Gửi Milos,

Tôi tin là cậu đã quên mất nó rồi, nhưng có một câu chuyện cũ về Andre Agassi mà tôi muốn nhắc lại cho cậu. Khi cậu lớn lên, Andre không phải là tay vợt mà cậu yêu thích – cậu là một Sampras fanboy – nhưng vì một lí do nào đó, dạo gần đây tôi đã nghĩ về nó khá nhiều.

Đó là khi Agassi mới ở những năm đầu sự nghiệp vào cuối thập niên 80, khi anh ấy là một viên ngọc quý nhưng không phải là một siêu sao hàng đầu. Anh ấy vẫn đang tiến từng bước một – anh ấy vừa đạt được vị trí thứ 3 trên thế giới. Anh ấy vẫn đang còn quẩy tung sân đấu với mái tóc vàng, dù nó thực sự không liên quan đến ý chính ở đây.

Sau một trận đấu mà Andre vừa dành thắng lợi và đang bước ra khỏi sân, một phóng viên đã hỏi: “Cảm giác của anh thế nào khi là tay vợt đứng thứ 3 thế giới?”

“Tôi không thể chịu đựng được sự tầm thường này!” - Andre trả lời

Tầm thường

Đấy là cảm giác của anh ấy. Không phải dễ chịu. Không phải khoan khoái – ngay cả sau khi đã trải qua cả một thời trẻ trai được tung hô là Next Big Thing của làng banh nỉ.

Ảnh: The Players' Tribune

Không, không phải bất cứ điều gì trong số đó.

Andre là số 3 của thế giới. Và những gì anh ấy cảm nhận được là… sự tầm thường.

Andre là số 3 của thế giới – một phạm vi bao gồm cả những huyền thoại như Pete và Ivan Lendl.

Nhưng nó vẫn chưa đủ tốt. Thậm chí nó còn cách rất xa. Với một người có phẩm chất như Andre, đấy là số 1… và tất cả những người khác. Đấy là đỉnh cao, và ở phía sau là những người đang cố sức leo lên đó. Andre biết mục tiêu của mình và anh ấy biết bất cứ thứ hạng nào ở giữa nơi anh ấy đang đứng và nơi anh ấy muốn đứng – không quan trọng nó là số 2 hay số 202 – chỉ có như vậy. Ở khoảng giữa. Ở trung tâm. Tầm thường.

Điên rồ, phải không?

Và nó thậm chí còn không phải là điều điên rồ nhất.

Điều điên rồ nhất, đó là ở thời điểm này của cuộc đời, tôi có thể hoàn toàn liên hệ với những gì anh ấy đã trải qua.

Khi tôi viết cái này, tôi 26 tuổi, và tôi đang là số 4 thế giới. Nghe khá ổn đấy chứ?

Hãy tưởng tượng nếu tôi kể cho cậu – khi cậu mới 16 tuổi và tập luyện với một chiếc máy bắn bóng tại một CLB tennis công cộng ở Ontario – rằng cậu sẽ xếp hạng tư. Cậu hẳn sẽ sướng như lên tiên vậy. Số 4 – của thế giới?

Hơn 10 năm trước đây, tôi vẫn còn là một cậu nhóc dậy sớm trước khi đến trường để tập luyện tại 1 CLB ở Richmond Hill. Tôi đã ký xác nhận một lá thư để đến Virginia theo một học bổng tennis. Tôi đã gói ghém đồ đạc và đã sẵn sàng để xuất phát.

Nhưng sau đó… Tôi đã không đi. Cậu còn nhớ vì sao không?

Vì tôi muốn là một tay vợt thuộc top 50 thế giới!

Yep, đúng rồi đấy. Top 50. À xin lỗi – cậu đang mong đợi điều gì? Số 1 chăng? Có thể cậu đã quá già để nhớ ra nó, nhưng nó là sự thật. Cậu biết những bài viết cũ đăng trên Sports Illustrated, nơi mà những vận động viên hàng đầu sẽ nói: “Kể từ ngày tôi sinh ra, mục tiêu của tôi là trở thành người xuất sắc nhất thế giới!” – đại loại như thế. Yeah, được rồi, đó không phải là cậu. Này Milos, cậu chỉ là một cậu nhóc bình thường. Cậu chỉ là một cậu nhóc chơi tennis trường cấp 3 ở Canada – một quốc gia chưa từng có bất cứ tay vợt nam nào lọt vào trận chung kết Grand Slam trong lịch sử.

Nhưng sau đó cậu phát hiện ra, khi cậu 16 hay 17 tuổi, rằng tennis là một điều gì đó mà cậu có cơ hội để trở thành một kẻ khá ngon lành. Đủ ngon lành để lên chuyên nghiệp, phải nói thực như vậy. Và khi cậu vẽ ra nó… vẽ ra cái viễn cảnh cậu lên chuyên, khi vẫn còn là một cậu thiếu niên… vẽ ra một sự nghiệp trong mơ có thể xảy đến… vẽ ra một sự nghiệp đáng để từ bỏ cả Đại học Virginia… vậy là, cậu vẽ ra thứ hạng cao nhất mà cậu có thể nghĩ đến.

Top 50.

Nó không có nghĩa là cậu không có tham vọng. Ngược lại, cậu cực kỳ tham vọng – tham vọng lớn đến mức có thể khiến cậu từ bỏ một cơ hội ngon ăn ở một trong những trường đại học danh giá nhất đất Mỹ, tham vọng lớn đến mức có thể đặt cược mọi thứ vào bản thân khi lên chuyên.

Ảnh: The Players' Tribune

Top 50. Điều đó, với cậu, chàng Milos-16-tuổi, đã là một sự thỏa mãn.

Và bây giờ, cậu đang ở tuổi 26, và cậu đang là No.4 của thế giới này.

Và tôi nghĩ, nó dẫn đến một câu hỏi: “Milos… Cậu là ai?” Cậu có phải là một câu chuyện tuyệt vời về sự thành công không? Hay cậu là Andre Agassi khi miêu tả bản thân vào thời điểm anh ấy đang đứng ở một thứ hạng cao hơn cậu bây giờ đúng một bậc? Cậu có tầm thường?

Một câu trả lời ngắn gọn, dĩ nhiên, là một vấn đề về triển vọng – triển vọng đầy phấn khởi rằng cậu sẽ đạt được nhiều và nhiều hơn nữa sau mỗi năm trôi qua.

Một câu trả lời đầy đủ… Chờ đã Milos: Có phải cậu đã quá già để nhớ ra FOMO là gì không? Cậu biết đấy, “Fear of missing out” (Nỗi sợ vì đã bỏ sót điều gì đó)?

Tôi viết cái này cho cậu vào năm 2017, trong một cái xã hội bị ám ảnh vì FOMO. Check Instagram, lăn chuột qua những tấm hình của bạn bè ở Coachella vào những ngày cuối tuần khi cậu không thể có mặt cùng họ… dõi theo dòng chữ “Grand Slam Winner” bên cạnh tên của những đối thủ. Chúng ta tạo ra những ý niệm này về những gì xảy ra trong cuộc sống… ý niệm về những kinh nghiệm mà ta hay những người khác đã có. Và chúng ta bám vào những ý niệm này và để chúng chiếm lấy bản thân, ngay cả khi thực tại không cần thiết phải như vậy. Bất kì ai đã từng nhìn lướt qua một khoảnh khắc trong cuộc đời một người khác và nghĩ rằng “Điều đấy thật tuyệt”, đã phải chịu hội chứng FOMO. Và với những người ở tuổi 20 – chỉ cần suy nghĩ về việc họ muốn một cuộc sống như thế nào – chứng FOMO này có thể cực kỳ dai dẳng.

Tôi đang đứng trên một điểm cắt của sự nghiệp, mục tiêu ban đầu khi mới dấn thân vào tennis đã thỏa mãn, trong khi vẫn chưa có thành tích gì nổi bật để so sánh với những thần tượng của tôi… và tôi nhận thấy bản thân đang tạo ra hai viễn cảnh FOMO đi theo hai con đường khác biệt.

Đôi lúc tôi tự hỏi, trong khi tập trung vào mục tiêu của mình, phải chăng tôi đã để thế giới vượt qua? Hay việc đạt đến mục tiêu bằng động lực và sự kiên trì sẽ xứng đáng với những gì mà tôi đã hy sinh?

Nỗi sợ lớn nhất của tôi ở thời điểm này của cuộc đời là về cái khả năng một ngày nào đó, tôi nhìn lại và có cảm giác rằng tôi đã không nhận thức được tiềm năng thật sự khi còn thi đấu. Rằng tôi đã không trở thành số 1 thế giới. Rằng tôi không vô địch nhiều Grand Slam.

Rằng tôi đã bỏ lỡ.

Ảnh: The Players' Tribune

Cậu biết câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi đó, nhưng tôi thì không.

Không lâu trước đây, tôi là một cậu nhóc đã bỏ qua một cơ hội lớn để vào một trong những trường kinh tế lớn nhất Bắc Mỹ, chỉ vì một giấc mơ điên rồi, một giấc mơ Top 50.

Cứ mỗi lên leo thứ hạng, tôi lại học hỏi được thêm thứ gì đó mới mẻ.

Tôi đã học được rằng, khi tôi tập luyện, tôi phản ứng tốt hơn với sự cô lập và sự thiếu tiện nghi.

Cậu có nhớ hai quãng nghỉ ở Barcelona năm 2011 và 2012 khi cậu sống một mình trong một phòng ngủ rộng 250 ft2 (23m2) không? Khi ấy, cậu nhận ra bản thân không mong muốn bất cứ điều gì. Xung quanh cậu không có những tay vợt đồng nghiệp, không có huấn luyện viên, không có cả những thay đổi liên tục về thứ hạng. Chỉ có cậu và trò chơi của cậu mà thôi, và không có ai để trông chừng cả.

Câu yêu Barcelona, cho dù văn hóa tối muộn không phù hợp với lịch tập luyện chút nào. Cậu luôn là người mở hàng cho những quán ăn – mở cửa sớm nhất vào lúc 9 giờ - để dùng bữa tối. Cậu ăn một mình, và sau đó quay về nhà một mình, đúng vào lúc tất cả những người khác bắt đầu ra đường để thưởng ngoạn màn đêm.

Cậu đã học rất nhiều.

Khi cậu cố gắng trèo cao, cậu phụ thuộc vào những điểm mạnh của bản thân. Sức mạnh và cú giao bóng là “bread and butter” (bánh mì và bơ) của cậu. Cậu đi vòng quanh quả đất, tập luyện cùng những huấn luyện viên riêng biệt ở các học viện của họ. Cậu thuê John McEnroe để giúp cậu thi đấu tốt ở mặt sân cỏ Wimbledon, và điều đó đã giúp cậu đi đến trận chung kết ở All England Club 2016.

Và bây giờ cậu là số 4 thế giới.

Cậu đã đến rất gần, nhưng cảm giác nó vẫn còn rất xa – những nấc thang đã cao hơn, và những ánh đèn đã rực rỡ hơn. Và nó thực sự làm cho cậu thấy lo lắng hơn rất nhiều. Đột nhiên, con đường từ số 4 đến số 1 trở nên dài hơn bất cứ con đường nào cậu đã đi qua trước đây. Cậu gặp rắc rối trong việc tìm cách thư giãn mà không để nỗi sợ thất bại khuất phục mình. Cuối năm trước cậu đã thuê Richard Krajicek để cải thiện khả năng tấn công nhằm đánh bại những tay vợt xếp trên mình.

