cảm xúc của bản thân, cũng rất cực đoan, rất đen trắng. Em thương bạn ấy giống như cách em thương Majita, em muốn ôm lấy những linh hồn nhỏ bé yếu ớt nhưng dũng cảm và quật cường. Tất cả chúng ta đều xứng đáng với hạnh phúc và tình yêu. Cố lên nhé chị Majita. Em vẫn luôn ngóng chờ mọi số podcast của chị, để được nghe giọng nói dịu dàng của chị, nghe những cảm xúc chân thật của chị, và nhìn chị đang dần dần song hành với bản thân." - Trích đoạn một lá thư mình nhận được :*
Sau 3 tháng làm Youtube, mình đột nhiên có học sinh chịu học làm Kênh podcast cá nhân hâm hâm giống mình - một kênh podcast ít views nhưng tìm thấy bản thân và được là chính mình.
Sau 3 tháng làm Youtube, mình ngày một tới gần hơn với cái cảm giác mà mình từng ao ước có được trong bài thơ Bình dị mà mình viết từ cách đây rất lâu:
Những tháng ngày bình dị
Sáng dậy đón bình minh
Uống nước ở trong bình
Ăn bữa cơm dịu ngọt
Thở ra cùng chim hót
Hít vào cùng mây bay
Làm việc suốt một ngày
Xong xuôi thì đi ngủ
Hiện hữu thôi là đủ
Không mất cũng chẳng còn
Chẳng tha thiết vàng son
Chẳng kiếm người lui tới
Trong mình là thế giới
Suối ngọt lẫn bão giông
Đủ cả nắng ngày đông
Lẫn đêm dài sao sáng.
Yo Le. 15.04.2021
Những cơn trầm cảm vẫn còn đấy, những nỗi sợ vẫn có đấy, mình vẫn sểnh ra là khóc lóc, dằn dỗi, khổ sở, như trong khổ cuối của bài thơ. Nhưng giờ đây mình dường như đã mon men tìm ra con đường để chuyển hóa những nỗi đau bên trong, chứ thay vì chống lại cơn trầm cảm của chính mình như trong quá khứ.
Majita.12.4.2024
Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất