Mẹ - Người gánh cả thế giới
Câu chuyện không của riêng người phụ nữ nào cả, chỉ riêng mẹ tôi là hiểu rõ hơn thôi.
“Anh chắc đã đọc tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa rồi nhỉ! Tôi thấy mình giống cô ấy quá. Một năm có 365 ngày, đối với tôi chẳng có ngày nào là yên bình cả. Tôi luôn cảm thấy bức bối, khó chịu và như bị cô lập vậy. Anh có hiểu cảm giác ngôi nhà mình ở dường như không phải là một tổ ấm mà như một chốn lưu đày không? Tôi đang bị lưu đày giữa chốn nhân gian ngay tại nơi…”
Nói đến đây, cô ấy dường như không thể nói tiếp được nữa. Những lời muốn thổ lộ giờ lại dần hòa vào tiếng rấm rức, thút thít…Cô ấy là một người thân của bạn cùng trường của tôi. Một lần nghe thông tin từ người bạn ấy về dịch vụ của tôi nên cô ấy đã hẹn gặp tôi tại một quán nước có không gian riêng tư để chia sẻ. Nói qua về tôi, một thanh niên học đại học mới ra trường, một ngày đọc đâu đó trên mạng xã hội dòng chữ tựa như thế này: “Những người đau khổ đôi khi không cần những lời khuyên hay cho bằng một đôi tai biết lắng nghe”. Cộng với niềm hăng hái tuổi trẻ chưa trải sự đời và sự động viên cổ vũ của đám bạn tôi quyết định kinh doanh thử nghiệm dịch vụ “Đôi tai thần kỳ”. Luôn luôn lắng nghe những khách hàng đang gặp những vấn đề về tâm lý, bất ổn công việc, giận vợ hờn chồng,…tất tần tật mọi thứ. Đương nhiên phải nói thêm, tôi không là một nhà chuyên môn về tâm lý nên tôi không thể đưa ra bài tập hay tham vấn cho thân chủ được. Khách hàng đến với tôi là những người cần một đôi tai để lắng nghe, để họ xả van sau những gì mà họ đã chịu đựng và đau thương.\
Cô ấy, nếu tôi không quá lời thì thực sự rất đẹp. Ở cô toát ra một vẻ quý phái và trang nhã, một người phụ nữ hiện đại. Mọi cử chỉ, ngôn từ giao tiếp của cô rất tinh tế. Nên lúc đầu tôi không thể nhìn ra được rằng trước mặt tôi là một người đang mang cả một bầu trời những nỗi đau. Giờ đây, trước mặt tôi là một con người hoàn toàn khác. Cô ấy không còn cười, biểu cảm rất nặng nề và đánh mất sinh lực. Cô ấy ngồi trước mặt tôi không còn sức lực, toàn thân toát lên sự yếu đuối khổ sở như mình đang mang lấy tất cả khổ sở của nhân loại, của thế gian này.
Cô: “Kể từ một vài năm trở lại đây, tôi cảm thấy mình luôn căng thẳng, dễ nổi nóng và đôi khi rất mệt mỏi. Tôi cảm thấy kiệt sức bởi việc gia đình. Anh biết đấy, chồng tôi là con trai út nên ở cùng với ông bà già để tiện lo phụ dưỡng. Thành ra tôi cảm thấy gánh nặng chăm sóc gia đình quá lớn”Tôi: “Cô cảm thấy sự mệt mỏi này xuất hiện chính xác từ bao lâu rồi?”Cô: “Sau khi mẹ chồng tôi mất. Ừm vào tháng 9/2019. Bố chồng tôi mất trước bà vài tháng. Sau khi mẹ chồng tôi mất thì tôi bắt đầu cảm thấy sự mệt mỏi và muốn buông xuôi mọi thứ, kể cả chăm sóc con cái.”Đoạn cô ấy nhắc lại về quá khứ của mình, khuôn mặt cô dịu đi đôi chút.