Hồi bé, chiếc bạn thân nhất của mình là chiếc radio. Bố mẹ mình rất coi trọng việc học nên không cho mình xem ti vi nhiều, bù lại mình được nghe đài cả ngày. Nghe trong lúc học bài, nghe trong lúc nghịch ngầm, nghe trong lúc làm việc nhà, nghe cả trong lúc ngủ. Mình nghe nhiều đến nỗi chỉ cần mở đài ra, nghe thấy một chương trình bất kỳ là mình biết lúc đó là mấy giờ. Những chương trình radio yêu thích nhất của mình hồi bé bao gồm Văn nghệ thiếu nhi, Kể chuyện cổ tích và hát ru cho bé, và Đọc truyện đêm khuya, QuicknSnow show trên VOV2. Những câu chuyện, những bài tản văn trên Đài đã nuôi lớn tình yêu với Văn học, với nghệ thuật, với những câu chuyện ở trong mình. Rồi từ lúc nào gieo trong mình cái mơ ước rằng ngày nào đó sẽ trở thành một phát thanh viên. Mình nhớ có lần trước khi đi ngủ mình nằm tưởng tượng bản thân được ngồi trong phòng thu, dẫn chương trình trực tiếp, trò chuyện trực tiếp với thính giả, chỉ có vậy mà mình sướng đến rơn người. 
Nhưng rốt cuộc vào thời điểm mấu chốt là chọn ngành nghề để thi Đại học mình đã không dám chọn trường Báo chí để theo đuổi ngành này. Năm mình học lớp 11, mình từng bày tỏ với bố mẹ rằng con muốn theo Báo chí nhưng bố mình thẳng thừng không đồng ý. Bố mẹ sợ con gái theo ngành này vất vả, thậm chí là gặp nguy hiểm, nhất là nếu theo đuổi những sự vụ điều tra, kiểu thế. Với lại, bố mẹ muốn mình học Ngân hàng - là ngành hot thời bấy giờ. Chính chị gái mình cũng học trường Ngân hàng, và nếu mình theo ngành này thì đã có chị mình giúp đỡ. Mình của những ngày 17, 18 tuổi đó, khi phải đứng trước tương lai của chính mình, đã hoàn toàn mông lung. Ngành học mình thích thì chưa tự tin theo, ngành mình không thích thì rộng cửa. Rốt cuộc, mình thi vào Học viện Ngân hàng thật. Đỗ. Ai cũng mừng…
* * *
Năm nhất Đại học, mình vào trường, học toàn những môn đại cương và bị cuốn vào cuộc sống sinh viên năm nhất, choáng ngợp với đủ loại Câu lạc bộ trong trường. Mình bị hút ngay vào Câu lạc bộ MC, vào đó một thời gian ngắn rồi rời khỏi. Sau đó mình bị hút vào trang radio online gần như lớn nhất trên internet thời bấy giờ là theoyeucau.com và xin được làm cộng tác viên. Giờ nhìn lại, mình rất biết ơn các anh chị ở Theo yêu cầu đã cho một đứa ất ơ, chẳng có chút năng khiếu nào về giọng nói này cơ hội được làm nghề. 
Mình nói như vậy là bởi suốt 4 năm sinh viên đeo đuổi công việc này, mình gặp đủ loại khó khăn. Mình quê ở Hải Hậu, Nam Định, giọng nói địa phương rất nặng, phát âm sai n-l, đã thế mình nói rất nhanh, thường nói líu lưỡi cả vào nhau. 4 năm sinh viên là 4 năm mình đi phỏng vấn đủ nơi tuyển MC đều trượt cả. Có lần mình đã được nhận làm MC đọc sách nói cho nhà sách rồi, mà thu sách được 1 tháng lại bị cho nghỉ. Có những lần mình thất vọng về bản thân đến bật khóc, mình bảo: 
“Thôi, bỏ đi, không làm nữa, mày không có khả năng làm công việc này đâu!” 
