Tháng Chạp lúc nào cũng hối hả. Cái hối hả tự nhiên của khoảnh khắc giao mùa. Xuân vội vàng đến, đông vội vàng đi. Dòng người trên phố cũ cũng vì thế mà hối hả theo. Phố rêu phong già nua chẳng còn dõi theo kịp nhịp bánh xe lăn trên mặt đường thơm mùi nhựa mới. Tầm này, ai cũng tất tả trăm công nghìn việc. Bạn bè chẳng còn kịp cái hẹn cà phê cuối năm. Vì tháng củ mật mà, thôi thì cố nốt để có cái Tết âm ấm. Mấy cô mấy chị “banker” ngày nào cũng tăng ca giải quyết đống giấy tờ giải ngân, đáo hạn, đôi mắt dán chặt vào màn hình Excel tính toán lượng kiều hối năm nay. Năm nay Covid “lộng hành” thế này, chẳng biết kiều bào bên Tây bên Tàu gửi về cho người nhà được mấy đồng. Vất vả người xa xứ, khốn khó người tha hương. Mấy anh mấy chú “cò mồi” bất động sản vắt tay lên trán tối ngày lo không bán cố bán vớt thì ra Giêng chẳng có khách mua đất, sắm nhà. Nhà người thì săn sóc sớm hôm, nhà mình thì cây đào cây quất còn chưa thấy bóng dáng tăm hơi. Nhãn hàng đua nhau thực hiện chiến dịch quảng cáo Tết, mấy Agency vận công toàn lực tác chiến, “cây bi ai” các bộ phận tăng vù vù… mà ngân sách Marketing đầu năm sau mới được duyệt chi. 
Chục ngày cuối năm, nhà nhà người người mang tâm lý “cố cho xong”. Việc công ty, việc nhà cửa, chuyện gì cũng muốn hoàn thành trước Tết nguyên đán. Phần vì mê tín, “việc năm nay chớ để năm sau” tránh được cái xui vận rủi. Phần vì nỗi lo quà bánh tứ phương. Con trẻ thì hấp háy đôi mắt trong chờ mong năm mới. Người lớn lại đỏ ngầu đôi mắt đục ái ngại xuân về. Năm ngoái, năm nay, lỡ rủi cả năm sau, dịch bệnh hoành hành phá tan phá tác cả. Kinh tế kiệt quệ suy thoái, doanh nghiệp không rõ còn “thở ôxy” được mấy mùa. Thưởng Tết chẳng biết được mấy đồng. Có vài đồng dư ra, mấy chuyến sắm sửa là hết bay. Tiền dương mà đốt nhanh chẳng khác mấy tiền âm. Nhà nào năm nay dành dụm được tí của thì còn vun vén bàn thờ gia tiên sung túc. Nhà nào loay hoay bài toán tài chính lại chỉ biết vái lạy xin các cụ thứ lỗi, gia chủ của ít lòng nhiều. Người ngồi ở cơ quan mà hồn cứ vất vưởng chỗ mấy hàng kẹo bánh ô mai, rượu ngoại. Không biết đã đủ quà cáp biếu sếp, tặng bố mẹ, gửi đối tác khách hàng chưa. Mỗi giỏ quà mệnh giá bao nhiêu để người ta vừa thương mình khó mà nâng đỡ, vừa thấy lòng mình rộng mà không bĩu môi. Tính tính toán toán thế nào mà đồng hồ đã điểm canh tan sở. Ngày mai lại bận hơn hôm nay. Về nhà nhìn bản thân phờ phạc vì lo cái lễ mà cứ ngỡ là vận động viên chạy nước rút, tăng tốc chặng cuối năm mà chẳng rõ có giành được cái “giải rút” gì không
