Tôi là người Việt Nam. Và vấn đề của người Việt Nam lẫn tiếng Việt đấy là có quá nhiều hô ngữ. Điểm mạnh nằm ở cái đa dạng. Cần thể hiện yêu thương kính trọng thì, theo cái cách dân dã, là "thoải con mẹ nó mái". Nhưng điểm yếu cũng nằm ở cái đa dạng. Lắm lúc chẳng biết dùng cái gì xưng cho phải phép. Về quê chào 5 tuổi bằng bác và 70 tuổi bằng cháu là bình thường. 
Đi làm đến nay cỡ 12 năm, và chỉ riêng cái vụ tuổi tác đã lắm thứ nực cười. Số bỏ học đi làm, thành ra đi làm sớm. Khổ cái ở cái đất này, sớm cái gì thì sớm, chứ sớm đi làm với đi học thì phải chịu cái thiệt thòi là kiểu gì cũng thuộc loại "trẻ măng", "tầm này thì biết cái gì", "ngựa non háu đá" vân vân và mây mây. Tất nhiên là chỉ sau 3 tháng thì ai cũng phải xem lại cái đám nhận xét đó, nhưng đấy là chuyện khác. 
Thực ra thì không ai tránh khỏi việc đánh giá vội vã một người mới biết, nhất là trong những môi trường có tính văn hóa đặc thù như môi trường đi làm, công sở hay không công sở. Thường thì sau nửa năm, một năm là quen, và khi quen rồi, thì cứ thế dần dà sống lâu lên lão làng, lão làng rồi thì khi nhìn đám mới vào mặt mày ngơ ngác lại quay lại cái vòng lặp nhận xét "trẻ măng", "tầm này thì biết cái gì", "ngựa non háu đá" vân vân và mây mây. Và người ta không nhận ra cái đấy, mấy ông làm khoa học phân tích tâm lý thì gán cho cái quá trình không nhận ra đấy mỹ từ "thiên kiến". Từ khóa "thiên kiến", nếu Google, sẽ trả về kết quả là một bài nào đó của Spiderum rất hay, đề nghị không lười gõ vào thanh tìm kiếm.
Và cái thiên kiến đấy còn rõ ràng hơn khi người ta không nhìn thấy mặt nhau. Ví dụ như cái chuyện nếu như trên Internet có cuộc thi đặt tên thì kiểu gì cũng có không ít thằng thổ tả cho "Hitler" vào, hoặc Overwatch giờ thành từ khóa hót hòn họt trên rất nhiều website người lớn không tiện nêu tên. Lại nhân tiện, Hitler là người cải tiến hệ thống chữ viết của Đức, vì hệ thống cũ lão sợ rằng khi viết cho những nơi quân Đức chiếm đóng thì chả ai hiểu gì cả. Còn chuyện này thì tôi nghe từ một thằng người Áo có ông nội làm sỹ quan SS. Nhưng đấy lại là một vấn đề rất khác. Thứ giấu mặt đó khiến cho tất cả mọi người đều có thứ quyền lực vô hình là cầm cái thiên kiến đôi khi ngớ ngẩn và ti tiện của mình vung vẩy vào mặt kẻ khác. Giống như một câu trích về tôn giáo của ai đó:
"Tôn giáo giống như cái dụng cụ giao phối nam. Có thì tốt. Tự hào cũng tốt. Nhưng đừng đem ra chỗ đông người. Cấm tuyệt đối đưa cho trẻ em. Và đừng có dùng nó viết luật."
Hãy thay "Tôn giáo" bằng "Thiên kiến" và chúng ta cũng có thứ tương tự. 
Mặc dù giờ định lực đã tốt hơn trước rất nhiều nhưng cũng có những lúc tôi thấy khó chịu. Bởi vì thực ra nhiều lúc việc mở mồm ra và ngậm miệng vào chỉ cách nhau đúng một cái ranh giới mang tên "suy nghĩ". Cái "suy nghĩ" ở đây, không phải là để sướng thân, mà là để xem xem liệu lời nói của mình có thể gây ảnh hưởng đến người khác hay không. 
Vâng, vâng, tất nhiên là sẽ có các anh chị mạnh mẽ kiên cường kêu ca "có tí thôi mà cũng này nọ", nhưng tin tôi đi, có một số kiểu người có thể dùng ngôn từ để chọc vào những nơi người ta cho rằng là cứng cỏi nhất. Thường thì lúc không ngờ nhất là lúc bị chọc. Rất khó chịu. Và đấy là định luật Murphy. Hoặc không. Nhưng chắc là có. "Cái gì có thể sai được, sẽ sai". Nếu bắt bẻ đoạn này, thì đang không hiểu tinh thần của bài viết.
Cũng như sáng nay tôi phải cau mày khi nghe câu "Em còn trẻ như thế mà..." (nói với người khác, không phải tôi). Đéo cần thiết. Thực sự không. Toàn bộ cái trước cái mà có thể vứt đi mà không cần phải sợ ý nghĩa của câu sẽ thay đổi. Phép so sánh "Như thế" ở đây mang tính hạ thấp nhiều hơn là khen. Có lẽ người được nhận câu đấy cũng vì như thế mà không thấy thoải mái. Đít có vẻ nhấp nhổm lắm. Hoặc là do mọc mụn ở mông. Chịu. Nhưng vẫn không hiểu tuổi tác được đem ra làm gì ở đây. Tôi định góp ý, nhưng thôi, có những thứ nằm trong máu rồi, thậm chí là máu của dân tộc. 
Người ta thường quên rằng ai cũng có lúc bắt đầu, nhất là những ai đã đi một quãng đường dài rồi. Nên họ chọn sai cách đối thoại với những người mới bắt đầu, đồng thời bỏ qua việc rất có khả năng rằng nếu phải bắt đầu lại thì "người ta" cũng ấm ớ hội tề chẳng khác gì người mới bắt đầu. Làm lâu, ở lâu, tự dưng nảy nòi ra kinh nghiệm. Có điều nhiều vị không để ý rằng nhiều khi kinh nghiệm ở chỗ này không đem ra chỗ khác được vì... nó đéo liên quan. Thậm chí có liên quan đi chăng nữa thì cũng phải xem áp dụng thế nào thì mới đưa ra kết luận. 
Có một cái chuyện ngụ ngôn dư lày:
Anh nọ đi bộ, lạc đường ở thành phố kia. Thế là phải dừng lại hỏi đường ông này. Ông chỉ ra chỗ đó. Anh hỏi tiếp:
- Thế từ đây ra đó mất bao lâu?
- Hô ngữ đâu thằng kia?
- Nhưng tao có nói tiếng Việt đâu, đây là tác giả cho vào cho dễ hiểu.
- À được rồi, thế mày cứ đi đi
Anh nọ không hiểu, bước đi vài bước. 
- Thế từ đây ra đó mất bao lâu?
- Mày cứ đi đi 
Lặp đi lặp lại dăm ba lần gì đó. Anh này bực. 
- THẾ TỪ ĐÂY RA ĐÓ MẤT BAO LÂU?
- Khoảng 15 phút, tao phải biết tốc độ của mày đi bộ thì mới nói được chứ. 
Anh này gật gù, có lý. 
Hồi này chưa có Google Map. 
Và hãy nghĩ kỹ trước khi nói. Hoặc khi đưa ra kết luận.