Sau đó dăm ba tháng, lại không chịu được, thèm cảm giác được viết kịch bản, được nói, lại lọ mọ viết kịch bản, thu âm, mix nhạc, làm chương trình mới trên trang Theo yêu cầu. Mình dẫn chương trình Kết Nối Yêu Thương để đọc thư yêu cầu của các bạn thính giả. Mình viết kịch bản và dẫn Chân dung âm nhạc, để kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của một nhạc sĩ, ca sĩ nào đấy. Có những lá thư cảm ơn của thính giả gửi về như sưởi ấm một ngày ảm đạm của mình. Có những câu chuyện được kể đã từng làm mình vô cùng hạnh phúc. Mình đã ở đó, đọc đủ loại cảm xúc từ vui đến buồn, từ nỗi cô đơn đến những mối tình lãng mạn. Công việc không có tiền nhưng mình đã nhận về rất nhiều niềm vui. Cũng ở nơi đây, mình đã có những người bạn cũng yêu viết lách, thích làm radio ở khắp mọi miền. Họ cũng như mình, cũng là những tâm hồn lãng mạn muốn được dành trọn thời sinh viên để làm những điều mình thích.
Rồi mình ra trường. Đã tới lúc phải tiến vào thị trường lao động rồi! Không còn có thể dựa vào chu cấp của gia đình để đeo đuổi những giấc mơ viển vông được nữa. Thời điểm đó, ngoài đeo đuổi cái ước mơ xa vời là trở thành một phát thanh viên, thì mình còn làm cộng tác viên dịch sách cho các nhà xuất bản, và cũng vừa xuất bản một cuốn sách đầu tay (mình sẽ kể về cuốn sách này trong số khác của Series Chuyện mơ này). Vì vậy, mình cho rằng có lẽ mình nên từ bỏ giấc mơ Phát thanh viên, và nộp đơn vào các Nhà xuất bản xem sao. (Riêng con đường Ngân hàng bị mình loại thẳng cẳng. Bốn năm học Ngân hàng đã đủ để khiến mình thấy rõ nhất định mình sẽ không đi vào đây, bằng mọi giá mình phải tìm được con đường khác không phải là nơi này.) Nào ngờ, thực tế phũ phàng hơn mình tưởng rất nhiều. Mình nộp đơn xin việc vào tất cả các nhà xuất bản đều bị từ chối. Và trong cơn hoang mang tột độ, mình lại tìm thấy một công ty truyền thông tuyển vị trí MC radio cho dịch vụ di động. 
Và mình chẳng trông mong hy vọng gì, cứ nộp bừa đi thì… lại đỗ. 
* * *
Thế là đột nhiên, mình đặt được một chân vào ngành, được trả tiền để làm công việc mình yêu thích. Một năm đi làm đó thật hạnh phúc. Mình được đọc đủ thứ: đọc tin tức, đọc blog tản văn, đọc dịch vụ quảng cáo,... Mình tự đề xuất làm một chương trình radio hàng tuần tên là Năm tháng cảm xúc. Mình tự làm đạo diễn chương trình, lên nội dung, đặt biên tập viên viết bài, chọn MC dẫn cùng. Chương trình ban đầu chỉ là đọc lại nội dung kịch bản, dần dần mình tự nâng độ khó để thoát ly kịch bản, và dần thành trò chuyện tự nhiên hơn. Mình yêu công việc đến nỗi có thể ngồi lỳ ở công ty tới 10h tối mới về, cả ngày mê mẩn mix nhạc. Rồi mối quan hệ trong công việc này lại dẫn mình tới công việc khác, mình nhận đọc truyện ngôn tình trên youtube. Công việc này vừa cho mình tiền đều đặn, vừa cho mình cơ hội luyện tập để đọc với số lượng lớn. 
Sau một năm không ngừng học và làm, học và làm, giọng nói của mình thay đổi trông thấy, mình bắt đầu kiểm soát được tốc độ nói tốt hơn, giọng đỡ địa phương hơn. Sự tiến bộ này khiến mình nhận ra, thực tế trong 4 năm sinh viên đó mình hầu như chỉ sống trong nỗi sợ thất bại, nỗi tự ti mặc cảm rằng mình không có đủ năng lực, mình không có giọng nói tốt, và những lần trượt phỏng vấn chỉ càng nhấn mình sâu hơn vào niềm tin đó. Những chương trình mình làm trên Theo Yêu Cầu thực tế cũng không đủ nhiều, không thấm là đâu so với một năm làm việc miệt mài này.
Và rồi chỉ sau một năm, như thể thời cơ đã chín muồi, mình đột ngột chuyển việc. 
Công việc mới chính là phát thanh viên của kênh JoyFM 98.9 mHz, Đài Hà Nội. 
Mình đến với công việc này cũng rất bất ngờ. Khi nhìn thấy tin tuyển dụng, như mọi lần thiếu tự tin, mình đã nộp với tâm thế chẳng hy vọng gì, thậm chí còn nghĩ người ta tuyển hai vị trí Biên tập viên và Phát thanh viên thì mình chắc mình vào vị trí Biên tập thôi chứ không phải Phát thanh viên đâu, vì mình luôn tự tin với khả năng viết của bản thân hơn là khả năng nói. Nhưng không, phòng tuyển dụng chuyển thẳng đơn của mình tới vị trí Phát thanh. Mình được hẹn gặp cô Ngọc Mai - giám đốc của Kênh. 
Cho tới tận bây giờ, ấn tượng của mình về cô luôn là hình ảnh của một người phụ nữ rất hiền từ và có đôi mắt ánh lên lòng yêu nghề. Cô phỏng vấn mình rất đơn giản, chỉ nói chuyện dăm ba câu. Mình chỉ nhớ được là mình nói với cô rằng cháu rất mê công việc này. Rồi cô cho mình đọc một đoạn tin tức ngắn, sau đó dẫn mình tới phòng thu, cho mình nói chuyện vài câu với một bạn MC đã ngồi sẵn trong đó, chắc đang chuẩn bị dẫn chương trình sắp tới. 
Ngày hôm sau, mình nhận được cuộc gọi thông báo mình đỗ rồi, nếu được thì đi làm luôn. Mình nghe điện mà tưởng đang mơ, run rẩy kêu từ đã không đi làm ngay thế được, và báo sẽ đi làm sau 2 tuần. Thời điểm đó cũng đúng lúc mình hết hạn hợp đồng 1 năm với công ty hiện tại, mình không gia hạn hợp đồng nữa và xin nghỉ việc. 
Một chương mới chính thức bắt đầu!
* * *
Kênh JoyFm là một kênh phát thanh chuyên biệt về sức khỏe với các chương trình đa phần là chương trình phát sóng trực tiếp. Mình đang từ MC quen dẫn trong studio, đọc sẵn kịch bản, và vừa mới chập chững học cách thoát ly kịch bản từ từ, đột ngột nhảy thẳng sang một môi trường hoàn toàn mới. Chẳng còn thì giờ để chuẩn bị tâm lý nữa, trong 2 tháng thử việc, mình vào việc, thử mọi vai trò: từ biên tập viên, phóng viên hiện trường, MC dẫn trực tiếp, dẫn tin tức, dẫn chương trình chính luận, dẫn chương trình giải trí. 
Mình làm có tốt không ư? 
Có và không. Hồi đó mình lên sóng với hai nghệ danh: Yo Le dẫn các chương trình âm nhạc và giải trí, và Lê Thủy dẫn các chương trình chính luận, tin tức thời sự và sức khỏe. Khi mình là Yo Le, mình cứ như cá gặp nước, mình lên sóng nói chuyện đầy hào hứng vui vẻ và tự do. Khi mình là Lê Thủy, mình áp lực, căng thẳng, đầy sợ hãi, mình bắt đầu nói nhầm, nói sai, thậm chí bao công luyện tập sửa giọng cũng tan thành mây khói. Bị áp lực, mình lại quay trở lại nói giọng địa phương. Bị áp lực, mình chỉ cần bước vào phòng thu chuẩn bị dẫn chương trình chính luận là lập tức bị đau dạ dày. Mình tệ đến độ từng có thính giả gửi thư về hòm thư của Đài hỏi xem sao lại cho một người mắc giọng địa phương như thế dẫn bản tin thời tiết trên đài quốc gia? Nhận được thư, cô Mai gọi mình ra, cho mình đọc thư rồi bảo:
“Cứ tập đi, mình sửa được mà!”
Cô chỉ nói một câu như thế mà mình mãi mãi không quên. Những ngày đầu tiên vào Đài ấy, mình vô cùng biết ơn vì đã được cô nâng đỡ, và khẳng định với mình một điều rằng: chỉ cần cố gắng thôi, mình có thể làm được. 
Nhưng rồi rốt cuộc sau 2 tháng thử việc, mình vẫn quyết định xin nghỉ việc. Mình không làm biên tập viên và phát thanh viên full-time nữa, mà thay vào đó, mình trở thành cộng tác viên của Đài, và chuyên hẳn mảng văn hóa - giải trí. Mình làm phóng viên cho Cuộc sống quanh ta, biên tập và đạo diễn các chương trình âm nhạc trực tiếp như Kết Nối Trẻ, Cánh cửa âm nhạc, Tuyệt phẩm Bolero. Cuộc sống của một phóng viên, phát thanh viên tự do như vậy phù hợp với con người của mình hơn. Mình vẫn được làm nghề, lại có nhiều thời gian để chăm chút cho từng chương trình mình làm hơn khi là phát thanh viên full-time. 
Mấy năm làm phóng viên, phát thanh viên tự do này, mình tiếp tục tiến bộ trông thấy. Mình cũng nhìn nhận ngày càng rõ hơn điểm mạnh và điểm yếu của mình trong nghề phát thanh này. Giọng nói cho tới tận bây giờ vẫn là điểm yếu của mình, với chất giọng mỏng và cột hơi yếu, dù mình đã cải thiện hơn trước đây rất nhiều. Nhưng điểm mạnh của mình là khả năng xây dựng nội dung. Và năng lực đó đơn giản đến từ một điểm mà mình đã luôn hướng tới từ những ngày đầu tiên yêu thích phát thanh, đó chính là sự Chân thật. 
Chân thật là chính mình đã khó. Huống chi lại còn là chân thật trước nhiều người, và trên sóng quốc gia. Có rất nhiều tiêu chuẩn ngầm đặt ra trong nghề, về những gì bạn có thể nói và không thể nói. Có những hình tượng khuôn mẫu về một MC thì phải thế nào. Thế nào mới là chân thật? Thú thực, cho tới tận bây giờ, mình vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ấy, để có thể ngày càng chân thật hơn. Nhưng mình của những ngày đầu vào nghề ấy, dù vẫn bị áp lên đủ loại khuôn mẫu và hình tượng, cũng đã cố gắng hết sức để thật nhất có thể. Đôi lúc trên sóng mình vẫn bị phiêu quá mức, đến nỗi bạn Đạo diễn chương trình có khi còn nói vọng vào tai nghe: “Ê, mày ăn nói kiểu gì thế hả?”, xong mình còn hề hề đáp lại: “Tao không điên thì thính giả không thích!” Mình biết thính giả thích MC chân thật và chân thành với họ. Và mình biết mình cũng thích bản thân chân thật và chân thành với chính mình. 
* * *
Những ngày dẫn chương trình trên Đài, mình thuộc cả tên các thính giả quen hay gọi điện lên sóng. Kênh JoyFm chuyên về sức khỏe, nên thính giả của kênh toàn người già, người bệnh, người khuyết tật, người cô đơn không. Giống như hồi làm chương trình ở Theo Yêu Cầu đọc thư của thính giả, thì khi ở Đài, mình lại trực tiếp nghe thính giả kể chuyện cuộc đời. Đã có những cặp đôi quen nhau, lấy nhau qua làn sóng, rồi… ly dị nhau. Đã có những người trở thành tri kỉ. Đã có những nỗi buồn được chia sẻ lúc nửa đêm. Đã có những khi mình mắng cả thính giả khi nghe con bé kể chuyện nó đánh nhau trong trường. Bây giờ khi nhớ lại những chuyện này, hồi ức cứ rần rần sống dậy trong mình. Mình nhớ cảm giác được thính giả yêu quý, có người gọi điện lên tổng đài chỉ để nói: Ôi sao Yo Le đáng yêu thế. Có thính giả từ phương xa tới Hà Nội cũng tới hẹn gặp tặng quà cho cả kênh. Mình hạnh phúc vì được nghe những câu chuyện và kết nối với mọi người.
