Câu chuyện con con về tuổi thơ của mình.
Mình bắt đầu đọc truyện tranh từ những hồi đầu cấp 2, từ những cuốn như “ Thần đồng đất Việt”, “Đô-rê-mon” rồi thì “Conan” và “Đội quân nhí nhố” cùng hàng đống các đầu truyện khác mà mình không thể nhớ nổi.
Những năm ấy, truyện tranh đối với mình là cả một sự thích thú tột cùng, nó gây nghiện kinh khủng, cũng như internet bây giờ vậy, lỡ lao theo rồi, thì chỉ còn nước đâm theo nó một cách mù quáng :)).
Cấp 2 mình học chuyên trên thị trấn, đi học xa xôi nên hay được ông ngoại cho thêm chút tiền “phòng thân”, không tính tiền ăn sáng, ăn trưa. Nghĩa là số tiền ấy chỉ được dùng trong trường hợp xe hỏng, hay khát nước, thì mình lại dùng nó vào việc mua vui cho bản thân – thuê truyện. Ngay trước cổng trường là quán cô Nga – chú Thành, lúc đầu nhà cô chỉ bán đồ lặt vặt ăn quà thôi, rồi chẳng hiểu từ khi nào tự dưng lôi cái “thói hư tật xấu” là cho thuê truyện tranh về. Và thế là, đám học sinh đầu to mắt cận, ngoài thời gian học hành bú rù tư sáng tới tối, thì còn được xả stress bằng việc cắm đầu vào đống truyện tranh – mà theo phụ huynh và giáo viên – là một thứ vô bổ ấy.
Bây giờ mình không biết phụ huynh và giáo viên còn cấm các bạn đọc truyện tranh không, chứ thời ấy, là điều cấm kị (chỉ đứng sau việc nói dối điểm). Và tất nhiên hành trình sống sót qua từng tập truyện tranh chẳng kém gay cấn gì với tình tiết trong cuốn Conan thời ấy.
Đọc truyện trên lớp?
Không phải ai cũng có “kĩ năng” khủng này. Trong lớp mình không biết bao nhiêu cuốn bị cô chủ nhiệm thu vĩnh viễn với lời cảnh cáo “ Thứ 7 mời phụ huynh lên chuộc lại truyện thì tôi trả!”, hiển nhiên không ai ngu gì thông báo với các bậc sinh thành, đành rút hầu bao đền bù thiệt hại với chủ quán. Thật may là mình lại có một “thiên phú bẩm sinh” ấy, suốt 4 năm học cấp 2 mình chưa bị giáo viên “bắt thóp” tịch thu truyện lần nào.
Vận chuyển và tàng trữ trái phép?
Nghe thì có vẻ nghiêm trọng, nhưng là thật. Mình có bà chị bằng tuổi, học cùng trường, cũng cùng sở thích truyện tranh, nếu mình nghiện 1 thì bà ta nghiện 10, luôn sẵn sàng đi “vay nặng lãi” để có thể “thỏa mãn” được mình :)). Có đợt hai chị em đang cùng nghiền một bộ truyện, thế là quyết định ngủ nhà nhau để đọc và trao đổi cho dễ. Mọi chuyện nghe có vẻ êm đềm, nếu như mẹ chị ấy không cấm hai chị em (đặc biệt là bà chị) dính dáng tới cái thứ có tên là truyện tranh. Và đó, một hành trình gian khổ bắt đầu.
Quá trình thuê truyện thì không gian nan lắm, vì vụ tài chính bà chị lo. Cái vấn đề nan giải nhất là quá trình “vận chuyển hàng”, sao cho mẹ chị ấy không nhận ra, và mọi thứ phải thật hoàn hảo, từ kế hoạch A cho tới B, C hay thậm chí là Z. Thói quen của bác là kiểm tra sách vở khi đi học về, thế nên không thể để trong cặp được, cả của mình hay của chị. Hai chị em vận dụng hết chất xám cỏn con còn sót lại sau cả một ngày học dài đằng đẵng ra mà vẫn chưa thể nghĩ ra một cách tốt nhất. Thế rồi, một ý tưởng nảy ra, mình không nhớ nổi của ai, theo như ai đấy nói “Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, hai đứa chỉ còn một lối thoát duy nhất là dắt truyện bên mình. Mình từng kể cho đám bạn mình nghe chuyện mình cùng chị ấy giấu truyện như nào, nhưng không phải ai cũng có thể tưởng tượng nổi như nào. Và thật ra là như này : Trời mùa đông, mặc áo khoác giầy cộp, 6 quyển truyện, mỗi người có nhiệm vụ dấu 3, thế là, 2 quyển ở cánh tay, một quyển ở bụng, lưu ý duy nhất là : di chuyển thật mềm mại và tự nhiên.
Hai chị em vượt qua được cửa ải đầu tiên.
Cửa ải thứ hai không kém phần nguy hiểm : Xài hàng (ý là đọc truyện).
Không phải cứ ở nhà là có thể nghiễm nhiên đọc truyện một cách công khai, mà còn phải giấu kín gấp 10 lần ở trên lớp. Ngoài thói quen xem sách vở ra, bác ấy còn hay kiểm tra bất thình lình xem hai đứa học hành như nào. Điều đáng sợ nhất mình có thể tưởng tượng ra khi bị phát hiện là đống truyện ngàn vàng kia bị xé, bà chị bị cấm túc, còn mình thì không sao cả :)))) Thật may vì mình sẽ không sao cả, nếu bị phát hiện. Quay lại với chiến dịch xài hàng. Bà chị đã lão luyện trong chuyện này, thế nên, việc của mình chỉ là ngồi rung đùi đọc, mặc kệ đống bài vở kia, còn bà ấy sẽ ngồi canh ở cầu thang. Sẽ chẳng bao giờ mẹ chị ấy phát hiện là hai con đang chong đèn đọc truyện, hình ảnh bác luôn thấy là cảnh hai đứa đang cặm cụi viết bài và tính toán say sưa (cháu xin lỗi bác L).
Truyện tranh luôn là một phần tuổi thơ của mình.
Không có mảnh ghép nho nhỏ ấy, hẳn tuổi thơ của mình sẽ thiếu đi chút màu sắc, chút nhí nhảnh, chút phiêu lưu.