“Tôi sinh ra trong một gia đình có 8 anh chị em, tôi là con thứ 7 trong nhà. Vốn ở nhà mẹ tôi cưng chiều tôi lắm, nhưng không phải kiểu chiều chuộng mà không có giáo dục đâu. Từ nhỏ bà đã luôn dạy tôi rằng con gái phải biết ý tứ, thạo việc nhà để sau này về nhà chồng không bị bắt nạt và chịu khổ. Có lẽ tính cách tôi cũng thừa hưởng một phần từ bà ấy. Năm tôi 17 tuổi, tôi lấy chồng, ông ấy là người cùng làng và hơn tôi vài tuổi. Gia đình nhà chồng lúc đầu nhất quyết không cho ông ấy lấy tôi đâu. Viện đủ lý do để ngăn cách chúng tôi. Nhưng anh biết đấy, tình yêu đang độ nồng nàn nên chúng tôi đấu tranh tới cùng. Nước lửa với nhau, cuối cùng vợ chồng chúng tôi cũng lấy được nhau.”Nói một hơi dài, cô ấy ngừng lại cầm ly sinh tố lên uống một ngụm rồi tiếp tục câu chuyện:“Tôi về nhà chồng ngoài tình yêu dành cho ông ấy thì đối với tôi mọi thứ như giấc mộng tan biến vậy. Khác xa so với tôi tưởng tượng lúc đầu. 25 năm sống trong gia đình ấy là cả 25 năm địa ngục trần gian với tôi vậy. Tôi vẫn còn nhớ, bữa cơm đầu tiên cùng gia đình sau ngày cưới, tôi bị mẹ chồng chửi mắng té tát, ngay trên mâm cơm bà ấy liệng thẳng cái bát cơm tôi vừa mới đơm cho bà ra ngoài sân. Thế là tôi biết đời tôi tàn rồi! Tôi làm việc gì cũng không vừa mắt bà ấy, luôn đay nghiệt tôi, cứ hễ gặp tôi là khuôn mặt bà ấy lại nhăn lại, trông tức lắm. Bà ấy lúc nào cũng dành phần hơn cho chị dâu cả trong nhà, còn tôi thì ngược lại. Nỗi uất ức này đeo bám tôi đến giờ, có nói với chồng thì chưa chắc ông ấy đã cảm thông với tôi. Mẹ chồng thì đã đành, anh biết cảnh chị dâu em chồng mà. Em gái chồng tôi cũng liên thủ với mẹ chồng để chèn ép tôi, cô ấy thường hay nói xấu sau lưng và nói hỗn tôi. Với tôi lúc ấy tôi cảm thấy mình chịu đựng để gia đình yên ấm là hơn, nên tôi cũng nhẫn nhịn và gặm nhấm nó trong tủi hờn cô đơn.”Ngừng nói, cô ấy nhìn tôi cười một cái, ừm ý cười này là tự cười mình hay sao? “Tôi thấy mình tài thật, nói nhẫn nhịn là nhẫn nhịn tới tận hơn 20 năm trời luôn. Chồng tôi lo việc tài chính trong nhà, còn tôi đúng chất một người nội trợ đầu tắt mặt tối. Tôi có lúc tưởng mình là siêu nhân có ba đầu sáu tay đó chứ. Chăm sóc bố mẹ chồng, chăm chồng chăm con. Cả ngày tôi quay mòng mòng trong việc bếp núc, vườn tược, con cái,…thành ra tôi chẳng có lúc nào ngơi tay và được nghỉ ngơi cả. Phận con dâu mà, ngày lễ tết sum họp gia đình trong khi mọi người chuyện trò vui vẻ còn tôi thì cô đơn chống chọi với cơn cuồng phong CỖ TẾT. Ăn xong người ta uống trà, chuyện phiếm thì tôi lại làm bạn với nước rửa chén và tiếng loảng xoảng của bát đĩa thôi. Đấy, cả năm trời tôi quay mòng mòng trong đống việc nhà!”“Dần dần tôi nghiệm ra là chẳng có gì làm hoài làm mãi mà không hết như việc nhà. Sáng lo trưa, trưa lo tối, tối lại lo sáng. Lo chồng, lo con và đủ mọi thứ đổ lên đầu. Đến gần đây, sau khi bố mẹ chồng qua đời, công việc cũng bớt đi phần nào khổ cực, chồng tôi nói giờ tôi có thể thoải mái nghỉ ngơi rồi. Những tưởng tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhẹ lòng hơn. Thế nào mà nó lại gây ra cho tôi điều ngược lại. Tôi gần đây hay cảm thấy lo lắng vô cớ. Đôi khi lại muốn trút giận lên người chồng, muốn chửi mắng chồng cho thỏa lòng. Có lúc, tôi cảm thấy không buồn làm việc, không buồn ăn uống gì cả. Tôi thực sự cảm thấy mệt mỏi quá rồi.”
