Thống kê cho thấy, trước khi bước sang tuổi 21, một người Mỹ dành hơn 10.000 giờ để chơi trò chơi điện tử - tức là nhiều hơn gấp 3 lần so với thời gian họ dành để đọc sách.
Không đơn giản chỉ là một thú tiêu khiển - trò chơi điện tử có khả năng tái cấu trúc toàn bộ não bộ của chúng ta, tạo ra những ảnh hưởng đặc biệt và độc nhất trong quãng thời gian đầu đời. Trò chơi thay đổi điểm nhìn văn hóa và kinh nghiệm tiếp nhận của ta, thay đổi cả vòng phản hồi về bản sắc và kỳ vọng cá nhân. Người ta cải tạo danh tính và cá tính mỗi ngày chỉ bằng cách chỉnh sửa hình đại diện của trò chơi trong trải nghiệm ảo và trở thành bất kỳ ai họ muốn. Điều này đôi khi khiến thế giới thực trở nên thật nghèo nàn hơn khi so sánh với thế giới ảo.
Metaverse ra đời, khởi động một cuộc đua không khoan nhượng giữa các công ty công nghệ để giành được một vị trí trong xứ sở này. Hàng loạt sản phẩm dành riêng cho Metaverse như kiểm soát danh tính xã hội và tài chính cá nhân được ra mắt, sẵn sàng thay thế cho các phương tiện truyền thông lịch sử, ngân hàng truyền thống, hệ thống tài chính ngột ngạt và cả các công việc có thời hạn suốt đời mà thế hệ cha chú luôn coi trọng. Bất cứ tổ chức nào làm chủ được các công nghệ tối tân này sẽ là những người chiến thắng thực sự về kinh tế và xã hội - trong cả thế giới ảo lẫn thế giới thực.

Nền kinh tế mới

Trong tất cả những sản phẩm phục vụ nhu cầu mơ mộng của con người thế kỷ XXI, có lẽ không sản phẩm nào hoàn hảo hơn Metaverse. Bắt nguồn từ những cuốn sách nổi tiếng như Snow Crash và Ready Player One, Metaverse là thế giới mở cuối cùng, lớn lên theo quy tắc riêng. Là một phương tiện để trốn thoát thực tại, biểu hiện cá tính và tiêu dùng thỏa thích, Metaverse đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau một năm đại dịch, tất cả chúng ta đều biết phản địa đàng thực sự trông như thế nào. Hơn bao giờ hết, mọi người hiểu được giá trị của việc ngụp lặn sâu hơn, sâu hơn và sâu hơn vào những thế giới lớn hơn, tốt hơn do chính họ tạo ra.
Khi xu hướng này trở nên phổ biến trong giới game thủ, các công ty đứng sau “cơ sở hạ tầng” của các trò chơi đã nhanh chóng bắt tay xây dựng Metaverse trên chính trò chơi sẵn có của mình. Họ tạo ra những thế giới không chỉ đơn giản là để chơi, mà còn để sống và chia sẻ những trải nghiệm theo cách giống hệt đời thực. Trong không gian mới nổi này, bạn không chỉ “thăng cấp” mà còn tạo ra những kết nối có ý nghĩa với những người khác nữa.
Metaverse cần một nền kinh tế toàn diện để làm nền tảng cho tất cả những trải nghiệm hấp dẫn kể trên. Dựa vào tiền đề là hầu hết mọi người đều quen với việc mua hàng hóa kỹ thuật số - kiếm, quần áo, vật nuôi - trong trò chơi điện tử, nền kinh tế mới sẽ cung cấp những dịch vụ kỹ thuật số đa dạng hơn như sở hữu một hộp đêm, trở thành người mẫu hoặc mở một cửa hàng nhỏ. Bằng cách phản ánh các cấu trúc kinh tế đã có từ trước, Metaverse mô phỏng chính xác thế giới thực, hỗ trợ thế hệ người dùng mới tìm kiếm những cách thức sáng tạo hơn để kiếm tiền và tương tác trong không gian kỹ thuật số.
Trong khi các thế hệ trước hầu như không biết nhiều về kiếm tiền trực tuyến, thì 22% thế hệ Z đã gia nhập thế giới trực tuyến để kiếm tiền. Họ đang khai phá một vùng đất mới, nơi họ có thể kiểm soát thu nhập và tạo ra của cải nhanh hơn bao giờ hết, thậm chí là xây dựng hẳn một nền kinh tế mới có khả năng cạnh tranh với hầu hết mọi thứ mà thế giới thực cung cấp cho họ.

Tiền tệ mới

Người ta thường nói rằng hiện nay mỗi cá nhân đều là nhà bán lẻ. Cứ nhìn vào thị trường hàng hóa và dịch vụ trong Metaverse bạn sẽ biết. Khi nền kinh tế phụ thuộc vào từng cá nhân, khả năng tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán ngang hàng một cách an toàn, dễ dàng và bảo mật ngày càng trở nên quan trọng.
Trong thế giới thực, chúng ta thấy sự gia tăng đột biến của các công nghệ như Venmo - giúp mọi người chuyển tiền cho nhau chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Trong Metaverse, điều này sẽ được thực hiện thông qua các loại tiền điện tử - chẳng hạn như VCOIN, được ra mắt gần đây trong IMVU. Các loại tiền kỹ thuật số như VCOIN giúp người dùng bán dịch vụ của họ cho người khác, thu nhận giá trị khách quan và sau đó chuyển đổi thành tiền mặt cho thế giới thực.
Phương thức mua bán dễ dàng như trên là chìa khóa cho bất kỳ nền kinh tế khỏe mạnh nào. Nếu không có nó, nền kinh tế Metaverse sẽ bị mắc kẹt trong việc chỉ cung cấp hàng hóa kỹ thuật số cho trò chơi điện tử mà không nắm bắt được lĩnh vực tăng trưởng năng động nhất của bất kỳ nền kinh tế nào: ngành dịch vụ.

Người kiến tạo mới

Nếu bạn đang tìm một sản phẩm công nghệ có khả năng thay đổi mô hình giao dịch ở cấp độ sáng tạo cá nhân, mở ra khả năng cho một làn sóng doanh nhân trẻ sáng tạo thì câu trả lời chính là NFT. Thay vì phải trở thành một nhà thiết kế đồ họa hoặc thiết kế web với mức lương tính theo giờ, các cá nhân có thể kiếm sống chỉ bằng cách bắt kịp xu thế meme.
Theo một nghĩa nào đó, sự bùng nổ NFT là con chim hoàng yến trong mỏ than - nó khiến người ta phải định nghĩa lại khái niệm giá trị và thu nhập đã biết từ trước. Mặc dù từ lâu nó đã giúp một số nghệ sĩ mạng như Beeple đổi đời, nhưng sự bùng nổ của NFT vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong việc hình thành và thay đổi giá trị quan, nhất là trong Metaverse. Các NFT được liên kết với Metaverse (ví dụ như thiết bị đeo kỹ thuật số và bất động sản), là thị trường lớn thứ tư về doanh số bán NFT và thậm chí còn bán chạy hơn cả những mã thông báo liên quan đến nghệ thuật tiền điện tử.
Thông qua Metaverse, khả năng kiếm tiền cho các nhà sáng tạo trẻ tuổi sẽ không bị giới hạn ở 1% thần đồng nữa. Sắp tới chúng ta sẽ đón chào một kỷ nguyên hoàn toàn mới gồm các doanh nhân trẻ kiếm sống trong thế giới ảo, sản sinh ra các giá trị thật và có được thu nhập ổn định một cách nhanh chóng và dễ dàng. Và với công nghệ blockchain, NFT sẽ được bảo toàn giá trị vĩnh viễn, đảm bảo các nghệ sĩ, biên tập viên, nhạc sĩ có quyền kiểm soát và truy cập trực tiếp vào các giá trị mà họ cung cấp cho người dùng.

Cách kiếm tiền mới

Những công nghệ mới kể trên không chỉ trao quyền cho người dùng cuối mà còn cho phép các công ty lâu đời tham gia vào nền kinh tế Metaverse và tạo ra giá trị thực.
Trong khi mạng xã hội là tập hợp các kênh “truyền thống” để nâng cao nhận thức về thương hiệu thì Metaverse là một cái gì đó sâu sắc hơn. Nó trao quyền cho các thương hiệu, giúp họ tạo ra các mối quan hệ 1 - 1 gắn bó với người tiêu dùng thông qua hàng hóa kỹ thuật số có thương hiệu.
Metaverse là nơi cá tính và khát vọng cá nhân phát triển mạnh mẽ. Và còn gì hào hứng hơn việc có thể mặc, sở hữu, giới thiệu những thương hiệu phản ánh con người hiện tại, thậm chí là con người bên trong của bạn? Thông qua công nghệ blockchain, các thương hiệu có thể đưa hàng hóa kỹ thuật số lên kệ hàng của mình. Không chỉ là mua bán, họ có thể trực tiếp tương tác với những người dùng muốn phô diễn ngoại hình, phong cách và danh tính trên Metaverse, trong khi vẫn duy trì quyền sở hữu đối với cả thương hiệu và doanh thu được tạo ra.
Để thực sự thành công, các thương hiệu nên hòa mình vào nền kinh tế ảo bằng cách thuê những người sáng tạo, nhà tiếp thị, người mẫu và người có tầm ảnh hưởng trên thế giới để quảng bá và bán hàng hóa của họ - giống như cách họ thuê Tik Toker có ảnh hưởng trong thế giới thực vậy.
Sự phát triển của Metaverse là không thể tránh khỏi và thế giới ảo sẽ tiếp tục mở rộng cho dù các công ty có chuẩn bị cho nó hay không. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ thấy thế hệ mới đổ xô đến các nền tảng như IMVU, tìm kiếm nhiều thứ hơn là chỉ giành chiến thắng ở một cấp độ hoặc một trận chiến. Họ sẽ tìm kiếm những kết nối thực sự, những cách để sản xuất ra giá trị thực có khả năng tích hợp vào nền tảng cốt lõi, tạo ra một định nghĩa hoàn toàn mới về doanh nhân trẻ.
Bài viết gốc được đăng tải trên Blog Game hóa: