Bạn đã bao giờ có suy nghĩ quay ngược thời gian để trở về quá khứ chưa? Nếu có một chuyến xe du hành về quá khứ, bạn sẽ muốn quay về khoảng thời gian nào và người bạn muốn gặp nhất là ai? Trở về thời điểm đặc biệt ấy, bạn sẽ tiếp tục ở lại nó chứ? 
Ra mắt vào năm 2011, Midnight in Paris là tác phẩm điện ảnh thứ 41 của đạo diễn Woody Allen. Phim đưa người xem đến với kinh đô ánh sáng đầy hoa lệ Paris- nơi những giấc mộng phù hoa trở thành hiện thực, để đắm chìm vào quá khứ huy hoàng của nghệ thuật thời kì vàng son. Qua đó, nó giúp người xem có những chiêm nghiệm tuyệt vời về tình yêu, nghệ thuật và cuộc sống.
Với cốt truyện đơn giản cùng những thước phim đẹp mê đắm, bộ phim đã nhanh chóng giành giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất năm 2012 và mang về cho vị đạo diễn người Mỹ tượng vàng thứ 4 trong sự nghiệp. 
Gil và Adriana cùng phân cảnh đi bộ đầy lãng mạn.
Gil và Adriana cùng phân cảnh đi bộ đầy lãng mạn.
Midnight in Paris xoay quanh nhân vật chính Gil- một nhà văn theo chủ nghĩa lãng mạn.  Trong chuyến du lịch tại Paris cùng người vợ sắp cưới của mình là Inez, hai người đã xảy ra nhiều mâu thuẫn khiến cho Gil cảm nhận được sự xa cách và trống rỗng trong chính cuộc hôn nhân của mình. Tuy nhiên, chuyến du lịch này lại mang đến cho anh món quà đặc biệt, bằng một cách thần kỳ, Gil có thể quay trở về quá khứ tại thời điểm nước Pháp của những năm đầu thế kỷ 20 mỗi khi anh bước lên chuyến xe vào lúc nửa đêm.

Paris mộng mơ dưới con mắt của Woody Allen.

Nhắc đến Woody Allen- người ta liền nghĩ ngay đến vị đạo diễn từng làm nên những tác phẩm đậm chất thơ của Hollywood như Annie Hall, Manhattan...hay gần đây nhất là A rainy day in New York. Những tác phẩm điện ảnh của ông đều mang một nét đẹp lãng mạn rất riêng tạo cho người xem cảm giác được tận hưởng, thỏa mãn và hòa mình vào câu chuyện.
Điểm đặc biệt dễ nhận thấy trong những tác phẩm của Woody là phần hình ảnh được trau chuốt đầy thơ mộng với cốt truyện vô cùng đơn giản, tập trung đa phần vào thoại của các nhân vật nhằm truyền đạt tinh thần đến người xem. Ở Midnight in Paris, phong cách làm phim của ông một lần nữa lại được bộc lộ rất rõ.
Giống với các tác phẩm trước, Woody thường chọn những thành phố đẹp như: Manhattan, Barcelona, New York hay Rome... làm nền để tạo nên một câu chuyện lãng mạn đậm chất thơ. Đến với tác phẩm này, ông cũng chọn một thành phố như vậy, đó là Paris- thành phố được mệnh danh là kinh đô ánh sáng,  là nàng thơ của các nàng thơ Âu Châu.
Chia sẻ về ý tưởng lên kịch bản cho Midnight in Paris, đạo diễn Woody Allen cũng từng có 8 tháng sống ở Paris trong quá trình dựng bộ phim What’s New Pussycat đầu tay. Woody yêu Paris, nhưng sau khi hoàn thành tác phẩm, ông không đủ can đảm để ở lại. Quyết định rời xa Paris khiến ông nhiều lần hối tiếc để rồi khi có cơ hội làm một bộ phim về kinh đô ánh sáng của thế giới, Woody Allen gật đầu ngay. Và chúng ta có thể thấy bóng dáng của ông trong chính nhân vật của mình với sự hoài niệm, hối tiếc, với tình yêu dành cho một thành phố đầy nghệ thuật để rồi cho ra một tác phẩm với giấc mộng quay ngược thời gian về lại khoảnh khắc đẹp nhất mình từng có.
“Các thành phố cũng có giới tính: London là đàn ông, Paris là đàn bà và New York là một gã chuyển giới dễ thích nghi….” Đó là lời nhận xét của nữ tiểu thuyết gia người Anh Angela Carter khi nói về các thành phố. Và nếu ví Paris là một ả đàn bà quyến rũ thì Woody Allen thực sự là một chàng trai may mắn khi khám phá ra vẻ đẹp ấy rồi phác hoạ nó bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh thần kì qua Midnight in Paris.
Phim mở đầu bằng đoạn intro dài gần 4 phút chỉ ghi lại những địa danh đặc trưng của kinh đô ánh sáng dưới nền nhạc Jazz du dương Si Tu Vois Ma Mère” của Sidney Bechet, Paris từ đó dần hiện lên trước mắt người xem từ tháp Eiffel, cung điện Tuileries, đại lộ Champs–Élysées, Moulin Rouge với cối xay gió đỏ hay bên dòng sông Senise mộng mơ… tất cả đều được đặt dưới góc máy tĩnh giúp người xem đắm chìm vào vạn vật, vào nét đẹp cổ kính nhưng hết sức quyến rũ của nàng thơ này.
Paris dưới những thước phim của Woody Allen đẹp đến nao lòng.
Paris dưới những thước phim của Woody Allen đẹp đến nao lòng.
Sẽ chẳng thể phủ nhận, Woody Allen đã yêu say đắm “nàng ta” để rồi sắm cho “nàng” một vai diễn trong chính câu chuyện của mình. Paris trong phim đẹp đến nao lòng với thứ hào quang vàng óng toả ra từ mỗi phân cảnh. Những ánh đèn dưới phố, kiến trúc của những ngôi nhà cổ kính dưới ánh nắng ban mai hay dòng sông Senise khi hoàng hôn buông xuống...vị đạo diễn người Mỹ đã giúp người xem khám phá ra những vẻ đẹp bí ẩn của Paris- vẻ đẹp của sự giao thoa giữa nét cổ điển và hiện đại, của một thành phố xa hoa bậc nhất thế giới nhưng cũng mang trong mình những dấu mốc vàng son của các thời đại trước.
Cộng hưởng với phong cảnh trữ tình của thành phố ngàn sao là nét chấm phá đặc biệt của những bản Jazz đầy khiêu gợi khiến cho Paris lúc nửa đêm lại càng thêm đặc biệt với khán giả. Dưới con mắt của Woody Allen, “người đàn bà của Âu Châu” chưa bao giờ thơ mộng và tuyệt vời đến như thế.

Giấc mộng phù du ngược về quá khứ.

Cũng như đạo diễn Woody, nhân vật chính của phim- Gil luôn xao xuyến bởi vẻ đẹp nồng nàn của Paris, anh yêu Paris bằng thứ tình yêu không điều kiện của một kẻ ngu ngơ mới vấp vào lưới tình lần đầu. Gil thích đi bộ dưới mưa và hoài niệm về Paris cách đây tròn một thế kỷ. Anh thích nhạc Jazz, thích những đại văn hào nổi tiếng và kiến trúc cổ điển của Paris. Ở Gil- ta thấy được con người của quá khứ, khao khát nắm bắt những điều đã qua đến nỗi chính bản thân anh đã tự thốt lên rằng, anh đã sinh ra quá muộn để tận hưởng những thứ đáng ra nên được tận hưởng.
Có lẽ, chính vì vậy, khi đến thăm Paris, thành phố này đã ban cho anh một món quà, vào mỗi đêm khi đồng hồ điểm 12 tiếng, nhảy lên chiếc xe Peugeot cũ kỹ, anh đã quay ngược thời gian trở về những năm 1920 - về thời kì hoàng kim của kỉ nguyên nhạc Jazz và của cả những thiên tài nghệ thuật đương thời. Ở đây, Gil được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với đại thi hào người Mỹ Ernest Hemingway, nữ văn sĩ Gertrude Stein, họa sĩ Pablo Picasso, nhà soạn nhạc Cole Porter hay vợ chồng Scott và Zelda Fitzgerald… Tất cả họ đều tề tựu ở Paris- cái nôi chung của nền nghệ thuật đương đại để cùng “ say” trong bữa tiệc tuyệt vời vào mùa hè ấy.
Có thể nói, Woody Allen đã rất khôn khéo trong việc kể câu chuyện song hành giữa một Paris thực tế hiện đại vào ban ngày và một Paris cổ kính đậm chất nghệ thuật về đêm qua chuyến du hành ngược về quá khứ của nhân vật Gil. Ernest Hemingway, Gertrude Stein, Pablo Picasso, Cole Porter hay Scott và Zelda Fitzgerald...đều là những cái tên không còn xa lạ với những người yêu nghệ thuật. Họ đóng góp cho nền văn hoá nhân loại những tuyệt tác vượt thời gian, để con người thời nay và cả những đời sau nữa cùng khám phá, cùng thưởng thức và chiêm nghiệm. Trong Midnight in Paris, họ đại diện cho “một thời kì hoàng kim” đã qua, cho những ảo mộng mà Gil muốn nắm bắt, nhưng trên tất cả, họ chính là quá khứ tốt đẹp, là điểm nhìn mà Gil muốn hướng tới, động lực giúp anh phát triển tốt hơn trong tương lai sau quá trình gặp gỡ. Đó cũng chính là lý do anh khao khát chờ đến chuyến xe lúc nửa đêm để được trò chuyện cùng họ.
Cũng giống các tác phẩm trước của Woody Allen, Midnight in Paris tập trung chủ yếu vào những đoạn hội thoại dài nhưng đầy thông minh và cuốn hút của các nhân vật. Tại đây, Gil đã bày tỏ tất cả những suy nghĩ của mình về Paris qua lời kể. Trong từng câu thoại, sự si mê và tình cảm của anh đều được thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ đầy thích thú và bất ngờ. Gil không thể nhận ra điều gì đang xảy ra với mình và điều gì sắp xảy đến, anh chỉ biết mình đang thực sự sống trong giấc mơ lớn nhất cuộc đời. Một giấc mơ đẹp Gil ước nó sẽ tồn tại mãi mãi …

Thông điệp nhân văn về tình yêu, nghệ thuật và cuộc sống.

Không chỉ đơn giản là một câu chuyện ngược dòng thời gian trở về quá khứ hay tô điểm một bộ phim về Paris đầy lãng mạn, đạo diễn Woody Allen thông qua Midnight in Paris còn truyền tải những thông điệp vô cùng nhân văn về tình yêu, về nghệ thuật và những chân lý cuộc sống đầy chiêm nghiệm: 
" Nghệ thuật chân chính cần được cảm nhận bằng con tim."
Ở Midnight in Paris có một trường đoạn đáng nhớ. Đó là khi Paul- bạn của Inez, một giáo sư thoạt đầu nhìn có vẻ uyên bác và am hiểu,  không ngừng giải thích và khoe mẽ những kiến thức trong sách vở của anh ta về nghệ thuật, kiến trúc hay những tác phẩm của Picasso. Hành động này xảy ra một cách vô cùng sáo rỗng, nhằm đánh bóng cho vẻ ngoài cá nhân như một vỏ bọc giả dạng trí thức đối với những người không biết gì.
Trong khi đó, Gil được trực tiếp gặp chính tác giả của tác phẩm, anh cảm nhận nghệ thuật bằng cả con tim và tôn trọng giá trị thực của chúng. Anh yêu chúng bởi chúng là những “ bước chuyển mình" của thời đại chứ không vì yêu để tỏ ra khoe mẽ với thiên hạ.
Sự đối lập được lồng ghép đó cũng chính là một trong những thông điệp mà Woody muốn truyền tải ở Midnight in Paris, rằng nghệ thuật chân chính cần được cảm nhận bằng con tim, bằng xúc cảm chân thành chứ không phải phân tích, phân loại, mổ xẻ chúng như một thứ đồ vật theo hình thức, để sau đó nhắc lại giống một con vẹt sáo rỗng nhằm đánh bóng bản thân. Yêu là phải cảm nhận, biết bày tỏ cảm xúc và trân trọng chúng với đúng giá trị chúng hiện có.
" Những điều đã qua bao giờ cũng đáng quý."
Chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng từng mơ về “ thời hoàng kim" của chính mình và mong muốn được sinh ra, lớn lên rồi sống mãi trong thời kỳ đó. Đối với Gil, anh thích Paris những năm 1920 với những bản Jazz đầy da diết, với nghệ thuật thực sự tồn tại, và với anh đó là thời kì hoàng kim mà anh muốn sống nhất.
Đặc biệt, khi nhìn vào cách thể hiện của thế hệ cũ, của những văn nghệ sĩ ở những năm 1920 Gil gặp gỡ, ta cũng phần nào thấy được lối sống cao đẹp của họ. Hemingway thẳng thắn cho rằng, các nhà văn là đối thủ của nhau, nhưng họ đều là những người có lòng tự trọng và danh dự. Trong sáng tác, có thể họ cạnh tranh gay gắt, nhưng đồng thời cũng là những người bạn tốt, góp ý giúp nhau để cùng phát triển. Trên phương diện tình cảm cũng vậy, Adriana là cô gái mà cả Hemingway và Picasso đều mong muốn có được. Nhưng thay vì bôi nhọ và thù hằn đối phương, họ lại chọn cách bày tỏ tình cảm của mình theo một cách riêng để chính Adriana cảm nhận chứ không trói buộc cô bằng những câu nói sáo rỗng về tình yêu. Tất cả đều cho thấy lối sống đứng đắn cao đẹp với tinh thần lạc quan và sự niềm nở, hết mình vì ý nghĩa cuộc sống của thế hệ cũ.
Và phải chăng, chính sự tinh tế trong việc đối nhân xử thế ở họ mà Gil có cảm giác “ được kết nối” để mong muốn quay trở về? Bởi lẽ, với lối sống vội vã của thực tại, với sự bon chen, chà đạp lên nhau, Gil nhận ra anh hoàn toàn lạc lõng.
Thời gian cứ luân chuyển không ngừng và ở mỗi thời kỳ, con người ta vẫn luôn nhìn về quá khứ. Chúng ta tiếc nuối những điều đã qua, thường chê trách thực tại bởi hoài niệm quá khứ, rằng cuộc sống hiện tại quá nhiều áp lực và nhàm chán, những thứ tồn tại xung quanh đều không làm ta hứng thú bằng những giá trị trải nghiệm của lịch sử. Ấy vậy nhưng, con người ở thời đại nào cũng tìm đến hoài cổ để tưởng tượng, thoát khỏi hiện thực buồn chán rồi chính hiện thực lại kéo ta trở về.
Khi cùng nàng thơ Adriana du hành về những năm 20 của thế kỷ 19, Gil mới nhận ra một điều, mỗi người đều có những “ thời đại hoàng kim" của riêng mình, và chẳng ai giống ai cả. Nếu anh ở thế kỉ 20 và muốn sống ở thế kỉ 19, thì Adriana sống ở thế kỷ 19 lại luôn mơ về cuộc sống ở thế kỉ 18, những nghệ sĩ họ gặp ở thế kỷ 18 lại thực sự muốn quay trở về thời kì Phục Hưng.
Suy cho cùng, con người ở thời nào cũng mang trong mình sự chối bỏ thực tại. Chúng ta chối bỏ khi không tìm thấy hạnh phúc trong nó, hoặc đơn giản ta muốn nhiều điều hơn. Đôi khi, nó còn là cảm giác hụt hẫng khi không biết bản thân mình là ai và loay hoay trong việc tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Chuyến xe đưa Gil quay về với quá khứ dạy anh nhiều điều và cũng dạy cho người xem những bài học vô cùng đắt giá. Đó là hãy sống đúng với bản thân của mình và tìm ra hạnh phúc ở những nơi ta vốn thuộc về. 
Gil ngay sau đó đã chọn quay trở về thực tại, anh không ở lại những năm 1920, nhưng anh chọn Paris- vì đó là nơi anh thuộc về. Sự lựa chọn của Gil đã cho thấy tinh thần đối diện với hiện thực của anh, anh không còn tìm cách chối bỏ nó nữa. Anh chấp nhận sự thật để tìm ra hạnh phúc trong đó, giống như Hemingway hoặc Fitzgerald đã làm trong thời đại của họ. Và đó cũng chính là cách những nhà văn đã soi sáng cho chúng ta: tìm thấy hạnh phúc ở quanh mình.
Một trong những phân cảnh đặc biệt ấn tượng của phim, khi Gil và  Inez cãi nhau, Inez đã cho rằng Gil bị điên vì những nhà văn Gil nhắc đến đều đã chết, trong khi anh nghĩ họ vẫn sống. Có thể Inez đúng khi cho rằng Hemingway, Picasso, Fitzgerald… tất cả họ đã chết - nhưng nó chỉ diễn ra ở mặt sinh học, bởi sự thật họ vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Tinh thần, tâm hồn của họ thông qua những tác phẩm vẫn luôn sống mãi trong lòng những người yêu nghệ thuật. Ta cũng chẳng thể phủ nhận, những điều đã qua bao giờ cũng đáng quý.
" Trái tim luôn cần đến một tâm hồn đồng điệu. "
Bên cạnh những chiêm nghiệm thời đại, Midnight in Paris còn mang đến cho người xem cảm xúc tuyệt vời cùng những thông điệp đặc biệt về tình yêu.
