Mẹ mình là người luôn nghĩ cho người khác, nói không ngoa, quên bản thân mình, chấp nhận sự thiệt thòi nếu phải có.
Nghĩ cho người thân đã đành, nghĩ cho cả người ngoài. Lúc nào mẹ cũng dặn là:
Phải đặt mình vào vị trí của người khác, mình cảm thấy thế nào, người khác cũng thấy thế, thậm chí hơn. Những lúc như thế, một là mình im lặng, hai là ừ hữ cho qua, nhiều lúc cáu quá còn cãi lại mẹ là mình đặt bản thân vào vị trí người khác, thông cảm, nghĩ cho người khác, người ta có coi trọng cái sự vị tha của mình hay không, hay lại coi đó là lẽ dĩ nhiên rồi được đà lấn tới?
Các cụ bảo nóng giận mất khôn, cấm có sai. Cái nóng giận của cái tuổi có phần 'trẻ trâu' thành ra dại. Ai cũng đặt lợi ích lên bàn cân đong đo đếm, lợi trước mắt, hại về sau, có khi mãi sau này, trưởng thành rồi mới thấm.
Mình có tư tưởng tự ngã tự đứng tự rút kinh nghiệm nó ăn sâu vào máu, nhiều lúc đau mà tưởng không chịu đựng được thêm một cú ngã nào nữa, những cũng vì thế mà mình thấy lý thuyết thì sáo, mình ghét. Có lúc dừng lại giữa nhịp chạy đảo điên, va vấp với nhiều mối quan hệ xã hội, mình ngẫm lại những gì mẹ nói, mới vỡ ra chút nào.
Cái lý thuyết “vị tha” của mẹ mình là năm tháng của một đời người - người cháu - người con - người chị - người mẹ - người vợ - người thầy. Đó là lý thuyết đã chứng minh qua năm tháng của mẹ, nên nó nặng quá, bản thân mình một lúc không thể thấm hết. Bởi vì mẹ đã trải qua, nên chỉ mong dạy lại cho con những điều tốt nhất trong việc đối nhân xử thế.
Ít nhất cho đến lúc này, nhờ cái lý thuyết ấy mà mình cũng có cái nhìn rộng mở hơn với thế giới vốn chật hẹp đầy toan tính, vị kỉ!