Đen.
Khi tôi đang trầm mặc trong những suy nghĩ về người em đã mất của ông ngoại vì đại dịch covid 19, một tiếng ting vang lên từ chiếc điện thoại thông minh. Lạ thay là tôi hiếm khi tắt thông báo của cái ứng dụng messenger ấy dẫu tôi chẳng hay có thú vui trả lời tin nhắn từ người khác ngay tức khắc.
Là chị họ tôi từ Hà Nội, cách xa nơi tôi đang sống hơn 1000 cây số.
“Em có muốn để ava sang màu đen không?” chị hỏi tôi, “dù sao đó cũng là người nhà chúng ta mà.”
Ngay lập tức, trong đầu tôi hiện lên câu hỏi từ khi nào chúng ta bắt đầu làm việc đó nhỉ - cái việc mà ta đổi ảnh đại diện trên các mạng xã hội sang màu đen mỗi khi có một thành viên trong gia đình qua đời. Tôi kìm lại dòng suy tư riêng rẽ của mình và ngay lập tức trả lời “Dạ thôi chắc em không để đâu ạ.”
Làm xong cái công việc xã giao đặc thù ấy, tôi tiếp tục đắm mình trong những suy nghĩ của bản thân. Từ khi nào mà chúng ta “xây dựng” nên một thói quen đổi ảnh đại diện Facebook sang màu đen, loan tin cho cả trăm “người bạn” mà khuôn mặt có lẽ ta cũng khó lòng hình dung.
Đắn đo trước những dòng suy nghĩ của chính mình, tôi mang câu chuyện ấy lên cạnh tách cà phê sáng của mẹ con chúng tôi.
Mẹ tôi vốn là người theo truyền thống, hứng thú và tôn thờ những giá trị xưa cũ. Trong những vấn đề về hội nhập, mẹ vẫn hay thốt ra những câu từ mang một vẻ bài xích, chẳng mấy lấy làm thích thú trong những cuộc trò chuyện ngắn củn cỡn với bố tôi như “riết rồi em chả thể hiểu nổi bọn trẻ bây giờ” hay “xã hội giờ khác quá anh nhỉ?”
Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra với ít những cảm xúc lên xuống như những lần bất đồng trước kia:
Tôi : “Tại sao người ta lại đổi ảnh đại diện sang màu đen khi có người nhà mất nhỉ mẹ?”. Tôi hỏi câu ấy không phải là để hỏi tại sao mà chỉ là cần sự khẳng định từ phía mẹ.
Mẹ : “Là để thông báo với mọi người nhà mình có tang.”
Tôi : “Hồi trước không có mạng xã hội có ai làm vậy bao giờ đâu?”
Mẹ : “Thì bây giờ có rồi, mình phải thông báo cho người quen chứ, rồi họ có thể gọi điện hỏi thăm hoặc không, chả sao cả nhưng vẫn phải đổi.”
Tôi dừng công việc gợi vấn đề mà mình đang làm lại, không muốn nổ ra bất kì một cuộc tranh luận nào trong tâm trí ảm đạm của mẹ tôi khi người bác cưu mang mẹ những năm đầu ở Sài Gòn vừa mất và vợ ông ấy có lẽ cũng đang nguy kịch vì dịch bệnh Covid-19.
Tôi chợt tìm tới những giá trị truyền thông mà mẹ vẫn luôn tôn thờ. Đối với dòng họ tôi, chúng tôi gọi điện thông báo về những sự việc đáng tiếc cho những người cần biết, rồi một gia đình này lại tự truyền tin tới gia đình của anh em người đó, bởi chúng tôi chẳng sức đâu mà gọi được cho tất cả những người cần liên hệ. Tất thảy thì chắc là bên nội, bên ngoại rồi họ hàng xa sẽ nhận được tin, nhiều đến mức tôi chẳng thể đếm xuể, bất ngờ trước những khuôn mặt đầy lạ lẫm nhưng lại liên quan tới tôi theo một cách nào đó.
Tính ra thì, những người ruột rà theo một cách thần kì nào đó sẽ biết tới đám tang. Còn bây giờ? Cả trăm người chẳng mấy thân thích đều biết cái điều ấy. Rồi họ lại cảm thấy như mình có nghĩa vụ phải hỏi thăm xã giao một vài câu, chia buồn cùng gia đình vì dù sao chị ta cũng làm bên phòng nhân sự công ty mình hay anh ta hồi đó là cậu bạn tiểu học chí cốt của mình. Rồi thì đang đau khổ là thế mà cái điện thoại cứ “ting” lên những tin nhắn chia buồn mà thoạt nhìn như được dạy từ trong sách giáo khoa của các thiết bị điện tử, câu nào cũng tựa câu nào, an toàn, ngắn gọn để tránh làm mất thời gian và chả chứa trong đó tí cảm xúc nào.
Ít ỏi trong những giá trị truyền thông mà tôi ngưỡng mộ - trực tiếp gọi điện báo tin cho người thân trong gia đình.