Gil và Inez là đôi vợ chồng chưa cưới. Gil thích đi bộ dưới mưa, anh cho nó là một nét đẹp lãng mạn, anh khao khát muốn đến những nơi mà các nhà văn và các nghệ sĩ vĩ đại ngày xưa từng đến để tận hưởng không khí nghệ thuật đem lại. Trong khi đó, vợ của anh- Inez lại hoàn toàn ngược lại. Cô là một người sống thực tế, cho rằng đi dạo dưới mưa là một trò hề và thật ướt át. Cô theo đuổi chủ nghĩa thành công và mê mẩn đời sống tiện nghi. Đó là lý do cô luôn dành ánh mắt ngưỡng mộ cho Paul và cũng chính là lý do dù Gil và Inez cùng trình độ văn hoá, cùng hiểu biết về nghệ thuật nhưng họ lại không thể đồng điệu với nhau về mặt tâm hồn.
Ban đầu Gil cho rằng nó chỉ là những chi tiết nhỏ không quan trọng giữa mối quan hệ với Inez cho đến khi anh thực sự gặp Adriana và đặc biệt là Gabrielle - cô gái đồng điệu với tâm hồn của mình. Nếu Adriana là quá khứ mà anh khao khát có được trong những năm 1920, Inez là thực trạng anh cần nhìn nhận ở hiện tại để có những quyết định đúng thì Gabrielle lại chính là tương lai tươi sáng của anh. Gabrielle cũng giống Gil, thích đi bộ dưới trời mưa, yêu Paris và không bận tâm đến việc bị ướt. Cô hoàn toàn phù hợp với mảnh ghép còn lại mà Gil đang tìm kiếm, đó cũng chính là lý do giúp anh thêm vững tin vào quyết định của chính mình.
Gabrielle chính là cô gái dành cho Gil.
Gabrielle chính là cô gái dành cho Gil.
“Thật ra, Paris đẹp nhất là vào lúc trời mưa”
“Cô nghĩ vậy sao? Tôi cũng nói thế suốt”.
Tình yêu đơn giản là khi ta tìm được người giống mình. Đôi khi, hai trái tim đến với nhau thôi là chưa đủ, chúng ta còn cần một tâm hồn đồng điệu để có thể chia sẻ, lắng nghe, cùng cảm nhận những xúc cảm tuyệt vời của tình yêu nữa. Có thể bạn là người hết sức mơ mộng với những ý tưởng điên rồ hay là kẻ thực tế với những khao khát vật chất… dù là bất kỳ ai, chỉ cần một tâm hồn đồng điệu, tất cả những ước muốn của bạn đều có thể trở thành hiện thực.
Cuối cùng, khi ở lại thành phố mình yêu và tìm được mảnh ghép phù hợp, Gil đã không còn phải tìm về quá khứ, chối bỏ thực tại nữa, anh làm đầy tâm hồn bản thân với chính hạnh phúc quanh mình. 
Midnight in Paris cũng có thể được xem là hành trình Gil tìm kiếm chính bản thân. Ban đầu anh ko thỏa mãn với thực tại để rồi sinh ra tâm lý chối bỏ. Và đó là lý do  anh thường hoài cổ - đi tìm những điều cũ kỹ - để rồi chính quá khứ đã dạy anh rằng chạy trốn không phải là cách để ta tồn tại, ta phải đối diện với hiện thực và tìm kiếm bản ngã của mình, chỉ khi đó ta mới là chính mình và hạnh phúc dù đang ở bất cứ thời điểm nào trong đời .
Có những giấc mộng khiến ta chỉ muốn đắm chìm trong nó và có cả những giấc mộng khi thức dậy ta sẽ vỡ lẽ ra nhiều điều, nhưng dù là giấc mộng nào thì chúng cũng đều cho ta những cảm xúc vô cùng tuyệt vời. 
Trong giấc mộng Midnight in Paris được tạo nên từ Woody Allen, chúng ta đã được thăm thú kinh đô ánh sáng đầy thơ mộng Paris, hoà mình vào thời đại của nghệ thuật thời kì vàng son để rồi đến khi tỉnh giấc vẫn còn cảm thấy bồi hồi, xao xuyến với những gì đã trải qua. Vậy nên, nếu có một lần đến Paris, bạn đừng ngại biến giấc mơ của Woody Allen thành hiện thực, hãy đi dạo dưới mưa và ngắm nhìn thành phố ánh sáng này theo cách của bạn, bạn nhé.