Nhiều năm sau, tôi mong cậu đã quên đi việc cậu đã dấn thân vào cuộc đua như thế nào – từ một người không được xếp hạng, đến một người đột phá top 50, và đến ngày hôm nay khi cậu là số 4 thế giới.

Kể cả khi cậu không bao giờ đạt đến ngôi số 1, tôi có niềm tin rằng cậu sẽ tiếp cận mọi thứ một cách tỉ mỉ như cách mà cậu đang làm ở thời điểm này. Không quan trọng việc cậu sẽ làm gì sau khi giã từ tennis, tôi mong cậu sẽ tìm ra một điều gì đó có thể kết nối đam mê và tinh thần thi đấu trong cậu. Có một lời trích dẫn của Steve Jobs – người mà gần đây tôi đã đọc về khá nhiều – mà tôi muốn cậu sẽ giữ bên mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời tôi”, ông ấy nói, “liệu tôi có muốn làm điều mà tôi dự định sẽ làm trong ngày hôm nay hay không? Và bất cứ khi nào câu trả lời là không xảy ra trong nhiều ngày liên tục, tôi biết tôi cần phải thay đổi một điều gì đó.”

Ảnh: The Players' Tribune

Cậu có nhớ cái cách mà cậu mơ về việc trở thành thực tập sinh trong mọi lĩnh vực công nghiệp sau khi giã từ tennis không? Tôi mong cậu sẽ khám phá điều đó. Tôi mong cậu sẽ quay trở lại trường học, để cố gắng thử và tinh lọc những suy nghĩ thầm kín bấy lâu nay – giá như chúng bớt hỗn độn hơn. Tôi mong cậu sẽ tiếp tục khám phá nhiều hơn nữa: Cậu lớn lên trong một ngôi nhà không có quá nhiều thứ về hội họa và âm nhạc, nhưng khoảng 18 tháng gần đây, hai lĩnh vực này đã thực sự truyền cảm hứng cho cậu khá nhiều. Dành thời gian với Jeff Elrod trong studio của anh ấy ở New York, nghe nhạc của Patty Smyth là hai trong số những điều tuyệt vời nhất mà cậu đã làm vào năm ngoái.

Tôi thừa nhận rằng nó làm tôi đau đớn mỗi lần nghĩ về việc tôi cảm thấy thế nào khi không hoàn thành được mục tiêu. Nhưng sự nghiệp tennis của tôi là thứ đã cho tôi công cụ để theo đuổi những tò mò thầm kín nhất mà không phải chịu nỗi sợ thất bại hay rắc rối về tiền tài. Đó thực sự là một điều may mắn.

Ngay bây giờ, cậu là số 4 thế giới. Tôi tự hỏi, khi cậu về già, điều đó sẽ làm cậu cảm thấy ra sao? Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra trong tương lai? Tôi tự hỏi liệu tôi có thể tiến thêm ba bước nữa để lên ngôi số 1 thế giới? Có quá nhiều thứ tôi không thể kiểm soát, và tôi nghĩ đấy là lí do vì sao tôi lại luôn quá tỉ mỉ trong những việc tôi có thể làm.

Tôi không biết được chuyện gì sẽ xảy đến tiếp theo. Tôi chỉ hi vọng rằng khi cậu đọc cái này, cậu có thể tự nhủ bản thân: “Tôi đã làm tất cả những gì mà mình cho là đúng, ít nhất là cho đến bây giờ!"

Nếu cậu có thể nói như vậy, chắc hẳn cậu sẽ cảm thấy hài lòng đấy Milos.

Nếu cậu làm điều đó – với tất cả sự kính trọng dành cho Andre – cuộc sống của cậu sẽ vượt rất xa hai chữ tầm thường.  

Kính thư,

Milos Raonic

Tháng 2 năm 2017


*Chuyển ngữ và chỉnh sửa từ bài viết gốc của Milos Raonic trên The Players' Tribune