* * *
Mình của bây giờ không còn dẫn chương trình trên Đài nữa. Không phải là không bao giờ dẫn trên Đài nữa, vì chuyện tương lai nào ai biết được. Nhưng mình chẳng hề có ước mơ trở thành một phát thanh viên nổi tiếng. Từ đầu tới cuối, điều giữ mình cứ trở đi trở lại với phát thanh, chính là niềm hạnh phúc được chia sẻ câu chuyện chân thật của bản thân và được lắng nghe câu chuyện của mọi người. Mình của bây giờ, thuận theo sự dẫn dắt của cuộc đời, học cách sống chậm lại trong ngôi nhà nhỏ tĩnh lặng của riêng mình. Mình đặt tên cho ngôi nhà đó là Majita house, rồi mình tự lập một kênh podcast cá nhân là Majita podcast để tiếp tục nuôi dưỡng niềm hạnh phúc bé nhỏ ấy.
Kênh podcast cá nhân mới lập để chia sẻ về cuộc sống và kết nối với những ai yêu nghệ thuật giống mình
Kênh podcast cá nhân mới lập để chia sẻ về cuộc sống và kết nối với những ai yêu nghệ thuật giống mình
* * *
Những ngày cuối năm này, biết bao kỉ niệm trong suốt 30 năm qua đã sống dậy trong mình. 30 năm qua đã có biết bao chuyện mơ đã thành hiện thực, và giấc mơ phát thanh viên này cũng là một trong số đó. 
Đó là một giấc mơ diệu kỳ của một đứa trẻ từng gục đầu trên bàn học và nghe các anh chị phát thanh viên trò chuyện trên Đài. 
Đó là một giấc mơ diệu kỳ của một kẻ chẳng có chút năng khiếu nào về giọng nói nhưng đã chạm tới vị trí của một phát thanh viên. 
Mình đã chạm tới giấc mơ đó nhờ bị ám ảnh với giấc mơ đến nỗi không thể nào từ bỏ. Mình đã chạm tới giấc mơ bằng từ sự Không từ bỏ, rồi tiếp nối nó bằng sự Chăm chỉ và sự Kỷ luật. Và giờ mình tiếp tục duy trì giấc mơ này nhờ niềm Hạnh phúc ban sơ mình có được mỗi khi làm nghề.
Cảm ơn bạn đã nghe câu chuyện đầu tiên trong series Chuyện mơ trên Majita podcast của mình. Nếu bạn có tâm sự, hay câu chuyện nào muốn chia sẻ với mình, hay muốn được lên sóng Majita podcast, hãy bình luận hoặc gửi email cho mình về địa chỉ [email protected] nhé!
Còn để lắng nghe số Majita podcast này, mời bạn click vào đây nhé:
Youtube:
Spotify:
Xin chào, mình là Majita - một tác giả, dịch giả, một podcaster tự do và là một đứa trẻ đang chơi đùa với đủ môn nghệ thuật trên đời.... * Và nếu bạn cũng có những tâm sự hay giấc mơ của riêng mình muốn được lên sóng Majita Podcast, hãy inbox trên fanpageFB Majita House hoặc gửi thư cho mình vào hòm thư [email protected] nhớ! * Nếu như podcast và các tác phẩm của mình khiến bạn cảm thấy ấm lòng, và có nhã ý nuôi tác giả, thì đâyyyy là số tài khoản của mình nhaaaaa. Mình là podcaster, rất mộng mơ, nhưng không hề chê tiền nhé, hihi: Tên tài khoản: Lê Thu Thủy Số tài khoản: 0080111063005 Ngân hàng MB – Chi nhánh: PGD Trần Thái Tông – Cầu Giấy – Hà Nội Cám ơn bạn rứt nhèo!!!