“Có miệng mà không dám nói khó chịu biết bao……”
-----------------
Buổi chia sẻ hôm đó còn rất nhiều, nhưng đọng trong tâm trí tôi là những điều tôi vừa kể trên đó. Đời đúng thật hài hước. Có những chuyện mà người ta cố kìm nén, cố gạt bỏ ra khỏi cuộc sống thì sau khi những sự khốn khổ ấy mà người ta chịu đựng đã qua đi, những tưởng họ đã được thoải mái, yên bình thì nay nó như vết thương mưng mủ làm cho họ phải chịu đau nhói cùng cực. Giống như người phụ nữ trên, bà ấy gặm nhấm tủi hờn cả đời vì chuyện gia đình, sau khi bà được rảnh rang hơn thì lúc ấy nỗi đau đớn bà dồn nén bấy lâu nay mới bắt đầu được bà chú ý. Khi mà “Tâm hồn không khóc được thì cơ thể sẽ khóc thay”. Mọi nỗi ấm ức, đau xót của bà biến thành những triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, nóng giận cực độ và mất sinh lực. Bà ấy thường xuyên mất ngủ, luôn mang trong mình những sự lo lắng vô cớ. Thành ra bà cảm thấy còn tệ hơn cả lúc chăm mẹ chồng lúc trở bệnh nữa.
----------------
Viết những dòng này tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của mẹ tôi, của tất cả những người làm mẹ trên thế gian này nữa. Có những nỗi khổ sở mà họ chịu đựng chẳng bao giờ dám nói lên và chia sẻ với người khác, kể cả với chồng hay con cái của mình. Họ chịu đựng từng ngày từng tháng, chịu đựng mẹ chồng, chịu đựng em chồng, chịu đựng chị dâu. Có đôi khi họ phải chịu đựng cả người chồng của mình nữa. Truyền thống ghim vào đầu họ hình ảnh “Ai bảo sinh ra đã làm đàn bà?”.Không phải 100% những người làm mẹ sẽ phải chịu đựng như những gì tôi nói đâu. Thoạt nghĩ có thể họ biết cách xả van đúng chỗ, họ có người chồng biết lắng nghe, con cái biết yêu thương thì sẽ giảm bớt được phần nào. Có những người mẹ quanh năm lo lắng cho gia đình mà quên mất đến việc chăm sóc cho bản thân. Thật tội nghiệp. Tại sao lại hay xuất hiện những nhóm phụ nữ dăm ba người tụm lại nói chuyện chồng con, than vãn gia đình, chê trách mẹ chồng? Thực ra họ chỉ đang tìm cách để giải tỏa căng thẳng họ đang chịu đựng mà thôi.
----------------
Thánh nữ Monica, người mẹ quốc dân. Bà đã dùng sự kiên nhẫn, nhịn nhục và khóc lóc để rồi làm thánh. Mẹ tôi thường nói với những người đang phục vụ cha mẹ đang bệnh già là "Lo cho ông, cho bà tốt vào. Chứ như mình bà đi sớm quá, bơ vơ chẳng có mẹ mà chăm đâu".Mong rằng những giọt nước mặt của mẹ tôi sẽ nhận lại được những niềm an ủi từ những đứa con mà mẹ đã sinh ra như bà thánh. Mong rằng người mẹ nào cũng biết thương con dâu vì con gái bà sinh ra rồi cũng thành con dâu nhà người ta. Mong rằng người chồng biết thương vợ, biết quý trọng và lắng nghe vợ nhiều hơn. Mong lắm những đứa con như tôi sống biết ơn hơn với bố, mẹ mình. Mong rằng thế giới này kiên nhẫn và cảm thông hơn với những bà mẹ nặng gánh vai mang.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất