Memento mori: Nghệ thuật về cái chết
Tại sao suy ngẫm về cái chết có thể giúp chúng ta sống tốt hơn?
Mỗi người có một cuộc sống riêng, một số phận riêng, nhưng tất cả đều giống nhau tại một điểm: phải chết. Cố nhiên không ai trốn thoát được tiếng gọi của Thần Chết, nhưng có nên sợ hãi nó không?
Hoàng đế La Mã kiêm triết gia Marcus Aurelius từng viết rằng: "Con người không nên sợ cái chết, mà nên sợ không biết cách sống". Cùng suy nghĩ với Aurelius, một thành ngữ ra đời từ rất lâu nhằm nhắc nhở con người ta về cái chết, để từ đó giúp ta sống tốt hơn.
Memento mori là gì?
Memento mori (Memento: Nhớ; mori: chết) là một câu thành ngữ nổi tiếng bằng tiếng Latin, có thể diễn giải là "Hãy nhớ rằng ngươi sẽ phải chết!".
Câu nói ngắn gọn này giống như một lời cảnh tỉnh và nhắc nhở con người rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm, rằng ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, và rằng cái chết là kết thúc tất yếu của tất cả chúng ta, bất chấp địa vị, thân phận, đức tin...
Xuyên suốt lịch sử, Memento mori trở thành ý tưởng triết học quan trọng và là một chủ đề thường gặp trong nghệ thuật, văn học và thực hành tôn giáo.
Một trong những mục đích của người nghiên cứu triết học theo cách đúng đắn là tìm hiểu về cái chết."
"Memento mori" thường xuất hiện trong nghệ thuật về tang ma (funeral art) và gắn liền với Vanitas - thể loại nghệ thuật chuyên bàn về sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự hư vô của lạc thú, và sự tất yếu của cái chết.
Những biểu tượng về cái chết
Biểu tượng (motif) quan trọng nhất của memento mori là hình ảnh đầu lâu và xương người. Không hề khó bắt gặp những bức tranh dùng đầu lâu làm tĩnh vật, thậm chí tranh chân dung với người mẫu đang cầm đầu lâu.
Người thời hậu kỳ Trung đại còn thích các bức tranh ghê rợn "Danse Macabre" (Điệu nhảy của tử thần), mô tả những bộ xương nhảy nhót quanh nghĩa địa, hoặc đi với vua chúa, giáo hoàng, trẻ con, người lao động.
Còn trong thế kỷ 16 và 17, các loại trang sức memento mori rất được ưa chuộng. Nhẫn đám tang, vòng cổ, trâm cài... thường được khắc hình đầu lâu, khúc xương, quan tài, cùng với lời nhắn nhủ và danh tính của người đã khuất.
Các loại đồng hồ cũng là biểu tượng thường gặp, ám chỉ dòng chảy của thời gian. Và để tượng trưng cho cuộc đời con người thì không thứ gì có sức lay động hơn đồng hồ cát. Phần trên là số ngày còn lại trong cuộc đời, còn phần dưới là số ngày ta đã trải qua. Số hạt cát ở phần trên cứ ngày một ít dần, ít dần, cho đến khi hoàn toàn trống rỗng.
Trong khi đó, hoa, bướm hoặc bong bóng nước là biểu tượng đậm tính ẩn dụ về sự phù du cuộc sống. Không chỉ những đóa hoa tàn lúa, mà ngay cả bông hoa đang ở độ mãn khai cũng báo hiệu cho héo tàn không thể tránh và sự vô thường của vẻ đẹp.
Có lẽ không cần đến bất kỳ biểu tượng ẩn dụ nào, hình ảnh memento mori tác động mạnh mẽ nhất chính là con người trong dòng chảy một chiều của cuộc đời. Một người phụ nữ già nuối tiếc thời thanh xuân, một người đàn ông kiệt sức vì bệnh tật, hay một cụ già trong giờ phút lâm chung, tất cả đều khiến chúng ta rùng mình nghĩ tới cái chết.
Nhìn nhận cái chết để sống tốt hơn
Mục đích của "memento mori" là khuyến khích con người nên nhận chân và suy ngẫm về cái chết. Hãy đối diện với cái chết bằng thái độ bình thản, không sợ hãi, coi nó là một phần bình thường của cuộc sống, chứ không phải là một cơn ác mộng. Và nhất là đừng vì thấy cái chết mà đâm phiền muộn, lo âu, thậm chí là sợ hãi, ảnh hưởng tới cuộc sống thực tại.
"Memento mori" còn nhắc ta rằng cuộc sống này ngắn ngủi lắm và cái chết có thể gõ cửa phòng ta bất cứ lúc nào. Bảy mươi năm tưởng là dài nhưng cảm giác cũng không giác lắm cuộc đời của một cánh phù du.
Chính vì lẽ đó, ta hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc của hiện tại, trân quý từng trải nghiệm, biết ơn từng thành quả. Hãy suy ngẫm và lựa chọn mục đích sống đúng đắn để cuộc đời phù sinh này không lãng phí.
Các triết gia Khắc kỷ thường dùng "memento mori" để tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống. Họ coi mỗi ngày là một món quà và luôn tự nhắc nhở bản thân đừng lãng phí thời gian vào những chuyện không đâu.
"Chúng ta hãy chuẩn bị tâm trí như thể chúng ta đã tới bước đường cuối cùng của cuộc sống. Chúng ta đừng trì hoãn bất cứ điều gì cả. Mỗi ngày, hãy cân bằng cuốn sách của cuộc sống... Người nào mà mỗi ngày đều tiến hành sửa sang cuộc sống thì người đó không bao giờ thiếu thời gian." Seneca, nhà triết học Khắc kỷ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bài viết "History of Memento Mori" trên trang Dailystoic.com
2. Bài viết "Memento mori" trên trang en.wikipedia.com
3. Bài viết "Memento mori" trên trang artsandculture.google.com
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất