Hôm qua, đang cắt móng chân thì thấy ngăn kéo có mấy miếng dán ủi quần áo, hình các con vật.
Và não mình, lại tự phim hóa cuộc đời bản thân, tua vội về 2-3 năm trước, viễn cảnh mùa đông Hà Nội cũng lạnh.

Trong tập phim đấy, nữ chính là mình, học trường đại học nổi tiếng nhiều hoa hậu, gu ăn mặc không ai thương nổi.
Mẹ mình hay kêu: Tao không hiểu sao mày lại là con tao được. (tại mẹ ngày thường thì không nói chứ có tiệc tùng thì cũng điệu ra trò)
D ở trường còn bảo: Na ơi mày đã thiêu rụi tuổi trẻ trong cái xì tai này rồi, còn 1 năm đại học nữa thôi, thay đổi ngay đii
Trong bối cảnh như thế, bà nội vẫn ủng hộ nhiệt tình. Đơn giản vì bà là tác giả của số quần áo đó.
 ---
Hồi đó, bà ở Đại La, ngay đằng sau là chợ Đồng Tâm. Ở đó, bà có thói quen/ sở thích tìm, bới, xem, mua đồ ở các chỗ se-cừn-hen đổ đống ngoài chợ.
Mỗi khi mua được cái gì về, bà sẽ tấm tắc khen, kiểu đắc chí lắm. Bà sẽ nói là: “Ôi, bà mới mua được cái áo này đẹp lắm, để bà lấy cho xem có mặc vừa không nhé!”, hay là “Ôi đẹp, mày mang về đi”. Nếu mẹ mình chê già thì bà sẽ bảo “Già gì, đẹp, ấm là được”.
Trong các cháu, có cháu này dễ tính, bà “tha” gì về cháu cũng sẵn sàng tiêu thụ luôn. Mình như điểm đảm bảo đầu ra của sản phẩm vậy. Cầu có thì Cung sẽ không ngừng. Vậy là bà có động lực để mang về nhiều và nhiều hơn=)
Có câu “danh ngôn” rằng: The way you do one thing is the way you do everything (Nôm na nghĩa là việc mày làm một việc nói lên cách mày làm những việc khác).
Nom cũng đúng.
Thói quen mặc đồ bà mua, chẳng phải bởi trông đẹp hay xì-tai gì, nếu không nói là già, đơn giản vì nó khiến mình cảm thấy bản thân là một đứa trẻ hạnh phúc.
Cậu phải tưởng tượng mặt bà mình mỗi lần mua một cái gì cho các cháu, bà sẽ chẳng giấu sự “tự hào” về “thành quả” của bà đâu, cũng chẳng giấu việc bà mong mỏi mấy đứa cháu tới thử và mặc vừa.
Có lần mình nghe Phật giảng, mỗi người đều có con mắt thứ 3 ở giữa hai lông mày. Chúng ta đều khó thả lỏng phần trán đó, luôn cảm thấy phần đó căng hay cau lại. Hình như, đó là do con người có quá nhiều “vướng bận”.
Xem cái đĩa Phật giảng của mẹ, thầy bảo những người tu luyện sẽ thả lỏng được phần đó. Cái gì mà, khi vợt được hết những đám mây, tâm mình sẽ sáng như bầu trời xanh (hình ảnh so sánh này hay nên mình nhớ). Những người đó sẽ có vầng hào quang tỏa ra, chẳng cần ăn vận, phấn son chắp vá, họ hiện lên rất đẹp. Mình thấy bà là điển hình của cái hào quang đó.
Theo thời gian, mình phải tự mua quần áo. Nói chung là làm người lớn cũng mệt, quần áo phải vừa vặn, dáng diếc phải abcdxy. Đi lựa quần áo, với mình, rất là mệt và tốn năng lượng. Như kiểu sống cảm xúc quen rồi giờ phải làm quen anh lý trí ấy=) Mình đang có xu hướng tìm đồ thật đơn giản để khỏi phải để ý nhiều về hình dạng của nó, hay hình dạng của mình trong nó. Thoải mái như cách mình vận đồ của bà, chẳng buồn ngắm gương mà vẫn vui.
À, về mấy miếng ủi quần áo. Có lần mình cho áo bà mua vào máy giặt đầy quá, một cái bị bung vải. Hôm sau, bà ra chợ mua bộ vá quần áo này về, chọn hình tàu hỏa màu vàng máy vào chỗ bung. Tập còn lại bà cất trong tủ gần trạm bếp nhà bà. Không hiểu sao, hôm nay nó nằm ở tủ ngăn kéo của mẹ. Mùa đông năm 3, mình vẫn còn tung tẩy mặc cái áo đấy đến trường …
p/s: thỉnh thoảng, lúc mình đạp xe lên: “Bà mới nhắc sao dạo này cô Na, cô Chi không lên thăm bà”.
Thường thì bà sẽ nói câu đó khi đang nằm võng, chân đung đưa đẩy.
---
🌿Lại là blog của mình: https://nalinhblog.wordpress.com/