Mẹ gọi bảo về, về rồi tôi lại đi
Tôi nghỉ việc, gói vài ba bộ quần áo, và về nhà. Nhà! Lâu rồi tôi không nói đến nhà. Cũng lâu rồi tôi không gọi điện về. Tôi nghĩ,...
Tôi nghỉ việc, gói vài ba bộ quần áo, và về nhà.
Nhà!
Lâu rồi tôi không nói đến nhà. Cũng lâu rồi tôi không gọi điện về. Tôi nghĩ, mình là người khá tệ bạc. Có thể bỏ đi xa được đến đâu thì cứ đi. Nhưng rồi tôi không thể không quay về. Mẹ cần tôi!
Mẹ ôm tôi khóc. Nước mắt mẹ nóng hổi ướt đẫm cả vai tôi. Tiếng khóc nghèn nghẹn, vừa tức tưởi, vừa nhẹ nhõm. Tôi ôm bà trong tay, im lặng đón nhận gánh nặng của bà.
***
Tình yêu của mẹ tôi rất day dứt. Bà thương tôi một cách khổ sở. Tuổi nhỏ bà để tôi tự lớn. Chia sẻ gánh nặng lên vai tôi bằng đòn roi. Rồi sau cơn giận dữ lại lấy rượu thuốc thoa vết bầm cho tôi. Bà thương tôi, nhưng lại không thể ngừng cay nghiệt. Lớn lên, tôi tự động lùi bước và chọn cách thỏa hiệp trong chừng mực của mình. Tôi luôn là người bà ôm mỗi lần khóc. Im lặng nghe nỗi phiền muộn của bà. Bênh vực bà. An ủi bà. Tôi biết, mình là chỗ dựa an toàn nhất bà có thể dựa vào. Thế nhưng mẹ tôi vẫn khổ sở vì không thể hiểu những lựa chọn của tôi.
***
Cuộc sống gia đình ở những đứa trẻ nông thôn quê tôi rất mâu thuẫn.
Cha mẹ tôi, cha mẹ bạn bè tôi, họ lớn lên kham khổ và đầy khó nhọc. Lịch sử của cha mẹ chú trọng vào kiếm sống. Nỗi trăn trở của cha mẹ là tiền đâu cho con học. Và tin rằng, một cuộc sống đảm bảo là bình yên và an nhàn. Vậy nên, bày dạy thế hệ tiếp theo cha mẹ chú trọng vào kiếm sống. Không phải bài học về bao dung hay can đảm. Dạy làm người, gói gọn trong cho ăn cho học. Và hy vọng rằng, con cái lớn, chúng sẽ tự hiểu. Chúng sẽ yêu thương gia đình và trở thành một người tốt đẹp.
Nhưng chúng tôi không nghĩ thế.
Tôi nhớ tuổi thơ của mình. Tôi và bạn tôi thường ôm nhau, nói với nhau về kế hoạch lớn hơn một chút, sẽ đi khỏi quê và không nhìn lại. Chúng tôi không thông cảm được cho sự cay nghiệt của cha mẹ mình.
Vậy nên, chúng tôi lớn lên mà không học được cách kết nối với cha mẹ. Mong muốn những điều trái với hy vọng của cha mẹ nhưng không thể thấu hiểu cho nhau gây ra những nứt vỡ trong gia đình.
Trong quá trình tìm cách xoa dịu mâu thuẫn, tôi đã cố gắng nói chuyện với mẹ. Nhưng hàng ngàn thử nghiệm đều đi đến bế tắc: mẹ tôi không thể hiểu. Đối với bà, không nghe lời chính là "cá ươn".Và bà không chấp nhận sự bất lực của bạo lực. Còn tôi chẳng thể trở thành cô con gái đến cắt tóc cũng cần sự cho phép của mẹ. Vẫn làm theo mong muốn của mình nhưng không rũ bỏ được tổn thương.
Bạn bè tôi lớn lên, có đứa trở thành phiên bản mà thời nhỏ, chúng tôi không bao giờ muốn trở thành. Hoặc lựa chọn những điều tụi nó không thích nhưng làm yên lòng cha mẹ. Có đứa như tôi, đi mải miết cho tới khi cần phải về.
Chúng tôi chấp nhận những lựa chọn gây đau đớn cho nhau vì chúng tôi là gia đình.
***
Mùa nắng chưa hết, nhưng thời gian cho nhà của tôi lại cạn kiệt. Tôi sắp xếp đồ đạc, nói với mẹ về chuyến đi. Tôi đã đăng ký tình nguyện dài hạn ở Philippine, cần đi phỏng vấn. Hết thời gian tình nguyện, tôi tính xin visa working holiday. Chắc lâu nữa không về. Mẹ im lặng, sắm sửa những gì bà cho là cần thiết. Bà không hiểu tại sao tôi phải đi xa đến thế. Nhưng mẹ biết, tôi chưa bao giờ rẽ lối cuộc đời vì bà.
***
Tôi không còn nhỏ, cũng chưa lớn. Tôi chỉ là một đứa trẻ đầy khiếm khuyết, cố gắng gìn giữ điều tốt đẹp bằng cảm thông mà không mất đi cuộc sống của mình.
Có thể, rồi một ngày nào đó, tôi và mẹ sẽ bình thản cùng nhau uống một cốc trà, và tôi kể bà nghe chuyến đi của mình. Dù chưa chắc là thấu hiểu nhau, nhưng ít nhất là chấp nhận mà không còn tổn thương.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất