Theo tính toán của UNICEF, thế giới còn khoảng 1/5 dân số thiếu điện sinh hoạt và không đủ ánh sáng để làm việc, học tập. Nhưng dự án “Một lít ánh sáng” của doanh nhân Illac Diaz (Philippines) đang âm thầm thay đổi thực trạng trên, bằng những chiếc đèn không cần điện làm từ chai nhựa.
Thức tỉnh giữa cơn bão
Năm 2006, thời điểm Illac Diaz đang hoàn thành luận văn kiến trúc nhà giá rẻ, Philippines phải hứng chịu cơn bão Xangsane khủng khiếp, phá hủy hàng nghìn căn nhà và đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Giữa đống đổ nát, Illac đau lòng chứng kiến cảnh nhiều trẻ em nghèo bị bỏng do phải sử dụng đèn khí đốt để thắp sáng vì nguồn điện đã bị cắt. Bị kẹt lại trong thảm họa, anh phát hiện ra rằng nhiều vùng quê ngoại ô Manila thậm chí người dân còn không có điện sinh hoạt, đèn dầu được sử dụng cả trong những lớp học âm u ban ngày, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho học sinh.
Cảnh tượng đó đã thúc đẩy Illac Diaz đi tìm giải pháp thắp sáng giá rẻ cho dân nghèo mà không cần phụ thuộc vào điện. Và thế là dự án “Một lít ánh sáng” ra đời. Anh và nhóm cộng sự dùng chai nhựa rỗng chứa nước tẩy trắng, lắp vào khe hở trên mái nhà/lớp học. Ánh sáng mặt trời sẽ khúc xạ vào dung dịch trong chai, cung cấp ánh sáng tương đương bóng đèn 50 watt cho người dùng.
Giải pháp chiếu sáng chi phí thấp nhưng hiệu quả nhanh chóng lan rộng khắp Philippines, với ít nhất 350 nghìn “chai nước phát sáng” ra đời, biến rác thải nhựa trở nên hữu dụng và mang lại ánh sáng cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Social innovator raises ₱250,000 for COVID-19 efforts through ...

Illac Diaz sinh trưởng trong một gia đình danh giá, với điều kiện vật chất đủ đầy hơn hầu hết mọi người dân Philippines. Thế nhưng, cuộc sống xa hoa không biến anh trở thành một người vô cảm với xã hội, nhờ vào sự dạy dỗ văn minh của người mẹ. Từ bé, Illac đã theo chân mẹ mua gạo và thức ăn để phân phát định kỳ cho các hộ gia đình nghèo quanh khu phố. Bà còn khuyến khích anh chơi cùng với đám trẻ ở xóm lao động, thậm chí cho phép anh đến công xưởng để giúp đỡ bố mẹ chúng làm việc.
Chính những trải nghiệm này đã xóa mờ đi ranh giới giàu-nghèo trong nhận thức của Illac Diaz, khiến anh luôn trăn trở giấc mơ “lá lành đùm lá rách” từ thuở thiếu niên. Trước “Một lít ánh sáng”, Illac Diaz đã có nhiều chương trình hỗ trợ nơi ăn chốn ở cho tầng lớp lao động ven biển ở Philipines.
Đom đóm giữa rừng
Lòng trắc ẩn hình thành từ sự thấu hiểu cuộc sống người nghèo, hơn nữa, đã giúp Illac Diaz có triết lý giúp người dân thoát đói nghèo một cách bền vững.
Ban đầu, dự án “Một lít ánh sáng” chỉ có thể cung cấp ánh sáng vào ban ngày trong các căn nhà tối. Nhưng sau đó, nhóm của anh đã thiết kế một chiếc đèn led 1,5W ở phía trên chai (đóng vai trò như mặt trời), được nối với tấm pin năng lượng mặt trời, giúp phát sáng thêm ít nhất 2 tiếng đồng hồ vào ban đêm ở những nơi không có điện.
Một thay đổi nhỏ nhưng giúp trẻ em thiếu điện nay có thêm thời gian học buổi tối, hệ thống đèn đường từ chai nước cũng giảm thiểu khả năng gặp tai nạn của người dân trong làng. Trưởng làng Sitio Anipa (phía Đông Manila, Philippines) xúc động chia sẻ, hình ảnh ánh điện năng lượng mặt trời lập lòe giữa đêm trông như những con đom đóm thần kỳ dần đẩy lùi bóng tối và nghèo đói của người dân.
Nhưng Illac Diaz không lập nhà máy mà tìm cách sản xuất đèn năng lượng cấp độ làng xã. Anh đóng vai trò người hướng dẫn, đào tạo người trong làng có kỹ năng lắp ráp và sửa chữa các đèn năng lượng theo vật liệu đã được cung cấp. Người trực tiếp sản xuất sẽ được nhận tiền hoặc có thể cho thuê sản phẩm của chính mình để kiếm khoản tiền nhỏ. Bằng cách này, Illac Diaz trao sự chủ động cho đối tượng thụ hưởng, khuyến khích họ đứng lên thay đổi số phận chính mình và đồng thời cũng huy động sức sáng tạo của những người mang mặc cảm đói nghèo, thất học. Bản thân anh cũng ngạc nhiên trước câu chuyện một phụ nữ mù chữ ở châu Phi, sau khi được dự án hướng dẫn ráp đèn, đã mày mò chế tạo bộ sạc năng lượng mặt trời từ đồ điện tử bỏ đi ở bãi rác.
Không những thế, anh còn hợp tác với các nhà tù để hướng dẫn tù nhân cùng tham gia sản xuất bóng đèn cho người nghèo, với ý tưởng rằng ngay cả những người lầm lỗi cũng có thể giúp đỡ những thân phận kém may hơn mình. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ thiết kế đèn của mình cho bất kỳ nhà hoạt động xã hội nào muốn chung tay. Mô hình “từ thiện mở” mà Illac Diaz nghĩ ra là nhân tố quan trọng khiến “Một lít ánh sáng” có sức lan tỏa khổng lồ đến hàng triệu người ở 30 quốc gia.
Tin ở con người
Lý giải cho những thành công ban đầu của “Một lít ánh sáng”, Illac Diaz nhấn mạnh rằng anh luôn có lòng tin vào khả năng tiềm ẩn của con người, dù là trong hoàn cảnh khốn cùng nhất. Anh khiêm nhường nói bản thân chỉ là một người khơi nguồn và tất cả thành quả hiện tại đều là công sức của chính người đói cơm, đói điện ở khắp nơi.
Vì lẽ đó, Illac Diaz tiếp tục thực hiện tham vọng trao cơ hội đổi đời cho người nghèo ở mức cao hơn. Anh đang có kế hoạch “máy tính 35 USD” chạy bằng năng lượng mặt trời, có kết nối internet để trở thành trung tâm tri thức cho các thôn, làng. Hay gần gũi hơn, những bình sạc điện mặt trời đã giúp cho những người đói điện ở Philippines lần đầu tiên trong đời được dùng tivi, được hát karaoke. Ánh sáng điện và ánh sáng tri thức là hành trang không thể tuyệt vời hơn để những đứa trẻ nơi đây đứng lên thoát nghèo.
Theo chia sẻ của Illac Diaz, tên anh trong tiếng Aztec cổ có nghĩa là “Thần Ánh sáng” và như định mệnh, giờ anh là người sáng lập dự án mang ánh sáng cho người nghèo. Nhưng chẳng có sức mạnh thần linh nào làm nên thành công của “Một lít ánh sáng” ngoài sự nỗ lực và khao khát “làm gì đó có ích cho đời” của Illac Diaz. Bởi, “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình” – nhà văn Nam Cao.