Vài kẻ mộng mơ ngồi trong tòa nhà bốn bề kính mà lòng cứ nôn nao cảnh chợ Tết. Tầm này chắc phố Hàng Mã thay tấm áo đỏ chuẩn bị chúc xuân rồi. Chợ hoa Hàng Lược cũng nghiêng cành mai ngả cây đào đón vài vạt nắng mới óng. Đoạn này mà gác được công việc xuống, phóng vội ra phố ngó nghiêng, vươn vai hít thở cho đã, thì kể cả bụi mịn PM 2.5 cũng ngọt lành vị trời đất. Lòng người cứ như chia đôi, nửa trách nhiệm người lớn, nửa giấc mơ con trẻ. Cái thoáng thư thả gặp bạn gặp bè cà phê mấy bận cuối năm, ai cũng vừa mong mỏi vừa ngại ngần. Ngồi xuống nhìn lại năm cũ, chợt thấy thứ thêm vào chỉ là tuổi tác. Nhà cửa chưa ổn định, xe cộ chưa sắm sửa, nghề nghiệp vẫn lông bông, nhân duyên cũng chẳng buồn tìm đến. Thế này đầu năm đi chùa chắc phải khấn vái cả tiếng đồng hồ chưa hết mấy điều mong cầu. Một năm khép lại trọn vẹn đúng theo quy luật tự nhiên, mà lòng người vẫn cứ dang dở ngổn ngang chẳng thể đóng lại cho tròn. Tết này ba ngày mùng, gặp gỡ họ hàng hai bên, nghe những câu hỏi vốn chỉ là “miếng trầu đầu câu chuyện” cũng thấy lúng túng gãi đầu gãi tai, chẳng biết đáp sao cho phải. Năm mới hân hoan hội họp, chẳng ai dám dội nước lạnh vào ngọn lửa sum vầy bằng dăm lời nói thật. “Năm vừa rồi ấy mà, toàn những thất bại và mất mát”. 
Tết âm lịch, ai cũng cố vun khéo vén cho mâm cơm đủ đầy. Thế mà cái tròn lại làm lộ ra cái méo. Năm ngoái trong nhà có cây đào đá được tạo thế thượng phong uy nghiêm, năm nay chỉ còn cành đào phai cắm chơ vơ trên bàn thờ gia tiên. Người ta vẫn thế, vẫn kì công giấu nhẹm mấy điều mất mát. Nhẹ nhàng là mất công mất việc, nặng nề là mất nhà mất xe. Số lượng người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại Việt Nam năm 2021 là 1,4 triệu người. Trong con số hàng triệu ấy, có vài người lạ, mấy kẻ quen và ai đó nom thân thuộc như soi gương mỗi sáng. Kẻ làm công ăn lương thì canh cánh nỗi lo mất việc, do dịch bệnh liên miên kéo theo vài đợt “thanh trừng” nhân sự khiến đội ngũ CBCNV như đứng đống lửa như ngồi đống than. Kẻ kinh doanh buôn bán lại vắt tay lên trán ngẫm ngợi về những khoản vay nóng đến hạn thanh toán. Nhà cửa, xe cộ, thậm chí là bảo hiểm của con cái cũng đành đem ra cầm cố cho qua cái đoạn tai ương. Các cụ ta xưa vẫn có câu “Của đi thay người”, ý nói mất tiền vẫn còn là cái hạn nhỏ. Đời người như chuyến tàu tốc hành, mỗi người tình, người bạn, người thân lại xuống tại một bến đỗ. Nhưng đoàn tàu cũng vẫn cứ thế ì ạch chạy, chẳng thể vì một vị khách rời đi mà ngừng lăn bánh. Chỉ có điều, tốc độ dịch chuyển ngày càng chậm chạp lê thê như mang nặng vài khối sầu ưu tư. Năm dịch bệnh, vài kẻ lữ hành cô độc phải vẫy tay tiễn biệt người thân rời khỏi đường ray cuộc đời, trở về với đất lành mãi mãi. Toàn những chuyện mất mát và chia ly, liệu có ai muốn kể dịp Tết nhất? Mấy ngày đầu năm, người ta vốn quen trao đi và nhận lại hàng tá lời chúc khuôn sáo nhưng luôn làm nảy nở niềm hy vọng. Hy vọng đời mình khấm khá hơn, hy vọng đau thương nguôi ngoai, hy vọng duyên lành sớm đến. 
Mấy ngày tháng Chạp, ai cũng bận cả. Bận làm ăn, bận buôn bán, bận lo toan, bận tiếc nuối, bận mong chờ.